Cấu trúc 3 hồi (3 acts structre) là một cấu trúc phổ biến của điện ảnh, đặc biệt đối với hầu hết các bộ phim Hollywood. Đặc điểm của kịch bản viết theo cấu trúc 3 hồi là giúp người xem dễ nắm bắt, theo dõi được sự phát triển của cốt truyện. Mặc dù ở hiện tại đã có những kịch bản không tuân theo cấu trúc 3 hồi nhưng vẫn không thể phủ nhận rằng cấu trúc 3 hồi vẫn là một trong những nghệ thuật kể chuyện phổ biến nhất

Vậy cấu trúc 3 hồi là gì ?

Nói sơ qua một chút về cấu trúc 3 hồi thì cấu trúc 3 hồi không chỉ được sử dụng trong điện ảnh mà nó còn được sử dụng trong cả kịch nghệ, sân khấu và trong cả văn chương nơi mà ta có thể biết đến cấu trúc 3 hồi như là mở đầu, cao trào và kết thúc
Cấu trúc 3 hồi là 3 quá trình tạo nên một bộ phim: mở đầu (set up), phát triển (confrontation) và kết thúc (resolution). Đây là cấu trúc cơ bản nhất mà bất kì đạo diễn nào cũng cần biết để câu chuyện có cấu trúc liền mạch, hài hòa và thống nhất.
Cấu trúc 3 hồi thường được phân chia theo tỉ lệ: 1/4 - 1/2 - 1/4. Thông thường một bộ phim dài 120' thì tỉ lệ sẽ là 30' mở đầu, 60' phát triển và 30' kết. Đây gần như là một công thức mà bạn sẽ bắt gặp ở hầu hết các phim chiếu rạp

Hồi 1: Mở đầu ( Set Up )

Trong điện ảnh, hồi 1 còn được gọi là cảnh mở đầu. Có một sự thật khá thú vị rằng khi ra quyết định tài trợ cho bất kì dự án phim nào đó, các nhà đầu tư chỉ cần xem cảnh mở đầu rồi sẽ quyết định có tài trợ cho bộ phim đó hay không. Thông thường, tuy hồi 1 chỉ chiếm 10 trang của kịch bản nhưng nó lại là phần quan trọng nhất của toàn thể câu chuyện. Việc khán giả có hứng thú với câu chuyện hay không đều dựa trên thành công của hồi 1
Trong hồi 1 lại được chia ra làm 3 phần với điểm mốc khác nhau: Giới thiệu (begining), biến cố khởi đầu (inciting incident) và bước ngoặt (second thought)
Giới thiệu: Đây là khoảng thời gian mà các nhà biên kịch sử dụng để giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh câu chuyện. Trong phần mở đầu, khán giả cần được biết đôi chút thông tin về nhân vật chính và các nhân vật khác có liên quan đến truyện phim. Các đạo diễn không cần phải giới thiệu toàn bộ về nhân vật hay cho biết tất cả những nhân vật sẽ xuất hiện trong phim gồm những ai, nhưng ít nhất họ sẽ cho khán giả biết nhân vật chính của phim này là ai và cuộc sống thường nhật của người đó như thế nào
Biến cố khởi đầu: Đây là thành phần thường bị bỏ qua hoặc quên đi nhiều nhất. Biến cố khởi đầu là sự kiện bất thường xảy đến với nhân vật, làm đảo lộn sự cân bằng trong cuộc sống của họ thúc đẩy họ vào hành trình mới. Trong một vài trường hợp, kết thúc của biến cố khởi đầu sẽ là kết thúc cho hồi 1 nhưng thông thường trong giai đoạn này nhân vật sẽ "cân nhắc". Đó là khi họ nhận ra biến cố đã tác động đến mình và họ cần có sự quyết định thay đổi dẫn trực tiếp sang giai đoạn tiếp theo
Bước ngoặt đầu tiên: Nhân vật sẽ rơi vào tình thế bắt buộc phải lựa chọn, dù quyết định của họ có là gì thì quyết định đó sẽ khiến câu chuyện thay đổi và đó là khi hồi 1 kết thúc.

Hồi 2: Phát triển ( Confrontation )

Đây là hồi có thời lượng dài nhất, chiếm 1/2 thời lượng phim, chứa hầu hết các sự kiện quan trọng trong cốt truyện. Trong phần này, nhân vật chính sẽ bắt đầu cuộc hành trình mới và đối mặt với những khó khăn trên hành trình của mình.
Trong hồi 2, yếu tố rào cản được đặt lên hàng đầu. Rào cản tạo ra xung đột và xung đột lại là yếu tố quyết định trong bất cứ câu chuyện nào. Rào cản được chia ra làm 2 loại là rào cản bên trong và rào cản bên ngoài. Rào cản bên trong là những tâm lý, cảm xúc sẽ gây khó khăn cho nhân vật chính và buộc họ phải tìm cách vượt qua. Rào cản bên ngoài là những tác động của môi trường xung quanh nhân vật chình và tác động của con người. Trong các kịch bản phim tiêu chuẩn, nhân vật chính sẽ phải đối mặt với cả rào cản bên trong và rào cản bên ngoài, từ đó tạo nên sự phát triển và những diễn biến tiếp theo của phim.
Trong hồi 2, các xung đột được xây dựng trên nguyên tắc "Rủi ro gia tăng". Những xung đột sau phải khó khăn hơn xung đột trước. Chính những xung đột ấy sẽ tạo ra sự kịch tính, tạo sự phát triển cho nhân vật và giữ chân người xem ở lại. Nhà văn Dan Brown đã từng nói "thử thách càng lớn thì chiến thắng càng vinh quang"
Cấu trúc 3 hồi cũng như một bài luận, phần thân bài cũng hiếm khi có một luân điểm. Hồi 2 trong điện ảnh cũng như vậy. Các nhà biên kịch sẽ chia hồi 2 ra thành hai phần bằng một sự kiện gọi là điểm giữa (Mid point). Về cơ bản, điểm giữa củng chỉ là một xung đột nhưng nó có vai trò vô cùng quan trọng, rẽ câu chuyện sang một hướng khác, có thể là gần hơn hay xa hơn so với ý muốn của nhân vật chính. Sau sự kiện này, câu chuyện sẽ trở nên căng thẳng, giàu năng lượng hơn, qua đó giữ vững được sự chú ý của người xem.
Hồi 2 kết thúc bằng bước ngoặt 2. Lúc này, câu chuyện sẽ được rẽ sang một hướng khác nhưng kịch tính sẽ cao nhất, buộc nhân vật chính phải rơi vào tình thế khó khăn nhất từ đầu phim. Cứ như vậy cho đến khi nhân vật không còn đứng dậy được nữa thì tức là chúng ta đã đến điểm gọi là “all is lost”. Đây sẽ là lúc hồi ba bắt đầu.

HỒI 3: Kết thúc (Resolution)

Sau khi đã cho khán giả trải qua những cung bậc cảm xúc và những nút thắt nghẹt thở thì đây là lúc để cho khán giả thở phào bằng một cuộc chiến cuối cùng. Nhân vật chính phải đối mặt với thử thách lớn nhất (bao gồm cả đối mặt với bản thân) để bước vào cuộc chiến lớn nhất. Nhân vật chính có thể thắng, có thể thua – nhưng vẫn được coi là chiến thắng vì ít nhất họ đã học được một điều gì đó và chiến thắng được bản thân mình.
Hồi 3 là giai đoạn mang tính giải quyết cho cả câu chuyện và nó được chia ra làm 3 phần: Khủng hoảng, giải quyết và kết thúc
Khủng hoảng: là hệ quả từ bước ngoặt kết thúc của hồi 2. Đây là xung đột lớn nhất của câu chuyện, là thách thức khó khăn nhất được đặt ra từ đầu phim. Các sự kiện trong 2 hồi trước đó được tạo ra để thúc đẩy câu chuyện đi đến khủng hoảng.
Giải quyết: tại đây, mọi nút thắt trong câu chuyện sẽ được giải quyết, kịch tính được giảm xuống dần và những xung đột trước đó sẽ được giải quyết để có thể khép lại bộ phim một cách trọn vẹn
Tuy chỉ chiếm 1/4 thời lượng phim nhưng đây lại là phần gay cấn nhất để thỏa mãn khán giả. Hồi 3 cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc để lại ấn tượng với người xem sau khi ra khỏi rạp.
P/S: Cấu trúc 3 hồi là một trong những phương thức hữu hiệu để xây dựng kịch bản nhưng song nó cũng không phải là thứ gì đó bắt buộc. Một phim xuất sắc có cấu trúc 3 hồi nhưng một phim có cấu trúc 3 hồi chưa hẳn đã xuất sắc. Một kịch bản tốt còn phải phụ thuộc vào cốt truyện, sự phát triển của nhân vật và nhiều thứ khác. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận rằng cấu trúc 3 hồi vẫn đóng một vai trò quan trọng trong nghệ thuật Story-telling trong điện ảnh
Bài viết được tham khảo từ các bài báo và nhiều nguồn khác.
#mih_lumiére