Đôi lời tâm sự:
Có lẽ những nội dung trong bài viết này phải một thời gian nữa mới viết đến trong series [Cà phê 1 mình], nhưng vì đã là ngày cuối cùng của năm 2020 rồi nên mình quyết định viết sớm dưới dạng bài viết ngoài lề của series, nội dung sẽ xoay quanh năm 2020 mà thôi. Đây không hẳn là cái kết của series này mà chỉ là những update mới nhất tới hiện tại. Đối với mình mà nói đây là 1 năm đầy biến động. Hiện mình đã là cha của 2 đứa trẻ, có 1 công việc tương đối ổn định, có một con đường đi khá rõ ràng rồi nhưng vẫn có những khoảng thời gian sóng gió.
Cùng nhìn lại 1 năm qua và để xem mình ở thời điểm hiện tại ra sao nhé.

Công việc

Đầu năm nay tôi gặp 1 biến cố lớn trong công việc. Không phải bởi vấn đề COVID, mà bởi vấn đề khác (không tiện nói ra). Vấn đề đó buộc tôi phải đưa ra quyết định: Dừng lại hay đi tiếp. Nếu đi tiếp thì đi như thế nào? Dừng lại thì rất dễ, nhưng đi tiếp thì thật khó.
Tôi nhận ra có những điều nằm ngoài kế hoạch, đôi khi nó xảy ra một cách đường đột cứ như 1 tai nạn vậy. Điều đó khiến mọi thứ trở lên mất kiểm soát và có khi ngoài khả năng quyết định của mình. Tôi không thể trách tai nạn đó, chỉ có thể đưa ra lựa chọn khi va phải tai nạn mà thôi.
Tôi chọn đi tiếp trên một hướng khác. Khi chọn rồi thì nhắm mắt đi thôi, ráng đi qua thời kỳ đó thật nhanh.
Đến cuối năm thì mọi thứ dần ổn định trở lại. Trong năm qua có 2 lớp mà tôi ấn tượng: lớp học kỹ năng Excel nâng cao ở 1 tập đoàn viễn thông (1) và lớp học kỹ năng báo cáo phân tích dữ liệu ở 1 công ty có nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm khắp cả nước (2). Ở đây tôi sẽ nói kỹ hơn về lớp (1).
Với lớp (1) thì dạy ở đó là 1 áp lực ghê gớm. Áp lực từ ngay những ngày đầu tôi bắt đầu biết tới họ. Hôm ấy chúng tôi có kế hoạch sang khảo sát chất lượng của học viên để biết phương hướng đào tạo. Ấy nhưng thực tế thì lại khác. vừa tới nơi, người ta đưa tôi vào phòng họp. Ở đó chị giám đốc triệu tập một cuộc họp và có tất cả mọi người trong phòng (lớp này chỉ dành cho 1 phòng ban thôi, không phải cho cả tập đoàn). Trước mắt tôi là 1 phong thái làm việc vô cùng chuyên nghiệp, một uy phong choáng ngợp toát lên từ một người phụ nữ. Lời nói của chị đanh thép, sắc gọn với một tầm hiểu biết lớn. Chị từng làm việc với rất nhiều tập đoàn nước ngoài rồi, cả làm việc với những lãnh đạo đầu ngành của đất nước Việt Nam này, vậy nên chị khiến tôi vừa choáng ngợp vừa run sợ. Tôi run vì mình quá nhỏ bé, quá dốt nát so với chị, vậy mà tôi đang ngồi cạnh chị, chỉ cách có nửa mét. Rồi chị quay sang hỏi tôi: 
- Bên em có thể cung cấp giải pháp gì? Có gì em cứ trình bày hết ra cho mọi người nghe.
Hồi trước học cấp 3 (trường THPT Việt Đức) tôi từng học với thầy Quyết - thầy dạy Lý, thầy có một phong cách dạy hết sức lạ: Kiểm tra miệng thầy luôn gọi học sinh lên và nói:
- Biết gì nói hết ra.
Bạn có thể hình dung ngay được là chúng tôi gãi đầu gãi tai, câm nín và nhận điểm 0 về chỗ. Thầy không hỏi cụ thể điều gì, chỉ yêu cầu học sinh nói ra những gì họ biết. Hồi ấy tôi ghét thầy lắm, bởi thầy dạy hời hợt, kiểm tra theo kiểu chẳng giống ai. Về sau tôi biết thầy là 1 người rất uyên bác về học thức, thường dạy những lớp vật lý chuyên sâu cho học sinh giỏi. Lớn lên tôi mới nhận ra học sinh nên được học như thế, chỉ là cần có cách thức truyền động lực tự học khác đi, chứ không nên đột ngột như cách thầy làm.
Giờ đây với câu hỏi đó của chị, tôi nhận ra chị chỉ quan tâm tới chất lượng thực sự chứ không quan tâm hình thức. Thành tích gì họ không quan tâm (khi định nói qua chút thành tích thì chị gạt đi, nói cái đó chị biết rồi, em hãy nói vào chuyên môn đi). Mục đích sang khảo sát họ mà giờ quay ngoắt 180 độ, thành họ khảo sát chúng tôi. Tôi muốn toát mồ hôi, luống cuống trình bày. Khi nói dần vào chuyên môn tôi tự tin hơn. Kinh nghiệm đứng lớp trước nhiều người rồi nên tôi cũng nhanh chóng ổn định tâm lý, giọng nói dõng dạc hơn, có nhịp điệu hơn. Mọi người bắt đầu hỏi kỹ hơn về giải pháp mà tôi dự định triển khai. Chị cũng nhiệt tình đứng ra làm cầu nối giữa tôi với mọi người trong phòng để nói chuyện dễ dàng hơn, dễ hiểu hơn, bởi chị hiểu có 1 khoảng cách khá lớn giữa lý thuyết (của tôi) với thực tế (vấn đề mọi người trong phòng đang gặp phải). Cái chị cần là 1 người có thể giúp chị làm điều đó.
Sau buổi gặp gỡ đó, tôi về hì hục nghiên cứu, soạn tài liệu, chuẩn bị chương trình... để đưa ra được một phương án tốt nhất có thể. Chị còn gọi tôi tới để hỏi thêm một số điều khác nữa, đưa ra thêm một số yêu cầu khác nữa. Phải nói là chị rất khắt khe và kỹ tính. Tôi từng gặp nhiều người khó tính rồi, nên thấy việc chị khắt khe như vậy là điều dễ hiểu. Đứng vào vai trò lãnh đạo, đứng vào vai trò người kiểm duyệt nội dung, chị cần đảm bảo không bị mất uy tín và đảm bảo thứ chị đưa ra có giá trị cho mọi người. Bởi thế tôi càng phải cố gắng không làm phụ lòng chị. Tôi đưa ra những gì tốt nhất có thể, với một sự nhiệt tình và cố gắng thấu hiểu những gì chị nói. Chị còn dọa tôi: 
- Dạy sao thì dạy, chị ngồi nghe mà thấy không ổn là chị cho nghỉ luôn tại trận đấy.
Vâng, tôi hiểu chị có thể và sẵn sàng làm vậy. Chị không bao giờ nói đùa. Nếu tôi không nỗ lực hết sức, tôi sẽ giết chính mình và giết cả những người ở nhà đang ngóng tin tôi. Thất bại không phải mình tôi chịu trách nhiệm là đủ. Vậy nên tôi thấy áp lực lắm. Đồng thời tôi thấy nếu thành công, tôi sẽ trưởng thành lên nhiều, giúp mở ra 1 cánh cửa mà bình thường khó có thể mở được. Bởi không dễ để vượt qua được ngừng ấy thử thách, không dễ để gánh vác trách nhiệm lớn đến thế, không dễ để có đủ năng lực khiến chị chấp nhận đến vậy. Có rất nhiều yếu tố giúp tôi tự tin rằng mình có thể làm được, là cơ hội tôi cần phải nắm lấy bằng được.
Buổi học diễn ra khá tốt. Chị chăm chú nghe dù bận nhiều việc. Có những buổi chị không có mặt, nhưng buổi học sau đó chị lại có mặt, còn nói: thật tiếc vì đã bỏ lỡ buổi học trước . Tôi nghĩ chị không thiếu kiến thức, chị chỉ muốn nghe và xem cách tôi giảng thôi. Nhưng tôi thấy thật vinh dự khi được có chị ngồi dự giờ, cảm giác như đang thi giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia ấy : ) điều mà tôi chỉ dám nghĩ và tự sướng một mình.
Sau 3 ngày học tôi đã hoàn thành công việc của mình. Chị còn khoe lớp học với chị quản lý phòng ban khác, rồi để tôi chụp một vài tấm hình kỷ niệm. Tôi nghĩ như vậy tức là thành công rồi. Gánh nặng trên vai đã được đưa đến đích an toàn. 
Bài học lớn nhất tôi nhận được chính là từ chị: Từ tác phong làm việc cho tới tinh thần, thái độ, kiến thức, trách nhiệm... mọi thứ đều cần phải nỗ lực hết sức, chứ không thể hời hợt được. Bất kể là ai, nam hay nữ, học vấn đến đâu... đều không quan trọng, quan trọng là khi đối diện với áp lực đó, dù khó khăn đến mấy, nếu phải làm thì cố mà làm cho đạt, đừng đổ tại bất kỳ điều gì. Nếu có thì chỉ đổ tại mình bất tài và không nỗ lực hết sức mà thôi.

Gia đình

Vợ tôi làm cùng công ty với tôi. Đến gần cuối năm thì cô ấy muốn nghỉ việc ở nhà. Dù công việc không tới mức quá tệ, cũng không bị áp lực cho nghỉ việc, nhưng cô ấy cũng bị áp lực. Tôi nhận thấy điều đó.
Cô ấy hỏi tôi về việc "nếu em nghỉ việc thì sao". Tôi trả lời ngay: "nếu em muốn thì em cứ làm, anh không cản". Cô ấy hỏi lại tôi:
- Thế không hỏi em vì sao nghỉ à?
Tôi bảo tôi không quan tâm. Tôi biết em là người thực tế hơn tôi. Em nhạy cảm hơn tôi trong các vấn đề về tiền bạc. Nếu em chọn một điều gì thì em đã cân nhắc kỹ vấn đề đó rồi, và chắc chắn nó có lợi hơn về tiền bạc. Cái em thiếu ở đây là tâm lý. Em cảm thấy lo sợ vì sự không chắc chắn. Bởi vậy tôi thấy điều mình cần làm là ủng hộ em, chỉ cần thế thôi.
- Vợ định làm gì?
Cô ấy nói muốn tìm việc khác, như là trợ lý nha sỹ. Bởi vì cô ấy trước đây học trung cấp Y, có bằng về điều dưỡng, đã có kinh nghiệm làm Lễ tân trong bệnh viện tư rồi (nhưng làm về nha khoa thì chưa). Tôi bảo ừ, cứ thử xem sao.
Vài ngày sau cô ấy chuẩn bị một tập hồ sơ xin việc và bắt đầu hành trình "tìm việc làm". Thật khó khăn là người ta đều từ chối. Em đã đi làm nên biết mức lương mình cần là bao nhiêu. Em chưa có kinh nghiệm nên thật khó để giữ được mức lương mong muốn. Công việc ấy cũng có thiên hướng tuyển người mới ra trường, chấp nhận mức lương thấp hơn so với đề nghị của em. Vậy nên đi phỏng vấn vài nơi thì em nản. Em hoang mang.
Tôi nhiều lần an ủi động viên em, khuyên em nên chọn một việc gì mà em làm tốt nhất. Em đang làm thêm việc dạy múa (múa cổ trang Trung Quốc) nhưng chưa hề nghĩ sẽ làm fulltime việc đó. Nó chưa đảm bảo về thu nhập cho em được.
Sau một thời gian suy nghĩ thì em quyết định theo hướng đó và mở thêm 1 shop để cho thuê đồ múa. Tôi ủng hộ và hỏi kỹ hơn về kế hoạch này. Dù em không có kiến thức về tài chính nhưng tôi cân nhắc các yếu tố thì thấy kế hoạch đó ổn. Bởi vì em là người thực tế nên em đã chuẩn bị sẵn đầu ra: cho chính học viên em dạy thuê đồ. Như vậy thì khi bắt đầu làm sẽ có hiệu quả ngay, dù chưa biết nhiều hay ít. Vấn đề là em chưa có kinh nghiệm, lại cần vốn đầu tư ban đầu.
Chúng tôi tiếp tục bàn bạc về vấn đề này nhiều đêm. Chúng tôi đồng ý rút sổ tiết kiệm của 2 vợ chồng để có vốn đầu tư (chấp nhận nếu không thành công thì mất). Em xin nghỉ hẳn việc ở công ty để ở nhà làm việc. Tôi cũng năng nổ góp ý, nhận xét, đưa ra một số lời khuyên cho em. Tôi không để em đơn độc một mình dù tôi chẳng biết gì về mảng đó. Thấy em nhiệt tình, tập trung cho việc em chọn tôi cũng thấy vui. Em ban ngày chọn đồ, viết bài quảng cáo, quay video, sửa video, trả lời khách hỏi thuê đồ... tối lại đi dạy múa. Cả ngày có khi 10h đêm chúng tôi mới gặp mặt nhau. Thấy em miệt mài quá tôi cũng nhắc nhở em. Bởi gia đình còn con nhỏ, còn tình cảm vợ chồng, đừng để công việc nó cuốn đi mà quên mất những điều đó.
Cuối tháng đầu tiên em tổng kết thu nhập thấy cũng tạm ổn. Không cao như lương lúc trước, nhưng tôi động viên em:
- Mới làm mà đã có thu nhập thế là ổn rồi đấy. Người ta có khi 3-6 tháng còn chưa được như thế đâu.
Tôi chém gió để em yên tâm thôi, chứ tôi cũng biết ai khác ngoài em đâu. Ấy vậy mà em vẫn tin và yên tâm hơn. Tôi hay đùa: 
- Vợ cố lên nha, sau này nuôi chồng.
Em bảo ừ, sau này chồng ở nhà em nuôi.
---
Đêm nay chúng tôi sẽ cùng nắm tay nhau lên Hồ Gươm để ngắm pháo hoa đón mừng năm mới. Chẳng cần lo nghĩ tương lai thế nào, chỉ cần được vui vẻ cùng em trong những khoảnh khắc như thế, với tôi đã hạnh phúc rồi.

31/12/2020