Hôm qua, tôi có đọc một bài viết trên Spiderum than phiền về cách chấm bài môn Văn, mà cụ thể là tập làm văn. Việc này làm tôi nhớ lại những cảm xúc mạnh và những suy nghĩ từ vài năm về trước.
Làm bài môn Văn hay cụ thể là tập làm văn, hẳn ai từng đi học đều cảm thấy tính "tương đối" của điểm số mà mình nhận được (không biết có ai từng "bức xúc" chưa). Điều đó cũng bởi vì, thầy cô chấm tập làm văn có lẽ chủ yếu chỉ dựa vào "cảm tính", chứ không rõ ràng chặt chẽ hay "công bằng" như việc chấm bài các môn Toán, Lý, Hoá. Ở các môn Toán, Lý, Hoá, việc dùng hình thức trắc nghiệm tự luận vẫn còn ít nhiều sự tương đối và thiếu công bằng. Ví dụ, khi bài làm của thí sinh có nhiều trường hợp, làm phân nửa, đúng một phần chẳng hạn, thì có thể tuỳ vào người chấm mà cho điểm số một phần khác nhau, thậm chí không cho điểm. Để khắc phục sự thiếu "khách quan" này, người ta đã dùng một hình thức gọi là trắc nghiệm "khách quan", là hình thức trắc nghiệm cho thí sinh chọn một trong nhiều phương án. Việc chấm điểm dùng cách làm này là thật sự khách quan và tuyệt đối công bằng, vì khung điểm quy định cho từng câu hỏi là cố định và rõ ràng, không có chỗ cho sự cảm tính và thiếu công bằng trong cách chấm này.
Tuy nhiên, môn Văn với đặc thù riêng thì không thể áp dụng như vậy cho bài văn của thí sinh được. Cách diễn đạt của thí sinh chính là sự thể hiện cái tôi của mỗi cá nhân, và mỗi người có một cái tôi khác nhau, một cách diễn đạt khác nhau. Môn Ngữ văn có đặc thù rất riêng và hết sức phức tạp từ góc độ liên quan tới con người. (Có thể vì lý do này mà người ta có thể lập trình cho máy tính xử lý các vấn đề Toán, Lý, Hoá, trong khi đó lại gặp khó khăn cực lớn với ý tưởng cho máy tính tự làm tập làm văn?)
Nếu cho làm đề trắc nghiệm khách quan môn Văn... thì chỉ việc ráp lại chấm.
Chính vì đặc điểm này sinh ra sự bất công, một bài văn được điểm số như thế nào còn phụ thuộc rất lớn vào người chấm. Và thật là đáng lo cho thí sinh với những kỳ thi lớn và quan trọng như thi tốt nghiệp THPT, thi Đại học quyết định cuộc đời...
Từ đó, để giải quyết vấn đề này, trong các kỳ kiểm tra cuối cấp hay các kỳ thi quan trọng, người ta dùng cách tạo ra một parem hướng dẫn chấm điểm có các ý cần có trong bài làm và điểm số tương ứng. Theo cách làm này, mỗi ý trong parem tương đương với một phần điểm số cho toàn bộ bài văn, và thí sinh phải làm đúng ý thì mới có điểm.
Với mục đích tạo sự công bằng cho việc chấm bài văn ở các kỳ thi lớn qua việc thể hiện chặt chẽ tiêu chí cho điểm, cách làm này đã được thực hiện sát sao. Thí sinh làm tới ý nào, làm đúng ý nào sẽ được cho điểm ý đó, chứ không phải chấm một cách "mông lung", thiếu rõ ràng, cho điểm mà thí sinh không biết có đúng, đủ không khi mà giá trị bài văn chỉ thể hiện trên một con số.
Tuy nhiên, mặt ngược lại, cách làm này thể hiện nhiều chỗ hạn chế.
Thứ nhất là nó hạn chế khả năng sáng tạo của thí sinh. Dù trong hướng dẫn chấm thi thường có ghi kèm một câu đại ý như: "Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau/ Thí sinh cần diễn giải hợp lý, thuyết phục, có thể theo hướng dẫn sau...". Tuy nhiên, chấm thi những kì thi lớn như vậy thì công tác kiểm tra (và có thể là hạch sách) hết sức gắt gao, áp lực lớn làm cho người chấm... có con đường an toàn nhất là theo sát parem mà chấm.
Một hướng dẫn chấm bài thi trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2018 môn Ngữ văn
Chính vì vậy, con đường an toàn nhất cho thí sinh cũng là làm theo những ý được cho là có điểm trong khung điểm của bài văn. Thí sinh có thể có nhiều ý tưởng cao xa, hay sâu sắc hơn, tuy nhiên việc trình bày trong bài văn ở những kỳ thi lớn như vậy có thể là một chiến thuật không hợp lý, khi nó làm thí sinh tốn nhiều thời gian và công sức hơn ở những chỗ có thể không được điểm hoặc có nhưng rất ít và không đáng. Chính vì vậy, vấn đề học văn đối phó mới xuất hiện.
Thứ hai, việc học văn mẫu xuất hiện chính cách của việc học đối phó lấy điểm. Cách này vừa chắc ý có điểm và đỡ tốn thời gian suy nghĩ làm bài. Năm cuối cấp THPT, tôi từng chứng kiến một người bạn chung lớp đau đớn như thế nào với việc học Văn lúc đó (nó là một đứa học chuyên Văn). Tôi hiểu là những nhiệt huyết và đam mê cho cái môn mà nó yêu thích đã bị dập tắt, bởi cách học đối phó này, hay rộng hơn là lối thi cử từ chương. Khi mà việc làm Văn tự thân học sinh không còn được khuyến khích, thay vào đó là việc học thuộc lòng những bài văn mẫu, nó làm cho đam mê của một đứa học Văn biến mất. (Nói tới đây cũng hơi bao biện cho nó, trong khi lúc đó nó có thể tự duy trì niềm đam mê môn văn bằng cách tự thân nó đọc, nghiên cứu... chẳng hạn, còn chuyện học trong lớp sao thì chẳng hề gì :) ). Chính tôi cũng đắn đo, khi nhớ những năm tiểu học cô giáo dạy, bài làm văn phải là của mình, việc đọc văn mẫu chỉ là để tham khảo còn chép văn mẫu là bị cấm - chính là cô giáo đang dạy cho chúng tôi tính trung thực. Và phải chăng nó mâu thuẫn với thực tế lúc đó mà chúng tôi đối mặt với môn Văn? Cũng từ việc học văn mẫu, nhiều hệ quả sau đó mới xuất hiện. Việc đối phó này góp phần đi sâu vào tiềm thức con người ta, cho con người ta nhận thức và phản xạ về tính quan liêu, đối phó cầu thành tích. Rồi cũng với cách làm này, niềm tin về lòng trung thực, sự thật hay chính nghĩa, sẽ còn lại bao nhiêu trong những người vẫn có niềm tin nơi chúng? Trong khi vào môi trường Đại học, như trường của tôi, chuyện đạo văn là tuyệt đối bị cấm. Và tôi lại cảm thấy tiếc, tiếc cho một môn học rất hay, rất đẹp như môn Văn, những tác phẩm được chọn lọc kỹ lưỡng trong chương trình, góp phần hình thành nhân cách và thái độ sống cho con người, lại bị dạy nhanh, dạy vội như vậy.
Thứ ba, cách làm này là chỗ dễ nảy sinh tiêu cực. Công tác thanh tra dễ vịn vào một parem cố định (cộng với cách dẫn giải theo ý muốn, tuỳ khả năng của người thanh tra) mà hạch sách làm khó dễ. Người chấm lại muốn chấm cho an toàn, ở giữa làm sao không khó khăn cho người học, lại đảm bảo an toàn cho mình. Nói tới đây, tôi thấu hiểu và thông cảm cho thầy giáo dạy Văn năm cuối cấp của tôi, thay vì oán trách thầy tại sao làm vậy.
Rồi cuối cùng giải pháp ở đây là gì?
Bất kỳ quy định nào cũng có chỗ hở cả, từ nội quy công ty cho đến luật pháp của một quốc gia. Điều mấu chốt và quan trọng là ý muốn của con người,  và chính là cái mà người ta hay nói là "ý thức". Người thanh tra sẽ không hạch sách làm khó dễ với một ý thức liêm chính, trong sáng. Người chấm bài cũng sẽ đỡ thiếu khách quan hơn, dùng cái tâm để chấm bài. Còn chấm chính xác như thế nào thì xin không bàn ở đây, vì môn Văn mãi giữ đặc thù của nó, liên quan tới đặc điểm của người với vô vàn sự phức tạp.
Hãy giữ lại vẻ đẹp vốn có của môn Văn!