Trong bài viết trước, mình có chia sẻ cơ bản về 8 giai đoạn phát triển tâm lí trong mỗi con người của Erikson. Ở bài viết này, mình sẽ chia sẻ kĩ hơn những kiến thức mình học, sưu tầm được về cách để tiếp xúc thông minh với từng loại lứa tuổi. Với những bạn không có xu hướng về giáo dục, đây cũng sẽ là thông tin hữu ích giúp bạn cư xử và hiểu hơn về những hành động của con người trong từng giai đoạn.

1. Trẻ sơ sinh : 0 - 1,5 tuổi 
Trong giai đoạn này, trẻ sơ sinh không chắc về thế giới mà chúng đang sống. Để giải quyết những cảm giác không chắc chắn chúng thường dựa dẫm vào người chăm sóc chính của mình cho sự quan tâm ổn định và nhất quán. Nếu sự chăm sóc mà trẻ sơ sinh nhận được là nhất quán, có thể đoán trước và đáng tin cậy, trẻ sẽ phát triển một cảm giác tin tưởng, thứ mà chúng sẽ mang theo đến các mối quan hệ khác sau này, và chúng sẽ có thể cảm thấy an toàn ngay cả khi bị đe dọa. Thành công trong giai đoạn này sẽ dẫn đến đức tin hy vọng. Bằng cách phát triển cảm giác tin tưởng, trẻ có thể hy vọng rằng ngay cả khi có khủng hoảng mới xảy ra thì vẫn có khả năng sẽ có người giúp đỡ chúng. Không có được đức tin sẽ dẫn đến sự phát triển của sợ hãi. Ví dụ, nếu sự chăm sóc có khắc nghiệt hoặc không phù hợp, không thể đoán trước hoặc không đáng tin cậy, thì trẻ sẽ phát triển một ý thức không tin tưởng và không có niềm tin vào thế giới xung quanh hoặc mất niềm tin về khả năng ảnh hưởng của mình với mọi thứ xung quanh.
=> Bài học: Trẻ ở tuổi này cần nhất là sự quan tâm, yêu thương từ những người thân yêu nhất trong gia đình bởi tình yêu, những sự ôm ấp, âu yếm sẽ tạo cho bé có sự tin tưởng với cuộc sống, con người. Lòng tin sẽ được phát triển nhờ mối quan hệ gắn bó khăng khít với người chăm sóc chúng bằng cách cung cấp thức ăn, hơi ấm và sự an toàn nhờ sự gần gũi thân xác.
2. Thơ ấu : 1,5 - 3 tuổi
Ở tuổi này, trẻ bắt đầu khám phá ra những hoàn cảnh chung quanh xem chúng liên quan với mình như thế nào và "thử xem" mình có thể làm được những gì bằng cách bước đi ra xa mẹ, nhặt đồ chơi để chơi, và lựa chọn với những gì chúng thích mặc, ăn uống, ... Những hoạt động này giúp cho trẻ có được cảm giác thoải mái về tính tự chủ để khẳng định được sự độc lập của mình. Trẻ luôn luôn nói “để con”, “của con”, “tự con làm”… và đôi khi chúng tỏ ra bướng bỉnh. Những hành vi luôn ngăn cấm và phê phán quá mức hoặc hạn chế sự thể hiện tính độc lập của trẻ sẽ làm cho trẻ dễ này sinh cảm giác nghi ngờ, xấu hổ dẫn đến nhút nhát, tự ti về khả năng của bản thân và lệ thuộc vào người khác. Cũng không nên có những đòi hỏi vượt quá năng lực của trẻ, vì có thể làm nản lòng những cố gắng có thể có khi trẻ đang kiên trì làm các nhiệm vụ mới. 
=> Bài học: Cha mẹ cần ủng hộ và khuyến khích trẻ hơn là làm cho bé sợ. Ngoài ra, cha mẹ cũng không nên quá bảo vệ trẻ đến nỗi không dám để cho bé được tự do khám phá và hành động một mình. Ví dụ, thay vì mặc quần áo cho một đứa trẻ, cha mẹ biết ủng hộ thì nên kiên nhẫn cho phép đứa trẻ cố gắng thử cho đến khi chúng thành công hoặc yêu cầu trợ giúp. Thành công trong giai đoạn này sẽ dẫn đến đức tin của ý chí.
3. Nhi đồng: 3 - 5 tuổi
Trẻ từ 3 - 5 tuổi trải qua giai đoạn tâm lí - xã hội giữa việc tự khởi xướng và mặc cảm. Trẻ luôn cố gắng quan sát người khác và bắt chước, cải thiện các kĩ năng ngôn ngữ và khám phá môi trường xung quanh để biết điều gì chúng có thể làm trong cuộc sống hàng ngày. Đây còn được coi là giai đoạn của óc sang kiến – giai đoạn của sự sáng tạo, bởi trẻ khá tò mò, muốn tìm hiểu thế giới xung quanh bằng nhiều con đường. Chính vì vậy chúng thường có những trò chơi nguy hiểm, hay đặt ra nhiều câu hỏi “tại sao?”. Theo Erikson, những đứa trẻ được khuyến khích khám phá và đạt được điều mà chúng cố gắng thực hiện sẽ tự khởi xướng một cách tích cực. Những trẻ bị ngăn cản, trách mắng thậm tệ hoặc bị phạt vì những khám phá và ngôn ngữ mà chúng sử dụng sẽ hình thành cảm giác mặc cảm, tiêu cực vì đã thử làm điều gì đó mà trẻ tin là không nên làm. Thành công nuôi dưỡng động lực và thất bại cản trở động lực.
=> Bài học: Trẻ ở tuổi này muốn có nhiều cơ hội khác nhau và đa dạng để khám phá. Do đó, chúng ta nên khuyến khích trẻ khám phá ở sân chơi, trong chuyến tham quan thực tế, những buổi tập trung ở trường thông qua các trò chơi cũng như hàng trăm hoạt động thú vị trên lớp và khám phá ở nhà khác. Cha mẹ và người lớn nên để cho em có cơ hội thắc mắc và được hướng dẫn, cần động viên, khuyến khích trí tò mò, sáng tạo và khuyến khích trẻ đặt nhiều câu hỏi. Thành công trong giai đoạn này sẽ dẫn đến đức tin về ý muốn.
4. Thiếu nhi : 5 - 12 tuổi
Trẻ cấp tiểu học trải qua giai đoạn tâm lí là siêng năng, đạt thành tích và cảm giác kém cỏi. Ở giai đoạn này nhóm bạn của trẻ sẽ có ý nghĩa lớn hơn và sẽ trở thành nguồn chính cho lòng tự tôn của trẻ. Trẻ bây giờ cảm thấy cần phải giành được sự chấp nhận bằng cách chứng minh năng lực cụ thể có giá trị trong xã hội, và bắt đầu xây dựng niềm tự hào về những thành tích của chúng. Mục tiêu chính của chúng là làm - làm bất cứ điều gì để xây dựng niềm tự hào đó. Chúng muốn học về tất cả mọi việc, và muốn biết cách làm tất cả mọi thứ, từ bơi ếch, chơi cờ, kể tên các chòm sao cho đến xác định mẫu xe hơi chạy qua. Việc hoàn thành các nhiệm vụ này thúc đẩy trẻ mong muốn làm những điều to lớn và giỏi giang hơn, từ đó mang lại cảm giác siêng năng, đạt thành tích và cảm giác tích cực về bản thân cũng như khả năng của bản thân. Ngược lại, khi trẻ bị ngăn cản và không được tham gia các hoạt động phát triển đặc biệt quan trọng này, hoặc khi trẻ bị chỉ trích và trách mắng lúc tham gia các hoạt động đó, chúng sẽ hình thành cảm giác kém cỏi - cảm giác chúng không giỏi giang bằng những đứa trẻ khác. 
=> Bài học: Trẻ cấp tiểu học nên tham gia các hoạt động mà chúng có thể làm tốt. Có rất nhiều hoạt động đa dạng để trẻ tham gia như đọc, viết, vẽ, đóng kịch, hay sáng tác các bài nhạc rap, nhạc kịch ngắn. Khi mong muốn siêng năng của một học sinh được khuyến khích, học sinh đó sẽ cảm thấy bản thân có năng lực và khả năng, có động lực để đạt được các chiến công lớn lao và tốt đẹp hơn, từ đó gia tăng kì vọng thành công ở trẻ. Thành công trong giai đoạn này sẽ dẫn đến đức tin về năng lực. 
5. Vị thành niên: 12 - 18 tuổi
Trẻ vị thành niên gặp phải các tình thế khác nhau nhưng khó khăn như nhau trong cuộc sống, đó là mâu thuẫn giữa ý thức bản ngã và sự mơ hồ về vai trò. Trẻ vị thành niên không ngừng đặt câu hỏi " Tôi là ai?". Sự thay đổi về thể chất, nhận thức và thắc mắc ngày càng nhiều về cá tính bản thân khiến cho trẻ ở tuổi này tạm thời rời xa bố mẹ để thử các vai trò khác nhau với bạn bè đồng lứa để biết điều gì là "phù hợp". Đồng thời, chúng cũng sẽ nhìn vào các bậc cha mẹ, người lớn khác bao gồm cả giáo viên ( thường là theo cách kín đáo ) để tìm kiếm mẫu hình vai trò tích cực. Trẻ trong độ tuổi này muốn thử nghiệm nhiều vai trò khác nhau trong các lĩnh vực giáo dục, giới tính, giải trí, nghề nghiệp nhằm khám phá bản thân, trưởng thành hơn. Những đứa trẻ thành công trong cuộc tìm kiếm này sẽ khám phá ra tính cách bản thân, còn những đứa trẻ thất bại sẽ có cảm giác mơ hồ về vai trò của chúng. Cảm giác mơ hồ này cần được giải quyết trước khi trẻ có thể vượt qua các giai đoạn tiếp theo, sống một cuộc sống hạnh phúc, thành công, mãn nguyện. Đây là một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển, trẻ phải tìm hiểu những vai trò mà chúng sẽ chiếm giữ như một người lớn. Erikson cho rằng có hai bản dạng liên quan tới giai đoạn này là tình dục và nghề nghiệp.
=> Bài học: Chúng ta nên khuyến khích trẻ ở tuổi này có nhiều mối quan hệ khác nhau bằng nhiều cách như tương tác trên lớp, bài tập nhóm, các hoạt động ngoại khóa,... đồng thời trải nghiệm nhiều lối sống khác nhau ( công việc, học tập, các hoạt động bên lề, ... ). Khi trẻ được giúp hình thành một cá tính tích cực, chúng sẽ phát triển nhiều đức tính tốt đẹp như lòng trung thành, cam kết, tự chủ và độc lập. Tuy nhiên nếu trẻ không biết nên gia nhập hay cam kết với nhóm nào, thì các em có thể thấy bản thân quá ôm đồm hoặc cảm thấy nặng nề vì chẳng thuộc về bất kì nhóm nào cả. 
Erikson tuyên bố rằng người vị thành niên có thể cảm thấy khó chịu về cơ thể của họ trong một thời gian cho đến khi họ có thể thích ứng và “hòa nhập” với những thay đổi. Thành công trong giai đoạn này sẽ dẫn đến những đức tính trung thực. Lòng trung thực có liên quan đến việc một người có thể hoàn toàn chấp nhận người khác, ngay cả khi có thể có những sự khác biệt.
6. Thanh niên : 18 - 40 tuổi
Erik Erikson xem đây là tuổi của yêu thương và lao động (tình yêu nam nữ, tình cảm gia đình, bố mẹ, con cái..), của học hành và nghề nghiệp. Trong giai đoạn này, khả năng độc lập, tự chủ, ý chí nghị lực, tinh thần trách nhiệm của cá nhân là khá cao. Ở lứa tuổi thanh niên này, con người có khuynh hướng tạo mối tương quan với người khác một cách riêng tư và thân mật hơn.
Nếu thất bại, người thanh niên sẽ vụng về trong giao tiếp xã hội và khó kết thân với người khác, nhất là những người khác phái. Nếu không có được sự yêu thương, con người có xu hướng cô lập, vị kỷ, tự say mê với chính mình.
=> Bài học: Trong giai đoạn này, chúng ta đa có những tố chất của một người trưởng thành để kiểm soát những hành động trong cuộc sống, vì vậy tự chủ để hướng tới một lối sống lành mạnh, có ý thức là điều nên làm. Thành công trong giai đoạn này sẽ dẫn đến đức tin của tình yêu. 
7. Trung niên : 40 - 65 tuổi
Lứa tuổi trung niên là lứa tuổi mà phần lớn cá nhân đã có sự hoàn thiện về gia đình, nghề nghiệp, quan hệ xã hội. Những người ở lứa tuổi này đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống cũng như kinh nghiệm trong công việc, vì vậy người ta thường coi đây là giai đoạn của tư duy sang tạo, của sự hoàn thiện với tính độc lập cao, khả năng tự chủ và cống hiến cho khoa học kỹ thuật cũng như cho gia đình và xã hội. Ở tuổi trung niên, người ta bắt đầu quan tâm đến con người trong xã hội và thế giới hơn là chính mình. Người ta muốn làm hoặc để lại một cái gì cho thế hệ mai sau. Nếu không được phát triển tốt, người ta sẽ có khuynh hướng ích kỉ và qui về cuộc sống cá nhân cho riêng mình hơn là cho người khác. Nếu như cá nhân trong giai đoạn này chưa đạt được các yêu cầu về gia đình, xã hội và nghề nghiệp, thì họ thường rơi vào tình trạng ngưng trệ, thường có cảm giác như không làm được việc gì đó quan trọng cho bản thân, gia đình và xã hội.
=> Bài học: Việc chăm sóc, nuôi nấng những đứa trẻ tốt, đạt hiệu suất cao nơi làm việc, và tham gia vào các hoạt động tổ chức cộng đồng - cống hiến nhiều hơn cho xã hội sẽ giúp chúng ta có được một lối sống hạnh phúc, lành mạnh.
8. Cao niên : 65+ tuổi
Khi đã ở giai đoạn này, con người thường có thay đổi lớn theo hướng giảm sút về sức khỏe, về thu nhập và các mối quan hệ xã hội. Việc con cái trưởng thành, lập gia đình và sống độc lập, hay chuyển từ hoạt động lao động sang nghỉ ngơi để về hưu dễ làm cho họ có cảm giác hụt hẫng, thậm chí cảm thấy cô đơn, lo lắng. Nhìn lại cuộc đời quá khứ, người ta nhìn thấy và cảm thấy rõ hơn về địa vị của mình trong thế giới. Một là họ chấp nhận sự chết sắp đến như một điều phải đến và hài lòng về cuộc sống quá khứ của mình; hai là họ hối hận đau buồn và bất mãn thất vọng về quá khứ của họ.

=> Bài học: Nếu người già mãn nguyện với những gì họ đã đạt được ở các giai đoạn trước như sự nghiệp, gia đình, con cái,…thì họ dễ dàng chấp nhận những giảm sút về sức khỏe, thu nhập và vị thế xã hội, họ cũng không day dứt khi cận kề cái chết. Ngược lại, những người thấy mình chưa làm được nhiều điều, chưa hoàn thành “nghĩa vụ” đối với gia đình và xã hội, khi về già họ thường kém thích nghi với những thay đổi, quá trình lão hóa ở họ diễn ra nhanh hơn và họ thường hối tiếc về quá khứ.