Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao chúng ta lại tin vào một cái gì đó? Câu trả lời: vì nó đúng. Hỏi tiếp: tại sao chúng ta lại muốn một cái gì đó? Vì nó tốt. Và tại sao chúng ta lại nhìn vào một cái gì đó? Vì nó đẹp. Bộ ba giá trị đúng - đẹp - tốt đó, theo quan niệm của các triết gia thời Hy Lạp cổ, là câu trả lời cho mọi khuynh hướng lý trí của chúng ta. Người nào đặt câu hỏi "tại sao lại tin vào cái đúng?" hay "tại sao lại muốn cái tốt?" là không hiểu bản chất của lý lẽ. Đã gọi là Chân Thiện Mỹ, thì chúng là tối hậu, không còn cái nào hơn.
Trong ba thứ đó, thì thường cái đúng và cái tốt đi cùng với nhau. Nhưng cái đẹp thì không như thế. Ta có thể có những cái đẹp sai sự thật, và có những cái đẹp làm mọi thứ tệ hơn. Cũng giống như cảm xúc, cái đẹp thường bị chê trách là làm ta thiếu lý trí. Nhưng theo Kant, nói rằng cái đẹp khiến ta mất lý trí là không đúng. Trong khi cảm xúc thông thường là thứ cạnh tranh với lý trí, thì với Kant, khả năng nhìn ra được cái đẹp lại là đỉnh cao của lý tính. Chỉ có những loài động vật có phần não mới mới có thể hân hưởng được nó. 
Cái đẹp vừa có thể xem là cảm xúc (bên trong ta), vừa có thể xem là một đặc tính của đối tượng (bên ngoài ta), giống như màu sắc hay kích cỡ vậy. Một đặc điểm quan trọng của nó là nó chiếm trọn mối quan tâm của chúng ta, nhưng lại không kích động ham muốn nào. Nếu bạn nhìn một cô gái khỏa thân giống như nhìn một tô phở bò, thì đó là bạn đang có kích động ham muốn. Nhưng cũng với cô gái đó, mà bạn nhìn vào như nhìn một ông già với những nếp nhăn thú vị, thì là bạn đang nhìn vào cái đẹp.Cả tô phở bò lẫn những nếp nhăn của ông già đều chiếm trọn mối quan tâm của bạn, nhưng một thứ làm bạn muốn chan thêm tương ớt vô, còn một thứ chỉ cần quan sát từ một khoảng cách là đủ. Nếu khoảng cách đó mất đi, nếu trí tưởng tượng bị nhấn chìm trong huyễn tưởng, cái đẹp có thể còn lại - nhưng nó là cái đẹp bị hư hoại. Gọi nó là cái đẹp là sự báng bổ cái đẹp. Chỉ khi nào một thứ hoàn toàn chiếm trọn mối quan tâm của chúng ta mà lại độc lập khỏi bất kỳ ứng dụng nào có thể có của nó, thì khi ấy chúng ta mới bắt đầu nói về vẻ đẹp của nó. Bản thân hành động thưởng ngoạn đã thỏa mãn ham muốn sử dụng nó rồi.

Tất cả các tác phẩm nghệ thuật đều xoay quay cái đẹp. Có những loại hình nghệ thuật đem lại cảm xúc nhanh, có những loại hình nghệ thuật đem lại cảm xúc chậm. Văn chương, hội họa, thi ca, điêu khắc, thư pháp, v.v., là những loại nghệ thuật đem lại cảm xúc chậm. Còn âm nhạc, điện ảnh, thời trang, ẩm thực, nhiếp ảnh, v.v., là loại hình nghệ thuật đem lại cảm xúc nhanh. Có vẻ như các loại hình nghệ thuật đem lại cảm xúc chậm thường được phối hợp với nhau và để truyền đạt một ý tưởng phức tạp nào đó, và các loại hình nghệ thuật đem lại cảm xúc nhanh sẽ thường được phối hợp với nhau để cùng làm tăng sự thích thú với giác quan. 
Một điểm thú vị là ngay cả những thứ làm ta sợ hãi hay kinh tởm cũng có thể trở thành cái đẹp. Nếu không, bạn đã không thể xem phim kinh dị hay chơi trò đu dây cảm giác mạnh. Điều đó cho thấy cảm xúc đời thường và cảm xúc thẩm mỹ không phải là một loại cảm xúc. Một cái làm bạn muốn tránh xa nó, còn một cái giữ chân bạn lại. Hãy nhìn vào bức ảnh dưới đây. Cảm xúc khi bạn nhìn vào bức ảnh, và cảm xúc khi bạn là người trong bức ảnh, là khác nhau. Nhưng hai loại cảm xúc đó thường được gọi chung bằng một cái tên, và tất nhiên bạn cũng có thể có cả hai loại cảm xúc đó cùng lúc.  

Bởi vì tự cái đẹp là thứ đáng để chiêm ngưỡng, nên nó chỉ có thể là cảm xúc tích cực, không thể là cảm xúc tiêu cực được. Tuy đúng là có rất nhiều tác phẩm nói về những cảm xúc tiêu cực, nhưng sự thể hiện nó (portrayal) thì lại là đẹp. Chúng ta không hề muốn mình đau khổ, nhưng chúng ta sẽ muốn thưởng thức "sự đau khổ" được trình diễn. Nếu đi xem kịch và bạn thấy nhân vật quá đau khổ đến mức bạn chỉ muốn đứng dậy để an ủi diễn viên, bạn không còn là người đứng từ xa để chiêm ngưỡng cái đẹp nữa. Bạn đã trở thành người trong cuộc, và đã có một mong muốn rõ ràng rồi. Lúc này, cái đẹp sẽ biến mất. 
Nói cách khác, khi cái đẹp xuất hiện, ta có thể chấp nhận những điều phi thực tế, và thôi thúc thay đổi cái phi lý của ta sẽ được tạm ngắt đi. Nếu bạn xem phim Titanic mà lại thốt lên rằng "trời ơi, cái tấm gỗ đó cả Jack lẫn Rose đều cùng nằm được mà?", thì cảm xúc bạn đang có khi xem phim không phải là cảm xúc thẩm mỹ.



Đây là phần thứ 2 trong loạt bài Khi sự bất lực trở thành cái đẹp. Nó gồm có 4 phần:
Mong nhận được sự phản hồi của các bạn