Xin chào mọi người,
Tính đến thời điểm hiện tại, đã 6 năm trôi qua kể từ khi mình bắt đầu học tiếng Nhật - cũng là thời điểm mình đặt chân vào cánh cửa Đại học. Trong 6 năm đó, mình đã đạt được 1 số thành tựu nhất định với tiếng Nhật. (Giành được một vài giải thưởng về tiếng Nhật, may mắn được nhận học bổng MEXT, được sang Nhật "du lịch" miễn phí 3 lần,...) Ngoài ra, cũng đã có rất nhiều điều tuyệt vời đến với mình nhờ việc học tiếng Nhật (Được gặp gỡ và làm quen với những mối quan hệ siêu siêu chất lượng; Tìm ra được "Identity" (Bản sắc) và Ikigai (Giá trị sống) của bản thân; Mở rộng ra nhiều cơ hội cho công việc hiện tại;...)
Tuy nhiên, hành trình chinh phục tiếng Nhật hoàn toàn không phải điều dễ dàng. Chắc mọi người sẽ không hề cảm thấy xa lạ với nhận định cho rằng:
“Tiếng Nhật là ngôn ngữ khó nhất để học”
Hay những bảng xếp hạng: "Top 10 ngôn ngữ khó học nhất" trên mạng và luôn luôn thấy tiếng Nhật nằm chễm chệ ở những vị trí đầu. Vì vậy, mình muốn viết 1 bài nhằm chia sẻ với mọi người cách bản thân mình đã "kết bạn" với tiếng Nhật trong suốt 6 năm vừa qua, và đạt được cột mốc là có được bằng N1 tại năm thứ 3 kể từ khi bắt đầu học.
Mình hi vọng bài chia sẻ này có thể trở thành 1 nguồn tham khảo giúp mọi người tìm được ra phương pháp học tiếng Nhật phù hợp nhất với chính các bạn, và sẽ giúp các bạn cảm thấy bớt cô đơn trong hành trình học tiếng Nhật nói riêng và học ngôn ngữ nói chung.
*Disclaimer: Bài viết này đơn thuần là những chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, không phải một bài viết hướng dẫn, vì vậy chỉ có giá trị tham khảo. Những phương pháp bài viết đưa ra không đảm bảo sẽ có hiệu quả với tất cả mọi người.
---------------------------------------------------------------------------
I. Một số đính chính về tiêu đề bài viết
Đầu tiên, mình muốn xin lỗi vì đã đặt tiêu đề của bài viết mang thiên hướng clickbait. Mình muốn đính chính lại một số thông tin trong tiêu đề để tránh gây ra những hiểu lầm, ảnh hưởng không tốt tới việc định hình tư duy học tiếng Nhật của mọi người.
1. Về khoảng thời gian 3 năm
Mình theo học chuyên ngành tiếng Nhật tại Đại học, vì vậy phần lớn thời gian học tập của mình thời sinh viên là dành cho ngôn ngữ này. Ngoài ra, cũng bởi lí do trên, mình sẽ có lợi thế tiếp cận với nguồn tài nguyên liên quan đến tiếng Nhật nhỉnh hơn một chút so với mặt bằng chung của đa số mọi người.
Mốc thời gian 3 năm để đạt N1 có thể là nhanh hoặc chậm hoặc vừa phải với từng đối tượng khác nhau, với những đặc điểm, điều kiện, mục đích học tập khác nhau. Mình tin mỗi người có một nhịp độ riêng.(Không chỉ riêng trong việc học tiếng Nhật, mà cả trong cuộc sống nữa, hehe) Vì vậy, mình khuyên mọi người nên 3 KHÔNG:
- KHÔNG áp đặt mốc thời gian 3 năm vào trường hợp riêng của bản thân.
- KHÔNG so sánh nhịp độ độc nhất của bản thân với người khác.
- KHÔNG bận tâm tới việc nhịp độ của bản thân là quá nhanh hay quá chậm.
2. Về N1
Đối với những người mới bắt đầu học tiếng Nhật (Hoặc không học nhưng có nghe qua), một hiểu lầm đa số mọi người sẽ dễ dàng gặp phải, đó là cho rằng N1 là:
- Đích đến cuối cùng, mục tiêu tối thượng của việc học tiếng Nhật.
- Bằng chứng của những bậc thầy đã thành thạo, hoàn toàn làm chủ ngôn ngữ này
2.1. N1 không phải đích đến cuối cùng
Đầu tiên, N1 không bao giờ và chưa bao giờ nên là mục tiêu được ưu tiên cao nhất trong hành trình học tiếng Nhật.
Thứ nhất là bởi rất nhiều ngữ pháp và từ vựng trong N1 không có tính ứng dụng cao trong đời sống. Trong đa số trường hợp, học tới mức độ N2 là đủ để bạn có thể làm việc liên quan tới tiếng Nhật hoặc sinh sống tại Nhật.
Thứ hai, N1 chỉ đơn giản là cánh cửa mở đầu cho một cuộc hành trình rộng lớn, mênh mang hơn rất nhiều mà không thể học theo một lộ trình tài liệu cụ thể nào được.
Vậy khi nào bạn nên quan tâm tới việc lấy bằng N1? Bạn chỉ nên tập trung vào việc lấy bằng N1 khi bạn có nhu cầu tăng lương; hoặc bạn là người yêu thích ngôn ngữ này và muốn chinh phục nó đến cùng.
2.2. N1 không có nghĩa là giỏi tiếng Nhật
Trái với suy nghĩ của rất nhiều người cho rằng "N1 là bằng chứng của việc giỏi tiếng Nhật", N1 thực ra chỉ giúp chứng tỏ một điều rằng người đó học giỏi tiếng Nhật mà thôi.
Đề thi JLPT - chứng chỉ đo lường năng lực tiếng Nhật - thiếu hoàn toàn phần kiểm tra kĩ năng output là: "Nói" và "Viết", mà chủ yếu là kiểm tra các kĩ năng input là: "Đọc" và "Nghe". Vì vậy, kể cả một người không nói được tiếng Nhật, hoặc không viết được một đoạn văn ngắn bằng tiếng Nhật vẫn có khả năng có được N1.
Bằng chứng là chính bản thân mình: một thằng sinh viên năm 3 chưa ra trường, chưa có kinh nghiệm đi làm, chưa từng giao tiếp với người Nhật mà đã có bằng N1 thì không thể nào nói có N1 đồng nghĩa với việc thuần thục tiếng Nhật được. Ngược lại, có những anh chị mình quen sử dụng tiếng Nhật vô cùng thân sầu mà chỉ cầm bằng N2.
2.3. Kết luận
Với mình, cách tiếp cận đúng đắn hơn với những tấm bằng N5, N4, N3, N2, N1, là đừng nên coi nó như thước đo năng lực tiếng Nhật của bạn hay của một ai đó. Hãy chỉ nên coi nó là những cột mốc trong việc học tiếng Nhật để biết được bạn đang "In relationship" với tiếng Nhật ở mức độ nào mà thôi:
N5 - Vừa match được nhau
N4 - Bắt đầu làm quen, thả thính
N3 - Hẹn gặp mặt
N2 - Hẹn hò
N1 - Tỏ tình thành công
Và còn một mức độ nữa sau khi bạn vượt qua được N1, đó là quá trình học tập không ngừng nghỉ, cập nhật kiến thức mới, tiếp thu kinh nghiệm thực tế mà không tài liệu nào có thể vạch sẵn ra 1 lộ trình rõ ràng:
"N0" - Xây dựng và duy trì mối quan hệ đến cuối cuộc đời
Vậy nên, đừng đặt nặng vấn đề bằng cấp, chứng chỉ (chỉ trừ khi bạn đang trong tình trạng căng thẳng về xin việc làm, hay áp lực yêu cầu tăng lương trong công việc). Và ngoài ra, nếu thấy có ai đó khoe về bằng N1, đừng vội mặc định luôn trong đầu rằng người đó giỏi tiếng Nhật. Cách tốt hơn để kiểm tra năng lực tiếng Nhật của 1 người, là nhờ họ dịch 1 thứ gì đó sang tiếng Nhật, hoặc "thách" họ nói hay viết về một chủ đề gì đó bằng tiếng Nhật.
II. Những điều cần chuẩn bị trước khi học tiếng Nhật
Không phải các phương pháp học, mẹo học, tài liệu học,... thứ quyết định liệu bạn sẽ đi xa được tới đâu trong hành trình học tiếng Nhật là những thứ bạn cần phải chuẩn bị sẵn trước khi học, là những nội dung được ghi trong phần này, bao gồm:
1. Mục đích học tiếng Nhật của bạn là gì?
2. Sự cam kết
3. Tự phản ánh (Self-Reflection) và Tự nhận thức (Self-awareness)
Hãy hình dung những điều ở trên là hạt giống tiếng Nhật của riêng bạn, thứ mà một ngày nào đó sẽ nở thành 1 cây hoa xinh đẹp. Các phương pháp học, mẹo học, tài liệu học,... là cách thức bạn chăm sóc cho cây hoa.
Bạn có thể tưới nước, bón phân, chăm sóc cho cây hoa bằng vô số những cách thức khác nhau. Có thể sai, cũng có thể thử lại nhiều lần cho đến khi đúng thì thôi. Nhưng khi hạt giống ban đầu không tốt, thì cho dù bạn chăm sóc cầu kì đến mức nào, dành cho nó bao nhiêu công sức, bao nhiêu thời gian, cũng sẽ chẳng thể nào mọc thành 1 cây hoa khỏe mạnh, xinh đẹp được.
Theo đánh giá cá nhân của mình, đây là phần quan trọng nhất của bài viết. Có thể sẽ có ý kiến cho rằng phần này thừa thãi bởi chán, hiển nhiên, nhưng cũng đừng nên quên rằng những nguyên lý, quy tắc đúng đắn cũng thường như vậy.
1. Mục đích học tiếng Nhật của bạn là gì?
Mục đích của mỗi người khi đến với tiếng Nhật đa dạng vô cùng: Có người học vì việc làm; có người học để sưu tầm chứng chỉ; có người học để xem phim không cần sub (đúng nghĩa đen nha :">), có người học chỉ để tăng hiểu biết; có người học vì thần tượng; có Wibu muốn học để 1 ngày nào đó được về với "Đất mẹ";...
Việc tìm câu trả lời cho câu hỏi này sẽ giúp các bạn có được lộ trình học tối ưu và hiệu quả nhất, tránh lãng phí thời gian và công sức vào những điều không cần thiết. Ví dụ:
Những người học tiếng Nhật vì chứng chỉ JLPT nên tập trung nhiều hơn vào phần ngữ pháp, từ vựng, bài tập, không cần dành quá nhiều thời gian cho "Viết" và "Nói"
Những người học để xem phim không cần sub, hoặc học để hiểu các bài đăng của Idol,... thì chỉ cần học ngữ pháp đến mức độ tương đương N2 và tập trung vào mở rộng vốn từ vựng, không nhất thiết phải học lên tới kiến thức của N1
Ngoài ra, đặc thù của từng công việc cũng khiến lộ trình học trở nên khác nhau. Ví dụ:
Nếu bạn nhắm tới làm giáo viên dạy tiếng Nhật sơ cấp, thì chỉ cần học thật chắc những kiến thức từ N5 đến N3
Nếu bạn nhắm tới làm comtor (Biên/ phiên dịch viên trong các công ty gia công phần mềm), thì chỉ cần biết ngữ pháp ở mức độ trên dưới mức N2 (Hoặc N3). Nên ưu tiên "Đọc" và "Viết" hơn "Nghe" và "Nói" để còn có thời gian tìm hiểu kiến thức về mảng Công nghệ thông tin.
Nếu bạn nhắm tới làm Biên/ phiên dịch viên (mà theo mình đánh giá khả năng cao là nghề hardcore nhất với ngành ngôn ngữ), thì phải làm chủ cả 4 kĩ năng: "Nghe", "Nói", "Đọc", "Viết". Không quan tâm bạn có N gì, bất cứ thứ gì liên quan đến chuyên ngành được yêu cầu dịch mà không biết thì đều phải nhét vào đầu hết. Vì vậy, luôn phải trong trạng thái chuẩn bị tinh thần rằng sẽ phải học thêm rất nhiều kiến thức nền thuộc rất nhiều chuyên ngành khác nhau nữa.
Với trường hợp của riêng mình. Có 2 lí do khiến mình chọn học tiếng Nhật:
- Mình rất yêu thiên nhiên, phong cảnh, không khí ở Nhật thông qua các bộ phim và anime mình đã từng được xem.
- Đa số các bạn nữ bên Nhật đều để tóc mái. Mà mình thì lại rất thích các bạn nữ để tóc mái... 👉👈
Vì vậy, thời điểm cuối lớp 12, mình muốn sau này sẽ được sang Nhật sinh sống hoặc làm việc, để tận hưởng cảm giác sống trong không gian với những điều mình đề cập ở trên.
Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ việc học tiếng Anh trong 12 năm đầu, đó là quá tập trung vào ngữ pháp + từ vựng để tham gia các kì thi khiến khả năng nói + viết bằng tiếng Anh lúc đó gần như bằng 0, mình xác định rằng, để sau này có thể sinh sống và làm việc tại Nhật, mình sẽ cần phải hiểu tất cả mọi thứ người khác nói, và có thể bộc lộ được tất cả những gì mình suy nghĩ trong đầu. Việc xác định rõ ràng như vậy giúp mình vạch ra lộ trình phù hợp nhất với định hướng của mình là: Tập trung dồn năng lượng vào 3 thứ "Nói", "Viết", và "Vốn từ vựng".
Vậy nên, trước hết, hãy xác định mục đích học tiếng Nhật của bạn là gì, để có thể định hình rõ ràng hơn con đường bạn chuẩn bị bước đi sẽ trông như thế nào, và đồng thời nó sẽ gúp bạn không bị đi lệch hướng.
2. Sự cam kết
Mình may mắn hơn so với nhiều bạn học cùng khóa - những bạn chọn học tiếng Nhật do áp lực từ gia đình hoặc áp lực việc làm - ở chỗ mình đã từng là "thiên vương Wibu, kẻ hủy diệt manga, chiến thần anime, chúa tể simp các bạn nữ để tóc mái 👉👈 ". Do có sẵn yêu thích và đam mê với tiếng Nhật nên mình có mức độ chịu đau (Pain tolerance) với nó cao hơn với các bạn ấy.
Ấy thế mà vào một đêm của năm thứ 2 kể từ khi bắt đầu học tiếng Nhật, mình đã mất ngủ cả đêm chỉ bởi vì trong đầu toàn lởn vởn từ, chữ, ngữ pháp tiếng Nhật. Quá bất lực vì không tài nào ngủ được để sáng hôm sau đi học, đêm đó, người nông dân thiện lành cũng phải vùng dậy tự chửi bản thân:
"Đ*** m***, đ*** hiểu sao ngày xưa ngu kiểu *** gì lại đi chọn học cái tiếng *** này”.
Việc học tiếng Nhật nói riêng, và học ngôn ngữ nói chung, đối với mình cũng cần sự cam kết y hệt như khi bạn muốn tiến tới và gìn giữ mối quan hệ tình cảm với 1 ai đó. Nếu không có sự cam kết: Có nghĩa là không chịu bỏ sức lực cho nó; không chịu đựng được những giây phút mệt mỏi khó khăn; không đi tìm giải pháp giải quyết thì mối quan hệ sẽ rất khó đi đến kết quả. Mà nếu có, nó cũng sẽ không đem lại cảm giác hạnh phúc, cũng chẳng hề bền vững một chút nào.
Nói thì dễ, làm mới khó. Vậy làm thế nào để tìm và giữ được sự cam kết khi bắt đầu hành trình "tán tỉnh" tiếng Nhật? Mình không biết, các bạn phải tự mình tìm câu trả lời cho câu hỏi này. Nhưng dưới đây là 1 vài phương pháp mình đã áp dụng với bản thân để liên tục giữ được sự cam kết:
Phương pháp 1: "Mục đích học" - Động lực dài hạn
Phương pháp 2: Tạo động lực ngắn hạn bằng cách đặt mục tiêu nhỏ và tự thưởng
Phương pháp 3: Khiến bản thân chịu trách nhiệm với người khác
Phương pháp 4: Chấp nhận sự khó khăn
Phương pháp 5: "Lợi dụng" đặc điểm tốt của tính cách bản thân
Phương pháp 1: "Mục đích học" - Động lực dài hạn
"Mục đích học" không chỉ giúp định hình lộ trình học của các bạn trở nên rõ ràng hơn, mà nó còn là động lực dài hạn giúp bạn có thể cố gắng tới cùng.
Người ta thường hay nói:
Trước khi bỏ cuộc, hãy nhớ lại lí do bắt đầu.
Khi cảm thấy chán nản với việc học (Hoặc là với công việc trong thời điểm hiện tại), đúng là thường mình sẽ nhớ lại "Mục đích" bắt đầu. Và sau đó, mình sẽ tuởng tượng trong đầu viễn cảnh bản thân khi đã đạt được mục đích đó và tưởng tượng xem khi ấy, cuộc sống của mình sẽ "lên đời" và trở nên "thung thướng" hơn cuộc sống hiện tại tới cỡ nào.
VD: Mình thường tưởng tượng viễn cảnh khi mình đã thành thạo tiếng Nhật và được sang Nhật sinh sống, làm việc. Khi ấy, mỗi ngày mình sẽ đều được sống ở không gian với cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, ngắm các bạn nữ "kawaii" để tóc mái mỗi ngày 👉👈 (và biết đâu may mắn tìm được "waifu" của cuộc đời). Lúc ấy mình sẽ có thể tạm biệt cảnh mỗi ngày mở mắt ra là 4 bức tường, bước chân vài bước tới trường rồi lại quay trở lại phòng trọ.
Điểm quan trọng ở đây là tạo ra tương lai của bạn khi đã đạt được mục đích, và so sánh nó với hiện tại - khi bạn chưa đạt được. Sự thay đổi đó có lớn không? Bạn có hạnh phúc với sự thay đổi đó không? Sự thay đổi càng lớn, và bạn càng hạnh phúc với sự thay đổi đó thì nguồn động lực sẽ dâng trào ngày càng mạnh khi bạn tưởng tượng.
Cũng chính vì vậy mà những người không có mục đích rõ ràng, hoặc học vì mong muốn của người khác (Như gia đình) thiếu đi mất nguồn động lực to lớn này và rất dễ bỏ cuộc trong tương lai.
Đừng ngăn trí tưởng tượng của bản thân bằng những lí lẽ logic, hãy để nó thỏa sức vẽ ra đủ mọi viễn cảnh tốt đẹp, mộng mơ nhất có thể xảy ra. Nó có thể đúng, có thể sai. Nhưng quan trọng là bạn đang tạo động lực cho mình bằng cách chủ động xây dựng tương lai của chính bạn.
Phương pháp 2: Tạo động lực ngắn hạn bằng cách đặt mục tiêu nhỏ và tự thưởng
Động lực từ mục tiêu dài hạn tuy rất quan trọng, tuy nhiên, bởi kết quả cuối cùng nằm rất rất rất xa ở tương lai, và nó vô cùng mập mờ vì thời gian không phải là yếu tố đủ để đảm bảo rằng bạn sẽ đạt được mục tiêu. Vậy nên, không ít khi động lực dài hạn mất kết nối với hiện tại khiến nó không còn hiệu quả nữa.
Lúc này, những mục tiêu ngắn hạn sẽ phát huy vai trò. Mục tiêu ngắn hạn sẽ khiến việc học tập của bạn có ý nghĩa không chỉ bởi niềm hạnh phúc khi đạt được mục tiêu cuối cùng, mà chính cả quá trình dài đằng đẵng xuyên suốt việc học tập cũng trở nên thú vị.
Mọi người có thể tham khảo cách tạo động lực, duy trì theo đuổi mục tiêu bằng việc áp dụng cơ chế hoạt động của Dopamine tại đây. Đây là podcast của Andrew D. Huberman, giáo sư giảng dạy bộ môn khoa học thần kinh (Neuroscience) tại trường Đại học Y Standford. 1 tiếng đầu tiên của podcast giải thích về cơ chế hoạt động của Dopamine, mọi người có thể tua đến 1:05:00 để xem cách áp dụng những cơ chế này vào cuộc sống. Podcast giải thích rất rõ ràng và cụ thể, tuy nhiên tóm gọn lại, mình đã áp dụng vào việc tạo động lực cho bản thân như sau:
Bước 1: Đặt "KPI" cho mỗi buổi học (VD: Làm đủ hết bài tập; nhớ đủ xx từ mới; "Nhại" thuộc lòng mọi dòng text trong xx trang sách;...)
Bước 2: Tiết lộ cho bản thân biết mình sẽ được thưởng gì sau khi hoàn thành "KPI".
Đây là bước quan trọng nhất, bởi lúc này mới là lúc Dopamine được tiết ra nhiều nhất, chứ không phải lúc thực hiện hành động như nhiều người lầm tưởng. Ngoài ra, "phần thưởng" không nhất thiết phải là những sự vật, sự việc hữu hình (VD như 1 món ăn, 1 món quà,...), mà hoàn toàn có thể là những giá trị tinh thần.
Với mình, phần thưởng mà mình tự thưởng sau mỗi lần học xong mục tiêu nhỏ đề ra, đó là cho phép bản thân nghĩ rằng mình là người thông minh. (Mình là người có khả năng tư duy không giỏi, vì vậy cảm giác cho phép mình nghĩ mình là người thông minh là 1 món quà tinh thần cực kì lớn)
Việc tạo ra những phần thưởng này lại là cơ hội để mọi người thỏa sức sáng tạo. Nếu bạn chọn cách tạo phần thưởng là những món quà tinh thần, không nhất thiết nó cần phải đúng với thực tế, chỉ cần nó khiến bạn có cảm giác yêu thích, tận hưởng là được. (Đây cũng là mẹo mình áp dụng để duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày: Mỗi lần tập thể dục xong, đổ nhiều mồ hôi, mình sẽ tự "thôi miên" bản thân cho rằng việc đổ mổ hôi như vậy sẽ giúp da mặt mình đỡ mụn hơn và từ đó trở nên "đẹp trai" hơn)
Tuy nhiên, cần lưu ý nhận thức rõ ràng rằng cách bạn tự "thôi miên" bản thân là niềm tin do bạn tự tạo ra, không phải sự thật khoa học. Nó chỉ có giá trị với riêng bạn, không nên áp đặt với người khác.
Bước 3: Tập trung hoàn thành KPI
Bước 4: Tự thưởng/ Không thưởng bản thân
Để áp dụng cơ chế hoạt động của Dopamine một cách tốt nhất, bạn nên tự thưởng bản thân. Nhưng không phải lúc nào cũng thưởng, mà cần có sự xen lẫn giữa thưởng và không thưởng. Chi tiết về phương pháp này được mô tả rất rõ trong podcast mình đã đính ở trên.
Ngoài ra, bạn có thể áp dụng cơ chế tự thưởng/ không thưởng vào việc theo dõi tiến độ phát triển khả năng tiếng Nhật của mình trong mỗi một khoảng thời gian bất kì.
Ví dụ, với mình, trước khi học tiếng Nhật, mình đã nghe rất nhiều bài hát tiếng Nhật, xem rất nhiều bộ Anime, nhưng chẳng hề hiểu gì cả. Cứ sau khoảng 2 - 3 tháng học, mình sẽ quay lại nghe những bài hát và xem lại những bộ anime đó để xem bản thân mình đã hiểu được thêm bao nhiêu trong những nội dung đó.
Thật sự luôn, cảm giác hiểu ra được thứ ngày xưa mà mình không hiểu thích cực kì, đến mức mà mình nghĩ chẳng cần phải tự thưởng cũng thấy sung sướng. Cách này áp dụng rất tốt với những anh em (đã từng là) Wibu như mình.
Phương pháp 3: Khiến bản thân chịu trách nhiệm với người khác.
Chúng ta thường nghiêm khắc tuân theo kỷ luật bởi sự chịu trách nhiệm với người khác (VD: đi học đúng giờ vì phải chịu trách nhiệm với giáo viên; hoàn thành KPI vì trách nhiệm với khách hàng, sếp;...) Nhưng, nếu chỉ có một mình, rất dễ để chúng ta mất đi động lực nghiêm khắc với bản thân. Việc học cũng vậy, khi chỉ học một mình, rất dễ để bỏ cuộc vì lúc này chúng ta chẳng cần chịu trách nhiệm với bất cứ ai cả.
Tuy nhiên, vẫn có cách để giải quyết vấn đề này. Bạn có thể tham khảo Video "5 levels of Self-Discipline" tại đây để có thể trở nên kỷ luật hơn, bằng cách tự tạo ra mối liên kết trách nhiệm giữa bản thân và 1 bên thứ hai.
Theo video trên, có 5 mức độ liên kết trách nhiệm theo thứ tự từ lớn vừa đến lớn nhất là:
Mức độ 1: Với bản thân của tương lai (Future self)
Mức độ 2: Với cộng sự (Partners)
Mức độ 3: Với người chỉ dạy, huấn luyện viên (Teachers and Coaches)
Mức độ 4: Với đồng đội và tổ chức (Teams and Organizations)
Mức độ 5: Đảm nhận vị trí lãnh đạo (Leaders)
Với mình, mình chọn khiến bản thân phải chịu trách nhiệm với cộng sự (Partners). Có 2 cộng sự mình lựa chọn là: "Gia đình" và "Định mệnh của cuộc đời".
Việc chịu trách nhiệm với "Gia đình" có vẻ dễ hiểu hơn vì bố mẹ đã bỏ tiền cho con cái ăn học mà nó lại không chịu học hành tử tế thì thật đáng xấu hổ. Nhưng "Định mệnh của cuộc đời" có vẻ đang khiến mọi người hoang mang.
1 lần nữa, lại thêm cơ hội để trí tưởng tượng và sự sáng tạo lên ngôi. Mình "tự thôi miên" bản thân rằng có 1 bạn nữ để tóc mái đáng yêu nào đó 👉👈 là định mệnh của cuộc đời đang đợi mình ở Nhật. Nếu như chểnh mảng, bỏ bê việc học thì mình sẽ thấy rất có lỗi vì sẽ khiến bạn nữ để tóc mái ấy ngày càng phải đợi mình lâu hơn.
Mình nghĩ nếu đọc tới đây mọi người sẽ nghĩ mình hơi "bệnh" hoặc hoang tưởng. Nhưng thực sự cách này đối với mình hiệu quả lắm ấy. Vẫn luôn cần lưu ý rằng "thôi miên" bản thân là niềm tin do bạn tự tạo ra, không phải sự thật. Nó chỉ có giá trị với riêng bạn, không được áp đặt với người khác. (Mình vẫn nhận thức được bạn nữ tóc mái 👉👈kia là sản phẩm của sự "thôi miên" nên chắc là mình chưa bị hoang tưởng đâu :< ) Mình nghĩ cách này cũng sẽ hiệu quả với những bạn học tiếng Nhật vì Idol, vì Waifu hay Hasubando.
Mình thuộc dạng thích tự học, dễ học một mình hơn học cùng với người khác, vì vậy mình chọn phương pháp liên kết trách nhiệm ở mức độ 2 (Với cộng sự trong tưởng tượng). Còn những ai không giỏi kĩ năng tự học, hoặc thích việc học cùng bạn bè, thì có thể áp dụng mức độ 2 với người thật hoặc mức độ 3, 4 và 5 của liên kết trách nhiệm. VD như tự mình lập một nhóm học, đặt ra mục tiêu và lịch trình cho cả nhóm chẳng hạn. Chi tiết về 5 mức độ mọi người có thể xem ở video mình đã đính kèm ở trên.
Phương pháp 4: Chấp nhận sự khó khăn
Tiếng Nhật là ngôn ngữ khó để làm quen vì nhiều lí do: 3 bảng chữ cái; Thứ tự trong câu ngược hẳn so với tiếng Việt; Từ vựng khó nhớ; Thể khiêm nhường/ lịch sự/ kính trọng; Ngữ pháp mơ hồ, khó hiểu;... Học tiếng Nhật là phương pháp rất hiệu quả trong việc dẫn đến tình trạng tiền đình. Và tệ hơn, mọi người sẽ phải sống chung với những cảm giác khó chịu trong đầu này 1 khoảng thời gian dài trước khi cảm thấy nó dịu nhẹ hơn. Tuy nhiên, người ta vẫn lại thường nói rằng:
No pain, no gain
"Chắc lại nhét mấy câu sáo ngữ vào để an ủi chứ gì?" - Có lẽ có người sẽ nghĩ như vậy. Nhưng thực ra, chính những cảm giác khó chịu ở trong đầu mà chúng ta trải qua ấy là điều kiện cần thiết, là nguyên liệu không thể thiếu để giúp não bộ tiếp cận tới "Khả biến thần kinh" (Neuroplasticity) (Hay còn được gọi là tính mềm dẻo của thần kinh) - Khả năng thay đổi các mạng lưới thần kinh trong não thông qua sự tăng trưởng và tái cấu tạo của Nơron. (Mọi người có thể tìm hiểu thêm về "Khả biến thần kinh" tại đây)
Khi chúng ta học kiến thức mới hoặc tập luyện các kỹ năng, sự tăng cường liên kết của các nơron thần kinh là nguyên nhân giúp chúng ta trở nên quen dần hơn với các kiến thức, kỹ năng ấy. Tóm lại, cảm giác khó chịu ở trong đầu khi đối mặt với sự khó khăn của tiếng Nhật chính là chìa khóa dẫn tới sự thành công trong việc chinh phục ngôn ngữ này.
Khi đã nhận thức được sự thiết yếu của sự "khó khăn", mình tìm cách chấp nhận và làm quen, thay vì tìm cách để né tránh nó. Mình áp dụng cách y hệt bước 2, phương pháp 2: tự thưởng bằng cách "tự thôi miên" cho phép bản thân nghĩ rằng mình là người thông minh, mình đã trở nên giỏi hơn nhiều người khác vì có thể vượt qua được độ khó mà không phải ai cũng có thể làm được. Như vậy, khi gặp thứ càng khó, mình càng có hứng thú để vượt qua nó thay vì bỏ cuộc.
Ngoài ra, còn một "mẹo" nữa mọi người có thể sử dụng để cảm thấy việc học tiếng Nhật nói riêng và học ngôn ngữ bớt khó hơn. Đó là tạo ra 1 khái niệm (Conceptualization) cho việc học tiếng Nhật sao cho gần gũi, dễ hiểu hơn với sở thích, sở trường của các bạn.
Ví dụ, đối với mình, việc học ngôn ngữ giống như là một bữa tiệc thịt xiên vậy. Những miếng thịt, hoa quả, gia vị là từ vựng; cách thức chọc thịt, hoa quả, gia vị vào xiên là ngữ pháp. Như vậy, mỗi xiên thịt được hoàn thành là 1 câu. Việc học tiếng Nhật là học thuộc các cách thức xiên thịt. Trở thành người học giỏi tiếng Nhật là trở thành 1 người đầu bếp có thể soạn ra được 1 bữa tiệc thịt xiên đa dạng, phong phú, ngon lành nhất.
Đó là cách mình tạo khái niệm (Conceptualization) cho việc học tiếng Nhật để cảm thấy việc học thú vị, đơn giản hơn. Một lần nữa, đây là cơ hội cho sự sáng tạo, nếu bạn thấy cách "Tạo khái niệm" (Conceptualization) này phù hợp với mình, hãy thử sức để xem bạn biến việc học tiếng Nhật trở thành thứ gì nhé!
Phương pháp 5: "Lợi dụng" đặc điểm tính cách bản thân
Mình là một người có tính tự trọng khá cao. Nếu đã quyết định dồn năng lượng, công sức của mình vào làm một việc gì đó, mình sẽ quyết tâm làm tới cùng. Bởi nếu bỏ cuộc giữa chừng, mình sẽ rất giận và thất vọng bởi sự yếu kém, thiếu năng lực của bản thân. Kể cả kết quả cuối cùng không được như kì vọng, mình cũng có thể khám phá được giới hạn năng lực của chính mình. Và ít nhất, cảm giác khi ấy không tồi tệ, day dứt bằng việc bỏ cuộc.
Và cũng chính bởi lòng tự trọng cao, nên mình rất không thích cảm giác bị bỏ lại đằng sau so với những người khác. Vì vậy, khi đã quyết tâm dành thời gian, công sức, năng lượng để làm điều gì, mình sẽ cố gắng làm tốt hết mức có thể, nhắm tới vị trí tốt nhất, hoặc chí ít là trên mức trung bình so với những người xung quanh.
Có rất nhiều bất lợi mà lòng tự trọng cao có thể gây nên, tuy nhiên mình đã "lợi dụng" những tác động tích cực của tính cách này để đóng góp cho việc học tiếng Nhật là tạo động lực. Mỗi người có xu hướng tính cách khác nhau, mỗi tính cách đều có lợi thế/ bất cập riêng biệt. Hãy thử dành thời gian ngẫm nghĩ, tự hỏi về những tính cách của các bạn, có "chiếc" nào có thể "lợi dụng" được cho việc học tiếng Nhật được không nhé!
3. Tự phản ánh (Self- Reflection) và Tự nhận thức (Self-awareness)
Khi mới bắt đầu học, mình đã từng hỏi "Senpai" (Tiền bối - anh/ chị học khóa trên) có thành tích học tập tiếng Nhật đứng đầu trường, về cách học của chị ấy. Tuy nhiên, trong suốt cả buổi giúp chị ấy đi mua đàn để đổi lại cơ hội được chị chia sẻ cách học, số cách mà mình áp dụng được với bản thân thật sự không quá được 2. Lí do rất đơn giản: cách học của chị ấy không phù hợp với tính cách, khả năng và sở thích của mình.
VD mình có nhớ một cách học của chị ấy chia sẻ là viết 1 đoạn văn về 1 chủ đề bất kì bằng tiếng Nhật. Cách học ấy sẽ vừa giúp nhớ mặt chữ, vừa giúp luyện tập sử dụng tiếng Nhật, vừa giúp tư duy. Nhưng nó lại không hợp với mình bởi chị ấy yêu tiếng Nhật đến mức có thể dành cả ngày cho nó để viết. Còn mình thì phải dành thời gian làm vài ván LOL với anh em nữa chứ. Ngoài ra, lúc ấy, bảo mình ngồi vào bàn và viết bất cứ thứ gì, kể cả là tiếng Việt, là 1 cực hình. Mình đã "cải tiến" lại phương pháp này theo điều kiện, sở thích của bản thân đơn giản bằng cách đổi "viết một đoạn văn" thành "nói chuyện một mình".
Khả năng "Tự phản ánh" và "Tự nhận thức" là vô cùng cần thiết để mọi người hiểu rõ hơn về điểm mạnh/ điểm yếu, sở thích/ sở ghét của bản thân, từ đó sáng tạo ra lộ trình học, phương pháp học phù hợp nhất. Việc này là cần thiết không chỉ ở giai đoạn chuẩn bị trước khi bắt đầu học, mà còn cần thiết ở trong cả quá trình khi đang học nữa.
Mình biết nhiều bạn có lên mạng để tìm hiểu, tham khảo các cách học tập khác nhau, nhưng rốt cuộc cũng không đem lại bất cứ kết quả tích cực nào. Nguyên nhân, mình cho rằng, là các bạn ấy thiếu đi khoảng thời gian trò chuyện với chính mình, từ đó không đủ thấu hiểu bản thân, và cứ thế ốp những phương pháp nghe qua có vẻ rất hay nhưng lại không phù hợp. Điều này không chỉ gây ra tốn kém thời gian + công sức, mà còn có tác động tâm lý vô cùng tiêu cực khiến người đó tự cho rằng bản thân "ngu dốt" và "kém cỏi".
Bản thân mình là 1 người có khả năng tiếp thu thông tin chậm và khả năng xử lí dữ liệu tức thời kém. Tuy nhiên, những điều mà mình đã gặt hái được cho tới thời điểm hiện tại, đều là nhờ khả năng "Tự phản ánh" và "Tự nhận thức" đã giúp mình bù đắp lại một phần những nhược điểm trên. Vì vậy, đừng nghĩ việc trò chuyện với bản thân là thừa thãi, hãy làm ngay nếu bạn cảm thấy đang thiếu nó. Nếu bạn đã đủ thấu hiểu bản thân, thì mình nghĩ những chia sẻ tiếp theo đây, hoặc thậm chí cả bài viết này có khả năng sẽ trở nên không cần thiết với bạn nữa.
III. Phương pháp học
Nếu hành trang của bạn đã được chuẩn bị đầy đủ bởi những điều được ghi ở phần trên, thực chất bạn đã có thể tự đứng vững trong cuộc hành trình "tán tỉnh" tiếng Nhật rồi.
Tuy nhiên, mình vẫn muốn chia sẻ một số phương pháp học và công cụ mà mình đã sử dụng để các bạn có thể áp dụng (với những bạn có đặc điểm điều kiện, năng lực giống mình) hoặc tham khảo để "cải biến" sao cho phù hợp hơn (với những bạn có đặc điểm điều kiện, năng lực không giống mình)
1. Phương pháp mình học "Nói"
Như đã chia sẻ ở bên trên, "Nói" là kĩ năng mình chú trọng nhất (Và cũng là kĩ năng mình tự hào nhất, hehe) nên mình sẽ viết về nó trước.
Mình sẽ chia kĩ năng "Nói" thành 2 phần: "Phát âm" và "Giao tiếp bằng tiếng Nhật thông qua việc nói"
1.1. Phát âm
*Disclaimers: Mình tin rằng điều quan trọng nhất của việc học ngôn ngữ vẫn là đón nhận và truyền tải thông điệp. Mình hoàn toàn tôn trọng ngữ điệu, giọng nói của riêng từng người. Tuy nhiên, phần này dành cho những bạn có mong muốn phát âm tiếng Nhật hay hơn, giống người Nhật hơn.
Có 2 điều rất đơn giản nhưng vô cùng hữu hiệu mọi người nên nhớ để có thể phát âm tiếng Nhật tốt hơn lập tức:
- Người Việt thường hay đẩy âm ra từ khoang miệng, trong khi người Nhật thường hay đẩy âm ra từ cổ họng.
- Tiếng Nhật không có thanh điệu
Đây là một ví dụ điển hình của rất nhiều bạn người Việt mình phát âm tiếng Nhật khi mới học:
Mình tìm thấy video này trên Youtube ở chế độ công khai. Ngoài ra, có vẻ đây là cuộc thi giới thiệu bản thân của 1 trung tâm dạy tiếng Nhật nên mình xin phép sử dụng video này.
Và sau đây là 4 bước bạn có thể áp dụng để phát âm tiếng Nhật ổn hơn:
Bước 1: Tập đẩy âm thanh ra từ cổ họng thay vì từ khoang miệng. Ví dụ mẫu:
Bước 2: Tập loại bỏ hết tất cả thanh điệu trong tiếng Việt, phát âm tất cả từ trong tiếng Nhật bằng thanh ngang.
Khi mới học tiếng Nhật, mọi người rất dễ thấy giáo viên hay phát âm
như: “Gòa ta shi GÓA bề tô na mự jin đê sự" (Watashi wa Betonamu jin desu/ 私はベトナム人です) . Lí do chữ "wa" thường hay bị phát âm quá thành "GÓA" là bởi giáo viên muốn mọi người chú ý tới trợ từ (Không chỉ riêng "Wa" mà các trợ tư như "Ni", "De", "Ga', "To"... cũng thường gặp "thảm cảnh" tương tự) Điều này sẽ khiến việc phát âm rất thiếu tự nhiên, và tệ hơn, vì là giai đoạn mới học, nó sẽ tạo ra một thói quen phát âm vô cùng khó bỏ.
Mọi người nên tập đọc bằng cách bỏ hết thanh điệu. Mặc dù nghe nó rất kì, nhưng thực ra, nếu phát âm tiếng Nhật bằng đủ 6 thanh điệu của tiếng Việt thì cũng kì không kém đâu, nhưng việc bỏ thanh điệu sẽ giúp bạn phát âm tốt hơn sau này. Thế nên, vì sao lại không tập thử nhỉ?
Bước 3: Nghe thật nhiều tiếng Nhật để quen dần với ngữ điệu nhấn nhả, lên/ xuống của người Nhật
Bước 4: Áp dụng kĩ thuật "Shadowing"
Cùng là nội dung của bài giới thiệu bản thân ở trên, nhưng mình đã áp dụng 2 mẹo ở "Bước 1" và "Bước 2", đồng thời kết hợp với kết quả tích lũy qua quá trình luyện tập tại "Bước 3" và "Bước 4" để "Cover" lại:
Bước chuyển mình từ việc phát âm chỉ sử dụng thanh ngang sang áp dụng cách nhấn nhá, lên xuống của người Nhật sẽ cần rất nhiều sự luyện tập, sự dũng cảm và sự dày mặt. Trước đây, mình nhớ đã từng bị cười trước lớp bởi cả cô giáo và các bạn ngay trong giờ học, vì mình đọc bài "điệu" quá. Ngại tí thôi, nhưng điều đó là dấu hiệu tốt để mình biết rằng mình vẫn chưa làm đúng. Mình rất khuyến khích mọi người ghi âm mỗi khi tập nói, sau đó tự mình nghe lại hoặc nhờ người khác nghe hộ, để phát hiện ra mình đang làm chưa tốt ở đâu, từ đó tìm cách để sửa chữa.
1.2. Giao tiếp bằng tiếng Nhật thông qua "nói"
Theo cá nhân mình, sử dụng tiếng Nhật dể giao tiếp thông qua việc nói là kĩ năng khó nhất, vì khi nói, không chỉ miệng được sử dụng, mà não đồng thời cũng phải xử lí rất nhiều thông tin. Ngoài ra, khi nói, não bộ phải chịu áp lực khi bị đặt vào hoàn cảnh phải xử lí thông tin đủ nhanh sao cho có thể kịp thời truyền tải thông tin với đối phương.
Thêm nữa, một đặc điểm của tiếng Nhật khiến cho "game" trở nên khó hơn, đó là thứ tự các yếu tố trong câu ngược hoàn toàn so với tiếng Việt.
Với cách tư duy thông thường bằng tiếng Việt, rất dễ rơi vào "thảm cảnh" đó là bạn bắt đầu nói bằng những thứ đáng lẽ ra nên nằm ở cuối câu; hoặc tốn rất nhiều thời gian để suy nghĩ nên nói gì trước, nói gì sau. (Không chỉ khi mới học, vấn đề này hoàn toàn có thể xảy ra kể cả với người đã quen với tiếng Nhật ở những câu dài và khó hơn)
Chung quy lại, để giao tiếp tiếng Nhật tốt thông qua việc nói thì kiến thức tiếng Nhật của bạn cũng phải đủ nhiều và khả năng xử lí những kiến thức đó cũng cần phải cực kì chắc chắn.
Sau đây là 5 phương pháp mình đã sử dụng để học kĩ năng giao tiếp bằng tiếng Nhật thông qua việc nói:
Sau đây là 5 phương pháp mình đã sử dụng để học kĩ năng giao tiếp bằng tiếng Nhật thông qua việc nói:
Phương pháp 1: Tập nghĩ trong đầu bằng tiếng Nhật
Phương pháp 2: Nói chuyện 1 mình hoặc tìm người nói chuyện
Phương pháp 3: Kết hợp nói với học từ mới
Phương pháp 4: Dịch từ tiếng Việt sang tiếng Nhật
Phương pháp 5: "Nhại" lại mọi thứ trong tài liệu
Phương pháp 1: Tập nghĩ trong đầu bằng tiếng Nhật
Trước khi đẩy ngôn từ ra khỏi miệng thì trước hết phải "chế biến" chúng ở trong đầu đã. Mình bắt đầu sử dụng phương pháp này từ năm thứ 2 kể từ khi bắt đầu học tiếng Nhật. Và từ đó mình sử dụng phương pháp này mỗi ngày. Khi mới bắt đầu tập, phương pháp này sẽ khiến đầu cực kì quá tải bởi 2 lí do:
- Chưa quen với ngữ pháp và từ vựng tiếng Nhật, thời gian suy nghĩ để phân tích sử dụng ngữ pháp rất lâu.
- Vốn từ vựng rất ít.
Nhưng cũng chính 2 lí do trên cũng là 2 thứ mà phương pháp này đồng thời giúp cải thiện khi đã làm quen: "Giúp vận dụng tốt hơn ngữ pháp, từ vựng" và "Mở rộng vốn từ vựng".
VD: "Nhất định sẽ có ngày mình gặp được định mệnh của cuộc đời là một bạn gái dễ thương nào đó để tóc mái đang đợi mình ở Nhật". "Định mệnh"'; "Cuộc đời"; "Để tóc mái" là những từ vựng không hề có ở trong bất cứ tài liệu học nào của mình trong 2 năm đầu. Bằng cách tra tìm những từ này để có thể tư duy được ở trong đầu, vốn từ vựng của mình mở rộng rất nhiều.
Mọi người có thể áp dụng phương pháp này tại 1 khoảng thời gian sau khi bắt đầu học (đối với cá nhân mình là 1 năm). Ban đầu có thể chỉ cần dành 10 - 15 phút mỗi ngày để tập thôi. Sau đó thì tăng lên dần dần. Đến thời điểm giữa năm thứ 3 và năm thứ 4, mình đã có thể diễn giải mọi thứ mình nghĩ trong đầu (Bằng cách này hoặc cách khác, không nhất thiết phải đúng theo "word by word") sang tiếng Nhật. Mình vẫn nhớ rõ ràng cảm giác những ngày đầu tiên khi tập phương pháp này, mình đã nghĩ là sẽ mất cả đời mới quen được mất, nhưng trên thực tế, không ngờ mọi thứ lại có thể tiến triển nhanh tới như vậy.
Phương pháp 2: Nói chuyện 1 mình hoặc tìm người nói chuyện cùng
Sau khi chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng trong đầu, đã đến lúc để mọi thứ tuôn chảy ra khỏi miệng. Trên thực tế, có nhiều lúc lên cơn lười, mình đã nghĩ: "Chỉ cần nghĩ trong đầu tốt là được rồi, cần gì phải nói ra đâu?"
Nhưng thật ra, khi nghĩ trong đầu, có rất nhiều cách để mình"ăn gian" quá trình tư duy, khiến nó trở nên đơn giản hơn. Ví dụ như kéo dài thời gian suy nghĩ; hoặc nếu gặp chỗ khó, mình sẽ dùng hình ảnh tưởng tượng để lấp vào khoảng trống mà đáng lẽ ra là nó phải là 1 từ mới tiếng Nhật.
Khi nói, bạn buộc phải diễn đạt mọi thứ 1 cách rõ ràng, vì vậy không thể tự gian lận giống như khi đang suy nghĩ trong đầu được. Ngoài ra, khi nói, bạn sẽ khiến não chịu áp lực vì bị đặt vào hoàn cảnh phải xử lí thông tin kịp nhanh so với miệng, từ đó luyện tập khả năng tăng tốc độ xử lí tiếng Nhật ở trong đầu.
Mình là người phù hợp với phong cách học một mình hơn học với nhiều người. Vì vậy mình thường trò chuyện một mình. Những bạn có khả năng xã giao tốt có thể tìm bạn người Nhật để tập trò chuyện, hoặc tìm những người có khả năng nói tiếng Nhật tốt để tập luyện cùng. Nhưng ưu điểm của việc trò chuyện một mình là mình có thể làm mọi lúc, mọi nơi. Mình chọn bất cứ chủ đề nào có thể nghĩ ra: Từ những chủ đề đơn giản như tâm sự trong đầu; những sự việc diễn ra trong 1 ngày; cho tới những chủ đề phức tạp hơn như kinh tế, chính trị;...
Phương pháp 3: Kết hợp nói với học từ mới
Mình sẽ nói thêm về cách học từ mới của mình ở phía dưới. Nhưng trong mỗi buổi học từ mới, mình sẽ liệt kê hết tất cả các từ mới mình học buổi đó ra, rồi đặt câu hoặc ví dụ với mỗi từ mới đó (Ví dụ càng dài, càng phức tạp càng tốt). Cuối cùng là nói ra những ví dụ mà mình vừa tạo, nói đến khi nào trôi chảy không bị vấp nữa thì mới thôi. (Mình thường tạo các ví dụ ở trong đầu thay vì viết ra, để tránh nhìn phải rồi đọc)
Cách học này rất hiệu quả trong việc: "Nhớ từ vựng"; "Làm quen ngữ pháp"; "Giao tiếp bằng tiếng Nhật thông qua việc nói".
Phương pháp 4: Dịch từ tiếng Việt sang tiếng Nhật
3 phương pháp trên có nhược điểm rằng những câu, ví dụ, điều mà bản thân tự nghĩ ra có khả năng cao không đủ sáng tạo. Hoặc do não bộ có xu hướng tối ưu hóa năng lượng, chúng mình rất dễ giữ mình trong khu vực an toàn bằng cách nghĩ rằng thứ đơn giản để não bộ không cần tốn quá nhiều năng lượng suy nghĩ. Giải pháp cho nhược điểm này, đó là dịch những thông tin hay phát ngôn tiếng Việt bất kì nào mình bắt gặp sang tiếng Nhật.
Nó có thể rất đơn giản từ những câu trò chuyện của bạn bè; biển quảng cáo xung quanh đường; các bài post, status của bạn bè trên MXH... cho đến phức tạp hơn như nghe thông tin trên thời sự; đọc các bài báo; các post liên quan tới chuyên môn trong các hội nhóm MXH.
Trung bình, cứ mỗi 1-2 tiếng là mình lại dành ra khoảng 10 - 15 phút để tập luyện phương pháp này.
Phương pháp 5: "Nhại" lại mọi thứ trong tài liệu
Các ví dụ, các đoạn văn ở trong tài liệu có độ chính xác cao hơn rất nhiều so với những câu, ví dụ mà mình tự tạo ra. Ngoài ra, có những câu, ví dụ trong tài liệu có độ phức tạo cao hơn rất nhiều so với những gì bản thân có thể tự nghĩ. Vì vậy, mỗi ngày học bao nhiêu trang tài liệu, thì mình sẽ dành thời gian để "nhại" lại tất cả các ví dụ, mẫu câu, đoạn văn có ở trong bấy nhiêu trang tài liệu đó. Mình sẽ đọc qua 1-2 lần, sau đó gấp sách lại và nhại đi nhại lại đến khi nào không vấp nữa thì thôi. (Ngoài ra, còn có thể tập tự nói lại bằng "giọng văn" của mình để tập luyện khả năng vận dụng từ vựng và ngữ pháp của bản thân)
Nếu là sách ngữ pháp thì mình sẽ "nhại" hết tất cả các ví dụ; Nếu là sách bài tập mình sẽ "nhại" hết tất cả những phần đáp án và câu hỏi; Nếu là sách "Đọc" thì mình sẽ "nhại" lại những đoạn văn; Nếu là tài liệu "Nghe", thì mình sẽ "nhại" lại ngay sau khi nghe xong hoặc tìm script để "nhại";...
Tuy nhiên, ưu điểm cũng như nhược điểm của phương pháp này đó là "Chậm mà chắc". Khi áp dụng phương pháp này, mỗi bài sẽ tốn thêm rất nhiều thời gian để có thể học xong. Đặc biệt là trong thời điểm ôn thi JLPT, nếu sử dụng phương pháp này sẽ có rủi ro làm chậm tốc độ ôn thi của bạn. Vì vậy, tùy thời điểm mà mọi người có thể linh hoạt cân nhắc có áp dụng phương pháp này hay không.
2. Phương pháp mình học từ vựng
Ở phương pháp học từ vựng, mình sẽ chia ra làm 2 mục nhỏ hơn: "Chữ cái trong tiếng Nhật" và "Từ mới"
2.1. Chữ cái trong tiếng Nhật
Tiếng Nhật có 3 loại chữ cái được sử dụng: Hiragana, Katakana, Chữ Hán (Kanji).
Hiragana và Katakana mỗi bảng có 46 chữ cái cơ bản. Nếu tính các dấu phụ (Diacritics) và các cách kết hợp thì lên tới 71 chữ (mỗi bảng). Chữ Hán (Kanji) thì ... rất nhiều, cỡ khoảng 50.000 chữ.
Hiragana và Katakana
Là thử thách đầu tiên cho tất cả mọi người bước chân vào thế giới của tiếng Nhật, và cũng là chặng sàng lọc được nhiều người “học cho vui”, "định học" nhất.
Mình học Hiragana và Katakana bằng cách:
Viết ra giấy: Viết, viết, viết và viết thật nhiều ra giấy. Có 1 mẹo thời gian đầu mình rất hay sử dụng, đó là nhẩm lời những bài hát, hoặc những câu nói quen thuộc trong anime và sau đó viết ra lại thành Hiragana hoặc Katakana. (Sau đó mình sẽ ngắm nghía lại lời bài hát đã được viết lại bằng tiếng Nhật, cho phép tự hào về bản thân 1 chút để lấy động lực phấn đấu tiếp)
"Viết" trong đầu: Mình sẽ cố gắng tưởng tượng ra hình dáng của các chữ cái ở trong đầu. Khi mới bắt đầu, có thể tập tưởng tượng 1 chữ một. Khi đã quen hơn, có thể bắt đầu tưởng tượng 2 chữ, rồi 3 chữ,... (VD: Naruto: なると/ ナルト Sasuke: さすけ/ サスケ Inuyasha: いぬやしゃ/ イヌヤシャ)
Đọc sách, tài liệu thật nhiều: Thực tế, đây là cách để các mặt chữ "ăn sâu vào trong máu" hiệu quả nhất. Nếu chăm chỉ học tiếp xúc với mặt chữ trong các sách, tài liệu liên tục, các mặt chữ Hiragana và Katakana sẽ trở nên quen thuộc một cách rất tự nhiên. (Các sách, tài liệu đa phần nhiều Hiragana và Kanji hơn Katakana, chính vì vậy mà bây giờ, dù đã học tiếng Nhật 6 năm, thỉnh thoảng mình vẫn gặp vấn đề trong việc đọc Katakana)
Ngoài ra, mình thấy có nhiều bạn học bằng Flashcard; Chơi game (Mọi người có thể search Hiragana Game/ Katakana Game trên Google); Nghe nhạc (Hiragana songs);... nữa. Những cách này không hiệu quả với mình, nhưng có thể sẽ hiệu quả với mọi người.
Chữ Hán (Kanji)
Để việc học chữ Hán trở nên dễ thở hơn, mình nghĩ mọi người nên hiểu sâu hơn về bản chất chữ Hán của tiếng Nhật:
Khi học chữ Hán trong tiếng Nhật, có những thông tin sau bạn cần phải ghi nhớ về 1 chữ: Mặt chữ (1); Cách đọc Hán - Việt (2); Nghĩa của chữ Hán (3), Cách đọc Hán-Nhật (Onyomi) (4), Cách đọc thuần Nhật (Kunyomi) (5), Nghĩa theo cách đọc thuần Nhật (6), Những từ hay được ghép để sử dụng cùng với chữ Hán đó (7)
Mình sẽ giải thích từng thứ ở trên thông qua ví dụ là chữ: "Sơn"
(1) Mặt chữ: Mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy ở trên
(2) Cách đọc Hán - Việt: SƠN
(3) Nghĩa của chữ Hán: Ngọn núi
(4) Cách đọc Hán - Nhật (Onyomi): Người Trung phát âm chữ 山 là "Shān". Hiểu một cách nôm na là ngày xưa, cụ tổ người Việt mình nghe được thành "Sơn", còn cụ tổ người Nhật họ nghe thành "San". Vậy nên cách đọc Hán - Nhật (Onyomi) của chữ "山" là "San"
(5) + (6) Cách đọc thuần Nhật (Kunyomi) + Nghĩa theo cách đọc thuần Nhật: Giống với từ "Núi" của chúng ta, người Nhật cũng có từ dành riêng để chỉ núi của họ là "Yama". Vậy nên cách đọc thuần Nhật (Kunyomi) của chữ "山" là "Yama", có nghĩa là ngọn núi.
Lưu ý: 1 vài chữ Hán có thể có nhiều cách đọc thuần Nhật, và mỗi cách đọc sẽ là một từ với sắc thái ý nghĩa khác nhau. Vì vậy chỉ nhớ (3) nghĩa của chữ Hán là không đủ.
(7) Những từ hay được ghép để sử dụng cùng với chữ Hán đó: 1 cái rất "oái oăm" của chữ Hán trong tiếng Nhật đó là ghi ghép với các chữ khác, bạn sẽ rất khó nhận biết khi nào đọc bằng "Cách đọc Hán - Nhật" (Kunyomi), khi nào đọc bằng "Cách đọc thuần Nhật" (Onyomi). Ngoài ra còn có những quy tắc biến âm hoặc trường hợp ngoại lệ khiến cách đọc khác hẳn hoàn toàn. Vì vậy, biết và thuộc các từ thường được sử dụng có chứa chữ Hán đó vô cùng quan trọng: Vừa để mở rộng vốn từ vựng, vừa để biết cách đọc. Đây cũng là cách mà đa số tài liệu chữ Hán sẽ dạy bạn.
Ví dụ: Chữ 山 có thể được dùng để ghép thành những từ khác nhau như:
山頂:SƠN ĐÍNH: San-chou: Đỉnh núi. (Cách đọc Hán - Nhật (Onyomi))
山道:SƠN ĐẠO: Yama-michi: Con đường trên núi. (Cách đọc thuần Nhật (Kunyomi))
火山:HỎA SƠN: Ka-zan: Núi lửa (Cách đọc biến âm)
山葵:SƠN QUỲ: Wasabi: Mù tạt (Trường hợp ngoại lệ)
Lí giải được bản chất của chữ Hán trong tiếng Nhật sẽ khiến khái niệm (concept) về việc học chữ Hán trong đầu bạn trở nên bớt phức tạp, và bạn có thể xây dựng 1 cách học có hệ thống hơn dựa vào nó. Ở trên là giải thích sơ qua về chữ Hán trong tiếng Nhật, tiếp theo mình sẽ nói về cách học chữ Hán của mình.
Trước tiên, về việc ghi nhớ (1) Mặt chữ, (2) Cách đọc Hán - Việt, (3) Nghĩa của chữ Hán, (4) Cách đọc Hán - Nhật (Nhiều trường hợp có thể suy ra được từ (2)), mình thấy có nhiều bạn học thông qua việc tạo và liên kết hình ảnh cho chữ như:
Đây là một cách học vô cùng hiệu quả với nhiều người. Tuy nhiên, cách học này không phù hợp với cá nhân mình bởi nó giới hạn trí tưởng tượng, và khiến mình phải nhớ thêm nhiều thông tin hơn.
Ngày xưa mình có thằng bạn hay chơi trò đoán tên người bằng cách nhìn đặc điểm bên ngoài. Để đặt tên cho 1 ai đó dựa vào đặc điểm bên ngoài của họ, cần phải vận dụng tất cả những ấn tượng có trước của bản thân về những người cùng có tên đó (không chỉ hình ảnh mà còn âm thanh, cảm giác,...) Rồi một hôm nó bảo mình là: "Nếu mày không phải tên là T** thì chắc chắn mày phải tên là Chiến. Mà vì tao lỡ biết tên mày là T** rồi nên cứ thấy mặt mày hợp lí với cái tên đấy."
Câu nói này gần như giúp mình "thức tỉnh". Mình áp dụng trò này vào việc nhớ chữ Hán luôn. Mình sẽ quan sát mặt chữ và sau đó đoán cách đọc và nghĩa của nó. Nếu đoán đúng thì tốt, còn nếu đoán sai thì não mình sẽ tự động hợp lý hóa những thông tin mà chữ đó chứa đựng với mặt chữ bên ngoài, giống như cách mà thằng bạn mình cho rằng nó cảm thấy mặt mình hợp lý với tên T** đơn giản vì nó đã biết từ trước tên mình là như thế.
Mình cũng sử dụng phương pháp liên kết để nhớ chữ Hán dễ hơn, nhưng không chỉ liên kết hình ảnh mà mình có thể liên kết với âm thanh, câu chuyện, ấn tượng,... của bản thân vào với từ đó. Những thứ mà mình liên kết rất khó để giải thích rõ ràng bởi nó là những yếu tố mang tính cá nhân, và sự liên quan giữa chúng nhiều khi rất phi logic. Phương pháp "Nhìn mặt đoán tên" và "Hợp lý hóa tên với mặt" của mình có thể khó lí giải với mọi người. Nhưng lời khuyên của mình là, hãy vận dụng tối đa sức sáng tạo của bản thân, sử dụng cả 5 giác quan để tạo ra những liên kết quen thuộc, dễ hiểu nhất với bạn để có thể nhớ chữ Hán tốt hơn.
(Còn tiếp)
Ở phần tiếp theo, mình sẽ chia sẻ về cách mình học "Từ mới"; "Ngữ pháp"; "Nghe"; "Thời gian biểu học trong 1 ngày/ 1 tuần của mình" và "Những công cụ/ tài liệu mình sử dụng phục vụ cho việc học tiếng Nhật"
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất