Điều kiện để được coi là pháp nhân.
Theo khoản 1 Điều 84 BLDS 2015 quy định “chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân”. Như vậy theo pháp luật hiện hành cơ quan đại diện của một Bộ không có tư cách pháp nhân mà chỉ là đơn vị phụ thuộc. Để được coi là pháp nhân phải thỏa mãn 4 điều kiện đó là được thành lập theo quy định của pháp luật, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó, nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập (Điều 74 BLDS 2015).
Thực tiễn xét xử có gì khác so với Luật định.
Quy định của pháp luật về pháp nhân
Quy định của pháp luật về pháp nhân
Trong thực tiễn xét xử có Tòa cho rằng cơ quan đại diện là pháp nhân. Cụ thể tại bản án 1117/2012/LĐ-PT xảy ra tranh chấp giữa ông Hùng và Bộ TNMT, ông Hùng bị cơ quan đại diện Bộ TNMT đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và ông Hùng kiện bồi thường thiệt hại do hành vi của cơ quan đại diện Bộ TNMT gây ra. Tại Bản án sơ thẩm, Tòa buộc cơ quan đại diện Bộ TNMT phải bồi thường thiệt hại cho ông Hùng.
Tòa phúc thẩm cho rằng ông Hùng phải kiện Bộ TNMT chứ không phải là cơ quan đại diện Bộ TNMT, Tòa xác định cơ quan đại diện Bộ TNMT có tư cách pháp nhân nhưng là pháp nhân không đầy đủ. Việc Tòa sơ thẩm cho rằng cơ quan đại diện Bộ TNMT phải bồi thường cho ông Hùng là không đúng với tinh thần tại Khoản 1 Điều 84 BLDS 2015. Tòa đã không xác định đúng tư cách pháp nhân, đưa cơ quan đại diện Bộ TNMT tham gia tố tụng là không đúng mà phải đưa Bộ TNMT tham gia với tư cách bị đơn. Tại bản án Lao động phúc thẩm , Tòa đã xác định phải đưa Bộ TNMT tham gia vào tố tụng là đúng tuy nhiên Tòa lại cho rằng cơ quan đại diện Bộ TNMT có tư cách pháp nhân nhưng là pháp nhân không đầy đủ theo tôi là sai bởi BLDS 2015 không có bất kì một điều khoản hay một khái niệm nào là pháp nhân không đầy đủ, hơn nữa để được coi là pháp nhân thì phải thõa mãn 4 điều kiện tại khoản 1 Điều 74 BLDS 2015, như vậy khi thỏa mãn 4 điều kiện đó thì đương nhiên có tư cách pháp nhân chứ không có pháp nhân không đầy đủ.
Cần phải xác định theo đúng quy định của Luật.
Chúng ta phải xác định rõ đâu là pháp nhân, đâu là cơ quan đại diện của pháp nhân. Theo đó, tôi thấy cần phải xác định lại tư cách của cơ quan đại diện Bộ TNMT, xác định “tư cách pháp nhân không đầy đủ”, “không đầy đủ” ở đây là như thế nào. Phải chăng theo Tòa phúc thẩm không đầy đủ có nghĩa là không thỏa mãn một hay một số điều kiện có thể coi là pháp nhân theo khoản 1 Điều 74 BLDS 2015. Và như vậy theo tôi vụ án này có thể trở thành tiền lệ pháp cho các tranh chấp phát sinh tại những cơ quan đại diện của các Bộ, ngành... sau này khi Tòa xác định tư cách tham gia tố tụng.