Hôm trước mình có đăng tải một bài về "Khủng hoảng hiện sinh " lên trên nền tảng ứng dụng đọc này. Chỉ sau một ngày mà đã nhận được hàng trăm lượt quan tâm từ các bạn đọc giả. Hiện mình đang có 45 bài biên bút trên đây, trong đó có 5 bài là lượng view cao đột biến. Tức là cứ 9 bài viết thì sẽ xuất hiện một bài may mắn được quan tâm đông hơn, tỷ lệ các bài tạm gọi là "thành công" chiếm khoảng 11%. Tuy không nhiều, nhưng cũng là niềm vui cho một cây bút mới ngoài hai mươi như mình.
Cũng gần đây, mình nhận được các phản hồi, câu hỏi, bình luận để "mời" mình tham gia tranh luận về các vấn đề mà họ quan tâm hướng tới, hoặc chỉ đơn giản là muốn phản biện lại các lập luận trái chiều. Mình vui vì càng lúc môi trường, không gian tranh luận trên mạng Xã hội trở nên văn minh và có chủ đích chính đáng hơn.
Trường hợp để mình thật sự nghiêm túc "vào cuộc" là rất hiếm. Vì mình phải xét xem chuyện đó có hội tụ đầy đủ các chứng cứ ngoại vi, khách quan, hay mức độ nghiêm trọng đáng để mình nhọc sức hay không. Mà để có được khách quan thì buộc đối phương phải có một cái tâm thuần khiết. Tức là, lý do mà họ tranh luận cốt là để muốn biết thêm sự thật, lẽ phải. Hoặc để củng cố lại một số niềm tin mà họ đã theo, dựa trên nền tảng xây dựng lành mạnh. Chứ không phải vì ham thích danh lợi hay muốn hạ thấp người khác mà tham gia.
Mình thường từ chối tranh luận trước những người chỉ biết đem các thiên kiến, quan điểm cá nhân ra làm tôn chỉ của cuộc nói chuyện, mà không quan tâm đến việc cùng nhau mưu cầu về một chân lý, sự thật, hay lẽ phải đáng để theo đuổi. Chuyện mà lẽ ra nên đặt làm mục đích của việc tranh luận thay vì cứ thể hiện ra cái bản ngã của mình, một việc làm mà mình đánh giá là hết sức liều mạng và ấu trĩ. Vì nếu bạn thật sự ghét ai đó, bạn chỉ cần cho người đó cảm giác rằng họ mới là kẻ đúng nhất. Chỉ như thế thôi là bạn đã có thể hủy hoại cả một cuộc đời của họ (gián tiếp theo một cách nào đó) mà không cần nhọc công tốn sức.
Chung quy, trước khi ta bước vào các cuộc tranh luận, cần quan sát đối phương và sự kiện, biện biệt các vấn đề cho thật kĩ. Sau đó mới phát tiết ra những điều để giúp nhau "lớn lên". Tuy nhiên, dù trái chiều hay thuận chiều, dù tranh luận hay chọn cách không tranh luận. Thì ta cũng cần có hai nền tảng đạo đức khi phải đối diện hoặc lướt qua nhau.
Đó là tôn trọng, tôn trọng sự khác biệt. Và cuối cùng là lòng biết ơn, nếu thấy mình hơn họ thì phải biết đó là do may mắn. Nếu thấy mình thua họ thì phải nhận ra mình sẽ học được bài học nào đó, đường nào cũng hời, nên phải có lòng biết ơn và tôn trọng lẫn nhau.
Mai Văn Liêm
---
29/11
Biên tại vùng ngoại Ô của Thành phố.