Sau thời gian miệt mài giải đề và cưa cẩm lại anh "tiếng Trung", hôm nay mình mới có thể viết bài chia sẻ với mọi người một số công cụ/nguồn học hữu ích giúp bạn học tiếng Anh bớt "quằn quại" hơn, mà mình đã tự trải nghiệm và đúc kết sau 21 mùa xuân xanh đã qua :))). Mình sẽ chia bài thành các phần dưới đây nhé, trong mỗi phần là sách, website, công cụ hữu ích.


1. Ngữ pháp

Một điều giúp mình có thể đi xa và đi lâu với tiếng Anh cho tới ngày hôm nay một phần lớn là do có nền tảng ngữ pháp tốt. 12 thì tiếng Anh, danh từ, động từ, tính từ, trạng từ, câu đơn, câu ghép, câu phức,...càng nắm rõ bao nhiêu thì sau này bạn càng đỡ vất vả hơn bấy nhiêu ;) Nên là dù ai nói ngả nói nghiêng, hãy luôn trang bị một nền tảng ngữ pháp tốt cho mình bạn nhé!
"Giải thích ngữ pháp tiếng Anh" của cô Mai Lan Hương là quyển sách ngữ pháp gối đầu giường của mình, cực kì recommend. Vì nó bao gồm tất cả kiến thức ngữ pháp chỉ trong một quyển sách, cùng với bài tập vận dụng, đáp án nên nó rất chi tiết, đầy đủ, khá dày, và khá...buồn ngủ :))) Nên lời khuyên chân thành là hãy lập lịch trình học rõ ràng, mỗi ngày học một chút thôi, kiến tha lâu đầy tổ mà ;) 
Trong quá trình học, đừng mắc lỗi lầm như mình là chép bài lại vô tập nha, vừa cực vừa...vô ích nữa. Cứ đọc qua một lượt, thấy gì hay hoặc chưa biết thì take note, sau đó làm bài tập, sửa bài, rút kinh nghiệm là xong. Cũng đừng gò ép bản thân quá, hãy học trong tâm thế: 
Mỗi một ngữ pháp mình biết thêm hôm nay là tương lai bớt đi một cái phải học :)))

2. Từ điển

Có ba loại từ điển và một công cụ mà mình luôn vững tin sử dụng qua năm tháng mà đã rất lâu rồi không thay đổi. Đó là:

Glosbe:

Từ điển này cung cấp cả bản dịch Anh-Anh, Anh-Việt với nghĩa Việt rất đa dạng và được phân loại chi tiết, nhiều sắc thái. Các ví dụ chất lượng đi kèm với bản dịch cả câu, mà mình thấy là dịch cực kì mượt luôn. Mình thấy mấy bạn nước ngoài của mình cũng dùng từ điển này, hình như nó dùng được cho rất nhiều ngôn ngữ.

Hình hơi nhỏ nên mình copy ra đây:
Hey, you got crumbs in your beard.
Ê, râu mày dính vụn bánh kìa

Nhưng mà nhiều lúc vẫn có một số sai sót, tuy nhỏ nhưng bạn cũng nên để ý một chút để tránh nó ra. Khi tra từ mình thường tra cả word family của từ luôn, tức là tra cả danh từ, động từ, tính từ, trạng từ của chúng:
Ex: happy, happiness, unhappy, unhappily, unhappiness,...

Oxford, Cambridge:

Cái này thì quen quá rồi. Lý do mình cần dùng thêm 2 loại từ điển này vì độ chính xác của chúng cao. Kết hợp với glosbe coi như bù trừ cho nhau. 
Cambridge có song ngữ Anh - Việt luôn nha:

Ejoy:

Đây không phải từ điển, mình cũng không biết phải giải thích sao. Nó là một tiện ích mở rộng ( extensions ) trên trình duyệt, là một website/app học tiếng Anh với kho video cực kì phong phú, chế độ luyện tập nghe nói, hệ thống học từ vựng, rồi còn kết nối với một trang phim song ngữ miễn phí! Điểm mình thích nhất là tiện ích mở rộng trên trình duyệt, vì bạn biết sao không, nó tuyệt vời hơn cả sự mong đợi của mình. Để mình cho bạn xem ví dụ:
Dòng màu xanh lá cây là bản dịch tiếng Việt tự động của ejoy trên web mà mình đang đọc. Mình đã làm điều này bằng cách ấn Alt + bôi đen đoạn cần dịch. Không giới hạn số từ, bạn có thể dịch nguyên một bài báo ngay trên trang web của nó. Tiện ích này hoạt động hầu như trên toàn bộ các trang web/mạng xã hội, tuy nhiên trong lúc mình dùng thì thấy cũng có một ít trang không dùng được. Không dịch câu thì bạn có thể bôi đen một từ nó cũng sẽ hiện lên một popup từ điển của từ đó, popup tra từ điển thì cốc cốc cũng đã tích hợp sẵn rồi nên mình không đề cập nhiều.
Nếu thấy từ hay bạn có thể lưu vào ngay trên popup để học. Nhưng nếu xài bản free thì sẽ bị giới hạn số từ được thêm.
Bạn truy cập rồi tự mình khám phá thêm nhé. Riêng mình cảm thấy dùng cái extension là đủ với mình rồi.

3. Từ vựng

Anki, Anki, Anki (Chuyện quan trọng nói ba lần) ^.< Sau khi dùng đủ các loại app, phần mềm học từ vựng, và cả làm flashcards bằng tay này nọ thì sau cùng mình vẫn lại quay trở về với anh Anki đơn giản mộc mạc. Lúc đầu nhìn giao diện là mình thấy chán bỏ xừ rồi, cũng ngựa ngựa hoa lá cành thêm cho ảnh, như là chèn thêm code để ảnh có background, màu sắc đồ này nọ rồi thấy hoa mắt chóng mặt quá cũng xóa đi hết :))) À, nhân tiện mình decor cho anh Anki của mình được là cũng nhờ xem một bài viết trên spiderum này nè:
Nếu bạn vẫn muốn hoa lá cành cho Anki thì cứ đọc hết bài trên rồi tìm kênh youtube của cái anh nào được nhắc trong bài luôn ấy, làm lâu quá nên mình cũng quên rồi. 
Nói dông dài là vậy còn bây giờ anh Anki của mình không khác gì lúc mới tải (uổng công ngồi vọc code này nọ T_T). Mình cũng giữ cho các thẻ của mình đơn giản và ít chữ nhất có thể, vì bạn thực sự không có thời gian để đọc hết đâu! Thực sự. 
Sau khi tải Anki thì cái gì mình cũng quăng vào. Mới đầu còn quăng từ vựng tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Ba Lan, sau tới mấy quote hay hay, một đoạn phim hay tiểu thuyết dâng trào nào đó. Nhiều lúc quăng vô tội vạ quá nên đến lúc mở ra học muốn ná thở luôn. Nó dùng space repetition á, từ vựng sẽ được lặp lại sau các khoảng thời gian nhất định. Nên lời khuyên là, đừng như mình! Thêm thẻ vừa vừa thôi, và cố gắng mỗi ngày dành tối thiểu 15 hay 20 phút gì đó để học nó, tránh để dồn ứ ự như mình là nản kinh khủng luôn.
Anki cũng là app học tiếng duy nhất của mình trên điện thoại, tải về trước khi đi ngủ học xíu cho nó bớt từ lại :))) Vì nó đồng bộ với anki trên máy tính của mình luôn nên cũng tiện. 
Memrise cũng ok nha, trên đó ưu điểm là có nhiều course rất hay đi cùng với bộ từ vựng nên bạn không tốn công add thẻ như Anki. Anki cũng có thể download các bộ từ vựng về nhưng theo mình thấy thì khá rườm rà và chưa phổ biến như memrise.
mình đang học ké cái này của Memrise nè. Mà có điều học từ nào mình lại bê qua Anki :))) Chắc tại bị nghiện sự đơn giản mộc mạc bên anh ấy rồi :)))

4. Nói/Phát âm

Đầu tiên là tiền đâu =))) Chắc kĩ năng nói là kĩ năng đốt tiền nhiều nhất của mọi người phải không. Vậy có cách nào luyện phát âm và nói miễn phí không? Có chứ, mà học free thì yêu cầu rất cao ở tính kiên nhẫn và chăm chỉ của người học. Mình cũng đã từng đổ tiền vào học các trung tâm tiếng Anh, nên mình rất thấu hiểu gánh nặng tiền bạc khi học ở những nơi này. Nên sau khi hoàn thành chương trình học ở đó là mình đau lòng tự nhủ không học thêm bất kì cái trung tâm nào nữa, phần vì hết tiền rồi sao mà học :))) Nhưng nghỉ học không có nghĩa là mình ngừng học. Mình tận dụng Google và tất cả các website phục vụ cho việc nói/phát âm. Tới giờ thì những website còn đọng lại trong mình là:

Google dịch

Ủa, có lộn không vậy bà?
Không đâu, Google nó có chức năng nhận diện giọng nói mà, muốn dịch cái gì thì đọc nó lên, nó hiểu thì nó dịch không hiểu thì làm lại tới khi nó hiểu thì thôi. Hoặc tương tự có thể làm vậy với Siri, Alexa, Cortana hiệu quả như nhau. Mà trước khi muốn nó hiểu nhanh thì đọc sao cho tròn vành rõ chữ trước cái đã, đúng không nào?
Khuyến cáo tìm đến với em trai IPA.

IPA

International Phonetic Alphabet, bảng chữ cái ngữ âm quốc tế. Là mấy cái dòng chữ lạ kì trong từ điển nè:
/swiːt/ /ˈɒbsəliːt/ /ˈkeɪɒs/
Bảng IPA Là Gì? Cách Dùng

Còn đây là nguyên cái bảng phiên âm tiếng Anh của nó nè.
Muốn biết từng cái đọc như thế nào xem các video huyền thoại dưới đây nè
Mình thích các video của cô này hơn là series huyền thoại của BBC, nhưng cũng link xuống phía dưới để bạn tham khảo vì sở thích mỗi người khác nhau mà.
Học xong rồi thì không cần người đọc mẫu bạn cũng nhìn vô IPA của nó mà đọc luôn. Nên cố gắng chinh phục cái thử thách nhỏ này trước nha.

Hinative

Luyện xong rồi, muốn có ai đó check giùm mình xem có ổn không, hay người ta có nhận ra là mình đang nói tiếng gì không, thì cứ vào hinative mà post đoạn ghi âm của mình lên nhé. Câu trả lời thường đến rất nhanh bởi những người bạn bản xứ nhiệt tình và tốt bụng. Người ta cho bạn nhận xét xong còn vui vẻ ghi âm lại cho bạn nghe nữa. Không bao giờ lo xấu hổ đâu vì nói cho cùng có ai biết ai là ai đâu, mà đa phần mọi người thật lòng muốn giúp đỡ nhau học ngôn ngữ nên không khí rất hòa thuận vui vẻ. Bạn cũng có thể vào mục tiếng Việt để giúp đỡ các bạn nước ngoài học tiếng Việt Nam. Mà bên mục tiếng Việt mấy bạn Việt Nam phải nói là cực kì nhiệt tình luôn, nhiều lúc muốn trả lời mà chưa gì đã có mấy người vô trước rồi, không kịp giúp luôn :)))
Có điều câu hỏi phải là bằng tiếng Anh. Cũng không có gì khó khăn cả, Hinative rất tinh tế soạn sẵn các dạng câu hỏi (template) thường gặp như: 
Hỏi về ngữ pháp/từ vựng
Hỏi về phát âm
Hỏi về văn hóa/đất nước/con người
Mỗi template còn có các câu hỏi nhỏ khác. Bạn tra google dịch nghĩa mấy câu này là không vấn đề gì.
Bạn chỉ cần điền vào chỗ trống hoặc làm theo hướng dẫn là post được câu hỏi. Nhớ là hỏi tiếng nào thì phải để ý mà chọn cho đúng trước khi post nhé, chắc bạn không muốn post một đoạn ghi âm tiếng Anh lên một group tiếng Ba Lan đâu nhỉ?

Speak in sound units

Đọc tròn vành rõ chữ rồi thì còn một điều cực kì cực kì quan trọng nữa, đó là đọc sao cho tự nhiên. Tức là trong tiếng Anh người ta không nói từng từ một (one word at a time), mà người ta kết hợp chúng thành một cụm âm thanh (sound units). 
Ví dụ: 
- WHEREZ Bob?
- BOBIZON the phone.
Bạn có đoán được nội dung của đoạn hội thoại trên không? Đó chính là cách đọc của các câu:
- Where's Bob?
- Bob is on the phone. 
Nhưng mà các âm đã được kết hợp lại thành các sound units. Vậy có quy luật nào để có thể nhận biết và đọc các sound units này không? Tất nhiên là có chứ. Mình ví dụ nhỏ thôi nhé.
Bob: âm kết thúc là b
Is /iz/: âm kết thúc là z
On  /ɑ ː n/: âm kết thúc là n.
Các âm: b,z,n đều là phụ âm, còn i, ɑ ː là nguyên âm.
Khi đọc sẽ đọc là Bobizon, tức là nối âm cuối với âm đầu của từ tiếp theo.
Quy luật: Nếu từ đứng trước kết thúc bằng phụ âm (consonants), từ đứng sau bắt đầu bằng một nguyên âm (vowels), thì sẽ nối âm cuối của từ trước với âm đầu của từ sau.
Các từ nào là consonants từ nào là vowels bạn xem lại bảng IPA phía trên nhé. 
Đây chỉ là một ví dụ trong các quy luật nối âm (linking) trong tiếng Anh thôi. Muốn biết thêm các bạn có thể xem các video với series về LINKING của cô Rachel:
Một số video đã có phụ đề tiếng Việt, bạn chỉ cần chuyển đổi subtitle rồi học thôi. Phải nói đây là một series cực kì chất lượng bao gồm tất cả quy luật nối âm trong tiếng Anh, mình cũng cần xem lại vì mình cũng quên hơi nhiều rồi, dạo này toàn nói theo cảm tính ^_^

Hear the music in the language:

Lắng nghe nhịp điệu của tiếng Anh
Nếu bạn để ý thì sẽ thấy người bản xứ nói tiếng Anh thường có nhịp điệu lên xuống rất nhịp nhàng, nhiều lúc cứ tưởng họ đang hát vậy. "Hãy nói tiếng Anh như đang hát" là những gì mà thầy người Mỹ đã dạy mình khi mình còn nhiều tiền đi học ở trung tâm :))). Mình còn nhớ khi đó mỗi lần nói là ông ấy sẽ đưa tay lên quơ quơ rồi uốn uốn gì đó như có nhạc ấy. Có thể mình miêu tả hơi ghê nhưng ý của mình chung quy là ông ấy muốn tụi mình cảm được cái nhịp điệu khi người bản xứ nói. 
Cái này mình không biết có quy luật không, nhưng mà chủ yếu mình coi phim rồi bắt chước theo. Một tip nho nhỏ là thường các từ có nghĩa (lexical morphemes/content words) chính trong câu như động từ, danh từ, tính từ sẽ được lên giọng cao hoặc nhấn mạnh so với các từ khác. Những từ không có nghĩa mà chỉ là những từ chức năng (functional morphemes/function words) như đại từ, liên từ, giới từ, mạo từ và trợ động từ thôi thì thường được phát âm rất nhỏ/nhanh, nhiều khi không nghe ra được các từ ấy đâu. 
Bạn có thể không hiểu mấy cái loại từ trên là cái gì, nếu mà học ngữ pháp kĩ một chút để sẽ hiểu các loại từ này. Nên là mình mới nói ngữ pháp sẽ giúp bạn đi rất xa và lâu với tiếng Anh á. 
Xong rồi :))) quanh đi quẩn lại thì mình cũng chỉ dùng mấy cái nói trên thôi. Ngoài ra thì cũng để bản thân thoải mái bằng cách lướt Youtube coi mấy video ưu thích, đúng là học một ngôn ngữ là mở ra một chân trời mới. Nhờ chút tiếng Anh tích lũy này mà mình có công việc làm thêm trợ giảng tiếng Anh từ năm nhất, tới giờ cũng gắn bó 3 năm rồi, có cơ hội được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, mỗi ngày đều là một ngày nhiều điều thú vị. 
Trước khi bắt tay vào học bạn có thể mơ mộng một chút về viễn cảnh nếu mình nói thành thạo tiếng Anh thì cuộc sống của mình sẽ như thế nào, rồi lấy đó làm động lực cũng rất tốt. Mình cũng đã set một vài cái goals mới rồi, và vẫn đang trong giai đoạn mơ mộng ^_<