Nhà tôi xem phim Robot hoang dã trước, và đã phải wow nhiều lần vì ý nghĩa sâu sắc của nó, vậy mà nghe tin Flow vượt mặt cả nó để thắng giải Oscar thì rất tò mò. Và sau khi đi xem flow thì nhà tôi chia làm 2 phe: 1 bên bảo: con thấy Robot hoang dã vẫn hay hơn, 1 bên thì: Flow hay hơn mà.  Giờ thì đúng kịch bản sau khi xem phim Oscar, luôn bị hụt hẫng và luôn gây nhiều tranh cãi. Bởi giải Oscar có nghĩa là “phân hoá người xem” rồi. Nó đơn giản, và muốn thấy nó sâu sắc cỡ nào thì phải phụ thuộc vào độ trải nghiệm và hiểu biết của người xem
Đầu tiên, tôi sẽ nói về chữ: mô tip: “ soi gương” trong phim
Bạn có thấy hình ảnh này lặp đi lặp lại trong phim không? 
Mở đầu phim là cảnh chú mèo đen chăm chú nhìn bóng mình dưới làn nước. Kết thúc cũng là cảnh chú nhìn bóng mình dưới làn nước, và sau đó 3 người bạn của chú chạy ra, và cả 4 con vật cùng nhìn vào bóng mình. 
Chú vượn cáo có sở thích nhặt nhạnh đồ thuỷ tinh lấp lánh, nên đã rất mê chiếc gương. Chú đã phát hiện ra bóng mình trong gương, và ngồi soi mê mải. Sau đó chú báo cho đồng loại biết về cái gương, và chúng cũng rất tò mò với nó. Gương trở thành báu vật đối với chú. Cảnh cuối, sau khi nước rút. Chú mèo phát hiện ra chú vượn cáo ở gần đó rồi đi tìm, thì cũng vẫn là phân cảnh hài hước và nhiều tính ẩn dụ: một đám vượn cáo,  đứa đội vương miện, đứa đeo hạt xoàn, đủ thứ đồng nát  lấp lánh trên người và tất cả  đang ngồi mê mải ngắm bản thân  trong vào tấm gương đã vỡ.
img_0
Như vậy, đây là một hình ảnh chủ ý của đạo diễn,  hình ảnh đó trở thành một biểu tượng, một mật mã có thể bám vào đó để giải nghĩa cho bộ phim. 
 Trước hết, mình muốn nhắc tới  một thông tin khoa học  về tấm gương soi.
Trong nhiều cuốn sách khoa học về nhận thức như Bộ não và tâm trí ( NXB trê) và cuốn: Vườn thú người của Desmond Morris, đã khẳng định: chỉ có não bộ của người mới có khả năng nhận thức về bản thân ( tôi là ai), vì thế nên chỉ có con người mới có khả năng “soi gương” cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen, con người nhận ra hình bóng đó là chính bản thân mình, nghĩa bóng, con người nhận thức được về mình như 1 bản thể ( có tính triết học). Vì điều này mà con người tiến hoá thành một loài thông minh, có trí tuệ, có khả năng học hỏi… 
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chỉ có loài tinh tinh, một loài có nhiều đặc điểm giống với con người nhất là có khả năng “soi gương” ( theo nghĩa đen) và nhận ra nó ở trong gương.   Bên cạnh tinh tinh, còn có 1 số loài cũng vượt qua được bào kiểm tra “soi gương” như vượn, đười ươi, voi châu á, kiến, cá heo…Mộ số loài được cho là thông minh lại không có dấu hiệu rõ ràng về việc nhận thức bản thân như: khỉ, vẹt, chó và mèo.
Từ những minh chứng ấy, ta có thể thấy: mô tip “ soi gương” lặp đi lặp lại trong phim là dấu hiệu cho sự nhận thức bản thân của chú mèo, dấu hiệu cho sự tiến hoá  trong não bộ của chú. Chứ không hẳn là ẩn dụ cho loài người. Có thể lắm chứ, chúng ta khi nhìn loài vật, thường bị mắc hai lỗi, hoặc quá nhân cách hoá chúng, hoặc quá coi thường chúng ( nói chung là con người bị thượng đẳng với loài vật) 
Nhưng nếu thực sự một chú mèo có thể thoát ra một lập trình được cài sẵn trong não về ẩn nấp  và  trốn chạy, để bắt đầu biết học hỏi để sinh tồn, biết giúp đỡ ( đoạn giúp đỡ thì cũng là nhân cách hoá- nhưng tôi đã nuôi hai con mèo, và tôi thấy chúng có biết chia sẻ thật). Thì chú mèo ấy, có thể tiến hoá được mà. 
Như vậy, motip “soi gương” vừa là ẩn dụ cho việc con người và sự nhận thức bản thể, nhưng cũng là cách để tác giả khẳng định về khả năng tiến hoá của loài vật, thể hiện sự trân trọng thực sự với loài, chứ không chỉ là sự áp đặt từ con người vào loài vật. 
Một hình ảnh vừa ẩn dụ vừa là thông điệp về sự tiến hoá của loài vật ở trong phim nữa là: đặt chuyện chú mèo soi bóng dưới nước và chú vượn cáo thích soi gương cạnh nhau, để cho thấy. Một bên là sự tiến hoá trong não bộ thật sự, một bên chỉ là sự tò mò mang đặc tính của loài. 
Như ở trên đã nói, các nhà khoa học về nhận thức đã đặt ra bài kiểm tra về soi gương để thử xem loài vật có nhận thức về bản thân được không? Và ta có thể thấy chú vượn cáo có vẻ nhận ra bản thân mình. Nhưng sau khi nhận ra, thì chú cùng với loài bị “lậm” quá. Đặc tính của loài này là sự tò mò ( tò mò là dấu hiệu của 1 loài thông minh như: mèo, chó, các loại linh trưởng). Ở trong phim, chú vượn cáo thích “soi gương” có lẽ vì đặc tính của loài thôi. Và có lẽ chú ta sẽ chẳng tiến hoá nổi, nếu cứ chỉ ngồi soi gương. 
Nên dấu  hiệu của chú vượn cáo tiến hoá lại không phải là chú nhận ra mình, mà là khi chú ra nhận bạn của chú. Khi chú bỏ đám đông soi gương, để chạy theo chú mèo, và chỉ cho chú mèo cái thuyền đang mắc trên cây. Đấy là lúc chú tiến hoá. Như vậy với chú vượn cáo, soi gương lại không phải dấu hiệu của sự tiến hoá, mà chỉ là đặc tính tò mò của loài.
Còn với chú mèo và các bạn của mình, chúng tiến hoá khi biết giúp nhau. Khi chú mèo biết buồn lúc nhìn thấy chú cá voi cứu mình đang mắc cạn mà không biết làm gì để giúp.  Cảnh soi bóng ở cuối phim hơi hụt hẫng bởi người xem đang chờ đợi 1 màn cứu cá voi hoành tráng nữa. Nhưng không, phim kết thức đúng cảnh đó. 4 con vật, nhận ra bóng mình dưới nước, đều là 4 con vật vượt qua đặc tính của loài mình, để giúp đỡ loài khác 
img_1
Trong cảnh cuối, khi cứu các bạn trên thuyền, bọn chúng đã biết đồng tâm hợp lực để làm việc. Nhưng lại 1 lần nữa, phân cảnh hài hước, đầy ẩn dụ lại xuất hiện: đúng lÚc nước sôi lửa bỏng ddeer cứu  bạn chuột lang, thì  1 con thỏ chạy qua, và bọn chó bỏ hết việc để lao theo con thỏ,  đến đây ta thấy, cả con vật và con người, con nào vượt qua được đặc tính của loài, vượt qua bản năng sinh tồn hoang dã, con ấy sẽ tiến hoá hơn. Chú chó trắng ngay từ đầu đã cho thấy việc vượt qua đặc tính săn mồi của loài để kết bạn với các loài khác. Đến đoạn này, ta có thể thấy sự giằng co nội tâm, khi suýt nữa cũng chạy theo bọn chó để đi săn thỏ, nhưng rồi chú đã ở lại giúp bạn.  Và chú chó ấy cũng đã tiến hoá .
Chú chuột lang nước ngay từ đầu chỉ ăn với ngủ, sống cuộc đời vô lo, nhưng đã rất nhiều lần cho thấy chú sẵn lòng giúp đỡ kẻ khác. 
Chú chim thư ký trước đó bay lên trời cũng là một kẻ vượt qua đặc tính của loài để bảo vệ chú mèo.  Và chú  trở thành biểu tượng của những gì hướng thượng đẹp đẽ nhất của tâm trí muôn loài
img_2

Chú mèo đen nhân vật trung tâm của câu chuyện, đã có một hành trình về nhận thức, vượt qua bản tính săn mồi của 1 loài nhỏ, luôn né tránh, trốn chạy, bất động khi gặp khó khăn, đã bắt đầu học được cách đương đầu và học hỏi để sinh tồn cho bản thân,  nhưng cấp cao nhất của nhận thức vẫn là học hỏi  để giúp đỡ cả kẻ khác nữa Và bạn tưởng rằng não bộ con người cũng được cài một chương trình để chúng ta sinh ra đã biết giúp người khác sao? Không đâu, nó cũng chỉ được cài một chương trình để bảo vệ bản thân thôi, có điều cơ chế chiến đấu hay bỏ chạy của con người tinh vi và điêu luyện hơn loài vật nhiều. Chỉ có sự ý thức về bản thể sâu sắc mới khiến con người rời khỏi tập tính của loài mình mà sống vì người khác thôi. Chúng ta không hề thượng đẳng hơn muôn loài chút nào cả.
Thêm 1 điều nữa quá hay của bộ phim này là tác giả không để cho các con vật biết nói tiếng người
Mỗi con vật nói bằng ngôn ngữ của nó: gâu gâu, meo meo, hay grừm, hay éc éc… Con người sẽ phải học thêm 1 ngoại ngữ mới khi xem phim, đó là tiếng nói của động vật, và chẳng hiểu sao tôi đã hiểu được hết ngôn ngữ ấy. Tôi cảm thấy mình cũng  bắt đầu tiến hóa :) và con người có lẽ không phải nấc thang cuối cùng của sự tiến hóa nhỉ?
Loan Thanh
thanhloancva79@gmail.com