Cha Con Giáo Hoàng - thiên sử thi lãng mạn xen lẫn màu sắc chính trị đen tối
Quyển tiểu thuyết khá đặc biệt, tưởng hổng hay nhưng lại hay hổng tưởng
Cha con giáo hoàng là một thiên tiểu thuyết pha chất sử thi, nằm trong những tuyển tập được sáng tác bởi Mario Puzo. Đây là quyển tiểu thuyết không viết về giới mafia mà đi sâu về chính trị, mang người đọc du hành đến thời Phục Hưng của châu Âu, nơi Giáo hội nắm quyền thống trị tối cao, nơi lửa tham vọng ngùn ngụt cháy dưới tấm áo choàng đỏ rực, có khi còn tàn khốc hơn cả giới mafia. Xuyên suốt tiểu thuyết là câu chuyện về mối quan hệ cha con kì lạ; gắn bó nhau bởi quan hệ huyết thống, nhưng kèm theo đó là những công trạng và tội lỗi của gia tộc này mãi mãi được lưu truyền hậu thế: gia đình Borgia.
Mở đầu truyện, Rodrigue Borgia - đang là một Hồng Y. Tận dụng lúc Giáo hoàng đương nhiệm vừa mới băng hà thì ông ta đã thực hiện những phi vụ hối lộ và hứa hẹn về tiền tài quyền lực để tranh cử chức Giáo hoàng, sau đó ông ta thành công và trở thành Giáo Hoàng của Giáo hội, lấy tên là Alexander V. Từ đây, ông ta bắt đầu con đường chinh phục quyền lực bằng địa vị của mình.
Giáo hoàng phong cho con cả (Cesare) là Hồng Y, mặc dù anh ta mê chiến trận hơn là học những giáo lý. Mặc khác, ông ta để cho con gái mình là Lucrezia, cưới những quý tộc mà ông ta cảm thấy có lợi cho con đường chinh phục quyền lực của mình, để rồi sau đó chính ông ta đã bày ra và chứng kiến cảnh yêu đương mặn nồng của hai anh em ruột - Cesare và Lucrezia.
Qua những cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa tiểu quốc của nước Ý thời đó như Milan, Naples, Rome,... cho đến thế lực ngoại bang như Tây Ban Nha, Pháp luôn sẵn sàng can thiệp vào nội bộ nước Ý, ta có thể thấy là Giáo hoàng có khôn ngoan, tàn bạo hay ngoại giao tài giỏi thì gia đình ông cũng không tránh khỏi những cái chết bi thảm: Juan, người con trai thứ đã bị giết bởi người con út Joffre; chính Giáo Hoàng bị hạ độc chết thảm "thân xác ông nhanh chóng chuyển sang màu đen, và trường phồng đến độ phải nhét hết sức mới lọt vào quan tài"; Sancia (vợ Joffre chết dần chết mòn trong ngục bởi bạo lực tình dục).
Về Cesare, một vị tướng lĩnh tài ba đã giành không ít những chiến công với mong muốn thống nhất các tiểu quốc của nước Ý, song song đó chàng ta cũng có thêm nhiều kẻ thù, ngay chính nội bộ quân tình của mình. Sau khi Giáo Hoàng mất, chàng ta lưu lạc sang Tây Ban Nha, chiến đấu và hy sinh anh dũng trên chiến trường trước khi nghĩ đến Lucrezia lần cuối cùng.
Hơn hết, Lucrezia Borgia - người đáng thương nhất trong cả tác phẩm này, cũng một phần từ những hệ lụy đến cha và anh trai nàng. Nàng như một quân cờ chính trị để cha nàng thực hiện tham vọng quyền lực thông qua việc có 3 đời chồng, hai cuộc hôn nhân đầu không hề hạnh phúc vì những nguyên nhân khác nhau, ngay chính nàng cũng đã có con với Cesare - kết quả của một mối tình ngang trái, nhưng chí ít nàng cũng sống hạnh phúc với gia đình mới cho đến cuối đời.
Chương cuối cùng có lẽ là chương giành riêng cho Lucrezia, nàng về nơi chốn cũ để hồi tưởng lại những kí ức tươi đẹp thời thơ ấu về cha và anh trai mình, về "căn lều vàng" có người cha yêu thương đầy trách nhiệm, hay "mặt hồ lấp lánh ánh bạc", nơi mà nàng có thể nghe thấy giọng nói của anh Cesare vang lên trong tuổi thơ hồn nhiên của mình. "Đừng lo, Crezia, anh sẽ cứu em mà", để rồi sau đó chính nàng đã rải tro cốt của Cesare xuống hồ nước đầy kỉ niệm thân thương đó.
Xuyên suốt "Cha con Giáo Hoàng", ta vẫn thấy chất lãng mạn của tình yêu có mặt khắp mọi nơi như tình cha con, tình anh em hay tình yêu đôi lứa xen lẫn những tình tiết tàn khốc đẫm máu trên chiến trường đầy tham vọng và quyền lực. Tất nhiên điểm nhấn vẫn là mối tình loạn luân giữa anh em ruột - Cesare và Lucrezia. Ngoài tình yêu, ta có thể thấy được tình dục, nhất là ở Giáo Hoàng vẫn cần điều đó với cả gái hạng sang. Mario Puzo cũng đánh giá Cesare ở cả điểm này "Cesare cũng phạm tội loạn luân, vừa với cả em gái ruột lẫn em dâu ra sao. Chàng ta đã cho một thằng em mọc sừng và biến thằng em kia thành một xác chết. Hiếp dâm là thú vui đặc biệt của Cesare".
Tóm lại, đây là quyển tiểu thuyết cuối cùng của Puzo, và mình đánh giá hay chỉ sau The Godfather. Một thiên sử thi rất đáng đọc, nó là tâm huyết nghiên cứu của Mario Puzo suốt 20 năm trời. Và hơn hết nó còn là một di nguyện mà trước khi mất Puzo đã nhờ cộng sự của mình - Carol Gino hoàn thành nó và xuất bản, để cho ta thấy vị trí của gia tộc Borgia vừa có công lẫn tội trong lịch sử Trung Đại châu Âu.
Nguồn tham khảo: Goodread, tiểu thuyết "Cha con Giáo Hoàng".
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất