Dịch từ bài gốc của Joe Moran trên Lithub về những khối ghép của quá trình sáng tác
Không ai đồng tình với ai như thế nào là một câu văn. Định nghĩa an toàn nhất là định nghĩa theo lối sắp đặt các thành phần của câu. Một câu khởi đầu bằng một chữ viết hoa và kết thúc bằng dấu chấm - ngoại trừ những câu bắt đầu bằng dấu ngoặc kép trích dẫn, hay những câu kết bằng dấu chấm hỏi hay chấm cảm, do vậy định nghĩa này cũng chưa thật thấu suốt. Hãy thử lại lần nữa. Một câu văn là khu gian lớn nhất có thể được thống trị bởi các quy luật văn phạm. Do vậy, câu có thể đứng độc lập về văn phạm so với những câu trước và sau nó. Trừ phi đó là một câu lửng chỏng chơ lơ lửng từ câu liền trước tựa một ý nghĩ vừa mới nảy. Hoặc nhanh chóng tạo ra một cảnh tượng, như mọi câu viết dự báo thời tiết trên biển. Đôi lúc có gió mạnh. Sương mỏng. Thời tiết nhìn chung ôn hòa.
Một câu văn là một phương tiện chuyên chở ý nghĩa cỡ nhỏ, phong kín. Câu văn truyền tải một tin tức - một xác tín, mệnh lệnh hay một câu hỏi - về thế gian. Mỗi câu văn cần có một chủ ngữ, tức một danh từ hay cụm danh từ, và một vị ngữ, tức phần còn lại của câu không phải chủ ngữ và cần một động từ chính. Chủ ngữ thông thường (nhưng chẳng xuyên) chính là chủ thể của một câu văn và vị ngữ thường (cũng chẳng xuyên) là những gì xảy ra với chủ ngữ hay cắt nghĩa cho chủ ngữ. Đây [chủ] là một câu văn [vị ngữ]. Một câu văn buộc phải có một chủ ngữ và động từ chính, trừ khi nó loại bỏ một trong hai hoặc cả hai khi sự hiện diện của chủ và vị được hàm ngụ. OK chớ?
Một câu văn có thể chỉ bao gồm duy nhất một từ, hoặc có thể kéo dài tới vô cùng, bởi ta có thể chất chữ lên nhau thành một mệnh đề tới vô vận. Nhà văn Bohumil Hrabal người Czech từng viết trọn một tiểu thuyết (Bài dạy nhảy cho người Cao niên) chỉ bao gồm một câu. Nhưng ông nói rằng sự dí dỏm trong sách có được từ một câu viết ngắn ngủi ông từng đọc được trên hóa đơn giặt khô: Một số vết bẩn chỉ có thể tẩy đi bằng cách hủy luôn cả vải.
Marcel Proust, tác giả đã viết một câu văn dài 447 từ chỉ để tả một chiếc sofa trong Tù nhân [trích Đi tìm thời gian đã mất], nói rằng ông muốn “vừa dệt vừa kéo những sợi vải dài” và “bao quanh sự thật bởi duy một nét bút - bất kể kéo dài hay ngoằn ngoèo đến đâu”. Với nhà văn, một câu văn truy dấu một dòng suy nghĩ mạch lạc không gián đoạn. Cắt ngang sẽ khiến dòng suy nghĩ ấy bị ngắt đi. Tùy vào dòng ý nghĩ, một câu văn có thể là một mảnh vỡ tí hon ý nghĩ hay một chốn giang hồ kiểu Proust, được hóa kiếp và thắp sáng bởi ngôn từ.
Với Henry David Thoreau, câu văn là cuộc thu hoạch mót từ bộ não của nhà văn. “Hoa trái mà kẻ tư duy đơm kết ra là câu văn,” ông viết trong nhật ký. Với Marianne Moore, câu văn với bà cũng tựa như “trọng lực khép gọn tấm vải vào người”. Với James Baldwin, mục tiêu đích thực đơn nhất là “viết ra một câu văn gọn lẳn.” Với John Cheever, “mỗi câu văn là một phát minh,” một câu chưa từng được nghĩ tới, khoan hãy tính đến chuyện được nói ra, theo cách tương tự như thế trước kia. Với Annie Dillard, câu văn chính là phương tiện đích thực của một nhà văn, và một nhà văn không có cảm giác dành cho câu văn thì không phải là một nhà văn, bởi lẽ như thế cũng giống một họa sĩ không thể chịu đựng được mùi sơn. Với Gary Lutz, câu văn là “nhà hát trưng diễn công sức.” Với Maggie Nelson, câu văn tựa “lao tâm trong vô vọng… ngẫm ngợi khi đương lúc câu từ chẳng khác gì mộ bia đánh dấu sự khước từ hoang dã.” Với John Banville, câu văn là “mẩu nhân tính thiết yếu… phát minh vĩ đại nhất của loài người.”

Nhà văn thạo nghề viết thành từng câu - chẳng phải bởi câu là tất cả những gì chúng ta biết viết (dẫu đúng thật như vậy), mà bởi họ viết ngắn. Họ xem câu văn là đơn vị lâu đời nhất, cái yếu tố vi tế buộc phải viết đúng, bằng không sẽ chẳng còn gì đúng cả. Sách họ viết ra, dù dài đến đâu chăng nữa, vẫn là các tổ hợp câu.
Các nhà khoa học ở Viện Vật lý Nguyên tử tại Kraków (Ba Lan) đã phân tích hơn 100 tác phẩm kinh điển của các tác giả như Dickens, Joyce và Beckett, và phát hiện ra rằng câu văn vận hành như một đa phân dạng toán học: một cấu trúc có thành phần nhỏ nhất đồng dạng với tổng thể. Những trang viết tài tình nhất tự thân đã nhất quán với nhau. Như thể đến từ một cơ thể đang sống và hít thở đứng ở cùng một nơi, không như rượu đến từ một terroir nào đó, như khí hậu và thổ nhưỡng, và mỗi chốn mỗi vị mỗi mùi. Cái terroir đặc sắc nào khiến cho một trang viết không thể tái tạo được? Chính là các câu văn trong đó.
Những nhà điểu học có thể nhận dạng một loài chim dù không có thời gian để ghi lại các dấu hiệu chuyên biệt về lông hay tiếng kêu đặc trưng của chúng. Một nhà điểu học thượng thặng có thể cho ta biết giống chim chỉ từ ấn tượng ban đầu về kích thước và hình dáng, kể cả khi đó chỉ là một đốm mờ vút qua bầu trời hoàng hôn. Giọng văn của nhà văn có lẽ cũng tương tự. Một độc giả tài tình có thể nhận ra giọng văn ấy từ một câu văn duy nhất vút qua.
*
Một câu văn không chỉ mang mình ý nghĩa. Nó là một dòng từ ngữ, là nơi logic và nhạc tính chạm mặt - một mẩu vừa cảm giác vừa âm thanh, kể cả khi âm thanh ấy chỉ nghe thấy trong đầu. Những gì thường cho là đặc trưng của thi ca - nhịp, vần, nhạc tính - cũng có trong văn vần, hoặc cũng nên hiện diện. Khi John Betjeman bắt đầu một buổi trò chuyện vô tuyến trên BBC bằng câu “We came to Looe by unimportant lanes”, chắc hẳn ông biết rằng câu ấy thuận hơn nhiều câu “We drove to Looe via the minor roads”. Câu văn của ông có 10 âm tiết, nhấn cách quãng đều cứ hai âm một lần : một câu mười chữ năm chân nhịp hoàn hảo. 
Một số nhà văn vạch câu theo nhịp, ghi lại những âm tiết được nhấn và không nhấn bằng những điểm ngắt như thể viết nhạc phổ. Một số thậm chí còn căn dấu nhấn trước rồi mới tính đến chuyện điền từ. Phần còn lại chúng ta chỉ có một cảm nhận mơ hồ liệu một câu văn có cần thêm nhịp hay không. Nhưng ta vẫn biết rằng một câu văn không chỉ nêu ý mà còn là cách ý được nêu ra. Robert Frost gọi đây là “âm thanh ý nghĩa”, thứ cảm xúc thật mà ta có thể cảm thấy kể cả khi nghe câu văn ấy được khẽ phát ra từ một gian phòng khác. Ở đây, Frost cảm nhận, bên dưới sự tuân thủ về văn phạm chính là “những sắc giọng thô cục trong cổ họng con người mà từng có lúc chính là tất cả những gì chúng ta nói được với nhau.”
Những tay viết còm cõi thường hay quá vướng bận về những gì cố diễn tả nên chẳng còn tâm trí nào dành cho hình thù sắc thái nữa. Họ bỏ qua từ ngữ mà lao thẳng vào ý nghĩa đã dốc sức nhồi vào. Họ vin hẳn vào nội dung mà bỏ qua hình thức - quên rằng nội dung và hình thức là một, quên rằng một câu văn diễn đạt đúng theo cách mà nó diễn đạt, và ngược lại.
Nhịp điệu cũng là thứ căn bản của ngôn ngữ tới độ chẳng cần phải dạy bảo gì thêm. Ta có thể chữa cú pháp và phát âm của một đứa trẻ, nhưng nếu không cảm nhận được nhịp nói, đứa trẻ ấy sẽ không thể nào nói giống một con người. Nhịp điệu của tiếng Anh nhấn vào một số âm tiết nhất định trong mỗi từ ngữ và giữa những từ ngữ trong từng câu. Nhịp điệu khiến chúng ta luyến lưu trên danh từ, tính từ và động từ và lướt nhanh qua đại từ, liên từ và giới từ. Do đó chúng ta sẽ không bao giờ say sưa được những câu tín hiệu vệ tinh tự động hay hệ thống loa phát thanh công cộng, khi chúng cứ sụp trồi ngẫu nhiên. 
Nhịp điệu là khúc ca cuộc sống. Các cách nhấn âm tiết hiệp với nhịp tim mà bào thai nghe trong tử cung, nhịp không khí vào ra phổi, những sải chân khi đi hay khi chạy. Đánh nhịp chính là thứ âm nhạc đầu tiên của chúng ta, cái phản xạ hân hoan khiến chúng ta giẫm chân, gõ ngón và vỗ tay. Nó theo chàng trai trẻ mang dùi trống sờn đằng sau túi mọi lúc mọi nơi, hay những nhạc công của các bộ lạc xa xăm ra lệnh cho một dòng sông bằng một bộ trống, quẫy đập bàn tay lên mặt nước như cách các beatboxer sử dụng giọng mình, cái thôi thúc nhịp điệu ấy buộc phải tuân phục. Nhà phê bình Ian Penman, khi viết về Grace Jones, gọi nhịp điệu “là chiếc cùm, là cơn quỷ ám… là hơi thở khởi nguyên… tiếng thì thào của khát khao khôn xiết.” 

Nhịp điệu lưu giữ ý nghĩa. Các nhà hùng biện tài ba khiến nhịp của từ ngữ rền trong trí não lẫn tủy xương trước cả khi ta nhận ra họ vừa nói điều gì. Nhịp điệu chinh phục chúng ta hoàn toàn - được “chứng minh bởi nhịp đập của chúng ta,” như Keats từng nói - và rồi ý nghĩa vồ theo. Tôi thích nghe các câu văn được đọc to, tại các buổi đọc trước công chúng trong các sảnh đường âm vang, hay các bản sách nói từ earphone lúc tôi đang băng trên đường, hay các tiểu luận vô tuyến tôi nghe dưới tấm chăn trong bóng tối, âm sắc của người phát thanh đưa tôi vào giấc ngủ tựa một bài hát ru.
Tôi ám lấy những hành lang đại học, đọc khẽ từng câu văn. Những ai quen biết sẽ mặc tôi. Đôi lúc tôi đi quanh tòa nhà, đọc khẽ y hệt, và người lạ mặt bước qua chắc chắn ít dung túng hơn. Nói chuyện một mình ở chỗ làm và ta chỉ bật lên suy nghĩ của bản thân; nói chuyện một mình giữa đường và mọi người sẽ nhìn chỗ khác và nhường đường dư dả cho ta rảo bước. Nhưng tất thảy đều hữu ích, tôi tự nhủ, nếu như ta nhốt nhịp điệu sáng tác vào hộp sọ. “Đọc sách hay, lắng nghe những câu viết hay trong tai,” thi sĩ Jane Kenyon từng khuyên - và một câu văn đích thực, hữu ích có thể sống sót bất chấp tình trạng chỏng chơ thế đó.
*
Văn phạm kém cỏi thường là dấu hiệu của một vấn nạn sâu xa hơn liên quan đến nhịp điệu. Chính xác về cú pháp không thôi không thể cứu vãn một câu văn hỏng. Tệ hơn cả, sắp xếp sai thứ tự từ ngữ chính là thứ tự ấy hoặc bất động hoặc thiếu đi nhạc tính. Câu văn khi ấy chỉ cứng còng và khò khè đến hồi kết bằng một tiếng lách cách lạc điệu. Khi một cây viết kém cỏi thanh điệu tạo ra một câu văn, độc giả sẽ biết ngay, cũng như khi ta nghe hát phô hay quá chói cũng sẽ biết có gì đó sai sai, cho dù chẳng thể diễn tả vì sao như vậy.
Tôi có thể thả tự do một quyển sách và trỏ ra ngay, từ vài câu văn, mình có thích nó hay không. Cho dù chủ đề của sách có thể cuốn hút đến đâu đi chăng nữa, tôi khó lòng có thể đọc tiếp nếu câu viết của quyển sách quá chán. Tôi lẽ ra nên độ lượng hơn, vì bản thân tôi cũng đã viết ra vô khối những câu chữ nhàm chán. Nhưng tôi không độ lượng. Bạn cũng chớ nên, kể cả khi bạn vẫn còn chưa biết điều đó. Bạn nghĩ mình đang bỏ qua câu văn để nhìn vào nội dung - về cuộc sống, tình yêu, sự hiện hữu của thiên thần, thiết kế của ghế nhựa đúc, nhưng quả thật bạn chỉ quan tâm âm thanh của câu văn ấy ra sao thôi. Bạn đọc sách vì những câu văn được viết ra trong đó.
Tôi đọc những quyển sách dạy nấu ăn của các tác giả yêu thích - Elizabeth David, Jane Grigson, Elisabeth Luard, Nigel Slater - mà không hề có ý định nấu nướng theo bất cứ công thức nào. (Tôi thuộc trường phái ẩm thực tin rằng ta có thể ăn ngon bằng cách học cách… mua đồ ăn). Tôi đọc và yêu thích những quyển sách kia không phải bởi chỉ dẫn mà bởi câu văn trong đó. Bởi văn dạy nấu ăn viết hay, như mọi thứ văn hay khác, vừa chính xác lại vừa gợi hứng.
Vào đầu thập niên 1950, khi Elizabeth David muốn nhắc nhở độc giả Anh Quốc đang trong chế độ tem phiếu mùi vị của vả, tỏi dại và olive Kalamata, câu viết của bà vừa sáng sủa vừa phóng khoáng tựa mặt trời Địa Trung Hải. Trước thập niên 1970, rất khó tìm thấy các nguyên liệu nấu nướng lạ lẫm trong công thức của bà nếu không đến Soho. Với giai cấp trung lưu đô thị, những lần bà nhắc tới cà tím và cá cơm phần là một sướng khoái gián tiếp, phần là sự nhắc nhở đến những mùa hè họ từng trải qua ở Tuscany và Provence. Những trang sách dạy nấu ăn viết hay nhất bước trên cái lằn ranh mỏng manh giữa lời khuyên chân thành và hồi tưởng mân mê.
Giả như ta bỏ qua các đoạn chán chường về cân lượng và bố trí nồi niêu, các câu viết trong công thức quả thật mang lại sung sướng khi đọc lên. Chúng nối tiếp nhau, đầy vẻ tự tin. Làm nóng hai muỗng dầu olive trong chảo, rồi cho hành thái mỏng vào. Lời lẽ vừa hợp lý vừa chân thật vốn hiếm khi thấy được trong cuộc sống. Bánh mì cũ ít ẩm hơn nên khi nướng lên sẽ giòn hơn. Các đoạn viết hay về thức ăn vừa gọn gàng, vừa đượm mùi đậm vị, vừa là chính bữa ăn ta thưởng thức.
Elizabeth David viết hay, tôi đồ là bởi mà đã nhìn thấy điểm chung giữa nghệ thuật ẩm thực và viết lách. Một câu văn hay là sự vuông tròn bằng từ ngữ tín điều bếp núc của bà, vay mượn từ Escoffier: Faites simple. Bà cho rằng nấu ăn cũng phải trong sáng và chân thành - như một câu văn nên vậy. Bà không ưa những nước sốt hăng mùi và các yếu tố diêm dúa giấu đậy đi mùi vị thực sự của thức ăn.
Một câu văn, cũng tương tự, cần phụ thuộc vào các thành phần chất lượng hơn là những điểm tô màu mè. Bà khinh thường những nhà bếp bị bừa phứa đồ đạc hay các quảng cáo nấu nướng. Một câu, tương tự như vậy, chẳng nên nêu ra công sức làm nên nó. Bà ghét bỏ nghệ thuật nấu nướng Anh Quốc ở chỗ nó giống với một cuộc hành xác không ngừng, trong khi nhẽ ra nó phải là một tác phẩm từ đam mê cởi mở. Một câu văn, cũng thế, nên - chí ít với độc giả - là một niềm hân hoan tự tại.
k.