0.

Vào một chiều mùa hè, cùng với nhóm bạn của mình, tôi quyết định lên danh sách những mục đích sử dụng của cái cốc:
uống nước
ăn thạch
đánh răng
trồng cây
bắt sâu
xúc đất
bịt mồm mấy đứa nói nhiều
giả làm mõm chó
thay đổi giọng nói
gõ coong coong gây sự chú ý (và làm cho mẹ suy nghĩ lại lý do sinh ra mình)
nghe trộm phòng bên cạnh
đong nguyên liệu
hút vào mồm để thử lực hút của mình
làm môi Kylie
úp vào ngực để nâng cup
trưng bày
uống canh
tạo hiệu ứng chụp ảnh
múc nước gội đầu
làm nhạc cụ
chơi bạc
ảo thuật
lắc xúc sắc
beer pong
xây lâu đài
đập
hứng nước đái trẻ con
Danh sách còn dài nữa, nhưng mà cái chính tôi đang muốn minh họa ở đây là: trẻ con luôn có những cách hài hước để sử dụng một cái cốc.
Hoặc là chúng (tôi) luôn có thể biến một cái cốc bình thường thành trò chơi.

1.

Ở đường Sheung Fung, người ta luôn nghe thấy nhiều tiếng cười một cách kỳ lạ. Tụi trẻ con chạy nhảy, tíu tít cười đùa khi di chuyển qua lại trên những hình dán ngộ nghĩnh dưới lòng đường. Các ông bố bà mẹ vui vẻ trò chuyện ở một vòng quay gỗ cách đó không xa. Thỉnh thoảng, người ta cũng bắt gặp các ông bà già ra đó ngồi nghỉ ngơi, ngắm đường ngắm phố. Ngay đầu phố, những miếng ghép nhỏ được tráo đổi lộn xộn trên ba khung gỗ vuông để người ta có thể xếp chúng lại như khi chơi ghép hình: ba chữ "Sheung Fung Lane" cứ thế bị phá đi rồi tạo mới, trong một dòng chuyển động không ngừng của những cư dân ra ra vào vào mỗi ngày.
Đó là một "sân chơi" đô thị được đặt những viên gạch đầu tiên từ tập thể dân cư sống xung quanh, khởi xướng bởi nhóm hành động dân sự MaD (Make a Difference). Sheung Fung vốn dĩ là một con phố tư nhân, cũng buồn tẻ và mất hút trong bản đồ tâm trí của người dân Hong Kong giống như nhiều con phố khác. Nhưng nhờ nỗ lực của tập thể người lớn, trẻ con địa phương đã có thêm một không gian chơi thú vị hơn tất cả những gì chúng biết từ trước. Ngược lại, chúng cũng làm biến đổi diện mạo của khu dân cư: người ta bắt đầu ra ngoài nhiều hơn, gặp gỡ và trò chuyện với người lạ, rồi thi thoảng dừng lại và tương tác với các tác phẩm vui chơi.
Hiển nhiên đây không phải là một tự sự thường thấy khi ai đó nhắc đến Hong Kong. Ta nghĩ về Hong Kong như một cấu trúc dày chít những khối hộp bê tông, một đại đô thị người chật như nêm và nhà cao vun vút, nơi người trẻ tuổi gói kín nỗi cô đơn thành thị vào hộp dứa và phơi mình trong ánh đèn neon hắt ra từ những cửa tiệm đêm. Nhưng ít người để ý rằng trong những phố, ngõ, hẻm nhỏ, các cộng đồng dân cư vẫn đang “tự thân vận động” để giành lại khoảng không gian chơi cho tụi trẻ con (và có khi là cho cả chính mình). Càng ít ai biết tới chỉ 90 năm trước thôi, sân chơi đô thị đầu tiên ở Hong Kong ra đời.
Ban đầu, các sân chơi được chính phủ thuộc địa xây dựng ở các khu nhà ở tập thể để trẻ em lang thang trên đường phố có chốn tụ tập và vui chơi. Thế rồi cuối thập kỷ 1960, một nghệ sĩ người Mỹ sinh sống tại Hong Kong tên Paul Selinger quyết tâm tạo ra một không gian chơi thú vị và kích thích trí tưởng tượng hơn tất thảy. Ông tìm cảm hứng từ xu hướng “điêu khắc chơi” (play sculpture), một phong trào lúc đó đang rộ lên khắp nước Mỹ và châu Âu.
Giống như trẻ em địa phương ở Hong Kong, trẻ em phương Tây có lẽ đã quá chán nản với những thiết bị chơi truyền thống được lắp đặt hàng loạt và chẳng khác nào phiên bản tí hon của những tòa nhà đơn điện bao quanh chúng. Đó là lý do vì sao nhiều mẫu thiết kế trò chơi được điêu khắc trừu tượng xuất hiện: chúng không bị quy định bởi bất kỳ nguyên tắc vui chơi nào. Chỉ trước đó 15 năm, mô hình “Đường hầm Mê cung” (Tunnel Maze) của nghệ sĩ người Mỹ Sidney Gordin đạt giải Ba trong một cuộc thi thiết kế tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Hiện đại New York (MoMA) và được áp dụng rộng rãi ở các sân chơi Hong Kong trong những thập kỷ tiếp theo.
Shek Lei Playground, 1969. Photographer: Paul Selinger. Courtesy of Matthew Selinger
Shek Lei Playground, 1969. Photo credit: HKSAR Government
Selinger đề xuất một sân chơi chỉ toàn những mô hình điêu khắc chơi tự do như vậy. Shek Lei Playground ra đời năm 1969, kết hợp Tunnel Maze với một cầu trượt hình thù uốn lượn trên sân cát và những thanh gỗ xếp ngổn ngang. Khỏi phải nói tụi trẻ con địa phương đã phấn khích như thế nào. Các hình chụp Shek Lei hiếm hoi được lưu trữ cho thấy các em leo trèo, bò, trượt, nghịch cát, trốn tìm, thậm chí nằm vắt vẻo trên không. Nếu như các tụ điểm giải trí hay truyền thông là trung tâm xã hội của cư dân đô thị hiện giờ, tại thời điểm đó, tôi đoán rằng trung tâm xã hội của bọn trẻ con chính là Shek Lei.
Đúng là một thành phố dễ chịu hơn khi ai cũng nhớ mình từng năm, sáu tuổi.

2.

Phía tây Nantes có một con voi. Con voi của Haruki Murakami biến mất. Nhưng con voi của thị thành Nantes, của chính quyền và người dân Nantes vẫn lù lù ở đó. Con voi to khủng khiếp, nặng đến 50 tấn và cao 12 m. Mỗi lần người ta cưỡi trên lưng nó đi vòng quanh phố cảng, con voi phát ra tiếng kèn vui tai và các động cơ rìn rịt bắt đầu chạy.
Grand Éléphant
Đây là Nantes năm 2019. Giữa Nantes năm 1980 — mới bước ra từ Thế chiến thứ hai, thất nghiệp lan tràn và đóng cửa lần lượt những bến cảng — và Nantes năm 2019, không có gì khác ngoài những mùa hè: một khoảng sân picnic lân cận khu cầu cảng, một công viên tái hiện bề mặt lồi lõm của Mặt Trăng bằng bạt nhún lò xo, một cầu trượt kim loại nối mặt đất với nóc tòa lâu đài xưa cũ, một vòng đu quay khuyết nửa, và những vạch kẻ đường hình học siêu thực. Mùa hè của Le Voyage à Nantes.
Le Voyage à Nantes là lễ hội mùa hè, và khởi điểm của nó lại là một lễ hội khác. Đó là Les Allumées, được khởi xướng vào cuối thập niên 1980 bởi đạo diễn nghệ thuật Jean Blaise và thị trưởng thành phố Jean-Marc Ayrault. Giới nghệ sĩ từ các thành phố và quốc gia lân cận đổ về Nantes để chiếm dụng những tòa nhà bỏ hoang, những khu đất vô chủ, nhà kho, nhà xưởng, ngõ, hẻm, đường cái, và biến những không gian này thành sân chơi cho những thử nghiệm táo bạo. Họ dựng nên một con đường đi bộ nghệ thuật dài 12 km, sơn sửa khắp mọi ngõ ngách của thành phố, mở những bữa tiệc thâu đêm trong sáu ngày liên tục và sắp đặt những tác phẩm điêu khắc với đủ mọi hình thù quái dị ở khắp nơi. Tất cả đều miễn phí cho công chúng.
Từ Les Allumées, các thử nghiệm sắp đặt kỳ dị cứ thế mọc lên và còn trở thành một phần cố định của diện mạo thành phố. Các cộng đồng cư dân đi từ hoài nghi đến ủng hộ; vả lại, chẳng có lý do gì để không phấn khởi trước một không gian công cộng được sử dụng sáng tạo, một bãi cỏ để tổ chức bữa ăn trưa dã ngoại, và một con voi gỗ nặng đến 50 tấn. Nhất là khi họ lại còn ngồi trên con voi ấy để rong ruổi khắp thành phố với tiếng kèn trumpet.
Còn tôi sẽ thêm một câu nữa: nhất là khi bọn trẻ con được chơi.

3.

Sở dĩ tôi đột nhiên hứng thú với chuyện vui chơi của trẻ con thành thị là do năm nay tôi tình cờ tham gia vào Think Playgrounds, một doanh nghiệp xã hội xây sân chơi. Cùng lúc đó, tôi bắt đầu đi lân la hỏi chuyện cư dân ở một số khu tập thể Hà Nội trong nỗ lực ghi chép các câu chuyện cho một nghiên cứu cá nhân. Thế rồi vào một ngày lân la nắng đẹp, tôi biết được đúng một năm về trước Think Playgrounds đã xây một sân chơi ngay ở khu dân cư nép mình trong một quận nội đô đông đúc mà tôi vừa rời khỏi, nơi tôi cứ ngỡ không còn mét vuông đất nào để xây sân chơi cho trẻ con nữa. Nhưng điều khiến tôi bàng hoàng nhất là: từ khi nào mà tôi đã giả định rằng thành phố này không thể hạnh phúc và dễ chịu hơn cho bọn trẻ con?
Trong nỗ lực cuống cuồng tìm kiếm các tài liệu chứng minh giả định trên của tôi là sai, tôi phát hiện ra rằng những bản quy hoạch đô thị phức hợp không nhất thiết là giải pháp hữu hiệu nhất cho các vấn đề đô thị. Để trẻ con được chơi, có thể người ta chỉ cần các can thiệp đô thị (urban interventions) và dần dần xây đắp chúng dày lên, cái này nối tiếp cái kia, người này rủ tai người kia.
Có một thuật ngữ miêu tả cách tiếp cận này: DIY urbanism. Tức là người dân, thay vì dựa vào những quyết định đôi lúc rề rà của chính quyền, xắn tay áo lên để thực hiện những can thiệp sáng tạo vào chính không gian họ sinh sống. Họ tập trung giải quyết những vấn đề bị bỏ lại bởi chính quyền thành phố bằng những sáng kiến và thử nghiệm thân thiện, phù hợp với nhu cầu dân cư. Những thử nghiệm đó có thể biến đổi cách cư dân sử dụng không gian và gặp gỡ, tương tác với cư dân khác. Đồng thời, trong quá trình thực hiện một thử nghiệm, chẳng hạn như làm một sân chơi cộng đồng cho tụi trẻ con, một cộng đồng dân cư trở nên cố kết hơn khi nhà này góp sức vào sơn sửa chậu cây, nhà kia nhận cưa xẻ lốp xe và lắp ghép thiết bị.
Điều mà tôi thấy thú vị hơn cả là việc tham gia vào quá trình sản xuất hoặc cảm thụ những tác phẩm can thiệp có thể làm nảy sinh rất nhiều phản ứng bất ngờ. Như cái cốc có thể được dùng để giả làm mõm chó, trẻ em ở Hong Kong có thể trườn lên trườn xuống các mô hình Tunnel Maze, và người dân thành phố Nantes có thể nhún nhảy trên lưng con voi thổi kèn. Sắp tới, Think Playgrounds sẽ xây dựng sân chơi phiêu lưu đầu tiên ở ngoại thành Hà Nội. Tôi khá nóng lòng chờ xem các em bé ở đó sẽ có cả thảy bao nhiêu cách tưởng tượng nên sân chơi của chính tụi nó.


Tham khảo:
Dunmall, Giovanna. "The resurrection of Nantes: how free public art brought the city back to life." The Guardian. July 12, 2016. https://www.theguardian.com/cities/2016/jul/12/resurrection-nantes-france-how-free-public-art-brought-city-back-to-life.
Finn, Donovan. "DIY Urbanism: Implications for Cities." Journal of Urbanism: International Research on Placemaking and Urban Sustainability 7, no. 4 (October 2014): 381-98. doi: 10.1080/17549175.2014.891149.
Le, Alicia Oanh. “[M+ Stories] Tóm lược Lịch sử Phát triển Sân chơi đô thị Hong Kong.” Alice in HK Land (blog), March 4, 2019. https://aliceinhkland.wordpress.com/2019/03/04/do-thi-tom-luoc-lich-su-phat-trien-san-choi-do-thi-hong-kong/.
[Dịch từ: Fan, Yi L., and Sampson Wong. "A Brief History of Playgrounds in Hong Kong." M+ Stories. February 28, 2019. https://stories.mplus.org.hk/en/blog/a-brief-history-of-playgrounds-in-hong-kong/.]
MaDAsiaChannel. “玩之大學在地研習室|常豐里“玩”計劃 The University of Play Studio in-Situ | Sheung Fung Lane Play Project.” YouTube. April 26, 2019. https://www.youtube.com/watch?v=idvartqMejc.