Cảm xúc của tôi sau một năm vừa đọc vừa đi
Tôi chả biết đặt tiêu đề bài viết này như thế nào nữa nên tạm gọi nó là "cảm xúc" vậy. Tất nhiên nó mang ý chủ quan của tôi. Thông...
Tôi chả biết đặt tiêu đề bài viết này như thế nào nữa nên tạm gọi nó là "cảm xúc" vậy.
Tất nhiên nó mang ý chủ quan của tôi.
Thông thường sau một năm chúng ta thường có những tổng kết ở cơ quan, tổng kết cá nhân xem một năm qua đã làm được những gì, chưa làm tốt điều gì để có một cái nhìn một chiến lược cho năm tiếp theo.
Bài viết này tôi cũng muốn nhìn lại bản thân mình trong năm qua. Những vấn đề cá nhân chi tiết tôi không nêu vào vì nó không mang tính thảo luận hay có yếu tố cần chia sẻ nhằm mục đích thảo luận.
Năm 2016 tôi đọc được trọn vẹn 15 cuốn sách. Trọn vẹn nghĩa là nghiền ngẫm, ghi chú, thẩm thấu tôi không muốn tính vào những quyển chỉ đọc giải trí. Tôi cũng xem vỏn vẹn hai bộ phim và xem trên mạng. Tôi thuộc típ người không thích xem phim rạp.
Trong số 15 quyển sách tôi nghiền ngẫm có quyển nhà giả kim. Tôi biết quyển sách này nổi tiếng cho nên trên mạng đã có rất nhiều bài viết về nó, những câu chuyện bài học về quyển sách đó. Ở đây tôi không làm bài reveiw hay bài học gì hết. Tôi chỉ muốn đưa ra một vấn đề trong sách tôi cảm thấy nó là vấn đề mà hầu như chúng ta luôn đưa ra tranh luận, mổ xẻ.
Vấn đề đó là "đọc sách tốt hơn hay trải nghiệm tốt hơn". Các bạn có nhớ chi tiết trong quyển nhà giả kim khi tác giả Paulo Coelho để anh chàng Santiago gặp một anh sinh viên người Anh có ý định đi tìm nhà giả kim không? Anh chàng sinh viên Anh là đại diện cho một kiểu người nghiên cứu mài mò trên sách vở lý thuyết. Anh ấy tin sách vở đến nổi không tự tin tự mình làm thuật giả kim. Anh chàng còn mắng Santiago chăn cừu không hiểu những điều cao siêu trong sách. Santiago là một người thích trải nghiệm, đi đây đi đó và làm theo trái tim mách bảo. Nhưng cuối cùng người mà nhà giả kim chọn để truyền dạy lại là Santiago!
Có phải tác giả Coelho đề cao "chủ nghĩa trải nghiệm" hơn "chủ nghĩa học thuật"? Tôi thấy không phải như vậy bởi vì tác giả là người viết sách và ngay trong những trang đầu tác giả cũng miêu tả nhân vật Santiago anh chàng chăng cừu mê đọc sách, tác giả còn cho rằng nói chuyện phím với con người thà đọc một cuốn sách còn hơn. Như vậy, tôi cho rằng tác giả không phủ nhận chuyện đọc sách. Điều ẩn ý của tác giả mà tôi cảm nhận được qua "nhà giả kim" đó là đọc sách đi cùng với trải nghiệm, đọc như thế nào và trải nghiệm ra sao để mang lại lợi ích cho chính bản thân chúng ta.
Đánh giá này có phần hơi chủ quan nhưng theo tôi "người Việt Nam rất lười đọc sách". Rất nhiều bài viết tìm nguyên nhân vì sao người Việt nổi tiếng hiếu học mà lại lười đọc. Có người cho rằng giá sách cao so với mặt bằng chung thu nhập của người Việt, vì áp lực công việc, vì nhiều nơi chưa có thư viện, nhà sách. Tôi không đánh giá mấy nguyên nhân đó đúng hay sai. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn tự mình đưa ra một nguyên nhân mà tôi thấy hầu hết những người xung quanh tôi đưa ra lý do họ không đọc sách. Họ bảo "đọc để làm gì? làm sao đọc khi sách có làm nên cơm áo gạo tiền, đói rã ruột thì có đọc được không?". Tôi thấy lý do họ đưa ra cũng không hẳn sai, đọc sách mà đặc biệt là những quyển sách cung cấp kiến thức hay hàm lượng trí tuệ cao đòi hỏi người đọc phải tập trung tỉnh táo. Nếu trong lòng bạn lo nghĩ nhiều chuyện như hôm nay ăn gì, đến hạn trả lãi suất ngân hàng thì bạn không thể nào cầm quyển sách lên mà đọc nổi đâu. Đó là một thực tế! Bởi thể, tỷ phú Jack Ma ông cho rằng khi giàu đọc sách mới thực sự là đọc sách.
Còn một thực tế nữa là những người đọc sách nhiều mà ít đi đây đi đó hay không thực hành thường dễ dẫn đến căn bệnh "ngộ sách", tin hẳn vào những gì sách nói, xây dựng bức tường quan điểm đến cố chấp. Sáng tạo bị lu mờ và hiếm khi dám tự mình nhận định một vấn đề nào đó mà thường là "sách tác giả A, B, C nào đó nói thế"
Ngược lại những người thích trải nghiệm hơn đọc sách họ có thể tự quyết định vấn đề và cũng có khi tự bản thân sáng tạo khi làm một công việc nào đó. Nhưng họ vẫn có những căn bệnh của riêng họ như họ vẫn cố chấp, khó thuyết phục vì ít đọc sách nên họ nghĩ cái họ nghĩ, họ làm là chính xác, "cái tôi" của họ đôi khi rất lớn . Và một điều tôi nhận thấy ở Việt Nam là những người giàu có thường ít đọc sách vì họ làm ăn buôn bán thực tế nhưng sự giàu của họ một là không thể giàu hơn nữa hai là dễ sa sút khi thế giới thị trường biến động vì họ không bắt kịp thời đại (có thể luận điểm này chủ quan vì tôi dựa trên những người tôi thấy họ giàu nhờ bán đất, hay xuất khẩu nông sản khi nhu cầu thế giới tăng- gọi là giàu sỏi). Qua đó tôi đã hiểu câu "đã giàu thì nhất định phải đọc sách".
Nói thế không có nghĩa là người chưa giàu, sinh viên, học sinh không cần đọc sách. Ở đây tôi không đề cao bên trải nghiệm nhiều hơn hay bên đọc sách nhiều hơn mà tôi muốn bàn về cách tiếp cận sách thông qua những gì mình hiểu được từ tác phẩm nhà giả kim. Santiago nhân vật chính trong tác phẩm theo tôi là đại diện cho một kiểu người thích trải nghiệm, thích phiêu lưu nên đã quyết định bỏ quê hương từ bỏ sự ổn định của một người đi tu trong nhà dòng mà làm nghề chăn cừu để lang thang đi đây đó. Nhưng Santiago cũng thích đọc sách cậu ấy đi chăn cừu đem theo quyển sách dày và mong chờ dừng chân ở thành phố để đổi sách. Anh chàng sinh viên người Anh là kiểu người cuồng sách và vì cuồng sách nên anh cho rằng những người không đọc những quyển sách như anh đều là những kẻ gàn dở. Santiago là người vừa thích sách vừa thích trải nghiệm cho nên cách tiếp cận sách của Santigo là đọc sách để khuây khỏa tâm hồn. Anh chàng sinh viên người Anh kia thuộc kiểu người yêu sách thái quá nên tin hết vào sách cho đến khi nhận thấy những quyển sách không giúp anh làm được thuật giả kim, anh ấy mới chịu đi đến tận nơi tìm hiểu.
Như vậy tôi nhận thấy khi nói về đọc sách và trải nghiệm thường có 4 kiểu người sau: (1) cuồng sách không muốn trải nghiệm cho rằng đọc sách là đủ (2) chỉ thích trải nhiệm thực tế xem thường việc đọc sách hay học tập qua sách (3) trải nghiệm trước và thấy cần phải đọc sách để giữ tinh thần và đúc kết kiến thức(4) đọc sách trước rồi khi thấy bản thân thiếu kinh nghiệm sẽ bắt đầu bước đi trải nghiệm.
Kiểu thứ 4 thường là các bạn học sinh, sinh viên. Điều này cũng dễ hiểu vì đây là lúc chúng ta không biết mình thích gì, muốn gì, làm gì và đi đâu? Chúng ta ở trạng thái vô định và xem sách như một cứu cánh. Đôi khi chúng ta mua sách vô tội vạ và nghĩ đọc một cuốn sách có thể giúp ta giàu lên hay có ngay một kỹ năng nào đó. Tuy nhiên người ở kiểu (4)có khi cũng quay về kiểu (2) nếu bản thân họ cảm nhận rằng đọc không ít lợi gì, không nuôi được cái bụng từ đó ghét luôn việc đọc sách nhưng tôi nghĩ người quay về kiểu 2 sẽ hiếm vì những ai đã đọc sách thì đều có tình yêu với sách không dễ gì phũ phàng với nó. Vậy những người kiểu (3) có khi nào sẽ quay về kiểu (2) ? Có chứ! Nếu họ thử đọc sách và cảm thấy sách không giúp ích gì cho cuộc đời họ thì họ không muốn đọc sách nữa.
Dựa trên quan điểm cá nhân tôi đưa ra 4 kiểu người thường thấy nhất khi đề cập đến vấn đề đọc sách hay trải nghiệm. Không ai có quyền bắt người khác sống theo suy nghĩ của mình. Vì thế trong bài viết này tôi không nghĩ bản thân minh đưa ra lời khuyên hay phán xét. Chỉ theo ý cá nhân tôi cho là kiểu (1) và (2) khá tiêu cực. Tôi nhận thấy vừa đọc sách vừa trải nghiệm vẫn là hiệu quả nhất. Không nhất thiết là hai hoạt động đó song song (vừa - vừa). Bạn có thể đọc nhiều trước trải nghiệm sau hoặc ngược lại đi nhiều, trải nghiệm nhiều rồi bắt đầu đọc sách.
Sẽ không một ai dám phủ nhận vai trò của sách đối với nhân loại này và cũng sẽ không một ai dám khẳng định chỉ cần đọc sác bạn sẽ giỏi giang hay giàu có. Người thành công thường nói đến vai trò của sách trong cuộc đời họ và người trẻ thường học theo lao đầu vào đọc bắt chước họ mà quên đi chìa khóa then chốt. Đó là chúng ta đều là những cá thể có bản sắc và bản ngã khác nhau. Cho nên sự khác nhau giữa người thành công và chúng ta nằm ở chổ không phải người thành công đọc sách nhiều hơn hay trải nghiệm nhiều hơn, mà họ biết bản thân họ cần gì từ đó cách tiếp cận sách hay trải nghiệm những gì cho cuộc đời của riêng họ.
Mở rộng vấn đề một chút, tôi hay ví von rằng "kiến thức nhân loại" là một sa mạc mênh mông. Trên sa mạc đó có đủ thứ cả vàng, gỗ quý, nguyên liệu nhưng cũng đầy rác rưởi, phân,..Bạn là người được thả vào sa mạc kiến thức mênh mông ấy và được yêu cầu xây dựng căn nhà kiến thức cho riêng mình. Vậy là bạn phải tự đi tìm nguyên liệu trên sa mạc đó. Điều lưu ý rằng trên sa mạc đó vàng và rác lẫn lộn, bạn phải biết đâu là vàng đâu là rác và quan trọng hơn hết bạn phải biết căn nhà kiến thức mà bạn muốn dựng nên nó như thế nào để tìm nguyên vật liệu phù hợp. Rất có thể nguyên vật liệu này phù hợp với người khác nhưng chưa chắc phù hợp với bạn. Cho nên nếu bạn sao chép rập khuôn của một ai đó bạn sẽ rất khó để đi đến thành công. Muốn biết mình cần gì thì phải đi phải trải nghiệm, nhưng thời gian hạn hẹp thì phải đọc là biện pháp duy nhất để xây dựng căn nhà kiến thức cho riêng mình. Bản thân tôi trong năm qua cũng đã mắc những sai lầm trong việc đọc quá nhiều mà không chọn lọc. Tôi có đi, có thực hành, trải nghiệm nhưng chưa nhiều mà vội vàng đưa ra kết luận. Hy vọng năm mới này tôi sẽ cố gắng khắc phục để hoàn thiện "căn nhà tri thức" của tôi.
Trong năm mới này tôi chúc các bạn có thể hài hòa được cả việc đọc và việc trải nghiệm bằng cách nào đó tùy mỗi người. Và chúng ta sẽ thành công trên con đường đi tìm tri thức đóng góp trước hết cho trang "spiderum", cho công việc chúng ta và cao hơn hết cho đất nước.
(Bài viết này vừa mang tính chủ quan vừa có yếu tố tranh luận. Cho nên mọi bình luận lịch sự, có thể đồng quan điểm, bất đồng quan điểm tôi điều chân thành tiếp thu.)
/chuyen-tro-tam-su
- Hot nhất
- Mới nhất