Theo ông Thuận Phạm, Uber có được thành công như ngày hôm nay chính bởi những thất bại. Tại buổi chia sẻ trong khuôn khổ sự kiện Uber Exchange, ông đã có những chia sẻ quý giá đến cộng đồng khởi nghiệp trẻ tại Việt Nam.
Làm Startup, ban đầu đừng vội nghĩ đến tăng trưởng
Ông Thuận Phạm cho rằng, mặc dù tăng trưởng là vấn đề mà mọi startup công nghệ đều quan tâm, nhưng trước khi nghĩ tới điều đó, bản thân người khởi nghiệp phải giải quyết được toàn bộ vấn đề trong khách hàng trước đã. Bởi chỉ khi khách hàng thực sự thích, dùng thử và hài lòng, startup mới thu về được tiền, mới có cơ hội tăng trưởng.
Thuận Phạm CTO Uber đã có mặt trong sự kiện UberExchange tại Hà Nội
Ông Thuận Phạm bộc bạch: "Thời gian đầu tham gia Uber, tôi hầu như không nghĩ gì tới scale. Tư duy của tôi là làm gì để tồn tại trong tuần tới. Mọi thứ sẽ diễn ra rất nhanh, nhanh tới mức bạn hầu như không có thời gian để nghĩ gì cả. Mọi vấn đề sẽ xảy đến cùng lúc, startup sẽ phải suy nghĩ chiến lược tiếp theo thế nào, bán hàng thế nào, cần kinh nghiệm gì, kĩ năng gì. Chìa khóa ở đây là bạn phải giải quyết từng bước một", TGĐ Công nghệ Uber toàn cầu nhấn mạnh.
CTO Uber cầu cũng chia sẻ, khi mới startup, nhân lực cũng như đội ngũ kỹ thuật chắc chắn sẽ rất hạn chế. Nếu chỉ chăm chăm đi viết lại, làm lại những mã nguồn, công nghệ có sẵn trên thế giới thành của mình, startup sẽ không còn thời gian để sáng tạo, đồng nghĩa khó lòng đi xa được.
Ông cho rằng, để phát triển nhanh, mạnh, startup công nghệ nói chung phải biết tận dụng mã nguồn mở. Sau đó, bổ sung vào nguồn lực đó những công nghệ là của mình, biến chúng thành giải pháp riêng. Như vậy, startup mới tiết kiệm được thời gian, nguồn lực.
"Đừng nên tự mình làm gì cả, hãy chỉ nên bổ sung vào các giải pháp có sẵn trên thị trường, đừng cố làm lại những gì người ta đã làm rồi", TGĐ Công nghệ Uber toàn cầu đưa ra lời khuyên.
Thuận Phạm CTO Uber (Bên trái) và Namster Đỗ Founder Up Co-Working Space (Bên phải)
“Tại Uber, chúng tôi khẩn cầu những sai lầm”
Chia sẻ tại sự kiện, ông Thuận Phạm nhớ lại: “Chắc chắn Uber sẽ không có mặt tại đây ngày hôm nay nếu không có những sai lầm. Tại Uber, có tới hàng nghìn thất bại và với cá nhân tôi, trong 18 tháng đầu tiên ở Uber thì tuần nào cũng có 1 sự thất bại nào đó.”
"Khi tôi tham gia Uber thì tôi quản lý 1 đội kỹ sư trẻ và họ sử dụng mã nguồn mở cũng như phối hợp với nhau rất tốt. Thực ra, việc viết App, gọi API, đều không phải các công việc quá khó, mà cái khó là làm sao có 1 hệ thống có khả năng thích ứng với tăng trưởng”
Khi tôi gia nhập, tôi nhận ra vấn đề quan trọng nhất của chúng tôi là hệ thống lắp ghép giữa người dùng và người lái xe, đó là mấu chốt quan trọng nhất. Hệ thống đó phải đảm bảo tính sẵn sàng và thường trực 24/7, dù cho quy mô có lên đến 30.000 chuyến 1 ngày. Chúng tôi biết mình cần xây dựng một hệ thống đủ tốt để ngay cả khi chúng tôi cần bảo trì một lớp mã, hay ngay cả khi trái đất sụp đổ, thì hệ thống vẫn hoạt động, máy chủ đó không chỉ phục vụ một thành phố mà phục vụ nhiều thành phố.
Chỉ 3 tháng sau đó, các kỹ sư đã viết lại được hết toàn bộ chương trình theo tôi yêu cầu. Tuy nhiên trước đó, ở tháng thứ 2, một card mạng trong Data  Center bất ngờ chết, hệ quả là toàn bộ Chicago không được cung ứng dịch vụ Uber nữa và coi như dịch vụ của chúng tôi chết trong 90 phút, đương nhiên, CEO của chúng tôi nổi giận.
Thất bại này dù nhỏ thôi, nhưng từ thất bại đó các kỹ sư sẽ hiểu được và nhận thức được tầm quan trọng của các nguyên tắc phát triển hệ thống. Bản thân tôi cũng học được từ những thất bại của mình, nhưng quan trọng hơn cả là các kỹ sư của chúng tôi được trải nghiệm điều đó.
Sự kiện có sự góp mắt của hàng trăm chuyên gia trong ngành khởi nghiệp Việt Nam
Một thất bại khác nữa xảy ra vào khoảng 2 tháng sau đó. 1 kỹ sư đã cố cải thiện tên gọi 1 chức năng trong hệ thống. Kỹ sư này đã lập trình xong và để thay đổi có hiệu lực thì phải khởi động lại hệ thống. Điều bất ngờ là khi anh ta ấn nút khởi động lại hệ thống thì đột nhiên dẫn đến phản ứng dây chuyền với quy mô lớn, làm hệ thống câu lệnh của chúng tôi mắc lỗi và điều này không chỉ ảnh hưởng tới 1 thành phố mà là toàn bộ hệ thống Uber trong khoảng 30 giờ. Tất nhiên, lỗi này nằm ở Back-end, nên người dùng sẽ không nhận ra điều này. Nhưng trên thực thế, trong toàn bộ 30 giờ đó, hệ thống Uber toàn cầu ngừng hoạt động, vì toàn bộ công cụ làm việc tại Uber đều dựa trên hệ thống dữ liệu sẵn có, người dùng mới sẽ không thể sử dụng dịch vụ.
Và chúng tôi nhận ra, tại thời điểm đó, chúng tôi chưa có một đội xử lý nhanh và một quy trình chuẩn để backup hệ thống dữ liệu trong tình huống khẩn cấp, đảm bảo sự hoạt động của công ty. Sau mỗi khủng hoảng như vậy xảy ra, chúng tôi xây lại Postmortem cho từng giai đoạn, kỹ sư đã mắc lỗi sẽ ngồi lại và tự xem mình đã học được những gì, viết lại những gì đã xảy ra theo từng phút, xem lại những chuỗi và câu lệnh nào đã khiến hệ thống trục trặc. Từ tài liệu đó, chúng tôi truyền tay tới nhân viên, để đảm bảo toàn bộ tổ chức đều học được, và lỗi đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Chúng tôi cũng xây dựng một quy trình cho Postmortem rất rõ ràng, nhận định các cấp lỗi khác nhau, ví dụ như lỗi vừa kể trên là lỗi cấp 3, ảnh hưởng đến hệ thống, tuy nhiên người dùng sẽ không nhận thấy. Mỗi cấp sẽ do một nhóm khác nhau giải quyết.
Quan trọng là bạn không bao giờ được trừng phạt nhân sự vì để xảy ra những sai lầm. Sai lầm là cần thiết trong quá trình xây dựng sản phẩm. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo nhân sự sẽ không mắc phải lỗi đó lần 2.
Đồng thời, tôi cũng nhận thấy phần thất bại về phía tôi trong hoạt động điều hành: tại sao vấn đề lại xảy ra dưới sự điều hành của tôi. Lẽ ra tôi cần nhìn thấy trước và yêu cầu các kỹ sư xây dựng quy trình cho những vấn đề đó. Nhưng vấn đề là bạn không thể lường trước mọi thứ. Vì vậy tôi phải chấp nhận 1 điều đó là lỗi của tôi, và câu trả lời cho mọi vấn đề là tôi luôn chậm chạp để tạo ra thay đổi cần thiết. Suy nghĩ kỹ hơn, tôi sẽ thấy mình cần những tài năng nào, thay thế nhân sự nào để tạo ra sự thay đổi cần thiết. Đôi khi bạn gắn với cái gì quá lâu nó sẽ trở thành điểm yếu, sai lầm được tạo ra từ đó.”
“Nếu không có đam mê, tôi sẽ không còn là chính tôi”
Chia sẻ về cuộc sống của một CTO, ông Thuận Phạm cũng chia sẻ: “Hằng ngày tôi ra khỏi nhà vào lúc 7h sáng và về vào khoảng 21h30’. Sau khi ăn uống, nghỉ ngơi có thể tiếp tục làm việc khoảng 2h nữa. Cuối tuần thì tôi thường dành thời gian để đưa con gái đi học thêm các môn ngoại khóa, trong khoảng thời gian đó, 2 bố con thường chia sẻ về những điều đã xảy ra trong tuần.”
Ông cũng chia sẻ: “Tôi có một niềm đam mê rất lớn với công nghê, nếu thiếu đam mê tôi sẽ không còn là chính tôi.”
Nhớ lại quãng thời gian đầu sự nghiệp, ông vừa ra khỏi trường và nhận vào một công ty lớn với hàng nghìn kỹ sư. Sau đó, ông từ bỏ công việc để làm tại các công ty khởi nghiệp chỉ với 4-5 nhân sự. Khi ông vào Uber, số lượng kỹ sư chỉ khoảng 40 người, nhưng giờ đã lên đến con số 4000.
Like fanpage Topica Founder Institute để đọc thêm những bài viết hữu ích cho các Startup.
Hãy cho chúng tôi biết chủ đề bạn quan tâm: LINK
Chia sẻ về sự lựa chọn, ông nghĩ rằng: “Khi công việc đã trở nên lặp lại và an toàn, cảm thấy không còn học được thứ mới nữa, tôi sẽ ra đi. Tôi cảm thấy mình cần thử thách tiếp theo. Tất nhiên trong sự nghiệp của mình, lắm lúc mẹ tôi suýt lên cơn đau tìm vì thấy con đường tôi chọn quá rủi ro.”
Ông Thuận Phạm cũng nghĩ các bạn không nên nghĩ quá nhiều về con đường mình sẽ đi: "Khi tôi tốt nghiệp, tôi cũng không biết trước con đường mình đi sẽ ra sao. Các bạn hãy nghĩ về công việc bạn đang làm, cái gì thúc đẩy bạn phải học, cái gì khiến bạn hào hứng. Nếu công việc hiện tại khiến bạn nhàm chán, hãy tìm một công việc mới tối đa hóa được khả năng của mình. Bạn không thể lên kế hoạch chính xác cho chặng đường tương lai của mình. Điều mà bạn có thể làm là tận dụng mọi cơ hội để học hỏi", CTO Uber nhắn nhủ.
“Hãy nghiêm túc nghĩ về những công việc mà bạn sẽ chuẩn bị làm hay ngay như công việc mà bạn đang có. Nó có thử thách bạn không? Nó có thúc đẩy bạn phải bổ sung kiến thức hay học thêm những điều mới không? Bạn có sẵn lòng học những điều mới để phục vụ cho công việc đó không? Nếu bạn cảm thấy thực sự tẻ nhạt, không có động lực, không được thúc đẩy hay truyền cảm hứng từ công việc hiện tại thì có lẽ đây là thời điểm bạn nên cân nhắc để tìm một thử thách khác.”
Ông Thuận Phạm đã có một buổi chia sẻ với những lời khuyên đầy giá trị dành cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam
“Nghe thì có vẻ hơi kỳ quặc nhưng hãy chọn những công việc mà có thể khiến bạn không thoải mái một chút, thậm chí khiến bạn sợ hãi. Trong một giới hạn nhất định, những điều đó sẽ thúc đẩy để bạn phải học hỏi thêm những cái mới phục vụ công việc.”
“Tôi sẽ không thể làm ở Uber nếu như không trải qua một quá trình dài không ngừng học hỏi và rèn luyện như trên. Tôi không tìm đến với Uber, Uber đã tìm đến tôi. Các bạn tự nắm giữ trong tay cơ hội và con đường dành cho chính mình.”
Buổi chia sẻ nằm trong khuôn khổ chương trình UberEXCHANGE – Leadership Talk 3: Cùng công nghệ làm nên điều kỳ diệu: Trò chuyện cùng Thuận Phạm – Tổng giám đốc công nghệ Uber toàn cầu, diễn ra tại Up Co-Working Space, tổ chức bởi Uber với Topica Founder Institute là đối tác truyền thông. Sự kiện diễn ra thành công với sự góp mặt của hàng trăm Startup lớn nhỏ, với sự xuất hiện của nhiều Founder nổi tiếng như anh Namster Do (Founder Up), Hùng Đinh (FounderDesignBold), Lê Quốc Vinh (CEO LeBros), GS. Đinh Văn Phong (Hiệu phó ĐHBKHN).
Đăng kí tìm hiểu chương trình TFI — khóa 6 tại đây: http://topi.ca/tfibatch6j