Cách mình tự học N5 lên N3 tiếng Nhật trong vòng 3 tháng trong khi vẫn lên giảng đường và đi dạy thêm, và bạn có thể áp dụng cho việc tự học tiếng Anh của bạn như thế nào?
I. Mình tự học tiếng Nhật như thế nào? - Đặt mục tiêu thi N3 vào 7/7/2019 từ hồi đầu tháng 4, và đọc được bài chia sẻ cách tự học...
I. Mình tự học tiếng Nhật như thế nào?
- Đặt mục tiêu thi N3 vào 7/7/2019 từ hồi đầu tháng 4, và đọc được bài chia sẻ cách tự học này: https://medium.com/@longngn/t%C3%B4i-%C4%91%C3%A3-t%E1%BB%B1-h%E1%BB%8Dc-ti%E1%BA%BFng-nh%E1%BA%ADt-v%C3%A0-%C4%91%E1%BA%A1t-n3-trong-1-n%C4%83m-nh%C6%B0-th%E1%BA%BF-n%C3%A0o-2a6284395427
- Học Anki (một phần mềm học nhồi từ vựng mình sẽ đề cập trong phần lộ trình gợi ý) trong vòng 3 tháng. 1 tiếng/ ngày học trên laptop, 15 từ mới/ ngày * 30 ngày * 3 tháng = 1350 từ.
- Luyện đề trong 1 tháng nghỉ học: Làm hết sách N3 mượn trên thư viện: chokuzen taisaku N3, doriru doriru, paowa-doriru, mock test N3, N3 try, Dokkai supi-do masuta, choukai supi-do masuta, mimikara oboeru goi, 55 reading, 8 moshi jiken (sách Trung Quốc).
- Rảnh thì nghe thêm video Shadowing hoặc Namachukei (phần học này tự chọn và nghe vài lần là mình bỏ luôn vì lười =)). Xem quay lại livestream giải đề của mấy thầy cô trung tâm Dungmori, Riki, Kosei.
- Thời gian 3 tháng ấy mình vẫn đi học một buổi full ở trường, buổi còn lại ngủ =)) Cuối tuần thì dạy 2 buổi tiếng Anh (2 tiếng/ buổi) cho trẻ con và kèm tiếng Anh cho cháu mình (30-45 phút mỗi tối).
Mình nghĩ như vậy khá là trung thực về quá trình học của mình. Có các đặc điểm là:
+ không có phần giao tiếp vì đề thi năng lực tiếng Nhật không có phần nói (đừng hỏi mình tại sao). Nói chung mình có thể nghe ở trình N3 nhưng nói thì còn kém, lí do thì bạn đoán được rồi đó.
+ mình kiên trì học từ vựng
+ mình kiên trì luyện đề + các sách tập trung vào từng kỹ năng cụ thể của bài nghe
+ mình gần như không mất tiền cho bất kì tài liệu nào, cũng không tìm ai ngoài google để hỏi han
+ mình học chủ yếu bằng tiếng Anh (mình không có vấn đề với việc đọc hiểu tài liệu tiếng Anh)
+ mình tự học hoàn toàn
Nếu bạn cũng như mình, thì đọc tiếp nhé :3
II. Tại sao mình viết note này
- Mình biết nhiều bạn 1. rất chăm chỉ và 2. không có điều kiện kinh tế dồi dào, đồng thời 3. muốn cải thiện tiếng Anh của mình nhưng 4. chưa biết bắt đầu từ đâu, mình xin chia sẻ một phương pháp mình đang áp dụng cho việc học tiếng Nhật của mình cho các bạn tham khảo.
- Mình đã chờ đủ lâu để có kết quả kiểm chứng phương pháp học của mình (157/180 điểm thi năng lực tiếng Nhật N3) là đúng đắn.
- Khá nhiều bạn hỏi mình câu hỏi bắt đầu học lại tiếng Anh nên mình nghĩ nhiều người cần một "gợi ý".
- Mình quan tâm đến việc dạy tiếng Anh và đi gia sư tiếng Anh (kiểu không chuyên) 5 năm nay rồi.
III. Niềm tin về việc học ngoại ngữ của cá nhân mình
1. Học phải đi đôi với hành: Cái này đơn giản đến mức khi viết ra mình cũng thấy hơi buồn cười, nhưng nhiều lúc chúng ta vẫn bỏ qua nó.
Ví dụ:
- Học từ vựng N3 để áp dụng cho bài đọc, bài nghe, giải đề JLPT N3.
- Học từ vựng TOEIC để đi thi TOEIC.
- Học từ vựng IElTS band 4-5 để đi thi IELTS lấy 5 điểm.
Nếu không không nhìn thấy sự tiến bộ của bản thân thì bạn sẽ cảm thấy việc học khá vô nghĩa vì không thấy nó được áp dụng ở chỗ nào cả.
2. Học cái gì cũng cần một cái nền vững chắc. Muốn giao tiếp được, bạn cần từ vựng, ngữ pháp, phát âm trước hết.
3. Tận dụng khoa học (xác suất, tính toán) và công nghệ (máy tính, phần mềm) tối đa sẽ giúp cho việc học và kiểm tra tiến độ học của bạn (để thấy mình đang tiến bộ).
4. Không bao giờ có công thức chung cho tất cả mọi người, nhưng người học vẫn nên tham khảo cách học của những người giỏi, vì nó là đúc rút kinh nghiệm rất lâu của họ, và đã cho ra kết quả có thể kiểm chứng được. Và cứ thử tầm 4-5 phương pháp, cái nào hợp với mình thì áp dụng.
5. Tiền ở đâu, đầu ở đó: đọc thêm từ bài viết của founder Spiderum: https://spiderum.com/bai-dang/Tien-o-dau-Dau-o-do-ab7
6. Học chủ động LUÔN ĐEM LẠI KẾT QUẢ hơn học thụ động (nghe và hiểu nội dung sẽ tốt hơn nghe tập băng mình không hiểu gì, đọc bài báo mình hiểu 80% sẽ tốt hơn là vừa đọc vừa tra từ điển gần như hoàn toàn bài báo).
Luyên thuyên về mình thế là đủ rồi, mình xin gợi ý một lộ trình, bạn có thể thử và kiểm chứng rồi nếu có thắc mắc có thể comment cho mình biết hoặc quay lại cho mình phản hồi nhé!
IV. Lộ trình 6 tháng cho người mất căn bản tiếng Anh và TRY HARD
1. Học phát âm
Học theo 1 playlist trên Youtube:
Lưu ý: Xem thử vài người rồi học theo 1 người thôi, đỡ loạn vì 1 người có 1 kiểu hướng dẫn khác nhau (có thầy là người Việt, thầy là người Tây nói toàn tiếng Anh). Nói chung thấy hợp thì theo đến cùng, Youtube đã giúp bạn chọn lọc những nguồn đáng tin cậy nhất (ít nhất là bằng lượt xem và còm-men).
Nếu bạn chăm thì 5 ngày là xong, cùng lắm là 15 ngày. Mỗi ngày học 1-2 âm theo bảng phiên âm IPA.
2. Học nhồi từ vựng (1 tiếng/ ngày)
- Sử dụng phần mềm Anki:
Tất tần tật về Anki - tác dụng và cách cài đặt, sử dụng Anki (đằng sau phần mềm này là một thuật toán giúp não bộ ghi nhớ tối ưu). Mình tin rằng việc học được 1 thứ ngoại ngữ cũng có khoa học của riêng nó. https://www.facebook.com/notes/nguy%E1%BB%85n-ti%E1%BA%BFn-%C4%91%E1%BA%A1t/t%E1%BB%B1-h%E1%BB%8Dc-ti%E1%BA%BFng-anh-k%E1%BB%B3-3-s%E1%BB%AD-d%E1%BB%A5ng-anki-flashcards-%C4%91%E1%BB%83-h%E1%BB%8Dc-t%E1%BB%AB-v%E1%BB%B1ng/10153706367891456/?fref=mentions
- Sau khi đã đọc và hiểu về Anki thì bạn cần tìm 1 bộ từ phù hợp.
Mình không ngần ngại tìm keyword JLPT N3 để học vì mình thi N3. Như quan điểm "Học đi đôi với hành của mình", mình giới thiệu 1 bộ từ 4000 essential English words. Cuốn này có sách và audio rất xịn có thể tải miễn phí trên mạng nhưng nhiều bạn mình học rất nhanh nản. Lí do mình chọn là vì nó có đầy đủ hình minh họa + câu ví dụ để giúp bạn nhớ lâu hơn, và vì nó là "essential words" nên xác suất bạn gặp trong các bài báo, bài nghe cũng cao hơn là học từ không có mục đích.
Bộ này được giới thiệu:
Nhưng mình nghĩ ban đầu thì học Anh-Việt dễ vào đầu hơn, chứ xem giải thích tiếng Anh không hiểu nữa thì mất thời gian và nản lắm. Vây nên mình đề xuất bộ từ này có nghĩa tiếng Việt, được chia làm 6 phần
Mỗi ngày 15 từ * 30 ngày * 6 tháng = 2700 từ (not too bad huh). Kể cả có xác suất bạn rơi rớt thì với khoa học lặp lại của Anki, xác suất bạn nhớ được hơn 80% số từ đã học vẫn rất cao.
3. Học ngữ pháp cơ bản
Trong quá trình học nhồi từ (2) thì bạn nên học kèm ngữ pháp cơ bản
Cuốn mình giới thiệu cũng là của người Việt, một cuốn duy nhất thôi: Giải thích ngữ pháp tiếng Anh của Mai Lan Hương
Một tuần học 1 đơn vị ngữ pháp là ổn. Xong mỗi phần lý thuyết thì làm bài tập cho nhớ. Chỗ nào không hiểu thì google keyword phần đơn vị ngữ pháp ấy là có video dạy của các thầy cô/ trung tâm luôn.
4. Sau đó
Sau 6 tháng thì với vốn từ vựng và ngữ pháp ấy, bạn chắc chắn đã cảm nhận sự khác biệt nghe đọc báo hoặc nghe bản tin tiếng Anh.
Có nhiều con đường cho bạn lựa chọn:
- Học 1 khóa hội thoại giao tiếp (tìm người nói chuyện cùng cho đỡ tự kỉ)
- Ôn thi IELTS/ TOEIC (có lộ trình riêng của nó)
Thực ra với giai đoạn "sau đó" này mình vẫn đang thử nghiệm, mình nghĩ là mình có thể học lên N2 vì dù sao từ vựng và ngữ pháp mình cũng sẽ lên, và dĩ nhiên học giao tiếp cũng dễ hơn nhiều. Lựa chọn thứ 2 là mình đang học nhồi từ vựng N2 với một ứng dụng trên điện thoại là Memrise (cũng tương tự Anki nhưng mình nghĩ học trên laptop sẽ tập trung hơn) và học khóa tiếng Nhật (bằng tiếng Anh) trên Duolingo. Lựa chọn thứ 3 là đăng kí 1 khóa Kaiwa ở trung tâm chẳng hạn.
Hi vọng sẽ có ai đó áp dụng và có được kết quả khả quan như mình. Và đừng bao giờ mất niềm tin vào khả năng tự học của bản thân nhé!
English Zone
/english-zone
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất