Cả xã hội đang “bắt nạt” một bài thơ
Về bài thơ “Bắt nạt” được đưa vào sách giáo khoa văn lớp 6 của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh
Đành phải sửa lại bài cũ để đăng lại. Đã cố gắng “hít thở trong chánh niệm” từ hôm xem video của 1 bà cô nào đó phân tích thơ, mà còn cứ nói ngọng “bắt lạt…. bắt lạt….”
Nhưng nay thấy cả trí thức, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình đều đều bảo đấy là thơ vô tri thì mình thấy nản quá.
Nói thơ vô tri thì vừa đúng, vừa oan cho thơ .
Điều quan trọng nhất của thơ là cảm xúc. Lắng nghe thơ bằng cả 1 tâm hồn trong suốt nhất, chứ không phải đi bắt bẻ câu chữ, hay đòi hỏi một ý nghĩa cao siêu, hay một sứ mệnh thay đổi thế giới. Mọi người đang đòi hỏi quá nhiều ở thơ rồi.
Mình chỉ thấy bài thơ thì dễ thương, đáng yêu, trẻ con như thế mà bị cả xã hội người lớn bắt nạt ,
1. Về chủ đề
Mình đã rất mừng khi tác giả sách chọn bài “Bắt nạt”. Mình còn hơi ngạc nhiên vì người soạn sách hiểu trẻ con đến thế.
Vấn đề “bắt nạt” gần như là chuyện nổi cộm ở trẻ con cấp 2, và cả cấp 3 nữa, mà chắc trong thế giới người lớn, chuyện “bắt nạt” là không ít… việc kỳ thị chủng tộc chẳng phải là bắt nạt nhau sao.
Mình cũng là giáo viện, và cứ khi nào làm chủ nhiệm, bao giờ mình cũng phải nói trước với học sinh là: “ khi có chuyện gì xảy ra, tôi chưa cần biết đúng sai, việc đầu tiên của tôi là đứng về phía kẻ yếu, và kẻ cô độc, sau đó tôi mới tính đến chuyện đúng sai. Cách cư xử văn minh là không lấy đông bắt nạt ít, và lấy mạnh bắt nạt yếu…”
Vậy mà, với hs cấp 3, chuyện bắt nạt vẫn xảy ra như cơm bữa, với rất nhiều hình thức khác nhau, và để lại nhiều hậu quả nặng nề…( mình lấy ví dụ về 1 chuyện mới xảy ra gần đây ở đường link dưới comment)
Vì thế khi nhìn thấy bài này trong sgk mình đã rất mừng. Vì có cách để nói chuyện rất đơn giản, đáng yêu, và rất thơ với trẻ con lớp 6.
2. Về tính nghệ thuật của bài thơ.
Tính chất trẻ thơ hay chất trẻ con là thứ tuyệt vời nhất của thế giới con người này.
Tính trẻ thơ được đề cao trong tất cả các môn nghệ thuật. Từ hội hoạ đến thơ ca. Đến mức các biện pháp chữa lành tổn thương suốt ngày hô hào việc “tìm lại đứa trẻ bên trong bạn”. Nghệ thuật mà có tính trẻ thơ như những câu đồng dao bao giờ cũng được đánh giá rất cao. Bởi nó là vẻ đẹp giản dị mộc mạc nhất, mà thiện lành, ngây thơ, trong suốt nhất.
Nhưng chất trẻ thơ này rất khó làm giả. Chỉ có những đứa trẻ thật sự, hoặc những người lớn vẫn còn nguyên chất trẻ thơ thì mới viết được như thế, hoặc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có giá trị.
Như Trần Đăng Khoa chỉ viết hay được lúc bé, lớn thì ông không viết được nữa.
Rabindranath Tagore của Ấn Độ- nhà thơ được giải nobel cũng có tập Trăng non, mà ở đó là 1 tâm hồn trẻ thơ trong suốt,
Đây là 1 bài thơ của Tagore ( không biết có ái đọc và bảo là thơ vô tri nữa không, chứ mình thấy thơ Tagore cực kỹ vô tri 😊)
If I were only a little puppy, not your baby, mother dear, would you say "No" to me if I tried to eat from your dish?Would you drive me off, saying to me, "Get away, you naughty little puppy?"
Then go, mother, go!
I will never come to you when you call me, and never let you feed me any more.
(Nếu như con chỉ là một con chó nhỏ, không phải bé con của mẹ, mẹ yêu quý, mẹ có nói "không" với con khi con ăn thức ăn từ đĩa của mẹ
Mẹ có đuổi con đi và nói với con, "Cút đi, chó hư"?
Vậy thì, đi, mẹ ơi, đi đi! Con sẽ không bao giờ đến với mẹ khi mẹ gọi con nữa)

Tranh của Joan Miró ( Tây Ban Nha- trường phái siêu thực)
tranh ông nổi tiếng vì tạo ra một thế giới trẻ thơ , rất trẻ thơ
Và không biết có bác nào nhìn tranh thấy rất vô tri không 😊
Nếu thấy vô tri thì đúng đấy. Đó là vẻ đẹp trong tranh của Joan Miro
Mình chưa gặp Nguyễn Thế Hoàng Linh, mình đoán là nhà thơ thì thường bất toàn, thưởng có nhiều thứ hâm dở ( thì mới làm được thơ), nhưng mình biết bạn ấy luôn đặt mình ngang hàng với trẻ con, và đặt trẻ con ngang hàng với mình. Cái giọng này, không thể là giọng bắt chước trẻ con, mà là giọng của 1 tâm hồn trẻ thơ thật sự “ Những bạn nào nhút nhát… Trông đáng yêu đấy chứ! Sao không yêu, lại còn…???” . Chỉ có trẻ con mới có thể viết trẻ con và đáng yêu thế này thôi.
3.
Một điều mà mình thấy mừng nữa là, nếu bài này được đưa vào sgk, và giáo viên dạy chấp nhận nó, thích nó, và dạy cho học sinh. Thì mình bắt đầu hy vọng vào việc, cái kiểu viết văn khuôn sáo và chép văn mẫu có thể giảm bớt đi được, bởi vì những lí do sau:
Thơ là tiếng nói của tâm hồn, và là một tổ chức ngôn từ đặc biệt. Mỗi thời đại đều có 1 giọng điệu tâm hồn riêng. Trần Đăng Khoa, Xuân Quỳnh là điệu tâm hồn của thời đại trước.
Còn ngày hôm nay, có bao nhiêu nhà thơ viết thơ cho trẻ con bằng giọng điệu tâm hồn của cuộc sống đương đại?
Bài bắt nạt được viết bằng chất liệu ngôn ngữ của đời sống hàng ngày ( hip hop, mù tạt. rất hôi) . Là ngôn ngữ, tâm hồn, vấn đề của bọn trẻ con ngày hôm nay
Vì thế, nếu ngôn từ này được chấp nhận. Thì cũng làm cho người lớn, giáo viên học được cách tôn trọng diễn đạt của trẻ con hơn, và biết tìm, biết phân biệt được cái đẹp trong tâm hồn chúng trong những lời văn tưởng chừng ngô nghê, thật thà… chứ không ép chúng nó viết 1 thứ văn đèm đẹp, hoa mỹ mà không phải suy nghĩ thật của bọn nó nữa.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

trantuanst22

Chào bạn,
Để phần bình luận được chỉnh chu và súc tích, tôi xin phép nói ngắn gọn trong ba điều:
1.
Nhiều người cho rằng “Văn” và “Ngữ” là các môn học mà không cần phải học, không cần nghiên cứu học thuật, không cần hàn lâm thì cũng có thể biết được, làm được, và hiểu được. Đây là nhận định cực kỳ sai lầm và duy ý chí.
Trước tiên, cá nhân tôi không phải văn sĩ, càng không phải là một nhà phê bình văn học. Tôi đơn thuần chỉ là một người nghiên cứu nghiệp dư, tìm hiểu Khoa học Chính trị, Khoa học tự nhiên, Ngôn ngữ và Triết học. Tuy nhiên, thời còn là học sinh, tôi rất may đã được tiếp xúc với một giáo viên Văn tâm huyết, khai phóng, và có chuyên môn cao. Nhờ cô, tôi đã từng có cơ hội sáng tác thơ, dẫu có chăng đó là một bài thơ của một đứa trẻ mới lớn, hay rằng đó chỉ đơn thuần là một bài tập về nhà để lấy điểm. Tôi biết thế nào là Lý luận Văn học (Literary Theory), và tôi tin rằng tôi có thẩm quyền để đánh giá thế nào là một bài thơ hay, bài thơ dở.
Trở lại vấn đề, vấn đề “thơ hay” và “thơ dở” KHÔNG là một vấn đề cảm nhận chủ quan. Giới phê bình và yêu văn chương có hẳn những tiêu chuẩn đánh giá riêng, và độc giả có thể tìm hiểu chúng qua môn Lý luận Văn học. Trong môn Lý luận Văn học, tính đặc trưng văn học như là “một hoạt động sáng tạo tinh thần của con người bao gồm tính hình tượng, tính nghệ thuật, lý tưởng thẩm mỹ, các thuộc tính xã hội của Văn học, phong cách sáng tác các nguyên tắc đánh giá sáng tác văn học nói chung”. Tôi sẽ tập trung phân tích bài thơ này dưới góc nhìn của tính hình tượng và tính nghệ thuật.
Tính hình tượng có thể hiểu là khả năng Văn học có thể tạo ra hình ảnh mà nó gây ấn tượng mạnh mẽ. Ý niệm với tính cách cái đẹp nghệ thuật là ý niệm có một đặc tính loại biệt, là một hiện thực đã được cá tính hóa. Nói khác đi, nó là một biểu hiện cá biệt của hiện thực có được cái đặc tính loại biệt là biểu lộ được ý niệm qua bản thân.
Hình tượng của bài thơ này là gì? Là “mù tạt”, là “rất hôi”, là “thỏ non”, là “dễ lây”, vân vân. Cấu tứ của bài thơ không ăn nhập với hình tượng, mà vốn dĩ thì bài thơ làm gì có hình tượng (đối chiếu với định nghĩa trên).
“Hình” và “ý” trong bài thơ không hề gặp nhau. “Hình” của tác giả là “mù tạt”, “híp-hóp”, là trẻ em là con mèo, con chó, nhân vật trữ tình khệnh khạng nghe tác giả “giảng luân lý”. “Ý” của bài thơ là đừng bắt nạt. Với cấu tứ này, bài thơ không có từ nào gợi hình, gợi cảm. Tại sao lại là nhảy híp-hóp? Tại sao lại là mù tạt? Tác giả lấy chúng ra để khuyến khích/hù dọa trẻ em chăng? Trong xã hội hiện đại, tôi không nghĩ là có trẻ em nào sợ hãi mù tạt, và cũng rất ít trẻ em nhảy híp-hóp, chứ đừng nói đến việc lấy hình ảnh này ra “hù” trẻ con. Trẻ con bây giờ không giống như xưa. Xã hội phát triển, nhận thức và tư duy cũng vận động không ngừng.
Điều đáng buồn cười hơn, tác giả kết thúc bằng câu thơ:
“Bạn nào bắt nạt bạn
Cứ đưa bài thơ này
Bảo nếu cần bắt nạt
Thì đến gặp tớ ngay
Bị bắt nạt quen rồi
Vẫn không thích bắt nạt
Vì bắt nạt rất hôi (?!)”
Có thể diễn giải sơ bộ ý của tác giả là: “Tớ từng bị bắt nạt, nên tớ hiểu cảm giác đó. Nay tớ làm anh hùng, nếu tớ bắt gặp ai bắt nạt cậu thì để tớ ‘xử’ nó cho”. Đấy hoàn toàn là nghĩa đen của câu thơ, không xét đến tầng nghĩa bóng gì cả. Chốt câu, tác giả ghi: “Vì bắt nạt rất hôi” (?!) Xin hỏi bạn, “hôi” trong câu thơ gợi hình tượng gì? Nó dùng để làm gì trong bài thơ? Tầng nghĩa bóng của từ này là gì? Tôi suy nghĩ suốt nhiều ngày mà chẳng thể tìm ra được một lời giải thích nào hợp lý ngoài việc cho nó vần điệu.
Về tính nghệ thuật, Georg Wilhelm Friedrich Hegel, Triết gia Đức, nhận định rằng “cái đẹp của nghệ thuật là cái đẹp có chủ ý”. Có nghĩa, đây là cái đẹp được xử lý bằng quan hệ tinh thần, và được sắp xếp có chủ ý của chủ thể nghệ sĩ. Lý tưởng của cái đẹp trong nghệ thuật là sự kết hợp cân đối giữa cái chung và cái riêng. Cái đẹp của nghệ thuật có sự phát triển biện chứng giữa nội dung và hình thức, giữa cá tính và hoàn cảnh. Lý tưởng, tinh thần là bản chất của cái đẹp nghệ thuật.
Đối chiếu với điều này, bài thơ này chẳng có gì gọi là “cái đẹp của nghệ thuật” cả, và càng không phải là một nghệ thuật. Đây không phải là một cái đẹp chủ ý, càng không phải cái đẹp được kết hợp cân đối, phát triển biện chứng giữa cái chung và cái riêng, nội dung và hình thức, cá tính và hoàn cảnh. Vậy bài thơ này để làm gì?
2.
Tác giả viết trên báo, xin được phép trích nguyên văn:
“Nếu chứng minh Bắt Nạt là bài thơ dở, các bạn xứng đáng được trao giải Nobel Văn học”.
Nguồn:
https://amp.dantri.com.vn/van-hoa/bai-tho-bat-nat-tiep-tuc-gay-tranh-cai-tac-gia-len-tieng-20231010221420373.htm
Với cái tôi ngút trời, tác giả từ chối tranh luận, và mắc phải lỗi ngụy biện nghiêm trọng. Xin lỗi tác giả, nếu được trao giải Nobel theo cách này thì tôi cũng từ chối, vì tôi cảm thấy mình thật không xứng đáng khi chỉ phê bình một bài thơ dở mà lại đoạt thành tựu vĩ đại trong ngành Văn.
Xét ví dụ sau:
A: “Thuyết tiến hóa là ngụy khoa học. Chúa tạo ra thế giới”.
B: “Tại sao Thuyết tiến hóa là ngụy khoa học?”
A: “Vậy hãy chứng minh tôi sai và Chúa không tồn tại đi?”
Tác giả mắc phải lỗi NGỤY BIỆN NGHĨA VỤ CHỨNG MINH. Nếu một người cho rằng X là đúng, thì người đó cần phải chứng minh X là đúng, chứ không phải cứ khăng khăng X là đúng vì không ai chứng minh được X là sai. Ở đây, nghĩa vụ chứng minh bài thơ hay là Ở ANH, đâu phải của bọn tôi? Tại sao anh lại đùn đẩy trách nhiệm cho tôi?
3.
Tôi tin rằng bạn chưa đọc các tác phẩm của cụ Trần Trọng Kim, và tại sao dân tình lại phê phán giáo dục đang đi xuống. Mong bạn tìm đọc bộ SGK thời Pháp do cụ và nhóm của cụ biên soạn, gồm các cuốn như “Luân lý giáo khoa thư” và “Quốc văn quốc gia thư”, rồi so sánh SGK hiện tại với chúng rồi tự mà phán xử.
“Muốn tiến hóa một cách chắc chắn, không phải chỉ cần học lấy những cái mới của người mà còn cần phải biết rõ những cái hay của mình. Biết để mà giữ lấy, thiết tha mà giữ lấy, dù là trong cảnh ngộ nào. Những cái hay ấy tức là cái gốc của ta, cái tinh thần của ta; không có cái gốc ấy, dân tộc mình đã là một dân tộc vong bản.
Lắm lúc tôi nhìn thấy những điều trước mắt mà lo. Ở xã hội ta ngày nay có một hạng người nghe nói đến nước mình thì ngây ngây như người ngoại quốc, sử nước mình không biết, tiếng nói nước mình thì chỉ biết qua loa, đủ dùng trong sự giao thiệp hàng ngày. Nếu sự đời cứ theo cái chiều ấy và cái đà ấy mà thay đổi thì không hiểu dân tộc mình sẽ ra sao…”
- Trần Trọng Kim -
+1 Downvote.
Thân.
- Báo cáo

Lona Thanh
@trantuanst22 cảm ơn comment rất kỹ lưỡng của bạn. Mình trả lời từ dưới lên nhé
3. Mình có sách của Trần Trọng Kim và đọc rồi bạn ạ. Mình còn có cả “Quốc văn giáo khoa thư” của Dương Quảng Hàm, là quyền sgk văn đầu tiên do ng Việt biên soạn nữa. Mình không nói là, sgk hiện hành không có sạn. Mình cũng rất khâm phục thời trí thức thời kỳ Pháp thuộc, nhưng cũng không nghĩ đó là chuẩn mực, và hoàn hảo đâu.
Việc cụ Kim bảo giữ lấy cái cũ, và những giá trị tốt đẹp cũ là chuẩn rồi. Nhưng nếu bạn đọc sử rộng hơn, thì sẽ thấy, cụ Kim và thế hệ trí thức thời đó, đã quyết liệt đổi mới con người Việt như thế nào, và chống lại đầu óc thủ cựu, bảo thủ của tư tưởng Nho giáo cũ thế nào… Vấn đề này rộng lắm. Mình ko nói hết ở đây. Nhưng về lịch sử, thì mình nghĩ là mình tìm hiểu khá kỹ đấy.
2. Về bạn tác giả Ng Thế Hoàng Linh, mình chưa tiếp xúc. Cũng chỉ đọc thông tin trên báo chí, và hay đọc thơ của bạn ý , nên cũng chỉ bảo vệ bài thơ thôi.
Nhưng với vốn hiểu biết của mình về nhà thơ, thì đa phần họ rất điên, cảm tính. Và kiểu người như họ mà lao vào các cuộc tranh biện là bị ném đất, đá bùn ngay, vì họ rất không biết kiềm chế cảm xúc. ( lý trí quá thì không thể làm được thơ hay) Nếu bạn đọc về đời tư các tác giả thơ ca, bạncòn thấy họ điên và ngông ngạo hơn nhiều cậu này
- Báo cáo

Lona Thanh
@trantuanst22
1. Bạn dùng từ “hình tượng” cho hip hôp và mù tạt, là không chuẩn rồi.
Hình tượng trong văn chương là 1 chỉnh thể gồm rất nhiều các yếu tố
Mù tạt, hip hop chỉ là hỉnh ảnh trong thơ thôi. Và những hình ảnh đó bắt đầu từ những trải nghiệm rất cá nhân của nhà thơ, từ đời sống thực của nhà thơ, người đọc thấy đồng cảm thì sẽ rung động theo. Chứ nhà thơ không đứng ra nói hộ trải nghiệm cho cả nhân loại được. Nên không thể bắt bẻ là, trẻ con ngày nay, ko ăn mù tạt và nhảy hip hop, nên bài thơ không hợp lý
Lập luận như thế cũng là nguỵ biện với thơ ca. Nếu như thế, thì có thể bắt bẻ tất cả các tác phẩm văn học kinh điển, kiểu như: đừng học truyện Kiều, vì thời nay không ai còn bán mình chuộc cha, đừng học Chí phèo vì thời nay không ai bị Bá Kiến hãm hại nữa.
Còn tính thẩm mỹ, và cái đẹp của bài thơ theo như lời Hegel mà bạn trích dẫn, thì mình đã nói trong bài viết về vẻ đẹp của thế giới trẻ thơ rồi ( những câu như “ sao không yêu lại còn” hay “ vì bắt nạt rất hôi” là rất trẻ con đấy. Bọn trẻ con hay dùng từ ngữ mộc mạc, đơn giản, và buồn cười như thế lắm)
Hôm nào đó bạn thử ngồi nói chuyện với bọn trẻ con 4,5 tuổi cả ngày xem,
bạn sẽ thấy chúng nó dùng từ phi lý lắm, cơ mà yêu lắm.
- Báo cáo

Lona Thanh
@trantuanst22 còn khổ cuối, thì mình trả lời 1 còm bên dưới rồi, bạn đọc câu trả lời của mình ở còm của bạn Thao An Tran nhé
- Báo cáo

Quang Minh
@trantuanst22 mình đồng quan điểm với bạn
- Báo cáo

SpringT
Mình xin chia sẻ một chút quan điểm cá nhân về bài thơ này
1. Theo mình thầy thì môn ngữ văn ở Việt Nam trước khi thay sách giáo khoa được giảng dạy theo dòng chảy của lịch sử. Ví dụ thời kỳ này có những nhà văn, bài thơ này nổi tiếng + thể loại thơ. Vậy, nếu xếp bài thơ này nằm trong thể loại thơ hiện đại thì mình sẽ không có phàn nàn gì.
2. Bài thơ này đề cập đến hiện tượng xã hội khá hợp thời nhưng theo góc nhìn cá nhân của mình thì bài thơ tiếp cận góc độ khá nông về suy nghĩ cho bậc lớp 6. Mình thấy nó sẽ hợp hơn khi xuất hiện ở bậc tiểu học để tập đọc và tiếp cận một vấn đề xã hội như vậy một cách nhẹ nhàng. Còn nếu để bảo học sinh cảm nhận được gì qua bài viết này ở lớp 6 thì có thể hơi nông, cái mà đáng ra có thể có góc nhìn sâu sắc hơn nếu có một giọng văn khác, cách tiếp cận khác.
3. mình có đọc qua một vài tác phẩm khác của tác giả, như bài “Cảm Ơn” cũng có những từ ngữ không tế nhị một chút nào
- Báo cáo

uongnuocnhonguon
Bạn đồng quan điểm với mình , mình có bài viết về cả xã hội đang bắt nạt bài thơ đó nhưng theo quan điểm về tầm nhìn học theo Bác. Mong bạn có thể xem qua bài viết ở trang cá nhân mình , tính chuyên môn mình không được cao nên khó diễn giải được hết ý từ mong bạn góp ý và cả bài thơ của mình sáng tác như theo bài bạn viết .
- Báo cáo

Lona Thanh
@uongnuocnhonguon mình đã đọc bài viết của bạn. Đó là 1 góc nhìn rất thú vị nữa bạn ạ
- Báo cáo

anne anne
Mình đồng ý với quan điểm của bạn.
Khi đọc lướt qua, một cách khách quan, mình thấy bài thơ "Bắt nạt" của Nguyễn Thế Hoàng Linh khá hay. Đề cập đến vấn đề ai cũng biết, ai cũng e dè, một cách tinh nghịch, nhí nhảnh phù hợp với học sinh.
Ngay từ đầu tác giả đã khẳng định "Bắt nạt là xấu lắm/ Đừng bắt nạt bạn ơi".
Hip hop và mù tạt mình nghĩ là điểm nhấn của bài. Thực chất con người khi mạnh, giỏi, khoẻ hơn người khác đều có tâm lý cho là mình đứng trên người khác. Nhìn thấy bạn khác yếu hơn về khía cạnh này khía cạnh kia nên muốn bắt nạt.
Giống tâm lý thích thử thách, thích được chinh phục. Thì thay vì bắt nạt bạn yếu hơn, ta hãy trau dồi kỹ năng bản thân, sở thích nè.
Khi ngẫm nghĩ lâu hơn, mình thấy bài thơ thực sự có giá trị. Mình biết về bài thơ hôm qua. Từ lúc đó đến nay gặp bài viết của bạn, mình có nhiều suy nghĩ. Bản thân mình năm lớp 2, cũng từng bị bắt nạt bởi 2 bạn nữ cả một học kỳ, đến giờ mình còn thấy sợ sợ, huống chi hồi đó - Những tháng ngày đông dài mệt mỏi, những tháng năm đen tối nhất của cuộc đời. Năm đó mình lớp 2, mình bỗng thấy lạ lùng vì sao mới chỉ lớp 2 thôi mà mình nhìn thấy những tháng ngày buồn não nề, xám xịt u tối đến vậy.
Giờ mình 18 tuổi và gặp bài thơ này, thật bồi hồi xúc động quá. Thực tế là Bắt nạt ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Ở môi trường giáo dục hay công sở, dù ở độ tuổi nào, dưới hình thức nào, tổn thương mà Bắt nạt để lại cho nạn nhân luôn nặng nề.
Nhưng tốt hơn hết, bắt nạt không nên xảy ra ở trường học, không nên xảy ra giữa các em học sinh, vì các em còn quá nhỏ, thật đau lòng quá! Và vì ta muốn chắc chắn sau này, các em sẽ trở thành người tốt.
Mình viết bình luận đến đây cũng dài rồi, ý nghĩa của bài thơ đơn giản trong trẻo như những dòng đầu. Còn lại là phần suy ngẫm dở dang của mình trong một ngày buồn...
- Báo cáo

Lona Thanh
@anne anne chia sẻ với bạn vì những tổn thương nhé
Nhưng mình thấy xã hội Việt Nam có vẻ thích nắt nạt , thích tỏ ra mình là kẻ mạnh. Và hình như thế mà mọi người đã không đọc nổi bài thơ này.
Chứ mình thấy ai mà thích bào thơ này đều có vẻ quý trẻ con, hoặc là những người sống tình cảm dịu dàng
“ trong một xã hội tàn bạo, thì dám sống yếu đuối và tử tế cũng là một sự dũng cảm”
một ngày buồn của bạn sắp qua rồi nè!
- Báo cáo

AntiCliche
Bất kể bài thơ này hay dở thế nào, bất kể tác giả có khiếm khuyết gì trong cư xử. Việc một số lượng lớn người ném đá một bài thơ, một tác giả theo những cách như vậy vậy quả là một thứ đáng buồn cho nhân tính.
- Báo cáo

Lona Thanh
@AntiCliche mình cũng thấy như thế, nên phải viết đấy.
Nhìn thấy rõ 1 tật xấu của ng Việt qua chuyện này
- Báo cáo