Mỗi năm hè về tôi lại đau đầu với mấy đứa em trong nhà. Lúc nhỏ chúng đáng yêu và dễ thương bao nhiêu thì càng lớn chúng càng cứng đầu và khỏ bảo bấy nhiêu. Nhưng vấn đề lớn nhất mà tôi thấy ở chúng là chứng nghiện điện thoại đến ám ảnh thậm chí là thất thần khi không có nó. Những lúc thấy chúng cắm mặt theo đúng nghĩa đen vào mấy cái điện thoại thông minh rồi cũng vuốt vuốt như thể người lớn tôi lại thầm so sánh với bản thân mình khi còn ở độ tuổi đó.
Hồi nhỏ tôi không phải là đứa trẻ ham chơi cho lắm nhưng cũng là đứa thích tham gia vào mấy trò vớ vấn của đám con nít. Thứ công nghệ cao duy nhất mà chúng tôi được tiếp xúc cho đến khi biết đến chiếc điện thoại đầu tiên là cái TV kèm theo đầu đĩa hay máy quay băng để xem phim. Nhắc đến điều này có lẽ nhiều người sẽ giống tôi khi mà cả xóm chỉ vài nhà là có cái TV ổn định hẳn hoi và trong số đó cũng một hai nhà là thêm được đầu đĩa. Vậy nên những nhà ấy nghiễm nhiên trở thành cái rạp chiếu phim miễn phí của cả đám trẻ trong xóm.
Bây giờ nhìn mấy đứa em mỗi đứa một cái điện thoại thích xem gì thì xem thậm chí là cả những nội dung không phù hợp với lứa tuổi (có mấy cái đến cả mình cũng chẳng xem bao giờ) lại nhớ hình ảnh những cái đầu tụm lại quanh một chiếc TV rồi đứa nằm đứa ngồi say sưa xem hết một bộ phim siêu nhân hay hoạt hình mà chẳng biết là chúng nó giờ sướng hay ngày xưa mình khổ. Có những đĩa phim cứ phải xem đi xem lại đến thuộc cả lời nhân vật vì không kiếm đâu ra được đĩa mới.
Có lần tôi hỏi mấy đứa em tôi có biêt chơi ô ăn quan hay cờ gánh, cờ úp hay không thì đúng là chẳng đứa nào biết mấy trò chơi dân gian đó cả. Bọn chúng chỉ biết những siêu anh hùng, những thần tượng mạng, bi bô những bài hát yêu đương nghe đến phát ngại và rất nhiều thứ trôi nổi trên youtube nữa. Đương nhiên input của chúng nó thế nào thì output sẽ như thế đó nên tôi không ngạc nhiên lắm. Tôi chỉ thầm tự nhủ vậy là mấy đứa “khổ” hơn anh hồi xưa rồi.
Nói chúng nó “khổ” vì chúng không được tận hưởng những niềm vui thật sự của tuổi thơ, không được sống đúng với tuổi của mình và hơn hết là bị phá hoại nhân cách cùng suy nghĩ trầm trọng. Những “bảo mẫu công nghệ” (smart phone, TV internet hay máy tình bảng, laptop) đã dẫn thay thế vai trò của cha mẹ trong việc chăm sóc con cái vậy nên mấy đứa em tôi đứa nào cũng khó bảo, hay lý sự và lúc nào cũng sẵn sàng đánh đấm.
Tất nhiên là mỗi thời đại mỗi khác và trẻ con được tiếp cận với công nghệ cũng không có gì là sai. Nhưng hãy để tuổi thơ của những đứa trẻ thực sự là khoảng thời gian đáng nhớ bởi những niềm vui chân thật và giản dị. Điện thoại vẫn có thể xem, internet vẫn có thể dùng nhưng hãy hướng chúng đến những mục đích nhân văn và mang tính giáo dục hơn.
Còn bây giờ tôi sẽ dẫn những đứa em của mình ra ngoài chơi ô ăn quan…