[Cảm nhận và phân tích] Phantom Thread - Tình yêu hay là sự kiểm soát?
Một tình yêu lạ kỳ, được khâu bằng những sợi chỉ của bóng ma, tổn thương và nấm độc.
Phantom Thread là bộ phim chủ đề thời trang, tâm lý mang nhịp
độ chậm rãi, không khí Anh Quốc cổ điển, xen kẽ những khung cảnh sang trọng, lãng mạn sẽ khiến bạn nhận ra nhiều khía cạnh của tình yêu.
Cảnh báo spoiler phim!
Raynolds Woodcock - một thiên tài bị tổn thương
Phantom Thread có tựa tiếng Việt là Bóng Ma Sợi Chỉ, cũng là hình tượng để ám chỉ đến Reynolds Woodcock (đóng bởi Daniel Day-Lewis), một nhà thiết kế trang phục nữ danh tiếng ở thời kỳ hậu chiến nước Anh. Đối với Reynolds, việc trở thành người chuyên may đo các bộ váy đầm kiêu sa, lộng lẫy không chỉ là một tình yêu với công việc, hay một tài năng bẩm sinh. Đó còn là một bóng ma quá khứ, một sự thương nhớ và ám ảnh về người mẹ quá cố đã truyền nghề cho ông từ thuở ấu thơ.
Reynolds sống cùng chị gái Cyril Woodcock (Lesley Manville) tại một căn nhà phố tọa lạc gần trung tâm London. Căn nhà này dùng để làm văn phòng của thương hiệu Woodcook, chuyên đón tiếp các quý bà giàu sang đến may đầm.
Vốn là người chìm đắm vào công việc và tôn thờ những bộ váy do bản thân thiết kế, Reynolds chỉ sống trong một vòng lặp khép kín: ông dậy sớm, chải chuốt từ cơ thể đến trang phục một cách cẩn trọng, xuống bàn ăn sáng và bắt đầu phác thảo ý tưởng.
Ở những phân cảnh đặc tả việc cắt may trang phục, người xem luôn có thể nhìn thấy sự tập trung cao độ của Raynolds đối với từng chất vải, từng đường kim mũi chỉ ra sao. Có cảm giác như ánh mắt của ông luôn dính chặt vào từng bộ trang phục.
Không chỉ có sự kỷ luật, gắn bó sâu sắc với công việc, Reynolds còn mang trong mình một vết sẹo tâm hồn, một bóng ma của người mẹ đã khuất. Reynolds giấu kín những bí mật của mình bằng cách thêu những mảnh vải nhỏ vào chiếc áo vest đang mặc và trong những bộ váy của khách hàng. Một mặt, Raynolds khao khát có một tình yêu đích thực, một người mang đến cho ông cảm giác ông là một đứa trẻ, luôn cần được chăm sóc. Mặt khác, Raynolds không biết đến tình yêu thực sự là gì, những người phụ nữ sống cùng ông chỉ được xem là “the muse” - nàng thơ, chứ không phải là người vợ chính thức. Ông không kết hôn vì nghĩ rằng hôn nhân sẽ khiến mình giả dối. Ông chỉ xem tất cả những nàng thơ sống cùng ông là người mẫu. Những “tác phẩm” để ông thỏa sức tạo ra những bộ trang phục xa hoa, lộng lẫy nhất.
Reynolds có cô độc không? Có, mặc dù sống trong sự chăm sóc của người chị gái cùng những nàng thơ, nhưng ông vẫn cô độc vì không thể tìm thấy sự gắn kết nối giữa bản thân và họ. Vì ông không thể chịu nổi những tiếng động khi làm bữa sáng, những chiếc bánh ngọt đầy kem bơ vì nó khiến ông bị sao nhãng. Vì ông không thể nghĩ đến ai khác ngoài mẹ mình và sự khao khát được chăm sóc bị giấu kín. Reynolds đè nén sự yếu đuối bên trong bằng cách tỏ ra là người đàn ông hào hoa, tinh tế, lịch thiệp và luôn chiều lòng những vị khách hàng nữ.
Alma Elson - một nàng thơ khác lạ
Không có gì ngạc nhiên khi Alma Elson (Vicky Krieps) - nàng thơ sau này của Reynolds lại gọi ông là “hungry boy” (cậu bé đói bụng) hay “spoiled little baby” (đứa trẻ hư hỏng). Trái ngược với Reynolds, Alma chỉ là một người nhập cư, là một cô hầu bàn bình thường tại một nhà hàng bình thường vùng ngoại ô. Ở Alma, người xem không được tiết lộ bất cứ điều gì về hoàn cảnh xuất thân hay quá khứ của nàng. Alma cũng không có sắc đẹp kiều diễm, cơ thể hoàn hảo như nàng thơ Johanna (Camilla Rutherford) trước đó.
Một cách kỳ lạ, cả hai vẫn bị thu hút nhau trong những giây phút đầu tiên, khi Reynolds cố gắng gọi món lâu hơn, để rồi mời Alma bước vào cuộc sống của mình. Ông cho Alma diện những bộ cánh rực rỡ, quý phái nhất, sau tất cả cũng chỉ nhằm mục đích thỏa mãn sự sáng tạo của ông.
Vậy là Alma, từ chỗ là một cô gái bình thường, có phần vụng về thô kệch, dưới sự dẫn dắt của Raynolds, cô đã trở thành một quý cô sang trọng và tỏa sáng. Cặp đôi này sẽ khiến chúng ta thấy quen thuộc như cái kết hạnh phúc giữa cô gái thường dân và bạch mã hoàng tử. Khung cảnh hai người nắm tay nhau dạo bước trên bờ biển dài hay giữa đại lộ một cách lãng mạn sẽ khiến người xem ấm lòng vì cuối cùng họ đã tìm thấy nhau. Raynolds đã nói: “tôi cảm giác như mình đã tìm kiếm em bấy lâu nay”, Alma đáp lại: “anh đã tìm thấy em, bất kể anh làm điều gì, hãy làm cho đúng”.
Tình yêu hay là sự kiểm soát?
Chào mừng đến giai đoạn vỡ mộng của tình yêu, nơi chúng ta chứng kiến sự thay đổi bất thường từ những người đang yêu nhau và xem họ làm tổn thương nhau như thế nào? Khi Alma nhận thấy Raynolds chỉ xem cô là một “người mẫu”, hay đúng hơn là một con ma nơ canh vô hồn với số đo cơ thể vừa tầm mắt của Raynolds, từ đó ông có thể tạo ra những bộ váy một cách thăng hoa nhất. Hóa ra Raynolds không hề yêu Alma như ông nói, mà chỉ xem cô là người thay thế chỗ của Johanna. Ngay cả Cyril cũng đối xử với Alma theo cách như vậy. Bà chỉ tỏ ra hài lòng khi em trai mình hài lòng, nếu có thể loại bỏ một nàng thơ nào đó, bà sẽ rất vui khi làm như vậy.
Trong một số mâu thuẫn, Raynolds dùng sự thượng đẳng về nghề nghiệp, gia sản, danh tiếng của mình để khiến Alma cảm thấy xấu hổ vì cô “không có gu thẩm mỹ, không biết đếm số”. Ông tự cô lập bản thân trong những giây phút tập trung cao độ để tách biệt hoàn toàn với Alma. Thậm chí, Raynolds cho Alma một phòng ngủ riêng, ngay bên cạnh phòng mình như một cách khẳng định, dù cô có thể bước vào cuộc đời ông, nhưng cô sẽ không bao giờ có thể chạm tới không gian riêng của ông được.
Alma yêu Raynolds, bởi cảm xúc, sự gắn bó, sự chung thủy và sự trân trọng khi Raynolds đã may cho cô những bộ váy khiến cô trở nên vững chãi, quý phái. Nhưng Alma nên làm gì khi Raynolds càng ngày càng trở nên xa cách cô hơn? Khi cô nhận ra mình chỉ là vật thế thân không hơn không kém?
Chúng ta sẽ thấy Alma ở những phân cảnh mà cô từng bước khẳng định mình. Cô cố gắng phá vỡ những lề thói của Raynolds, đầu tiên là cách cô chuẩn bị bữa sáng trên bàn ăn cho Raynolds với những tiếng động lách cách, như người cưỡi ngựa chạy quanh phòng và điều đó khiến Raynolds nổi giận. Hoặc là phủ nhận ý kiến của cả Raynolds và Cyril khi 2 người này muốn cô phải mặc trang phục cô không muốn. Khi đoàn công nương đến từ Châu Âu đến văn phòng Woodcook để đặt may váy, Alma đã nhìn thẳng vào công chúa và nói: “Xin chào, tôi sống ở đây”. Cô muốn tạo bất ngờ cho Reynolds khi tổ chức một bữa tiệc nhỏ với món ăn ông không ưa thích.
Ở Alma, cô lúc này không còn là một nàng thơ bình thường nữa. Cô không chấp nhận sự đối kháng đến từ hai chị em nhà Woodcook để rồi nhận một cái kết phũ phàng. Thay vào đó, Alma đã tìm thấy một loại nấm độc và bắt đầu học cách chế biến nó. Đây có thể xem như một biện pháp cuối cùng để Alma níu giữ tình yêu, khiến cho Raynolds bị bệnh, khi ấy ông sẽ như một đứa trẻ, ngoan ngoãn, dịu dàng và nằm trong vòng tay của cô.
Raynolds, với nhu cầu giấu kín là được chăm sóc, được che chở bởi người mẹ cuối cùng cũng chấp nhận rằng, từ đây đến hết cuộc đời, ông sẽ sống dưới sự chăm sóc của Alma. “Kiss me, my girl, before I’m sick” là câu nói ở phần kết gây ám ảnh nhất.
Dưới góc nhìn tâm lý học, đây là một mối quan hệ không khỏe mạnh chút nào. Sự đau khổ tạo ra chấn thương và biến thành sự phụ thuộc không ngừng. Trong mối quan hệ của Raynolds và Alma, cả 2 đều không có một tình yêu tự thân đích thực, họ phải liên tục phụ thuộc và kiểm soát lẫn nhau để duy trì tình yêu. Có nghịch lý không khi sự độc hại này lại mang đến kết quả tích cực? Như Alma đã nói: “nếu anh ấy không tỉnh dậy vào ngày mai, thì cũng chẳng có điều gì phải hối tiếc, bởi vì tôi biết anh ấy sẽ luôn đợi tôi, ở thế giới bên kia và kiếp sau”. Chúng ta được chứng kiến một mối quan hệ nằm giữa lằn ranh của sự độc hại và sự gắn bó, giữa tình yêu chung thủy và sự kiểm soát. Alma yêu Raynolds khi ông trở nên yếu đuối, cần được bảo vệ. Raynolds yêu Alma khi cô trở thành một người mẹ dịu dàng chăm sóc ông. Một tình yêu lạ kỳ, được khâu bằng những sợi chỉ của bóng ma, tổn thương và nấm độc.
Lời kết
Phantom Thread theo cảm nhận của mình là một bộ phim đẹp về nhiều khía cạnh. Về chất lượng hình ảnh và những thước phim đầy tính nghệ thuật, với mỗi khung hình đều được đạo diễn Paul Thomas Anderson chăm chút tỉ mỉ, tựa như những bức tranh thời Phục Hưng. Ngạc nhiên hơn là bộ phim không hề có sự đóng góp của một đạo diễn hình ảnh - DOP (Director of Photography) nào, toàn bộ khâu hình ảnh đều được thực hiện chỉ bởi Paul Thomas Anderson và ekip.
Tiếp theo đó, không thể kể đến sự diễn xuất bậc thầy của Daniel Day-Lewis, nam diễn viên đã đoạt nhiều giải Oscar nhờ vào lối diễn xuất method acting của mình. Ông thể hiện thành công một nhà thiết kế Raynolds Woodcook đầy tính nghệ sĩ, lịch thiệp và sang trọng. Hóa ra hình tượng này được lấy cảm hứng từ nhà thiết kế nổi tiếng thập niên 40-50 là Charles James, một nhà mốt đẳng cấp ngang hàng với Coco Chanel, Christian Dior cùng thời.
Vicky Krieps và Lesly Manville cũng là 2 diễn viên đáng gờm, góp phần làm nổi bật hình tượng nhà thiết kế Woodcook nhưng vẫn giữ được đúng chất riêng của mình. Nếu xem kỹ hơn, bạn có thể sẽ nhận thấy nhân vật bà chị Cyril có nét gì đó khiến người ta phải bật cười vì sự phớt tỉnh ăng lê của bà.
Cuối cùng, âm nhạc và trang phục tạo nên điểm nhấn hoàn hảo cho phim. Khán giả sẽ mãn nhãn với những bộ váy được gia công, thiết kế đẳng cấp nhất. Những bộ váy vừa khiến mình cảm thấy nó đẹp và sang một cách trọn vẹn, vừa đủ, không khoa trương (một lần nữa nó lại có phong cách giống với style của Charles James). Về âm nhạc thì được biên soạn bởi Jonny Greenwood, nghệ sĩ, nhạc sĩ và là thành viên của ban nhạc rock Radiohead. Nếu ai thích nghe nhạc cổ điển thì sẽ khó quên được những bản nhạc trong phim. Mỗi cú chuyển cảnh đều dẫn theo những đoạn nhạc khác nhau, nhưng tinh tế đến mức người xem khó mà nhận ra được và họ không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Đây cũng là điểm mà mình thích nhất ở bộ phim này.
>> Link nhạc:
https://www.youtube.com/watch?v=bT_XjcdgT6g
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất