1. Dẫn nhập:

        Trong giới hạn nguồn lực về thời gian của cuộc đời, tôi và bạn dành khoảng 1/3 thời gian cho giấc ngủ, 1/3 cho công việc, 1/6 dành cho những hoạt động thiết yếu (ăn, uống, đi lại, vscn…). Nếu như bạn đang sống với công việc mà bản thân không yêu thích, thì bạn chỉ được quyền tận hưởng vào 1/6 cuộc đời còn lại mà thôi. Tuy nhiên, không ít người nướng luôn 1/6 này để suy nghĩ, lo toan về công việc, khi này đời họ còn lại gì?       
Nhàm chán và chống nhàm chán

2. Một góc nhìn:

        Mỗi hạt giống đều mang trong mình một vẻ đẹp, ý nghĩa, giá trị riêng biệt, hoa hồng, hoa hướng dương, hoa huệ, hoa lan… mỗi loài hoa đều có một nét, một sắc màu độc nhất; không thể lấy nhận thức chủ quan mà so sánh rằng hoa này đẹp hơn, có ích hơn hoa kia.
        Cũng vậy, con người đến với thế giới này, mỗi người đều có một nơi mà họ thuộc về, một sứ mạng cần phải thực hiện. Có thể nói mục đích của cuộc sống này là cống hiến cho sứ mệnh đó. 
        Những con người được sống đúng với sứ mệnh là Mozart với âm nhạc; Mario Puzo với văn chương; Tesla, Einstein với khoa học; Fleming với y học… Một điểm chung là họ đều say mê, yêu thích việc làm của bản thân, họ xem đó là chân lý sống, niềm hạnh phúc tột độ.
        Tuy nhiên, đa số con người hiện đại không được may mắn như vậy. Xã hội gạt phăng sứ mạng thiêng liêng, riêng biệt này của cá nhân, đặt ra một mục tiêu chung cho tất cả, kiếm tiền và hưởng thụ vật chất.
        Cùng với đó, giá trị con người bị san bằng theo một hệ thống quy chuẩn, được lượng hóa bằng điểm số. Họ đánh giá khả năng của con cá, con chó, con khỉ, con voi… qua một vài tiêu chí nhất định (thứ họ cần), khiến những cá nhân bị loại tin tưởng rằng bản thân thất bại, vô dụng.
        Kết quả là sau 18 năm đến trường, hay nói đúng hơn là sau khi trải qua hệ thống sản xuất lao động phù hợp với nền văn minh cơ giới. 
        Những con người phù hợp được sử dụng, số còn lại bị đào thải. Nhưng dù được sử dụng hay đào thải thì họ đều không được dạy để nhận ra mục đích cuộc đời, sứ mạng hay đam mê thực sự của bản thân.
        Sau khi đi làm một thời gian, có thể vài người nhận ra gì đó sai sai và họ bắt đầu đi tìm kiếm nơi mà bản thân thuộc về. Tuy nhiên, đây là một hành trình gian nan, khó khăn, vất vả, cần rất nhiều nỗ lực.
        Song hành với quá trình này, là rất nhiều áp lực trên vai, kỳ vọng từ xã hội, ba mẹ, thầy cô, sự so sánh với bạn bè cùng trang lứa, áp lực thể hiện bản thân... Nếu xét đến cùng thì không có gì trong số này quan trọng hơn việc tìm thấy và sống đúng với đam mê của bản thân. Nhưng họ không đủ dũng khí để bước tiếp, buông xuôi ước mơ, buông xuôi con đường tìm kiếm mảnh đất phù hợp mà lao vào cuộc sống mưu sinh, với công việc mà họ chẳng hề yêu thích.
        Bằng chứng: Một nghiên cứu mới của JobStreet Việt Nam,với mẫu khảo sát 13000 người. Kết luận 85% lao động không hài lòng, yêu thích công việc hiện tại. (https://www.jobstreet.vn/blog/gan-85-ung-vien-khong-hai-long-voi-viec-lam-hien-tai/).
        Con số này là Nhật Bản là trên 90%. Nghiên cứu của tổ chức IPSS - International Social Survey Programme.
        Một nguyên nhân nữa, với một tâm thức non nớt, chưa hiểu rõ về bản thân cùng với nhận thức hạn hẹp về tâm lý học. Đa số nhân loại sống như một con rối bị thao túng bởi giới tinh hoa thông qua truyền thông, sách, báo, quảng cáo, phim ảnh...

3. Một câu chuyện nhỏ: (sưu tầm)

        "Có hai anh em nọ nhà ở trên tầng 80 của một khu chung cư.
        Một hôm, họ đi du lịch về và phát hiện ra toàn khu chung cư đã bị cắt điện. Khi ấy, họ đều khệ nệ vác chiếc ba lô to kềnh càng trên lưng, nhưng ngoài đi thang bộ ra thì họ hoàn toàn không còn sự lựa chọn nào khác.
        Hai anh em nghiến răng nghiến lợi vác hai chiếc ba lô du lịch lên đến tầng 20. Cả hai đều thấm mệt nên thống nhất để tạm hai chiếc ba lô ở đây, khi nào có điện thì đi thang máy xuống lấy. Sau đó, hai người tiếp tục đi lên, vì không còn ba lô nên họ cũng cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.
        Hai người vừa đi vừa cười nói rất vui vẻ. Khi lên đến tầng 40, họ thực sự không trụ nổi nữa, nên đành ngồi bệt xuống thở dốc. Nghĩ đến việc còn tận 40 tầng nữa, hai anh em bắt đầu chỉ trích lẫn nhau vì cứ cố chấp để đến mức rơi vào tình cảnh trớ trêu này.
        Sau một hồi nghỉ ngơi, hai người lại tiếp tục hành trình, nhưng họ vừa đi vừa cãi nhau nên hết sức mệt mỏi. Lên đến tầng 60, chẳng còn sức để cãi cọ nữa, họ đành im lặng, cắm đầu leo lên tiếp chặng đường dài phía trước.
        Cuối cùng, trải qua bao vất vả, hai anh em cũng về đến nhà. Leo hết 80 tầng lầu thật không hề đơn giản chút nào. Thế nhưng, họ còn chưa kịp vui sướng vì đã hoàn thành mục tiêu thì lại phát hiện ra sự thật trái ngang: chìa khóa nhà vẫn để ở trong chiếc ba lô vứt tại tầng 20…
        Câu chuyện này tưởng chừng rất đơn giản, nhưng lại phản ánh rất chân thực về cuộc đời của con người. Trước năm 20 tuổi, chúng ta luôn sống trong áp lực kì vọng của phụ huynh và thầy cô giáo, khi ấy năng lực bản thân còn hạn chế, tính cách còn chưa đủ trưởng thành, vì vậy mà mọi bước đi đều không vững vàng.
        Sau tuổi  20, chúng ta được rũ bỏ mọi áp lực đè nặng bấy lâu, dốc hết tâm sức theo đuổi đam mê và khát vọng, 20 năm thanh xuân trôi qua vui vẻ và nhanh chóng như vậy đấy.
        Khi 40 tuổi, chúng ta sẽ cảm nhận được tuổi thanh xuân đã rời bỏ mình và không khỏi cảm thấy hối hận, nuối tiếc những việc còn chưa làm được, thế là chúng ta bắt đầu oán giận điều này, trách móc điều kia…Cứ như vậy, 20 năm tiếp đó lại nhanh chóng trôi đi.
        Đến lúc 60 tuổi, chúng ta tự biết quãng thời gian còn lại không nhiều, mới biết tự nhủ lòng đừng oán trách, luyến tiếc điều gì nữa, đồng thời phải biết trân trọng mỗi ngày đang dần trôi qua, âm thầm đi những bước cuối cùng của cuộc đời.
        Cho tới những năm cuối cùng, chúng ta bỗng thảng thốt nhận ra nhiều tâm nguyện còn chưa hoàn thành và đau xót nhận ra rằng, những mơ ước, nhiệt huyết của bản thân đều để hết ở tuổi 20 kia mất rồi...
        Thời gian chẳng đợi chờ ai bao giờ, đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Thế nên, thay vì ngồi trách móc hay luyến tiếc cho những gì đã qua, chúng ta nên có cái nhìn tích cực vào những điều trước mắt. Trân trọng từng giây phút mà cuộc sống đã ban tặng, sống một cuộc đời có ý nghĩa, đó chính là mục tiêu mà mỗi người nên đặt ra cho mình."

4. Kết:

    Với mong muốn chia sẻ một góc nhìn của bản thân về vấn đề này, mình hy vọng các bạn sẽ nhận ra một sự thật về công việc nói riêng và cuộc đời nói chung. Và mình rất mong được nghe những góp ý, góc nhìn của các bạn, mình xin cảm ơn.

Tác giả: Hồ Như Ý - Nam - 23 tuổi.
Trình độ: Cử nhân Đại Học Ngoại Thương cs2 tại TP HCM.
Công việc: Biên tập viên, Trader.