CÔNG NGHIỆP PHỤ TRỢ PHÁ KÉN ĐỂ TRƯỞNG THÀNH
Công nghiệp phụ trợ (CNPT) - bộ phận hái ra tiền của các nền công nghiệp phát triển trên thế giới, nó càng được quan tâm nhiều hơn...
Công nghiệp phụ trợ (CNPT) - bộ phận hái ra tiền của các nền công nghiệp phát triển trên thế giới, nó càng được quan tâm nhiều hơn với sự kiện Vinfast trình làng hai mẫu xe đầu tiên của mình tại Paris Motor Show vào cuối năm 2018. Bài toán kinh tế về nguyên liệu, phụ tùng mang thương hiệu Việt Nam vẫn đang chờ được giải quyết bởi các doanh nghiệp trong nước. Hiện nay, một phần nhỏ nhu cầu này vẫn chưa đáp ứng được, số lượng doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu khắt khe về chất lượng và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia còn rất hạn chế. Vậy rào cản nào khiến ngành công nghiệp này vẫn mãi chỉ là ngành công nghiệp phụ và làm thế nào để phát triển ngành công nghiệp này trong thời gian tới?
Công nghiệp phụ trợ (supporting industries) là gì?
Ngành công nghiệp phụ trợ được coi là nền tảng cho các ngành công nghiệp chính thông qua việc cung cấp các bộ phận, linh kiện và quy trình kỹ thuật, nó được coi là một phần quan trọng trong các ngành công nghiệp quốc gia trong thời đại hội nhập kinh tế toàn cầu. Ngành công nghiệp ở mỗi quốc gia không thể phát triển mạnh mẽ nếu không có ngành công nghiệp phụ trợ hưng thịnh bởi nó là yếu tố xác định chi phí sản xuất, và nâng cao giá trị gia tăng và quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm cuối cùng.
Việt Nam nằm ở đâu trong chuỗi cung ứng?
Hiện nay trên thế giới, ngành CNPT ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng trong việc tham gia chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu.
Việc phát triển CNPT được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Theo kinh nghiệm của một số nước, trong đó có Trung Quốc, cho thấy sự liên kết hiệu suất giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất các sản phẩm phụ trợ với các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư của nước ngoài, và công nghệ, tri thức quản lý được chuyển giao từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài hiệu quả tạo nhiều việc làm, thu hút lao động dư thừa, CNPT đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá theo cả chiều rộng và chiều sâu.
CNPT không phát triển sẽ làm các công ty lắp ráp và những công ty sản xuất thành phẩm cuối cùng khác sẽ phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Mặc dù những sản phẩm này có thể được cung cấp với giá rẻ ở nước ngoài nhưng vì chủng loại quá nhiều, phí tổn chuyên chở, bảo hiểm sẽ đẩy chi phí đầu vào tăng lên dẫn đến tăng giá thành sản phẩm, khiến chúng khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Bên cạnh đó, còn có rủi ro về tiến độ, thời gian nhận hàng nhập khẩu. Công ty đa quốc gia sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý dây chuyền cung ứng nếu phải nhập khẩu phần lớn linh kiện, bộ phận, và các sản phẩm CNPT khác. Do vậy, nếu ngành CNPT không phát triển thì các ngành công nghiệp chính sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, top 5 các địa phương có ngành CNHT phát triển mạnh của cả nước bao gồm TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương và Bắc Ninh.
Nếu so sánh trình độ phát triển công nghiệp của Việt Nam hiện nay so với các quốc gia Châu Á, các chuyên gia cho rằng trình độ đó tương đương với Trung Quốc hồi những năm 80 của thế kỷ trước hoặc Malaysia hồi những năm 70. Còn nếu so sánh với Hàn Quốc thì trình độ phát triển công nghiệp Việt Nam phải lùi lại thêm 10 năm, tức tương đương với trình độ phát triển công nghiệp của Hàn Quốc những năm 60. Còn nếu so sánh với Nhật Bản càng kém xa, chỉ tương đương những năm 20. Có thể những so sánh trên chỉ mang tính chất tương đối, nhưng mục đích của các chuyên gia khi đưa ra những phát biểu này là nhằm nhấn mạnh một thực trạng rằng: CNPT Việt Nam còn rất yếu kém. Bởi lẽ ngành CNPT được ví như chân núi, tạo phần cứng để hình thành nên thân núi và đỉnh núi - chính là ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp sản phẩm công nghiệp hoặc tiêu dùng. Thông thường, ngành CNPT phát triển trước, làm cơ sở để ngành công nghiệp chính yếu như ô tô, xe máy, điện tử, dệt may, giày da…phát triển. Do đó, sự yếu kém của ngành công nghiệp Việt Nam cũng xuất phát từ sự yếu kém của ngành CNPT khiến nhập siêu luôn ở mức cao.
Thị phần trong nước bị bỏ ngỏ
Chỉ với một chút tính toán sẽ thấy được trọng tâm vấn đề: một chiếc xe ô tô lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam nhưng do linh kiện nhập khẩu nên giá sẽ đội lên rất nhiều lần, chưa kể chi phí khấu hao thiết bị, khuôn dưỡng sản xuất, chi phí vận chuyển linh kiện cộng thêm những yếu tố bất lợi khác khiến giá bán đội lên rất nhiều so với các nước trong khu vực, đồng thời thuế suất nhập khẩu khu vực ASEAN đã về mức 0% khiến cho hàng trong nước càng khó cạnh tranh trên thị trường. Hay như việc nắp bình xăng báo giá sản xuất trong nước là 4USD nhưng hàng Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam chỉ bằng một nửa, dù đây chỉ là mặt hàng có giá trị nhỏ nhưng có thể thấy được sự chênh lệch rất lớn. Dẫu thị phần còn rất nhiều nhưng các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ Việt vẫn gặp nhiều khó khăn để ra đời tồn tại bởi nhiều yếu tố.
Bất lợi về quy mô cầu: thị trường Việt Nam cho các nhà lắp ráp, đặc biệt là các nhà sản xuất ô tô còn khá nhỏ so với dung lượng thị trường.
Công nghệ: khoảng cách chất lượng giữa các công ty cung cấp trong nước và yêu cầu của các nhà lắp ráp FDI còn khá lớn do trình độ chuyên môn sâu của người lao động ở những mặt hàng phức tạp, đòi hỏi tay nghề cao còn hạn chế và đặc biệt nhiều nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất còn phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, trong nước chưa sản xuất được. Máy móc của các doanh nghiệp cung cấp nội địa còn lạc hậu, chưa đáp ứng được những đòi hỏi về tiêu chuẩn công nghệ đối với ngành CNPT
Thiếu kênh thông tin: sợi dây liên kết giữa các công ty cung cấp trong nước và các nhà lắp ráp còn khá lỏng lẻo, thiếu một cơ sở dữ liệu về các nhà cung cấp nội địa để các doanh nghiệp lắp ráp tìm kiếm.
Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh của CNPT Việt Nam còn kém hơn các nước trong khu vực xuất phát do từ trước đến nay, các doanh nghiệp quốc doanh, chủ thể chính trong lĩnh vực này lại thường hoạt động theo kiểu trọn gói (sản xuất từ A đến Z), do đó, họ hầu như không có khái niệm về ngành CNPT, bỏ qua phần lợi nhuận béo bở này.
Hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt?
Về phía Nhà nước, chính phủ cần phải tạo dựng môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh như: hình thành các khu, cụm công nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu phụ trợ cho các ngành công nghiệp.
Về mặt công nghệ và nhân lực, lý do tại sao các nhà sản xuất linh kiện điện tử trong nước rất hiếm, chắc chắn các nhà đầu tư ngoại rất muốn mở rộng sự hiện diện của mình tại Việt Nam do thị trường này vẫn còn bị bỏ ngỏ, tuy nhiên nó đòi hỏi công nghệ và đầu tư đáng kể mà ở giai đoạn này dường như vẫn chưa được khả khi ở thị trường Việt Nam do trình độ tay nghề vẫn còn yếu kém, chưa có nhiều kinh nghiệm. Do vậy, chúng ta cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn cơ sở làm căn cứ cho việc định hướng phát triển. Hỗ trợ phát triển và nâng cấp các tổ chức kiểm định, đánh giá chất lượng sản phẩm phụ trợ thuộc nhiều thành phần kinh tế đạt trình độ quốc tế.
Một trong những lý do cho sự thành công là nguồn nhân lực. Doanh nghiệp cần quan tâm nhiều đến việc sử dụng các công nhân có tay nghề cao, tăng cường đào tạo cán bộ kỹ thuật các ngành thiết kế, chế tạo máy, luyện kim, điều khiển tự động, điện tử tin học để làm chủ các công nghệ được chuyển giao, nghiên cứu thiết kế tạo ra công nghệ nguồn và kiểu dáng sản phẩm riêng của Việt Nam và lắng nghe lời khuyên từ các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm lâu năm tại các nhóm đa quốc gia để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Đối tác chiến lược
Các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục tăng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian gần đây, trong giai đoạn chín tháng, các doanh nghiệp Nhật Bản đứng đầu danh sách các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản hiện đứng thứ hai trong số các quốc gia, hiện đang đầu tư vào Đông Nam Á với tổng số vốn đăng ký là 55,7 tỷ USD, chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư. Do đó, các công ty trong nước nên cải thiện khả năng hợp tác mạnh mẽ hơn với các đối tác Nhật Bản.
Các sự kiện như Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ 2018 đối với lĩnh vực sản xuất, sẽ mang đến nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước tiếp cận các công nghệ và máy móc tiên tiến, tìm kiếm các giải pháp hiệu quả cũng như tăng thêm giá trị cho sản phẩm của họ. Thông qua sự kiện này, các doanh nghiệp Nhật Bản có thể tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện công nghiệp và tạo ra một nền tảng lành mạnh cho các doanh nghiệp Việt Nam để quảng bá sản phẩm của họ tới các khách hàng tiềm năng bởi theo JETRO (Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản), nhu cầu về nguồn cung tại Việt Nam từ các doanh nghiệp Nhật Bản rất lớn và khoảng 60% doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm kiếm nguồn cung cấp ngay lập tức.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần phải thu hút sự hỗ trợ của chính phủ các nước phát triển như Nhật Bản, EU… để đào tạo nguồn nhân lực cho CNPT. Đồng thời nên thể hiện sự quan tâm của mình đến công nghiệp phụ trợ nhiều hơn nữa thông qua hệ thống giám sát và kiểm tra, nắm bắt được tình hình phát triển và quá trình hoạt động của các công ty, doanh nghiệp để tránh những trường hợp phá sản, vỡ nợ gây ảnh hưởng xấu đến ngành công nghiệp phụ trợ nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung.
Tạm kết
Có thể nói rằng CNPT tuy là "phụ" nhưng nó có thể coi là xương sống của các ngành công nghiệp khác. Việc xây dựng và phát triển CNPT không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ của Chính phủ, các Bộ ban ngành mà chính các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng phải chung tay gánh vác để từ đó có những đường hướng phát triển cho từng bước đi. Sự ra đời của bản Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn 2020 là những văn kiện quan trọng, là kim chỉ nan để các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu của mình. Khó khăn, tốn nhiều thời gian, nhân lực và vật lực nhưng một khi Việt Nam xây dựng cho mình nền CNPT vững chắc, chúng ta sẽ tự tin hơn để hội nhập với khu vực và quốc tế.
_ Thảo Anh_
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất