Bạn đang khát. Một cảm giác khó chịu xuất hiện đâu đó ở cổ họng bạn, báo hiệu rằng cơ thể bạn đang thiếu nước. Nhờ có cảm giác khó chịu đó, bạn cuối cùng cũng có thể dứt ra khỏi thứ đang chiếm lấy sự chú ý của bạn và đi kiếm nước. Nếu cơn khát đó được thỏa mãn, không những cơ thể bạn có được thêm nước, mà bạn còn được nhớ lại rằng được uống nước thật đã làm sao. Còn nếu mãi mà bạn vẫn chưa dứt ra khỏi thứ đang làm (như việc đọc bài viết này chẳng hạn), thì cơn khó chịu sẽ vẫn còn tiếp tục, và bạn cũng sẽ được nhắc nhở rằng việc trì hoãn uống nước là điều sai trái.
Cơn khát đó là một ví dụ cho cảm xúc. Cảm xúc báo hiệu rằng một nhu cầu đang cần được đáp ứng, tạo ra động lực và ham muốn để đáp ứng nhu cầu đó. Tùy vào kết quả mà ta sẽ có cảm xúc tiêu cực hay cảm xúc tích cực. Nếu nhu cầu đó được thỏa mãn, cảm xúc tích cực sẽ được sinh ra, nhắc ta nên duy trì những động lực và mong muốn đó trong tương lai. Nếu không, cảm xúc tiêu cực sẽ được sinh ra, và ta sẽ còn cảm thấy khó chịu cho tới khi nào nhu cầu đó được đáp ứng. 
Nhờ có cảm xúc, ta có thể thích nghi được với môi trường. Trong bao nhiêu triệu năm đấu tranh sinh tồn và tiến hóa, bộ não của chúng ta đã học được rằng sự đáp ứng tức thì với biến đổi của môi trường là quan trọng. Có những thứ ta cần phải làm mà không cần phải nghĩ, và những thứ đó sẽ được báo hiệu bằng cảm xúc. Nó sẽ choán lấy sự chú ý của ta, dứt ta ra khỏi những vấn đề không thực sự thiết yếu để chú ý vào những nhu cầu thiết yếu hơn. Nó đem thông điệp của cơ thể đến với nhận thức, là sứ giả giữa nhu cầu và hoạt động tư duy. Nếu bạn muốn ghi nhớ một điều gì đó, kết nối nó với cảm xúc là cách hiệu quả nhất.
Để có thể được trao quyền cho việc chi phối ta, cảm xúc cần được khắc sâu vào hệ thần kinh. Để minh họa được quyền lực của nó, mạn phép bạn cho tôi bổ não bạn ra làm đôi:

Sau khi não của bạn đã được bổ ra làm đôi, bạn sẽ thấy nó được chia ra làm 3 phần: phần não bò sát (màu nâu), hệ viền (màu đỏ), và não mới (màu xanh). Ban đầu, khi tất cả chúng ta đều mới là bò sát, thì chúng ta chỉ có não bò sát. Sau một thời gian tiến hóa, phần não này đã được mở rộng ra thành hệ viền. Sau một thời gian tiến hóa nữa, hệ viền tiếp tục được chồng thêm lớp não mới. 
(Cái mô hình ba não này tuy không còn được xem là chính xác, nhưng lại  rất trực quan cho người mới tìm hiểu. Hơn nữa với những phân tích ở đây  thì dùng nó vẫn ổn.)
Hầu hết các cảm xúc của chúng ta xuất phát từ hệ viền, trong khi các hoạt động tư duy của chúng ta lại nằm ở phần não mới. Do được nằm ở phần não cấp thấp hơn, nên nó cũng có quyền lực trong việc chi phối ta hơn. Điều đó không có nghĩa là ta không thể kiểm soát chúng, mà chỉ là sẽ luôn có sự cạnh tranh giữa cảm xúc và lý trí nếu chúng mâu thuẫn nhau.
Trong mấy chục loại cảm xúc khác nhau của chúng ta, thì 6 cảm xúc sau đây được xem là căn bản trong mọi nền văn hóa: vui, buồn, sợ, kinh tởm, giận dữ, ngạc nhiên. Sự khác biệt trên khuôn mặt là rất rõ ràng. 
Ta có thể thấy 4 trong 6 cảm xúc này đều là cảm xúc tiêu cực. 

Cảm xúc tự nhận thức bản thân

Một nhóm các cảm xúc quan trọng mà có lẽ chỉ những loài động vật có tính xã hội cao như con người mới có chính là các cảm xúc tự nhận thức về bản thân (self-conscious emotions). Như tên gọi của nó, để xuất hiện các cảm xúc tự nhận thức bản thân, tâm trí bạn phải ý thức được về mối quan hệ giữa bản thân với những người xung quanh. Chúng không phải là các cảm xúc cơ bản, và chúng ta có chúng trễ hơn so với các cảm xúc khác. Để phân biệt chúng với các cảm xúc khác, ta phải dựa vào các điệu bộ của đầu và cơ thể, chứ những gì biểu lộ trên gương mặt (facial expression) thì không đặc trưng lắm.
Đây là một số cảm xúc tự nhận thức bản thân của chúng ta:
- Tự hào, hãnh diện (pride)  
- Xấu hổ, ngại ngùng, quê độ (embarrashment)
- Mặc cảm (shame)
- Hối lỗi (guilty)  
- Ghen tị (jealous, envy)
Trong các cảm xúc này, có duy nhất tự hào là cảm xúc tích cực. Tính luôn cả các cảm xúc cơ bản, thì phần thưởng do tự hào đem lại là rất lớn. Nó đem lại cho ta một năng lực không thua kém gì lòng biết ơn (gratitude) và lòng trắc ẩn (compassion): sự kiên trì và bền bỉ vượt qua mọi chướng ngại.  


Có hai loại tự hào: tự hào vì thành quả(achievement-oriented pride) và tự kiêu (hubris pride). Chúng là sự khác nhau giữa "tôi đã làm được điều gì đó quan trọng", và "tôi làngười quan trọng". Cả hai đều cùng có một cách thể hiện ra bên ngoài. Tuy nhiên tự kiêu có thể dễ dẫn đến cảm xúc khinh bỉ (contempt), nhưng tự hào vì thành quả thì không. Tự kiêu cũng không tạo ra được sự kính trọng lâu dài. 
Điều thú vị nhất về tự hào là nếu ta nhìn thấy một người không có gì đáng để tự hào, mà họ vẫn tự hào được, thì ta cũng gần như không thể nào cưỡng lại được việc xem trọng họ.


Đây là phần đầu trong series Khi sự bất lực trở thành cái đẹp. Nó gồm 4 phần: 
Rất mong nhận được sự góp ý của các bạn.