Câu hỏi gốc: Lịch sử của Taliban ở Trung Đông quá phức tạp hay do tôi quá ngu ngốc để hiểu vậy?
Trả lời bởi Ahmad Abubakr, học văn hóa và lịch sử Afghanistan

Lịch sử của Taliban thực chất khá phức tạp nếu muốn hiểu chi tiết. Chỉ đọc lướt qua mà không hiểu lắm thì bao giờ cũng đơn giản hơn. Đã có rất nhiều sự nhầm lẫn xung quanh Taliban và nguồn gốc của nó.
Cờ của Taliban
Trước tiên, câu hỏi của bạn có 2 lỗi sai. Taliban không liên quan gì đến Trung Đông cả. Taliban được hình thành ở Afghanistan. Afghanistan không nằm ở Trung Đông. Nó nằm ở Nam Á hoặc là Trung Á tùy theo cách bạn nhìn nhận. Điều nữa là lịch sử của Taliban không dài đến thế. Theo chúng tôi biết thì Taliban không hẳn tồn tại trước năm 1994.
Trung Đông
Đây là Afghanistan, vùng đất giao giữa Nam Á và Trung Á
Những chủ đề xoay quanh Taliban bao giờ cũng tràn ngập những điều dối trá không thì nửa giả nửa thật. Là vô tình hay ác ý thì tôi không rõ. Bất kể khi nào Taliban và nguồn gốc của tổ chức được nhắc tới, Mĩ sẽ bị đổ lỗi đầu tiên. Chắc hẳn chúng ta đã được nghe rất nhiều lần rằng Mĩ tạo Taliban để chống Xô Viết và bây giờ sản phẩm của họ lại quay sang cắn chính họ. Nhiều người nói đây chính là gậy ông đập lưng ông. Những ai ghét Mĩ sẽ lấy Taliban để buộc tội mỗi khi thế giới xảy ra chuyện. Taliban dường như là tất cả bằng chứng xác thực nhất để họ chứng minh Mĩ ác độc như thế nào.
Tôi cho rằng Mĩ không dính líu đến Taliban. Và cũng không đóng vai trò gì trong sự hình thành của Taliban.

Lịch sử Afghanistan

Để hiểu nguồn gốc của Taliban cần biết một số kiến thức cơ bản về lịch sử Afghanistan. Đây là vài dòng tóm tắt. Afghanistan, trong suốt một thời gian dài mang chế độ quân chủ nơi mà những chính trị gia nắm rất ít quyền hành. Vua Muhammad Zahir Shah trị vì đất nước trong khoảng 40 năm, từ 1933 đến 1973. Ông đã dần dần hiện đại hóa đất nước và cải thiện quan hệ với các quốc gia khác. Đất nước trong thời kì ổn định và phát triển. Người anh họ của ông, Mohammed Daoud Khan, đã đảm nhận vai trò Thủ tướng trong giai đoạn 1953–1963. Năm 1963, Daoud Khan bị nhà vua ép từ chức do những bất đồng trong chính sách. Năm 1973 khi nhà vua Zahir đang điều trị bệnh ở châu Âu, Daoud Khan đã lên ngôi thành công sau cuộc đảo chính không đổ máu. Daoud Khan nhận được sự hỗ trợ từ quân đội và Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA). Đảng này thiên về cánh tả như tên gọi. Vào thời điểm này Afghanistan trở thành nhà nước Cộng hòa dưới sự thống trị của một người đàn ông.
Vua Muhammad Zahir Shah
Tổng thống Daud Khan
Daoud Khan trở thành Tổng thống của Afghanistan. Ban đầu mối quan hệ giữa Afghanistan và Liên Xô khá tốt. Liên Xô đã giúp Afghanistan trong rất nhiều lĩnh vực. Ông tiếp tục thi hành chính sách trung lập của vua Zahir, không nghiêng về Mĩ hay Liên Xô. Tuy nhiên dần dần ông cảm thấy Liên Xô như một mối đe dọa. Liên Xô giờ đây đã có quá nhiều sự ảnh hưởng ở đất nước này. Ông từng bước tách Afghanistan ra khỏi sự ảnh hưởng đó. Ông chọn cách cải thiện mối quan hệ với nhiều các quốc gia Hồi giáo khác trong đó có Pakistan, kẻ thù lớn nhất của Afghanistan. Năm 1978, một thành viên của Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA) bị sát hại. Họ nghi ngờ có sự nhúng tay của chính phủ và bắt đầu nghi ngờ sang Daoud Khan. Họ tin rằng thành viên đó có thể đã bị Daoud Khan giết. Việc chính phủ bắt giữ vài thành viên của PDPA sau một vụ biểu tình như giọt nước làm tràn li. PDPA đã tổ chức một cuộc đảo chính tên Cuộc cách mạng Saur vĩ đại. Tháng 4 năm 1978, cuộc đảo chính kết thúc thành công bằng cái chết của Daoud Khan và gia đình. Một điều đáng nhắc đến là Liên Xô có sức ảnh hưởng rất lớn ở PDPA.
Tổng thống Nur Muhammad Taraki
PDPA tuyên bố thành lập Cộng hòa Dân chủ Afghanistan với Nur Muhammad Taraki là tổng thống. Chính phủ mới có được sự ủng hộ của Liên Xô cả về mặt tài chính lẫn cố vấn quân sự và vũ khí. Những cải cách hiện đại hóa mới đã không được lòng nhiều người. Chúng diễn ra quá nhanh chóng và quá cấp tiến. Điều này đã dẫn đến sự bất ổn và phản đối đối với chính quyền trung ương. Năm 1979, tổng thống Taraki bị một thành viên của PDPA ám sát -  Hafizullah Amin. Amin dù theo chủ nghĩa cộng sản cực đoan nhưng lại không tin tưởng Xô Viết. Ông muốn tách Afghanistan ra khỏi sự ảnh hưởng của Liên Xô. Ông bắt đầu cải thiện mối quan hệ với cả Iran và Pakistan. Liên Xô không hài lòng với tổng thống Amin nên đã xâm chiếm Afghanistan và giết chết ông vào năm 1979. Trong 2 năm 1978-1979, từ đảo chính đến sự xâm lược của Xô Viết, Afghanistan chịu đựng sự kìm kẹp chưa từng có trong lịch sử. Hàng vạn người đã bị giết hại bởi chính phủ PDPA và nhiều người bị bắt giữ. Cũng vào thời điểm này cả Mĩ và Pakistan bắt đầu ủng hộ Mujaheddin, lực lượng chống chính phủ. Mọi người tin rằng Amin đã bị giết chết bởi Liên Xô vì ông đã thanh trừ một số thành viên của PDPA quá thân thiết với Liên Xô và vì ông chuyển hướng sang thân Trung Quốc và Pakistan.
Tổng thống Hafizullah Amin
Việc Liên Xô xâm lược Afghanistan đã tạo cho Mĩ một cơ hội. Mĩ đã lợi dụng điều này để Liên Xô chịu nhiều tổn thất và biến nó thành một Xô Viết tương tự như Việt Nam.
Một hiểu lầm phổ biến rằng Mujaheddin chính là Taliban. Điều này không đúng. Taliban đã không xuất hiện trong vòng hơn một thập kỉ tiếp sau đó. Sự xâm lược của Liên Xô đã chịu sự chỉ trích bởi nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay cả Trung Quốc và Israel cũng ủng hộ Mujaheddin. Liên Xô chỉ được một vài nước ủng hộ như là Đông Đức, Việt Nam và Ấn Độ. Mĩ và nhiều quốc gia khác như Ả Rập Saudi bắt đầu viện trợ cho lực lượng Mujaheddin. Những trại huấn luyện được lập ra tại Pakistan. Mĩ gửi những cuốn sách giáo dục để tẩy não những đứa trẻ rằng kẻ ngoại lai chính là quỷ dữ. Tư tưởng chiến đấu vì Hồi giáo cũng được nhấn mạnh. Tất cả những điều này đã dẫn đến một cuộc chiến kéo dài cả thập kỉ mà kẻ thua cuộc chính là Liên Xô vì họ bị buộc phải rút lui. Tổng kết cuộc chiến, lực lượng Xô Viết được tin rằng đã giết từ nửa triệu đến 2 triệu người Afghan cùng nhiều tội ác khác.
Tổng thống Mohammad Najibullah
Sau khi Liên Xô rút khỏi Afghanistan vào năm 1989, lực lượng Mujaheddin vẫn tiếp tục chiến đấu với PDPA mà bấy giờ được lãnh đạo bởi tổng thống Mohammad Najibullah. Liên Xô tiếp tục viện trợ tài chính cho PDPA. Với sự suy yếu của chính phủ, rất nhiều tổ chức đã xuất hiện, tất cả đều tranh giành để nắm quyền khi chính phủ sụp đổ. Mỗi một tổ chức được viện trợ tài chính bởi một quốc gia khác nhau. Một số tổ chức chính:
  • Jamiat-e Islami – tổ chức bao gồm những người Tajik và được lãnh đạo bởi Ahmad Shah Massoud. Một trong những tổ chức chính phản đối Xô Viết. Được cho là nhận trợ giúp từ Mĩ. Tuy nhiên chỉ được hỗ trợ một chút ít.
  • Hezb-e Islami – cùng với Jamiat-e Islami là một trong những lực lượng chính trong cuộc chiến với Xô Viết. Lãnh đạo bởi Gulbuddin Hekmatyar. Pakistan viện trợ tổ chức này và có tiếng nói cũng như ảnh hưởng sâu rộng đến quyết định và mục tiêu của tổ chức.
  • Hizb-i-Wahdat – tổ chức gồm người Hazara theo nhánh Shia ở Pakistan. Nhận viện trợ từ Iran.
  • Ittihad-i Islamin – tổ chức gồm người Pashtun theo nhánh Sunni, lãnh đạo bởi Abdul Rasul Sayyaf. Được viện trợ bởi Ả Rập Saudi
  • Junbish-i Milli – tổ chức gồm người Uzbek, lãnh đạo bởi Abdul Rashid Dostum. Được viện trở bởi Uzbekistan.
Taliban không xuất hiện mãi đến cuộc nội chiến năm 1994. Trên đây là tóm tắt ngắn gọn lịch sử Afghanistan trước khi Taliban ra đời.

Lịch sử Taliban

Như bạn đã thấy trên đây, Taliban không xuất hiện trước năm 1994. Rất nhiều người nhầm lẫn giữa Mujaheddin và Taliban. Mujaheddin không phải là một tổ chức riêng lẻ. Mà nó là tập hợp của nhiều nhóm làm việc cùng nhau để hoàn thành một mục đích chung. Đó là lật đổ PDPA và buộc Liên Xô phải rút khỏi Afghanistan. Họ đơn giản là những người Afghan coi chính quyền PDPA như những kẻ bạo ngược và Liên Xô như quân xâm lược ngoại lai. Một số người phản đối hiện đại hóa, một số vì lí do tôn giáo, một số thì lại là nạn nhân bị chính quyền đàn áp, một số có tư tưởng trái ngược với chủ nghĩa cộng sản. Nói tóm lại, nếu bạn cầm súng lên chống chính quyền PDPA và Xô Viết, bạn trở thành một Mujaheddin.
Lính Mujaheddin trong chiến tranh Afghan-Soviet
Tên gọi Taliban xuất phát từ từ “Talib” trong tiếng Ả Rập có nghĩa là Học sinh. Hệ tư tưởng của Taliban dựa trên sự kết hợp giữa phiên bản cực đoan của phong trào Hồi giáo Deobandi và quy chuẩn Pushtunwali. Taliban vô cùng kiêng kị lối sống bộ lạc vốn luôn phổ biến trong xã hội Afghanistan. Taliban tin rằng âm nhạc, TV, nghệ thuật và nhiếp ảnh là tội lỗi nên đã cấm chúng. Đàn ông bị cấm cạo râu còn phụ nữ phải mặc che kín khắp cơ thể. Nhánh Shia thậm chí còn không được Taliban coi là người Hồi giáo. Taliban cũng không công nhận Ijma là một phần trong luật Sharia. Đó là bộ luật chung thống nhất giữa những người có thẩm quyền, mà Taliban lại rất phản đối việc phải thảo luận về quan điểm Hồi giáo của họ với những tín đồ khác.
Gulbuddin Hekmatyar, thủ lĩnh của Hezb-e Islami và tay sai của Pakistan trong cuộc nội chiến Afghan
Trái với niềm tin của nhiều người, Pakistan thực chất không tạo ra Taliban. Pakistan đã có con rối của mình trong cuộc chơi, đó là Gulbuddin Hekmatyar người lãnh đạo tổ chức Hezb-e Islami. Taliban được cho là thành lập bởi giáo sĩ Hồi giáo Mohammed Omar ở vùng Kandahar năm 1994. Ông bắt đầu phong trào này với hơn 50 học sinh từ trường tôn giáo của mình. Ông đã huy động học sinh của mình chiến đấu chống lại những bất công do tư lệnh gây ra cho dân chúng trong cuộc nội chiến.
Có một câu chuyện thế này, một cậu bé đã bị bắt cóc và cưỡng hiếp bởi một tư lệnh địa phương. Người mẹ không có cách nào để đòi lại công bằng cho con trai nên đã tìm đến một giáo sĩ ở trường tôn giáo. Ông đã gửi học sinh của mình khoảng 20-30 người đến giết chết chỉ huy trưởng và giải cứu cậu bé. Người giáo sĩ địa phương ấy chính là Mohammed Omar và những học sinh của ông chính là những Taliban đầu tiên. Xin nhắc lại, đây chỉ là một câu chuyện được kể và có thể không phải là nguồn gốc của tổ chức nhưng nó cũng giúp giải thích về sự trỗi dậy như vũ bão của Taliban. Taliban đã nhiều lần trừng phạt những tư lệnh thối nát đã lạm dụng trẻ em. Thuở Taliban mới thành lập, họ đã cứu 2 cô gái trẻ bị bắt cóc và treo tên tư lệnh trước nòng súng xe tăng.
Mullah Muhammed Omar, chột mắt trong cuộc xâm lược của Xô Viết
Như vậy phong trào bắt đầu từ năm 1994 và nhận được ủng hộ từ lúc đó. Rồi họ bắt đầu chiếm được vài ngôi làng và thị trấn quanh vùng Kandahar. Cơ quan tình báo của Pakistan lúc ấy đã nhận thấy cơ hội ngàn năm có một. Tay sai Gulbuddin Hekmatyar và tổ chức Hezb-e Islami làm Pakistan khá thất vọng. Ông ta đã không gặt hái được kết quả gì dù được viện trợ lớn. Vì vậy Pakistan đã chọn một tổ chức mới để ủng hộ và dành mọi nguồn lực cho tổ chức đó. Tháng 11 năm 1994 đã chiếm được Kandahar và sang đến tháng 1 năm 1995 họ đã kiểm soát được 12 tỉnh.
Viện trợ của Pakistan cho Taliban đến từ 2 nguồn chính. Nguồn thứ nhất là từ cơ quan tình báo đại diện cho Pakistan ở Afghanistan. Sự thất bại của Hekmatyar đồng nghĩa với việc Pakistan phải lập ra một kế hoạch mới để giành ảnh hưởng tại Afghanistan. Taliban quá hoàn hảo cho điều này. Trong thời gian một thập kỉ của chiến tranh Xô-Afgh, hàng triệu người Afghanistan đã tị nạn ở Pakistan. Rất nhiều người trong số họ không một xu dính túi. Pakistan đã nhận viện trợ tài chính để giúp đỡ những người tị nạn. Tuy nhiên, Pakistan dành phần lớn số tiền đó để xây dựng các trường tôn giáo ở phía Tây Bắc của đất nước này. Trẻ đến trường không được giáo dục đúng đắn mà được dạy những tư tưởng Hồi giáo cực đoan nhất. Những trường tôn giáo này đã cung cấp cho Taliban một lượng lớn tín đồ và trở thành những trung tâm tuyển nhân sự tuyệt vời. Nguồn viện trợ thứ hai đến từ Jamiat Ulema-e-Islam – một đảng theo Deobandi của Pakistan, lo sợ sự lớn mạnh của lực lượng Wahhabi từ những nước Ả Rập tại Afghanistan. Taliban được cho là một cách để ngăn chặn sự ảnh hưởng đó.
Pakistan vẫn là điểm dừng chân của hàng triệu người tị nạn Afghanistan. Tuy nhiên Pakistan đã lợi dụng trách nhiệm này trong cuộc chiến Afghan-Soviet
Kết quả là Taliban đã chiếm từ thành phố này đến thành phố khác với lực lượng ngày một lớn mạnh trong khi kẻ thù của họ đang cạn kiệt sức lực vì phải đấu đá lẫn nhau. Chi viện từ 2 phía Pakistan và Afghanistan ồ ạt như vũ bão. Taliban tiếp tục chiếm ưu thế vì được Ả Rập Saudi và các nước vùng Vịnh hỗ trợ. Năm 1995, Taliban tiến hành tấn công Kabul nhưng đã thất bại dưới tay Ahmad Shah Massoud. Năm 1996, sức mạnh của Taliban còn đáng gờm hơn nữa. Tháng 9 năm 1996, Ahmad Shah Massoud quyết định rời Kabul và rút lui về phía Bắc khi biết mình đang bị bao vây. Không lâu sau đó Taliban chiếm được Kabul. Người ta tin rằng Pakistan đã chi viện từ 10000 đến 20000 quân cho Taliban để xâm chiếm Kabul. Điều đầu tiên Taliban làm sau khi chiến thắng là hành hạ và treo cổ tổng thống Najibullah. Taliban sau đó đã thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan.
Những tổ chức còn lại coi Taliban như mối đe dọa lớn nhất và đã hợp lại thành đồng minh quân sự để thành lập Liên minh phương Bắc. Những người lãnh đạo chính là Ahmad Shah Massoud, Abdul Rashid Dostum và Burhanuddin Rabbani.
Xanh lá (Taliban), Vàng  (Hizb-e Wahdat) , Xanh dương (Massoud), Đỏ (Dostum)
Sau hàng loạt trận chiến và các cuộc thảm sát dân thường, Taliban đã đánh bại Abdul Rashid Dostum và Hezb-e Wahdat ở trận đánh tại thành phố Mazar-e-Sharif năm 1998. Hàng nghìn người dân vô tội đã bị hành hình ngay sau khi Taliban chiếm được Mazar-e-Sharif. Dostum bị đi đày. Cuối cùng chỉ còn lại Ahmad Shah Massoud. Theo chúng tôi biết thì Taliban đã đàm phán cho ông một vị trí trong chính quyền để đổi lấy liên minh nhằm kết thúc cuộc chiến. Ông đã từ chối.
Ahmad Shah Massoud, Sư Tử Vùng Panjshir
Massoud đã xin sự trợ giúp từ các nước châu Âu, Mĩ và vài nước khác để chống lại Taliban nhưng không thành công. Vào 9/9/2001, hai kẻ đánh bom tự sát người Ả Rập giả làm nhà báo đã ám sát ông. Al-Qaeda được tin rằng có trách nhiệm trong vụ này. Al-Qaeda và Taliban đã liên minh với nhau. Taliban đã chiến thắng, giành được cả Afghanistan nhưng không bao lâu. 2 ngày sau Al-Qaeda thực hiện vụ khủng bố 11/9. Mĩ và các đồng minh quốc tế đã thành lập Chiến dịch Tự do bền vững và xâm chiếm Afghanistan. Những chuyện sau đó thì có lẽ chúng ta cũng đã biết.

Bản đồ quá trình trỗi dậy và đi xuống của Taliban
Sự cai trị của Taliban ở Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan
Taliban đã thi hành sự diễn giải luật Sharia nghiêm khắc trên khắp đất nước. Phụ nữ không được đi làm, con gái không được đi học, tất cả đều phải mặc che kín cơ thể. Nhìn chung phụ nữ chỉ được ở nhà và hầu như không có quyền lợi gì. Những sự trừng phạt trở nên nghiêm khắc hơn bao giờ hết khi trộm sẽ bị cắt chân. Những ai đi theo Cộng sản sẽ bị săn lùng và đi đày.

Bộ máy cai trị cũng bị thay đổi. Những viên chức giàu kinh nghiệm hay có trình độ giáo dục cao bị tước quyền và thay thế bởi những mục sư ở các trường tôn giáo. Ban đầu hình thức cai trị của họ là Jirga hay nôm na là theo kiểu hội đồng. Đó là hình thức cai trị lâu đời nhất của Hồi giáo. Tuy nhiên sau đó giáo sĩ Omar bắt đầu nắm nhiều quyền lực hơn và ông không thảo luận các vấn đề với hội đồng trước khi đưa ra quyết định nữa. Giáo sĩ Mohammed Omar được phong là Amir al-Mu'minin (Lãnh đạo của Tín hữu)
Những quyết định đưa ra dựa trên lời khuyên của Amir al-Mu'minin. Đối với chúng tôi hội chẩn là không cần thiết. Chúng tôi tin rằng điều này đúng với bộ luật Sharia. Chúng tôi tuân theo quan điểm của Amir kể cả khi ngài tự mình đưa ra quan điểm. Sẽ không có Nguyên thủ quốc gia. Thay vào đó là Amir al-Mu'minin. Giáo sĩ Omar là người có quyền hành cao nhất, và chính phủ sẽ không được thực thi quyết định gì trái với ý ngài. Tổng tuyển cử là kiêng kị trong Sharia vì vậy chúng tôi chối bỏ điều này.
-Người phát ngôn của Taliban-
Taliban chủ yếu bao gồm những người gốc Pashtun. Sau khi Taliban lên nắm quyền thì những người không phải Pashtun bị đẩy ra khỏi chính phủ. Ngoài ra còn có hàng trăm vụ thảm sát người Hazara.
Vì chỉ được đào tạo ở những trường tôn giáo Hồi giáo nên Taliban không có kinh nghiệm trong việc điều hành nền kinh tế của đất nước. Họ áp thuế rất nặng lên tất cả những doanh nghiệp ở Afghanistan. Hàng hóa nhập khẩu cũng bị đánh thuế nặng nề. Đất nước đã bị giày vò trong chiến tranh đã khó khăn nay lại càng thêm khó khăn. Đứng trước nguy cơ vỡ nợ, Mullah Omar tuyên bố hợp pháp hóa trồng thuốc phiện. Kinh doanh thuốc được chấp thuận. Mà trước đó điều này được coi là phản Hồi giáo và bất hợp pháp, hình phạt là tử hình. Số tiền thu được từ buôn bán thuốc phiện được dùng để chiến đấu với Liên minh phương Bắc.
Sau đó còn vụ phá hủy tượng Phật. Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, Taliban không phá hủy tượng Phật vì họ nghĩ tượng Phật là kí ức hay thần tượng của “những người ngoại đạo”. Năm 1999, Mullah Omar tuyên bố những bức tượng sẽ được bảo vệ và không ai có quyền làm tổn hại chúng.
Tôi không muốn phá hủy tượng Phật Bamyan. Trên thực tế, một số người nước ngoài đã đến gặp tôi và nói họ muốn sửa chữa tượng Đức Phật Bamyan đã bị hư hại nhẹ do nước mưa. Điều này làm tôi thấy sốc. Tôi nghĩ, những con người tàn nhẫn này không hề đoái hoài đến hàng ngàn con người còn sống - những công dân Afghanistan đang chết đói, nhưng họ lại rất quan tâm đến những vật thể không còn tồn tại như Đức Phật. Điều này là vô cùng đáng trách. Đó là lý do tại sao tôi ra lệnh phá hủy nó. Nếu họ đến vì công việc cứu tế nhân đạo, tôi sẽ không bao giờ ra lệnh hủy diệt Đức Phật.
-Mullah Mohammed Omar-
Lí do cho việc phá hủy là vì những kẻ nước ngoài quan ngại đến mấy bức tượng hơn là Afghanistan. Taliban về cơ bản đã góp phần tạo nên tình cảnh hàng triệu người Afghan đói khổ. Sau đó họ còn phá hủy nền kinh tế của đất nước. Cấm tất cả những tổ chức phi chính phủ vì cho rằng họ không đáng tin. Tiến hành những cuộc thảm sát vô nhân đạo dẫn đến các biện pháp trừng phạt quốc tế. Khi cộng đồng quốc tế muốn giúp sửa chữa tượng Phật vì Afghanistan không đủ kinh phí làm điều đó, Taliban lại cho rằng họ là những con quỷ dữ chỉ quan tâm tới mấy bức tượng thay vì con người.
Tượng Phật Bamiyan trước khi bị phá huỷ
Trên đây đã tóm tắt khá đầy đủ về Taliban. Những con người thượng cổ phản đối sự hiện đại hóa. Một tổ chức ra đời vì thù ghét sự thối nát của chính quyền và những tên tư lệnh. Nhưng khi nắm quyền thì lại trở nên tồi tệ hơn tất cả những điều đó. Taliban không giống những tổ chức khủng bố khác như Al-Qaeda. Họ chỉ quan tâm tới một chính phủ Hồi giáo thống nhất toàn cầu. Họ muốn thành lập lại Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan và đưa nó về quá khứ của ngàn năm trước. Tạo nên một đế chế Hồi giáo kiểu cũ. Thế nhưng họ lại không hề biết rằng quan điểm và niềm tin của mình đã đi quá xa so với thời Rashidun thực dụng, thời Umayyads ưu tú hay thời Abbasids đầy tính giác ngộ.

Bài dịch của Hà Phương Mai tại group QRVN.