Bất cứ khi nào bạn muốn hiểu thấu đáo một vấn đề, cho bất cứ mục đích nào, để giải thích hay để cải tạo, hãy nhìn vào hệ thống của chính vấn đề đó. Nhưng cụ thể là nhìn ở đâu? và làm cách nào để suy ra một kết luận mang tính tri thức mới chính từ mớ thông tin mà bạn đã tổng hợp được?
Đầu tiên, hãy học cách đặt câu hỏi, hãy nghi ngờ, hãy chất vấn thực tại, hãy chất vấn chính đôi mắt của mình, chính điều mà bạn đang nhìn đó có đang vận hành đúng như bản chất của nó hay không. Bề mặt của thế giới là hỗn loạn và dường như vô nghĩa, nó không tĩnh mà luôn thay đổi một cách linh hoạt, chẳng có cái gì là tồn tại mãi mãi, những rối ren này khiến bạn cho rằng bạn sẽ không thể nào hiểu được hay tiên đoán được hệ quả của một sự kiện nào đang diễn ra. Nhưng tôi cho rằng nếu hiểu được cốt lõi của chủ thể, ta có thể tiên đoán hành vi của chủ thể đó cho dù có hỗn loạn đến mức nào đi nữa. Chìa khoá của cánh cửa để nhìn vào bên trong cốt lõi chính là sự lặp đi lặp lại. Có vô số khả năng trên thế giới, nhưng nếu cái vòng tròn lặp đi lặp lại của hệ thống đã sáng tỏ trong tâm trí bạn, nó sẽ được loại trừ thành một vài khả năng. Khi bạn bắt gặp khuôn mẫu của thực tại, bạn không thể không nhìn thấy hệ quả của nó được.
Thứ hai, tự tách mình ra khỏi hệ thống đó, một kĩ năng quan trọng không kém. Ở đây tôi không nói tới sự mơ mộng hão huyền hay bóp méo thực tại, mà là nhìn vào thực tại ở một góc độ cao hơn bản ngã của chính mình, như khi bạn nhìn vào một chiếc bản đồ. Hãy nhìn sự việc theo một cách tối giản nhất có thể, hãy để cảm xúc của bạn qua một bên và suy luận giống như bạn chỉ đang dạo chơi trên một bàn cờ. Nó mang cho bạn sự tỉnh táo cần thiết để đưa ra quyết định thông suốt nhất.
Thứ ba, hãy linh hoạt, đừng bám vào một hệ thống nào cả, mặc dù tư duy với hệ thống rất hiệu quả, ta vẫn nên biết một chìa khoá không thể mở được mọi cánh cửa. Mỗi hệ tư tưởng là một cách thức khác nhau, sử dụng nó nhưng đừng trở thành nó, liên tục chiêm nghiệm bằng cách không ngừng áp dụng tri thức của mình vào thực tế chính là cách tốt nhất để bộ não của bạn không trở nên lỗi thời. Thử thách chính tri thức của chính mà và luôn luôn đổi mới để theo kịp dòng chảy của thế giới.
Cuối cùng, hãy tin vào trực giác của chính mình, trực giác không phải là một khái niệm quá phức tạp và khó hiểu, hãy nghĩ về thế giới như một thực thể đơn nhất được kết nối bởi hàng tỉ sợi dây mỏng manh, những sợi dây này tồn tại đan chéo vào nhau, mỗi rung động vi tế nhất của chúng sẽ ảnh hưởng đến cả một thực thể to lớn. Trực giác của bạn chính là cách mà bạn chịu ảnh hưởng bởi những rung động đó. Hãy thật tinh tế để nắm bắt được trực giác của chính mình, ngay cả khi bạn chưa giải thích được vì sao, nó sẽ giúp bạn lĩnh hội thế giới này hiệu quả hơn.
Đọc thêm: