Nhưng tôi tin, có những nơi khác, con người ở đó không như vậy, xứ xa xôi đó, liệu có bao dung cho cả những kẻ ở xứ này không?

1. Thông tin chung

- Tên tác phẩm: Tuyển Tập Truyện Ngắn Vũ Trọng Phụng
- Tác giả: Vũ Trọng Phụng
- Thể loại: Châm Biếm, Trào Phúng
Sau khi bơi trong bể buồn thênh thang của cô Tư , sợ chết đuối nên cảm thấy cần lên bờ, đi dạo 1 chút.
Sau những câu văn tả lòng chân thực tới não nề của Miền Tây, mình muốn quay lại với giọng văn châm biếm của Miền Bắc. Và còn ai phù hợp hơn Vũ Trọng Phụng cơ chứ.
Tuyển Tập Truyện Ngắn Vũ Trọng Phụng gồm 27 truyện, dưới đây là cảm nhận của mình về từng truyện ngay sau khi đọc, truyện nào không được nhắc tới là do mình không biết viết gì thôi.

2. Cảm nhận

Chống nạng lên đường (1931)
Ăn là nhu nhu cầu cơ bản của con người, thời nay đã được nâng tầm lên thành một cái thú, thú ăn ngon. Nhưng ở cái thời ấy, cái nơi ấy, những người ấy, thì ăn no thôi đã là cả một niềm sung sướng rồi.
Khi không được no thì sao? Không chỉ đơn giản là đói, mà nó còn khiến người ta trở nên xấu xí ác liệt.
Người ta có thể xấu tới đâu chỉ vì đói? Tới mức mắng cha mắng mẹ, chửi rủa đuổi đánh anh em ruột thịt.
Xấu đến thế thì thôi…
Biết là cái thời ấy đã qua, nhưng ai chắc được, khi rơi vào hoàn cảnh đó, mình sẽ như thế nào. Nên ngoài trau dồi năng lực để kiếm tiền ra, nuôi dưỡng tâm hồn cũng rất quan trọng, để biết thương, biết cảm thông, biết chia sẻ.
Để khi không còn gì, ta vẫn còn lòng bao dung…
Một cái chết (1931)
Ích kỉ như một liều thuốc độc, không chỉ làm mục rữa tâm hồn ta, mà còn đầu độc tâm hồn của những người xung quanh.
Trẻ con bị ảnh hưởng nhiều nhất từ cha mẹ, nếu người cha là một người ích kỉ đến tàn nhẫn, thì đứa bé đó sẽ ra sao?
Mỗi hành động của chúng ta, ngoài ảnh hưởng trực tiếp tới đối phương, còn gián tiếp ảnh hưởng tới cả những người chứng kiến.
Đúng là “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” mà…
Bà Lão Lòa (1931)
“Cái cảnh túng bấn nó thường đẩy người ta vào chốn bùn nhơ, nó thường buộc người vào vòng tội lỗi…”
Có đúng thế không?
Đúng, ít nhất là ở cái xứ mà Vũ Trọng Phụng đang kể, cái xứ mà tôi sinh ra. Người ta có thể làm mọi thứ khi túng quẫn, kể cả đánh mất lương tâm.
Nhưng tôi tin, có những nơi khác, con người ở đó không như vậy, xứ xa xôi đó, liệu có bao dung cho cả những kẻ ở xứ này không?
Con người điêu trá (1932)
Thương ai trong câu chuyện này bây giờ?
Thương cô gái điêu trá, phải giấu “nghề”, phải bịa chuyện để có được những phút giây yên bình bên người mình thương.
Hay thương anh chàng ngây thơ, yêu cô say đắm mà chưa một lần hoài nghi.
Ai đáng thương hơn, tôi không biết, nhưng “nghĩa tử là nghĩa tận”, nếu có thể, hãy để người ta được nhắm mắt trong sự an yên, dù lỗi lầm họ có lớn tới cỡ nào.
Sao Mày Không Vỡ, Nắp Ơi (1934)
“…nghề báo chúng tôi phải gây ra dư luận, báo mới chạy”
Nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ cười với cái sự “đĩ bút” của cánh làm báo.
Kiểu gì cũng viết cho được, cây bút chứ có phải con lươn đâu mà luồn khéo thế không biết…
Bệnh Lao chữa bằng mồm (1934)
“Mồm miệng đỡ tay chân”
Câu này rất đúng ở xứ tôi. Khéo ăn khéo nói, thông minh 1 chút là nhàn tênh.
Nhưng, đó là “thông minh” hay “khôn lỏi”?
Hồi nhỏ thích đọc Trạng Quỳnh lắm, vì Trạng thông minh. Nhưng sau này mới thấy, đó là khôn lỏi.
Khôn lỏi cũng giải quyết được vấn đề, nhưng không tận gốc, về lâu dài, cây kim trong bọc rồi sẽ lòi ra thôi.
Xứ tôi, sự khôn lỏi có mặt khắp nơi vậy đấy.
Bụng Trẻ Con (1934)
Dạ trẻ con như trang giấy trắng, không viết được những điều hay, thì cố đừng làm bẩn nó.
Bé Liên thì dễ thương rồi, nhưng người lớn trong truyện thì… làm ta lấn cấn quá.
Rồi cả việc “bần cùng sinh đạo tặc” nữa, cứ lấy “bần cùng” để biện hộ cho việc xấu hoài sao, xứ tôi ơi…
Sư cụ chiết lý (1935)
Đậm chất châm biếm, đọc mà thấy đã :))
Nhưng những người như vậy vẫn đang có mặt xung quanh ta mà, thậm chí chính… ta cũng có lúc như vậy.
Bao nhiêu lý lẽ, lý do cũng chỉ để che đậy mục đích tầm thường, học cho lắm, cũng chỉ để tự bào chữa cho cái sai của mình mà thôi.
“Hà Nội ngàn năm văn vở” mà :))
Bộ răng vàng (1936)
Truyện ngắn, rất ngắn, ngắn như cái nhân cách của 2 người con.
Chuyện anh em trong nhà lục đục vì chia gia tài vẫn còn cho tới bây giờ. Cố gom góp tài sản để làm gì, khi không chuẩn bị cho con cái tính tự lập, năng lực tự nuôi sống bản thân, chỉ luôn trông chờ vào gia tài thừa kế.
Nhưng có giỏi giang đến mấy, khi vẫn chưa học được cách “biết đủ”, thì lòng tham vẫn sẽ nuốt chửng nhân cách của người ta bất kì lúc nào.
Cái ghen đàn ông (1937)
“Không, người ta chẳng nên thật thà, nhất là khi người ta yêu nhau.”
Trong chuyện tình cảm, đàn ông ích kỉ lắm, ít nhất là đàn ông xứ này.
Do ích kỉ, nên không bao giờ muốn chia sẻ người mình thương với bất kì ai, kể cả với quá khứ.
Nên tốt nhất, để an yên, đừng tìm hiểu quá khứ người ta làm gì, vì xét cho cùng, mình yêu họ của hiện tại cơ mà.
Lòng tự ái (1937)
“Sự căm hờn chỉ nuôi chứ không giết. Sự căm hờn đẻ ra lòng tự kiêu, tự ái, mà lòng tự ái chính là một sức mạnh để tự vệ. Chỉ có sự hối hận, sự tự mình phải giận mình, là giết mà thôi”
Khích tướng để tạo động lực cho người khác, thì nhiều người làm được.
Nhưng đóng vai ác để cứu rỗi tâm hồn người mình thương, thì mấy ai chịu hi sinh?
Không thể đến với nhau, nhưng vẫn muốn người ta thương mình, ích kỉ quá, nhưng hãy nói tôi không cô đơn đi…
Lấy vợ xấu (1937)
“Vợ anh, thật vậy, là một người đàn bà có cái nhan sắc của một người đàn ông không đẹp giai”
Tả chi mà phũ phàng vậy ông nội :))
Này nhé các chị em, nếu có thiếu nhan sắc, thì phải biết diễn xuất một chút, vì đàn ông dễ dụ lắm :))
Người có quyền (1937)
Tiền bạc đem lại sự tự tin, quyền lực cho đàn ông.
Một kẻ không tiền, thì ngay cả tư cách làm cha cũng bị tước mất dễ như bỡn.
“Miệng kẻ sang có gang có thép”
Vậy miệng kẻ hèn có gì?
Thôi không dám nghĩ, đi kiếm tiền thôi :))
Máu mê (1937)
Hiểu, vì đã từng là con bạc :))
“Con bạc chỉ đứng lên khi hết sạch tiền”.
Đó là điều chỉ có thể rút ra khi… hết sạch tiền :))
Nên, thà mất hết khi có ít tiền, còn hơn mất hết khi có nhiều tiền.
Khi tài chính còn chưa mạnh, khi chưa phải nuôi ai, thì cứ thỏa sức mà trải nghiệm đi.
Kiếm tiền không khó, giữ không để mất tiền mới khó.
Tự do (1937)
Thương con kiểu các bà mẹ Á Đông là kiểu bao bọc, bảo vệ con khỏi mọi khó khăn, vất vả của cuộc đời. Nó vô tình lại là cản trở cho sự trưởng thành, độc lập, giống như cái lồng bao bọc con chim vậy. Chim vẫn lớn, vẫn đẹp, vẫn hót, nhưng khi ý thức được sự tồn tại của cái lồng, ý chí tự do sẽ bùng lên mãnh liệt. Nếu cái lồng không chịu nhượng bộ, con chim sẽ chết.
Đừng biến mình thành cái lồng của những đứa con…
Một đồng bạc (1939)
“Bán anh em xa mua láng giềng gần”
Láng giềng gần, hay bạn bè quanh ta, có khi nào trở nên gắn bó như ruột thịt được không?
Khó lắm, vì cái nhẽ “Có đi có lại mới toại lòng nhau”.
Các mối quan hệ mà vẫn còn nặng sự sòng phẳng trong chuyện “cho-nhận”, thì tới khi, cán cân bị nghiêng đi, không giữ được sự thăng bằng nữa, sẽ là lúc mối quan hệ chấm dứt. Nếu không vì sự ích kỉ của bên này, thì cũng do sự tự ái của bên kia.
Chơi được với nhau mà không màng giàu nghèo, địa vị, ắt là mối quan hệ đáng trân trọng. 
Từ lý thuyết đến thực hành (1939)
“Nói được làm được” ắt là người đáng tin.
Có 4 chữ thôi nhưng đó là mục tiêu phải phấn đấu cả đời của nhiều người. Ai chả có lúc nói những điều xa xôi, triết lý đáng ngưỡng mộ, trong khi chẳng mảy may quan tâm tới việc mình có thực hiện được hay không.
Đó gọi là Nói Phét.
Nói phét có nhiều kiểu, tuỳ vào mục đích mà cho thấy bản chất con người. Có cả những người giấu được mục đích khi nói Phét, âu cũng là một cái tài. Nhưng thôi, thay vì suy nghĩ nói phét sao cho giỏi, nên tập trung vào 4 chữ bên trên kia, coi bộ bền vững hơn.

3. Tổng kết

So sánh Vũ Trọng Phụng (VTP) và Nguyễn Ngọc Tư (NNT)
Tại sao lại có sự so sánh này?
Vì 2 người đại diện cho 2 mảnh đất mà tôi quan tâm, đọc họ sẽ thấy được con người ở nơi đó như thế nào.
Mặc dù VTP viết về giai đoạn trước Cách Mạng, nhưng tin tôi đi, nơi tôi sinh ra vẫn không khác với các trang sách đó là bao đâu.
Điểm chung của VTP và NNT là cùng có những bài viết về lát cắt cuộc sống, phản ánh 1 phần xã hội.
Họ dám viết về những góc khuất, những chủ đề luôn bị tránh né vì nhạy cảm, gây tranh cãi.
Nhưng văn phong và cách truyền tải lại vô cùng khác nhau.
VTP là 1 kí giả, ông tập trung vào miêu tả tình huống, câu chuyện, lời nói, như một người Bắc trọng hình thức, chỉn chu, có đầu có cuối.
Còn NNT lại đi sâu vào miêu tả nội tâm, suy nghĩ của nhân vật, như một người miền Tây trọng tình nghĩa, chân chất mà nhiều suy tư.
Đọc VTP để thấy con người xứ đó đáng ghét thế nào.
Đọc NNT để thấy con người xứ đó đáng thương ra sao.
Hợp với ai?
- Muốn biết về góc khuất của Hà Nội giai đoạn trước Cách Mạng (và cả bây giờ).
- Muốn biết thêm về xứ Bắc, người Bắc.
- Người Bắc không sợ tự ái.
Tiếp theo đọc gì?
Bộ 3 tiểu thuyết đã được dựng thành phim Trò Đời:
- Số đỏ
- Cơm thầy cơm cô
- Kĩ nghệ lấy Tây