Chẳng hiểu làm sao mà bắt đầu tiết văn của cô Dung hôm nay, lớp tôi có vẻ “rộn ràng” lạ thường! Tôi nhăn trán nghĩ ngợi một lúc, rồi hớn hở như vừa phát minh ra một sáng kiến có một không hai:
- Á..aaaaaaa! Hôm nay là thứ 7, và mai là ngày lý tưởng nhất tuần!
Mà điều quan trọng là tụi tôi vừa thoát khỏi 3 tiết “cực hình”: 2 tiết Lý của thầy chủ nhiệm và một tiết Toán của cô đang mang bầu nên hơi khó tính.
Chả cần phải nói thì ai cũng biết giờ văn là khoảng thời gian quý giá để chúng tôi - những đứa học chuyên khối nâng cao: toán, lý, hóa, sinh ... xả hơi tẹt ga.
Ảnh Internet
Được cái là cô dạy văn lại hiền, hay cười, rất biết truyền cảm hứng cho cái lớp tập trung toàn “đấng siêu quậy” như lớp tôi nên đứa nào cũng thích cô, thích giờ của cô. Ấy nhưng thích như thế là một chuyện, còn học ngoan ngoãn không lại là một “câu hỏi lớn không lời đáp”.
Trống vào học đã vang lên trước đó chừng 5 phút mà các đấng nam thanh nữ tú lớp tôi vẫn chạy nhảy, đùa giỡn tùm lum tứ tung, chả khác gì đang ra chơi.
- Cô vô, cô vô! Con Tâm “gà mái” la lên.
- Rầm...raaammmmm... Tránh ra! Tránh ra!
Đứa nào cũng cắm cổ lao về chỗ ngồi. Lớp học đang trong cái thế hỗn loạn “như chiến trường” thì cô đã bước vào.
Nếu cứ như những lần trước, cô bước nhanh lại giữa lớp, gật đầu chào, nở một nụ cười tươi tắn, rồi lại bàn giáo viên thì có lẽ “thế giới đã bình yên”. Lạ thay hôm nay, cô có vẻ đang không vui, mặt “cau cau” khiến đứa nào cũng “thin thít” nhìn nhau, trông mong một lời giải thích.
Thật không may cho lũ con trai chân dài mà chậm chạp, cô đã kịp túm lại mấy anh và “tặng” vài thước vào mông trước khi mời về chỗ ngồi. Cô nhìn khắp lớp, vẻ giận lắm.
Hòa bình chưa kịp lập lại, bỗng dưng lớp trưởng Tiên Điền (bạn ấy tên Tiên, Điền là tên bố. Đó cũng là trào lưu gọi tên của lớp tôi) đứng phắt dậy:
- Thưa cô, cho em đi xin phấn cho lớp cái ạ!
Cả lớp nín thở nhìn Tiên Điền, rồi cúi đầu căng thẳng.
Dũng Xỉu - Luffy mũ rơm lẩm bẩm:
- Sao mà ngu thế không biết, ai bảo nó đi xin phấn vào giờ phút định mệnh này hả trời?” Rồi nó thở dài, lắc đầu y chang ông cụ non. Còn chúng tôi, đã “sẵn sàng” tâm lý nghe cô “giáo huấn”.
Lạ thay, cô đồng ý cho Tiên Điền đi xin phấn và kết thúc mọi chuyện ở đó. “Hòa bình” trở lại.
Khoảng 5 phút sau, lớp trưởng Tiên Điền trở về với cái mặt đỏ gay, đầu cúi cúi bước vào lớp. Tưởng vì nó ngại cô nên vậy và sẽ mang phấn lại bàn rồi lặng lẽ mà rút, nào ngờ nó vừa đi vừa phát ngôn luôn thế này:
- Em thưa cô, đến là chết nhục!
Cả lớp cười sặc sụa sau câu nói của Tiên Điền, nhưng thấy cô nghiêm nét mặt nên chúng tôi cố kiềm chế lại. Mấy đứa trót “thả phanh” rồi, không kịp hãm nữa đành ngậm ngùi cúi xuống gầm bàn, xả tiếp một cách “nghệ thuật”, cười không thành tiếng.
Cô nhìn Tiên Điền và chỉ nói một câu: “Em hãy suy nghĩ kĩ xem mình có nên nói như vậy không”, rồi tha thứ cho tội lỗi ngô nghê của nó và sự nông nổi của cả lớp tôi. Đó là bài học mở đầu cho tiết văn.
Tiết học trở về bình thường như ngày xưa với “hào khí” vui vẻ của cả cô và trò.
Cô mở đầu bài học bằng câu hỏi:
- Anh (chị) hãy kể tên một số tác phẩm văn học hồi lớp 9?
Du lác giơ tay, nhanh nhảu phát biểu:
- Thưa cô, tác phẩm Làng của Kim Lân, Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng, Lặng lẽ Sa Pa của.... của... Lý Thành Long ạ!
“Dấu hiệu của fan phim chưởng đây mà!” - Một đứa trong lớp vừa cười vừa nói.
Thay vì nói Nguyễn Thành Long thì nó đã biến một tác phẩm văn học lãng mạn Việt Nam thành truyện chưởng Trung Quốc có diễn viên Lý Thành Long rồi. Cả lớp được dịp cười vỡ bụng.
Giảng xong bài, cô Dung lại kể chuyện. Đôi mắt đen láy của cô cứ hấp háy cùng giọng nói rõ rành, thân mật rất duyên khiến cả lớp tôi, từ đứa nghịch nhất đến đứa hiền nhất đều nghển cổ lên nghe, rồi cười khoái trá.
Cô Dung kể về thằng cháu 5 tuổi của cô, con một gia đình có điều kiện. Cô nói nó rất thích đọc sách và thông minh, biết rất nhiều thứ. Rồi với khuôn mặt suy tư, cô nói :
- Ngày nay là thế đấy các em, tuổi thơ của cô, của các em làm gì được như thế đúng không?
Cô ngừng một lát, cười rồi nói tiếp:
- Tuổi thơ của chúng ta chỉ là “suốt ngày bắt đỉa dìm vôi” thôi !
Tôi hiểu rằng, sau cái nét suy tư và câu nói hài hước đó là cả một tuổi thơ khó nhọc, đầy ắp kỉ niệm của cô. Cái câu “bắt đỉa dìm vôi” làm cả lớp cười nghiêng ngả, còn tôi cũng ngả nghiêng không sao dừng lại được. Trong đầu tôi lại hiện lên hình ảnh tôi cùng lũ bạn mỗi chiều đi chăn trâu, bắt đỉa để “dìm vôi” như cô nói, rồi lại treo hồn ngược cành cây.
Ai cũng có một tuổi thơ với những kí ức vui buồn khác nhau. Nhưng với những đứa trẻ mục đồng nhà quê như chúng tôi, kỉ niệm không bao giờ thiếu được những ngày chăn trâu cắt cỏ, “bắt đỉa dìm vôi”. Những tiết văn của cô Dung dạy chúng tôi cứ tự nhiên và nhẹ nhàng như thế.