Cây liễu mù, người đàn bà ngủ (2) - Haruki Murakami
Tôi nhớ lại cô bạn gái của cậu bạn cũ, về những con ruồi đang làm ổ trong lỗ tai cô. Phấn hoa ngọt ngào bám trên những cái chân nhỏ bé, đào một cái ổ trong cái hang sâu thẳm tối của cô gái.
Người yêu của cậu mặc bộ pyjamas màu xanh với một áo khoác mỏng, dài đến đầu gối. Ba đứa ngồi trong căn tin, hút Short Hope, uống Coca và ăn kem. Cô gái hẳn rất đói bụng, cô ăn liên tục hai bánh donut bọc đường và uống một ly Coca phủ đầy kem. Thế mà hình như chưa đủ.
“Cứ thế này thì khi ra viện em sẽ không khác gì một quả bóng đâu.” cậu bạn tôi nói trong kinh hãi.
“Không sao đâu, em đang dưỡng bệnh mà.”, cô vừa nói vừa lau những ngón tay dính đầy dầu.
Khi hai người nói chuyện, tôi nhìn ra những cây trúc đào ngoài cửa sổ. Trông chúng thật to lớn, như một khu rừng nhỏ. Tôi nghe tiếng sóng vỗ. Ban công ngoài cửa sổ bị rỉ sét vì sóng biển. Quạt trần kiểu cũ không giúp cho cái nóng biến mất mà còn khiến cho căn phòng thêm ngột ngạt. Căn tin đầy mùi bệnh viện, cả thức ăn cũng vậy.
Áo ngủ của cô gái có hai túi trước ngực, trong một túi đựng một cây bút màu vàng. Mỗi khi cô nhướn người lên, tôi đều có thể thấy phần ngực trắng mềm nhấp nhô bên dưới cổ áo chữ V.
Dòng kí ức bỗng nhiên chững lại. Tôi cố gắng nhớ lại những gì xảy ra tiếp theo. Tôi uống Coca, nhìn hàng trúc đào, đôi khi mắt khẽ nhìn ngực cô gái, rồi gì nữa? Tôi ngả người ra ghế, hai tay chống đầu, cố gắng đào sâu trong mớ kí ức hỗn độn, như dùng một con dao khui nút bấc ra khỏi chai rượu.
Tôi nghiêng đầu sang một bên, tưởng tượng ra khung cảnh bác sĩ tiến hành phẫu thuật ngực cô gái, đeo găng tay vào, thò những ngón tay lạnh lẽo vào khuôn ngực banh rộng, nắn vào từng khúc xương trắng bị uốn cong. Nhưng sao mọi thứ lại có vẻ siêu thực như một câu chuyện ngụ ngôn?
Phải rồi, sau đó chúng tôi nói về tình dục. Phần lớn là do cậu bạn tôi nói. Cậu ấy đã nói gì nhỉ? Hình như là về tôi, tôi nghĩ vậy, về việc tôi đã khổ sở như thế nào để làm tình với một cô gái. Cậu ấy không kể một câu chuyện có đầu đuôi, chỉ là vài lời bộc phát và khiến cho cô bạn gái cười nghiêng ngả. Tôi cũng cười. Cậu ấy là một người kể chuyện giỏi.
“Làm ơn đừng làm em cười, mỗi khi cười ngực em đau lắm.”, cô gái nói, mặt hơi nhăn lại vì đau.
“Đau ở đâu?”, bạn tôi hỏi.
Cô gái chỉ vào vị trí gần tim bên ngực trái. Cậu bạn lại nghĩ ra một câu đùa về điều ấy và cô gái lại cười.
Tôi nhìn đồng hồ. Đã 11 giờ 45 nhưng em họ tôi vẫn chưa kết thúc buổi khám. Gần đến giờ ăn trưa nên căn tin bắt đầu trở nên đông đúc hơn. Tạp âm trộn lẫn vào nhau như khói bay khắp phòng. Tôi quay trở lại dòng kí ức. Tôi lại nhìn thấy cây bút vàng trong túi ngực trái của cô gái.
Bây giờ tôi nhớ rồi. Cô đã dùng cây bút ấy để viết gì đó trên khăn giấy.
Cô đã vẽ một bức tranh. Tờ khăn giấy quá mỏng nên đầu bút của cô thường bị vướng lại. Cô vẫn tiếp tục bức tranh. Cô vẽ một ngọn đồi. Một ngôi nhà nhỏ trên ngọn đồi. Một người phụ nữ nằm ngủ trong ngôi nhà. Ngôi nhà được bao bọc bởi một rừng cây liễu mù. Những cây liễu mù đã ru người phụ nữ vào giấc ngủ.
“Cây liễu mù là cái quái gì?”, bạn tôi hỏi.
“Có một loại cây như vậy đó.”
“Chà, anh chưa bao giờ nghe tới nó.”
“Hẳn rồi, vì em là người tạo ra nó mà.”, cô gái trả lời, miệng mỉm cười. “Cây liễu mù có rất nhiều phấn hoa, thu hút nhiều ruồi, những con ruồi bay chui vào tai nàng và nàng ngủ say.”
Cô gái lấy thêm một tờ giấy ăn khác và vẽ một cây liễu mù. Cây liễu mù được phác họa có kích thước bằng một cây du. Cây nở đầy hoa, tán lá xanh sẫm, những chiếc lá bảng to trông như đuôi của thằn lằn cong lại. Cây liễu mù trông chẳng giống cây liễu.
“Cậu còn điếu nào không?”, bạn tôi hỏi. Tôi thảy bao Hope và vài quy diêm sang.
“Cây liễu mù trông có vẻ nhỏ ở bên ngoài nhưng rễ của nó to lắm.”, cô gái giải thích. “Thật ra thì nó không lớn lên ở phía trên mà ở phía dưới. Cứ như bóng tối là nguồn dinh dưỡng của nó vậy.”
“Rồi lũ ruồi lấy phấn hoa từ cái cây và chui vào tai nàng ru nàng ngủ.”, cậu bạn tôi thêm vào, dù vẫn đang vật lộn với mớ diêm ẩm mồ hôi. “Sau đó lũ ruồi đi đâu nữa?”
“Chúng ở trong cơ thể nàng và ăn thịt nàng, một cách tự nhiên.”, cô gái đáp.
“Ăn ngấu nghiến cho đến khi không còn gì cả.”, cậu bạn tôi chấm dứt câu chuyện.
Bây giờ tôi đã nhớ cô gái vào mùa hè năm ấy đã viết một bài thơ dài để giải thích cho chúng tôi nghe về cây liễu mù. Đó là bài tập về nhà duy nhất của cô ấy vào mùa hè. Cô phải viết một câu chuyện từ một giấc mơ của mình, và cô viết bài thơ về nó trong một tuần. Cậu bạn tôi bảo rằng muốn đọc nó, cô lắc đầu không chịu vì cô vẫn còn đang sửa nó, để an ủi bạn trai, cô vẽ những bức tranh tóm tắt lại những ý chính.
Một người đàn ông leo lên đỉnh đồi để cứu người phụ nữ say ngủ.
“Đó hẳn là anh đúng không?”, cậu bạn tôi hỏi.
“Không, không phải anh đâu.”, cô gái lắc đầu.
“Em chắc chứ?”, cậu ấy hỏi lại.
“Chắc mà.”, cô gái nghiêm túc trả lời. “Em không biết vì sao đó không phải anh. Anh sẽ không giận em đâu nhỉ?”
“Làm sao mà không giận được?”, cậu nhướng mày, nửa đùa nửa thật.
Người đàn ông đi xuyên qua khu rừng liễu mù để lên đỉnh đồi. Anh ta là người đầu tiên đến đó sau khi những cây liễu bắt đầu mọc đầy. Người đàn ông kéo thấp mũ, lấy tay xua lũ ruồi đi, cứ thế mà đi lên cao để tìm thấy người phụ nữ đang say giấc, để đánh thức nàng khỏi cơn mộng mị.
“Nhưng khi anh ta đến nơi thì người phụ nữ đã bị lũ ruồi ăn hết rồi, phải không?”, cậu bạn tôi hỏi.
“Theo một cách nào đó.”, cô gái nói.
“Người phụ nữ bị lũ ruồi ăn hết theo một cách nào đó là một chuyện bi kịch, nhỉ?”
Cô gái suy nghĩ một lúc và trả lời, “Phải, em nghĩ vậy., và cô hỏi tôi, “Còn anh nghĩ như thế nào?”
“Anh nghĩ đó là một câu chuyện buồn.”, tôi đáp.
12 giờ 12 phút, em họ tôi trở lại. Thằng bé mang thêm một túi nhỏ đựng thuốc, trông nó hơi lơ đãng. Khi đến trước cửa căng tin, phải mất một lúc sau nó mới nhìn thấy và đến chỗ tôi. Thằng bé bước đi thật vụng về, như thể hai chân không giữ được thăng bằng. Nó ngồi trước mặt tôi, thở một hơi thật sâu, trông có vẻ đã quên mất việc phải thở khá lâu.
“Như thế nào rồi?”, tôi hỏi.
“Hừm…”, tôi chờ thằng bé nói thêm gì đó, nhưng nó vẫn im lặng.
“Em đói không?”, tôi đổi câu hỏi.
Nó gật đầu, vẫn không nói gì.
“Em muốn ăn ở đây hay là về lại thị trấn ăn?”
Thằng bé ngập ngừng nhìn quanh căn tin rồi bảo, “Ăn ở đây cũng được ạ.”
Tôi mua phiếu ăn và gọi hai phần ăn trưa. Khi đồ ăn được đem lên, nó bắt đầu đưa mắt ra cửa sổ, nhìn quang cảnh khi nãy tôi nhìn - bãi biển, hàng cây du, vòi nước xoay tự động.
Bàn bên cạnh chúng tôi là một cặp vợ chồng ngồi ngay ngắn, vừa ăn sandwich vừa nói về một người bạn mắc ung thư phổi. Ông ấy đã bỏ thuốc vào 5 năm trước nhưng đã quá muộn, mỗi sáng thức dậy đều nôn ra máu. Người vợ hỏi, người chồng trả lời. Người chồng bảo rằng trong một vài trường hợp, nhìn căn bệnh ung thư của một người cũng có thể nhìn thấy được cả cuộc đời người đó rồi.
Chúng tôi ăn bít tết Salisbury và cá chiên, kèm salad trộn và bánh mì tròn. Chúng tôi ngồi đối diện nhau và ăn trong im lặng. Trong lúc đó, người chồng ở bên cạnh đang giải thích về các tiến trình của ung thư, nó bắt đầu như thế nào, kết thúc ra sao, và vì sao con người không thể thoát khỏi nó dù đã can thiệp bao nhiêu thuốc men.
“Đi đâu cũng giống nhau cả”, thằng bé vừa nói vừa nhìn chằm chằm vào hai bàn tay. “Hỏi những câu hỏi cũ, lặp lại những bài kiểm tra.”
Chúng tôi ngồi chờ xe bus trước cổng bệnh viện. Thỉnh thoảng một cơn gió thổi ngang qua làm xào xạt đám lá trên đầu.
“Đôi khi em không thể nghe được gì hết à?”, tôi hỏi.
“Vâng.”, thằng bé đáp, “Em chẳng nghe được gì.”
“Cảm giác ấy thế nào?”
Thằng bé nghiêng đầu ra chiều nghĩ ngợi. “Tự nhiên không thể nghe được thứ gì, nhưng cảm giác khi mình biết được điều ấy phải mất một lúc sau. Khi em biết mình không thể nghe gì, lúc đó em đã trong trạng thái ngồi dưới đáy biển sâu với hai tai bị bịt chặt. Nhưng không phải chuyện thính giác không. Không nghe được chỉ là một phần của cảm giác ấy thôi.”
“Em có khó chịu lắm không?”
Nó lắc đầu mạnh mẽ. “Em không khó chịu đến thế. Chỉ là nhiều khi hơi bất tiện thôi, anh biết đó, chẳng nghe được gì mà.”
Tôi cố mường tượng ra cảm giác ấy của thằng bé, nhưng chẳng nghĩ ra được điều gì.
“Anh xem phim ‘Pháo đài Apache’ của John Ford chưa?”
“Ừ, anh xem lâu rồi.”
“Em mới xem lại vì người ta chiếu nó trên ti vi. Phim hay thật.”
Tôi lẳng lặng đồng ý với nó.
“Đầu phim có một ông đại tá được chuyển ra pháo đài ở phía tây. Lúc đến nơi ông ta gặp một ông đại úy đã về hưu. John Wayne đóng vai đại úy. Ông đại tá mới đến nên không biết rõ tình hình ở đây, thổ dân da đỏ đang nổi dậy khắp pháo đài.”
Em họ tôi lấy ra một cái khăn trắng trong túi áo và lau miệng.
“Thế là ông ta đến chỗ John Wayne và nói ‘Trên đường đi tôi nhìn thấy vài đứa thổ dân.’.Và John Wayne trả lời với thái độ điềm nhiên ‘Đừng lo. Nếu ông thấy vai tên, tức là thực sự chẳng có tên nào cả.’. Em không nhớ rõ lời thoại, nhưng chắc chắn là từa tựa như vậy. Anh có hiểu ý ông ta không?”
Tôi không nhớ bất kì lời thoại nào như vậy từ ‘Pháo đài Apache’, nghe có vẻ gì đó thâm thúy khó hiểu, không giống phim của John Ford. Nhưng đã lâu rồi tôi không xem phim của John Ford.
“Anh nghĩ là những gì mà nhiều người nhìn thấy không hẳn là thứ phải đáng chú ý… Anh đoán vậy.”
Thằng bé cau mày. “Em cũng chẳng biết nó có nghĩa gì, nhưng mỗi lần có người nói là họ đồng cảm với cái tai của em thì câu nói đó lại hiện lên trong đầu em. ‘Nếu ông nhìn thấy vài tên, tức là thực sự chẳng có tên nào cả.’”
Tôi cười to.
“Điều đó lạ lắm ạ?”, nó hỏi.
“Yeah, lạ lắm.”. Và nó cười. Đã lâu rồi tôi mới nhìn thấy thằng bé cười.
Một lát sau nó nhờ tôi “Anh có thể nhìn vào trong tai em được không?”
“Nhìn vào trong tai em á?”, tôi hỏi lại, vô cùng ngạc nhiên.
“Ý là anh chỉ cần xem anh nhìn thấy gì từ bên ngoài thôi.”
“Được thôi, nhưng sao em lại muốn anh làm vậy?”
“Em không biết…”, thằng bé lại đỏ mặt. “Em chỉ muốn biết anh thấy gì thôi.”
“Ok, anh xem thử cho.”
Thằng bé xoay người, để tai phải lại gần tôi. Khuôn tai của nó rất đẹp. Có hơi nhỏ nhưng vành tai hơi phồng lên rất mềm. Tôi chưa bao giờ nhìn tai ai kĩ như thế. Nếu mà nhìn thật kĩ thì tai người trông thật kì lạ. Vành cong, khúc uốn, những chỗ lồi lõm. Tôi nghĩ là do quá trình tiến hóa đã lựa chọn hình thù của tai như ngày hôm nay là để tối ưu hóa cho việc tiếp nhận âm thanh và bảo vệ những thứ bên trong. Lỗ tai được một bức tường gồ ghề bảo vệ, dẫn vào một cái hang sâu đen ngòm.
Tôi nhớ lại cô bạn gái của cậu bạn cũ, về những con ruồi đang làm ổ trong lỗ tai cô. Phấn hoa ngọt ngào bám trên những cái chân nhỏ bé, đào một cái ổ trong cái hang sâu thẳm tối của cô gái. Chúng hút cạn nhựa sống và đẻ trứng trong não của cô. Nhưng không một ai nhìn thấy hay nghe thấy tiếng đập cánh của chúng.
“Em nghĩ là đủ rồi.”
Thằng bé lại xoay người, mặt đối mặt với tôi. “Anh có thấy gì kì lạ không?”
“Chẳng có gì lạ cả. Theo như anh nhìn thấy từ phía bên ngoài.”
“Vậy là mọi thứ đều ổn… Ngay cả cảm giác khi nhìn cũng thế ạ?”
“Với anh thì tai của em trông bình thường.”
Em họ trông có vẻ thất vọng. Tôi nói sai điều gì chăng?
“Buổi trị liệu khiến em đau à?”
“Dạ không, cũng bình thường như mọi khi thôi. Họ chỉ xem xét những vị trí cũ. Em nghĩ những chỗ đó sắp bị họ nhìn thủng luôn rồi. Đôi khi em còn không cảm nhận được nó là tai của mình.”
“Số 28 kìa.”, thằng bé quay sang nhìn tôi, “Phải là xe của chúng ta không anh?”
Tôi đang chìm trong suy nghĩ. Tôi nhìn lên thì thấy xe đang đi chậm lại và vòng qua đồi. Lần này không phải là loại xe mới như lúc chúng tôi đi nữa mà là loại cũ, giống loại tôi thường đi học ngày trước. Trước xe treo biển ghi số 28. Tôi thấy hai chân tôi nặng như chì, tôi không đứng lên nổi, như thể tôi vẫn còn đang trôi dạt trong mớ kí ức, tay chân không thể động đậy.
Trong đầu tôi luôn là hình ảnh hộp chocolate tôi và cậu bạn mang đến bệnh viện ngày hôm ấy. Cô gái phấn khích mở hộp kẹo ra, nhưng chocolate do cái nóng của mùa hè đã chảy gần hết, dính vào nắp và giấy gói.
Trên đường đến bệnh viện, tôi và cậu bạn dừng lại ở bãi biển, nằm nói chuyện bâng quơ. Và thế là hộp chocolate nằm phơi ra giữa cái nắng tháng Tám. Chúng tôi vô ý làm hư cả hộp kẹo, để cho cô gái vô cùng thất vọng. Một trong hai phải nói gì đó thể nhưng chẳng ai nói cả, hai đứa cứ thế vui đùa vài câu và đi về, bỏ lại cô gái trên đỉnh đồi với những cây liễu bao quanh.
“Anh có sao không?”, em họ nắm chặt lấy tay tôi.
Tiếng nó đưa tôi trở về hiện tại, và tôi đứng dậy khỏi băng ghế. Lần này tôi không gặp vấn đề gì cả. Tôi còn có thể cảm nhận cơn gió dìu dịu của tháng Năm mơn man trên da thịt. Tôi cứ đứng thế trong vài giây, ở một nơi vô định nào đó. Những gì tôi nhìn thấy đều không có thật. Quanh tôi là những thứ vô hình.
Cuối cùng, xe bus số 28 xuất hiện trước mặt tôi. Tôi lên xe và tìm chỗ ngồi.
Tôi đặt tay lên vai thằng bé.
“Anh không sao.”, tôi trấn an nó./
/Cơm trắng chan cà phê dịch/
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất