Khi nhắc đến Giáo Hội Công giáo, nhiều người thường hình dung nó như một thế giới tâm linh, nơi mọi quyết định được soi rọi bởi đức tin và thần học. Nhưng thực tế, phía sau những bức tường thành cổ kính của Vatican, chính trị mới là yếu tố chi phối chính. Tại đây, các Hồng y quyền lực vận động hành lang, thương lượng, thỏa hiệp, thậm chí đấu đá để quyết định ai sẽ trở thành người kế vị Thánh Peter. Suy cho cùng, Giáo Hoàng hay các Hồng Y cũng là con người. Họ có quyền lực trong đời này, nhưng khi đứng trước Chúa, dù là Giáo Hoàng hay một tín hữu bình thường, tất cả đều được phán xét như nhau. Không có ưu tiên nào ở đời sau cho các vị chức sắc trong Giáo Hội công giáo cả.
Dẫu vậy, không thể phủ nhận rằng chức vụ Giáo Hoàng có ảnh hưởng sâu rộng đến chính trị và xã hội toàn cầu. Là lãnh đạo tinh thần của 1,39 tỷ tín hữu, ảnh hưởng của Giáo Hoàng thậm chí sánh ngang với tổng thống Mỹ hay Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Vì thế, việc bầu chọn Giáo Hoàng không chỉ là một nghi thức tôn giáo, mà còn là sự kiện mang tầm vóc lịch sử, nơi đức tin và chính trị đan xen, nơi các thế lực đối lập cạnh tranh để đưa người của họ lên ngai vị này. 
Suốt 2000 năm qua, đã có những cuộc bầu cử đầy tranh cãi, những Giáo Hoàng bị ép thoái vị, những ứng viên bị loại bỏ ngay trong mật nghị, thậm chí có truyền thuyết rằng từng có một nữ Giáo Hoàng trước khi sự thật bị che giấu. Vậy làm thế nào một người có thể trở thành Giáo Hoàng? Điều gì thực sự diễn ra sau cánh cửa khép kín của Mật nghị Hồng y? Liệu Vatican có toàn quyền quyết định, hay vẫn chịu sự chi phối từ những thế lực bên ngoài?
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau bước vào thế giới bí ẩn ấy, để cùng nhau khám phá từ những quy định nghiêm ngặt của Giáo Hội về việc bầu chọn Giáo Hoàng, đến những cuộc đấu đá ngầm, những kỳ bầu cử gây chấn động lịch sử, và cả những nhân vật đã thay đổi cục diện Giáo Hội Công giáo.

Phần 1 - Giáo Hội đã hình thành như thế nào?

Để tìm hiểu về những câu chuyện phía trong các bức tường của Tòa Thánh, trước tiên chúng ta cần phải đi qua một chút về nguồn gốc của Giáo Hội, cũng như vai trò của họ trong đời sống Công Giáo. Có lẽ nhiều người ngoại đạo không biết rằng, Giáo Hội đã tồn tại từ hơn hai nghìn năm trước, ở thời điểm Chúa Jesus còn giảng dạy trên vùng đất Palestine.
Trong số các môn đồ của Ngài, có một người ngư phủ tên là Simon, con trai của Yohna. Ông không xuất thân từ tầng lớp quý tộc hay học giả, mà chỉ là một người đánh cá bình thường ở biển Galilee. Tuy nhiên, Simon lại là một trong những môn đồ trung thành nhất của Chúa Jesus. Một ngày nọ, Chúa Jesus nói với ông một câu đã trở thành nền tảng của cả Giáo Hội Công giáo sau này:
"Ngươi là Peter, và trên tảng đá này, Ta sẽ xây dựng Hội Thánh của Ta. Cửa địa ngục sẽ không thắng được nó. Ta sẽ trao cho ngươi chìa khóa Nước Trời: điều gì ngươi cầm buộc dưới đất, trên trời cũng sẽ cầm buộc; điều gì ngươi tháo gỡ dưới đất, trên trời cũng sẽ tháo gỡ."
Gustave Brion, JESUS AND PETER ON THE WATER (JESUS ET PIERRE SUR LES EAUX ), 1863
Gustave Brion, JESUS AND PETER ON THE WATER (JESUS ET PIERRE SUR LES EAUX ), 1863
Lời nói ấy là một tuyên bố có ý nghĩa qua trọng, đặt nền móng cho một hệ thống quyền lực kéo dài suốt hơn hai thiên niên kỷ, đó chính là Giáo Hội Công Giáo. Chính Chúa đã chọn Peter làm người lãnh đạo của Hội Thánh, vị Giáo Hoàng đầu tiên.
Sau khi Chúa Jesus bị đóng đinh và phục sinh, Peter trở thành người đứng đầu nhóm các tông đồ, lãnh đạo cộng đồng tín hữu sơ khai. Ông đến Roma, lúc bấy giờ là trung tâm quyền lực của thế giới, để rao giảng Tin Mừng. Nhưng dưới triều đại Hoàng đế Nero – một trong những hoàng đế La Mã đàn áp Cơ Đốc giáo khét tiếng nhất – Peter bị bắt và bị kết án tử hình. Theo truyền thuyết, ông chọn “được” đóng đinh ngược trên cây thập giá vì cho rằng mình không xứng đáng chết theo cách giống như Chúa của mình.
Sự hành hình của Thánh Peter - tranh của Michelangelo
Sự hành hình của Thánh Peter - tranh của Michelangelo
Nơi ông bị hành hình sau này chính là địa điểm thiêng liêng nhất của Giáo Hội Công giáo: Vương cung thánh đường Thánh Peter – biểu tượng quyền lực của Vatican. Và từ đó, những người kế vị ông tiếp tục lãnh đạo Giáo Hội, được gọi là Giáo Hoàng.
Vậy làm thế nào một người có thể trở thành Giáo Hoàng? Không phải do cha truyền con nối. Một Giáo Hoàng cần phải được bầu để đảm bảo là người xứng đáng nhất lãnh đạo Giáo Hội tới con đường truyền bá đức tin lên toàn thế giới. Và đó là nơi cuộc chiến thực sự bắt đầu. Các hồng y, những người có quyền lực trong Giáo Hội chỉ sau Giáo Hoàng, sẽ tụ họp với nhau để bầu ra Giáo Hoàng tương lai, ngay sau khi Giáo Hoàng cũ qua đời. 
Chương tiếp theo, chúng ta sẽ cùng bước vào Mật nghị Hồng y – nơi một Giáo Hoàng sẽ nhận được chức vụ của mình, để tìm hiểu về quy trình bầu chọn Giáo Hoàng đầy thú vị của tòa thánh.

Phần 2 - Quy trình bầu chọn Giáo Hoàng - Mật nghị hồng y

Khi một Giáo Hoàng qua đời – hoặc trong trường hợp hiếm hoi, từ chức – các vị Hồng y trên khắp thế giới sẽ được triệu tập về Nhà nguyện Sistine. Đây là sự kiện quan trọng bậc nhất của Giáo Hội Công giáo, nơi các Hồng y cùng nhau chọn ra vị lãnh đạo tối cao mới.
Nhà nguyện Sistine, nơi diễn ra Mật nghị hồng y
Nhà nguyện Sistine, nơi diễn ra Mật nghị hồng y
Khi Mật nghị bắt đầu, cánh cửa Nhà nguyện Sistine khép lại. Mọi liên lạc với thế giới bên ngoài đều bị cắt đứt. Không điện thoại, không thư từ, không có sự liên lạc bên trong và bên ngoài. Các Hồng y bỏ phiếu kín, và một ứng viên chỉ có thể trở thành Giáo Hoàng nếu đạt được ít nhất hai phần ba số phiếu. Nếu chưa có kết quả, lá phiếu sẽ bị đốt cùng hóa chất để tạo ra khói đen, báo hiệu rằng thế giới vẫn phải chờ đợi. Phải tới khi khói trắng bốc lên, điều đó có nghĩa là một Giáo Hoàng mới đã được chọn. Chứng nào các ứng viên vẫn chưa đạt đủ 2 phần 3 số phiếu, thì Giáo Hoàng vẫn chưa được chọn, và các cuộc bỏ phiếu sẽ phải lặp lại. Có thời điểm mà Mật nghị hồng y tổ chức tới hai năm liền mà vẫn chưa bầu được Giáo Hoàng.
Về lý thuyết, bất kỳ người nam Công giáo nào cũng có thể trở thành Giáo Hoàng. Nhưng trong thực tế, nếu không phải là một Hồng y thì cơ hội của bạn gần như bằng không. Trong hơn sáu thế kỷ qua, chỉ những thành viên của Hồng y đoàn mới được bầu chọn. Và ngay cả khi đã khoác tấm áo đỏ, điều đó cũng không đồng nghĩa với việc bạn đã nắm chắc trong tay quyền kế vị Thánh Peter.
Muốn trở thành Giáo Hoàng, một người không chỉ cần đức hạnh và lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa. Ấy là bởi vì Giáo Hoàng không chỉ là một nhà giảng dạy đức tin. Trong suốt lịch sử, có những Giáo Hoàng đã trở thành những chiến lược gia vĩ đại, những nhà ngoại giao tài ba, thậm chí là những người kiểm soát cả chính trị thế giới. Họ từng có quyền phong vương, tuyên chiến, can thiệp vào vận mệnh các quốc gia. Vatican dù chỉ rộng chưa đầy 1 km², nhưng sức ảnh hưởng của nó trải rộng trên toàn cầu.
Vì vậy, để trở thành một Giáo Hoàng, một hồng y còn phải có sự ủng hộ từ các phe nhóm trong Hồng y đoàn, cùng với một đường lối rõ ràng có thể thuyết phục được nhiều Hồng y nhất. Thông thường, những ứng viên tiềm năng là người đã kinh qua các vị trí quan trọng như đứng đầu một tổng giáo phận lớn hoặc nắm giữ những vai trò chiến lược trong Giáo triều Roma. 
Trong suốt thời gian Mật nghị hồng y được tổ chức, những cuộc trao đổi kín liên tục diễn ra. Các Hồng y thương lượng, tìm kiếm liên minh, thỏa hiệp để đưa một ứng viên lên hoặc loại một ứng viên khác xuống. Có những người bước vào Mật nghị với sự ủng hộ lớn của nhiều hồng y, nhưng cuối cùng lại bị gạt bỏ. Ngược lại, có những người tưởng chừng không có cơ hội, nhưng rồi lại trở thành lựa chọn duy nhất có thể dung hòa các phe phái.
Nhưng mà mật nghị hồng y cũng không hẳn là hoàn toàn bí mật. Đã có thời điểm, những thế lực bên ngoài tìm cách tác động đến kết quả bầu cử. Năm 1958, từng có tin đồn rằng CIA can thiệp vào Mật nghị để ngăn một Giáo Hoàng có lập trường cứng rắn với chủ nghĩa cộng sản lên ngôi. Tôi sẽ nói rõ về sự kiện này trong chương sau.

Phần 3 - Phe phái trong Giáo Hội

Lần duy nhất mà một Giáo Hoàng được bầu chỉ vì ông ấy có đức hạnh và lòng tin tuyệt đối vào Chúa, thì trớ trêu thay đó lại là một sai lầm lớn của Giáo Hội. Chuyện này sẽ được nói chi tiết ở chương 5. Thời nay, người ta bầu Giáo Hoàng vì ông ấy đại diện cho điều gì đó, một lý tưởng, một lời hứa cho tương lai của Giáo Hội. Bên trong Vatican, luôn tồn tại hai luồng tư tưởng đối đầu nhau: bảo thủ và cải cách.
Phe bảo thủ tin rằng Giáo Hội đã tồn tại hàng nghìn năm nhờ vào sự ổn định của giáo lý và truyền thống. Với họ, những nguyên tắc căn bản của Công giáo là bất biến, bất kể thế giới ngoài kia có thay đổi ra sao. Họ phản đối mọi cải cách có thể làm lung lay nền tảng đức tin, đặc biệt là những vấn đề mang tính xã hội và đạo đức như hôn nhân đồng giới, quyền phá thai hay vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội. 
Hồng y Raymond Burke, một trong các hồng y tiêu biểu với tư tưởng bảo thủ
Hồng y Raymond Burke, một trong các hồng y tiêu biểu với tư tưởng bảo thủ
Những người theo đường lối này thường mong muốn một Giáo Hoàng cứng rắn, có lập trường kiên định, không dễ thỏa hiệp trước áp lực từ bên ngoài. Một trong những nhân vật tiêu biểu của phe bảo thủ là Hồng y Raymond Burke – cựu Tổng trưởng Tối cao Pháp viện Vatican. Ông là một trong những người chỉ trích mạnh mẽ Giáo Hoàng Francis, đặc biệt trong các vấn đề về hôn nhân và giáo lý. Burke cũng phản đối những động thái của Vatican trong việc nới lỏng quy định về người ly hôn và tái hôn trong Giáo Hội, coi đó là dấu hiệu của sự suy yếu.
Tầm nhìn bảo thủ cũng từng thống trị Vatican suốt nhiều thế kỷ, với những Giáo Hoàng có lập trường cứng rắn như Piô IX, người đã công bố tín điều "Giáo Hoàng bất khả ngộ" vào năm 1870, hay Giáo Hoàng Piô XII, người giữ thái độ dè dặt trước những thay đổi xã hội trong Thế chiến II. Nhưng có lẽ gần đây nhất, đại diện tiêu biểu nhất cho phe bảo thủ chính là Giáo Hoàng Biển Đức XVI. Ông luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo lý truyền thống và chống lại những thay đổi có thể làm suy yếu Giáo Hội. Việc ông từ chức vào năm 2013 được coi là một bước ngoặt lớn, tạo cơ hội cho phe cải cách vươn lên.
Ngược lại với phe bảo thủ, phe cải cách tin rằng nếu không thích nghi, Giáo Hội sẽ dần mất đi vị thế trong xã hội hiện đại. Họ muốn Công giáo trở nên minh bạch hơn về tài chính, cởi mở hơn trong các vấn đề xã hội, chấp nhận những tiến bộ khoa học và công nghệ, đồng thời cải tổ cơ cấu để phù hợp với thế kỷ 21.
Giáo hoàng Francis, một Giáo hoàng cải cách nổi bật
Giáo hoàng Francis, một Giáo hoàng cải cách nổi bật
Những người theo đường lối này cho rằng Giáo Hội không thể tiếp tục xa rời thực tế cuộc sống, đặc biệt là với giới trẻ – nhóm đang ngày càng rời xa tôn giáo. Họ ủng hộ một Giáo Hoàng có tư duy linh hoạt, sẵn sàng đối thoại với thế giới thay vì khép kín trong những quy tắc xưa cũ.
Gương mặt tiêu biểu nhất của phe cải cách chính là Giáo Hoàng Francis. Ngay từ khi lên ngôi, Francis đã thực hiện hàng loạt cải cách mạnh mẽ: thanh lọc tài chính Vatican, đơn giản hóa các nghi thức trong Giáo Hội, và đặc biệt là có thái độ cởi mở hơn với các vấn đề như đồng tính luyến ái, vai trò của phụ nữ và công bằng xã hội. Ông từng gây chấn động khi nói về người đồng tính rằng:
"Nếu một người đồng tính tìm kiếm Chúa với lòng thành, tôi là ai mà dám phán xét họ?" 
Mặc dù Giáo Hoàng Francis đã tạo ra những cải cách tích cực và nhận được sự ủng hộ lớn trong Giáo Hội, nhưng phe bảo thủ vẫn rất mạnh, và họ đang chờ đợi một cơ hội để giành lại quyền lực. Những cái tên như Hồng y Robert Sarah hay Hồng y Raymond Burke vẫn là những nhân vật có ảnh hưởng lớn. Trong khi đó, phe cải cách đang nỗ lực thúc đẩy những thay đổi sâu rộng, với hy vọng Giáo Hội sẽ không bị tụt lại trong một thế giới không ngừng biến động.

Phần 4 - Những quyền lực ngầm

Cấu trúc 2 phe chỉ là bề nổi. Vatican không chỉ có hai phe bảo thủ và cải cách, mà còn là sân chơi của những nhóm quyền lực đã tồn tại hàng thế kỷ – mỗi nhóm có tầm nhìn, chiến lược và tham vọng riêng.

4.1 Nhóm Hồng y Ý 

Có một thời, vị trí Giáo Hoàng gần như là đặc quyền của người Ý. Trong hơn 400 năm, từ thế kỷ XVI cho đến cuối thế kỷ XX, tất cả các Giáo Hoàng đều đến từ nước Ý. Điều này không chỉ là truyền thống, mà còn là thành quả của một mạng lưới quyền lực ăn sâu bám rễ vào Giáo triều Rôma, nơi các Hồng y Ý kiểm soát những vị trí quan trọng nhất của Vatican. Đến vị trí của tòa thánh còn nằm giữa lòng Roma cơ mà.
Thánh Giáo Hoàng John Paul II, Giáo Hoàng đến từ Ba Lan
Thánh Giáo Hoàng John Paul II, Giáo Hoàng đến từ Ba Lan
Nhưng rồi, năm 1978, một Giáo Hoàng không phải người Ý đã được bầu chọn – John Paul II, đến từ Ba Lan. Đây không chỉ là một bước ngoặt lịch sử, mà còn là cú sốc lớn với các Hồng y Ý. Họ mất đi sự thống trị, nhưng không có nghĩa là mất đi quyền lực. Đến nay, dù không còn độc quyền, họ vẫn kiểm soát nhiều cơ quan then chốt trong Giáo triều, có ảnh hưởng mạnh đến các quyết định tài chính và chính trị của Vatican.
Về mặt tư tưởng, Hồng y Ý có xu hướng bảo thủ. Họ đề cao tính truyền thống của Công giáo, phản đối những thay đổi đột ngột, và luôn tìm cách giữ Vatican trong quỹ đạo cũ – một Giáo Hội mạnh mẽ nhưng khép kín, không dễ dàng bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài. Nếu các bạn từng xem bộ phim Conclave, thì nhân vật hồng y Tedesco chính là một nhân vật đại diện cho các tư tưởng nhóm hồng y Ý.

4.2 Dòng Tên 

Nếu Hồng y Ý là thế lực truyền thống, thì Dòng Tên là kẻ nổi loạn trong lòng Vatican. Đây là dòng tu trí thức và quyền lực nhất Công giáo, nhưng cũng từng bị chính Giáo Hội đàn áp. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (cha Đắc Lộ), người đã góp công sáng tạo ra bộ chữ quốc ngữ trong tiếng Việt hiện đại, chính là một giáo sĩ Dòng Tên.
Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (cha Đắc Lộ)
Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (cha Đắc Lộ)
Năm 1773, Dòng Tên bị giải tán dưới áp lực của các vương triều châu Âu. Lý do? Họ quá mạnh, quá độc lập, và không dễ kiểm soát. Nhưng dù bị Vatican loại bỏ, họ vẫn tồn tại trong bóng tối, duy trì mạng lưới của mình, và chờ ngày trở lại.
Hơn một thế kỷ sau, họ được khôi phục. Và bước ngoặt lớn nhất của Dòng Tên là năm 2013, khi một tu sĩ Dòng Tên lần đầu tiên trở thành Giáo Hoàng – Francis. Đây không chỉ là chiến thắng của một cá nhân, mà còn là dấu hiệu cho thấy Dòng Tên đã giành lại vị thế trong Vatican.
Dòng Tên có xu hướng cải cách. Họ ủng hộ sự minh bạch, thúc đẩy vai trò của giáo dân, cởi mở hơn với các vấn đề xã hội. Họ là những người chủ trương hiện đại hóa Giáo Hội, làm cho Công giáo gần gũi hơn với thế giới đương đại. Nhưng chính vì thế, họ là cái gai trong mắt những thế lực bảo thủ.

4.3 Opus Dei 

Nếu Dòng Tên là "phe cách mạng", thì Opus Dei là tổ chức "bảo thủ ngầm". Thành lập vào năm 1928, Opus Dei có một mạng lưới rộng khắp, với các thành viên nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong tài chính, chính trị và Vatican.
Các tân linh mục của Opus Dei
Các tân linh mục của Opus Dei
Không giống như các dòng tu truyền thống, Opus Dei hoạt động kín đáo, thậm chí bí ẩn. Họ được đồn đoán là có khả năng tác động đến những quyết định lớn của Vatican, kiểm soát dòng tiền của Giáo Hội, và thậm chí tham gia vào Mật nghị theo những cách mà ít ai có thể tưởng tượng.
Tư tưởng của Opus Dei nghiêng về bảo thủ. Họ chống lại những cải cách có thể làm suy yếu truyền thống Công giáo, phản đối tự do hóa giáo lý, và luôn tìm cách duy trì ảnh hưởng của Vatican trong đời sống chính trị thế giới.
Vậy tất cả những điều này có nghĩa là gì?
Nghĩa là khi một Giáo Hoàng được bầu chọn, đó không chỉ là sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, mà còn là kết quả của những cuộc thương lượng, những thỏa hiệp, và đôi khi, những kế hoạch đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước. Một ứng viên có thể bước vào Mật nghị với cơ hội rất cao, nhưng rồi bị loại vì mất đi sự ủng hộ. Một ứng viên khác, tưởng chừng như vô danh, lại bất ngờ được chọn vì là phương án duy nhất mà các phe có thể đồng thuận.
Và đôi khi, những thế lực ngoài Vatican cũng tìm cách can thiệp.
Ví dụ như năm 1958, có tin đồn rằng CIA đã tác động đến kết quả Mật nghị để ngăn một Giáo Hoàng có lập trường cứng rắn với chủ nghĩa cộng sản lên ngôi.
Bầu chọn Giáo Hoàng không đơn thuần là một nghi thức tôn giáo. Nó là một ván cờ chính trị, nơi mà mỗi lá phiếu có thể thay đổi tương lai của cả Giáo Hội. Và khi cánh cửa Nhà nguyện Sistine đóng lại, tất cả những thế lực ấy đều tìm cách đưa người của mình lên ngai vàng Thánh Peter.

Phần 5 - Những lần bầu chọn bê bối

Trong suốt lịch sử Giáo Hội, có những lần bầu chọn suôn sẻ, nhưng cũng có những lần kết quả khiến cả Vatican rung chuyển.

5.1 Khi 3 Giáo Hoàng cùng tồn tại

Hãy quay ngược lại lịch sử, đến năm 1378 – thời điểm khởi đầu của một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà Giáo Hội từng trải qua: Đại Ly giáo Tây phương.
Năm đó, sau khi Giáo hoàng Gregory XI qua đời, các hồng y chịu áp lực lớn từ dân chúng Rôma, buộc họ phải bầu một giáo hoàng người Ý. Kết quả, Hồng y Bartolomeo Prignano lên ngôi với danh hiệu Giáo hoàng Urban VI. Nhưng thay vì giữ ổn định, ông nhanh chóng khiến nhiều hồng y bất mãn với phong cách lãnh đạo cứng rắn và những cải cách mạnh tay.
Chỉ vài tháng sau, một nhóm hồng y tuyên bố cuộc bầu cử bị ép buộc và chọn một giáo hoàng khác: Clement VII, lập triều đình tại Avignon, Pháp. Kể từ đây, Giáo Hội rơi vào tình trạng hỗn loạn chưa từng có với hai giáo hoàng cùng tồn tại (sau này là ba khi có thêm Giáo Hoàng Alexander V) mỗi người có một nhóm hồng y và quốc gia ủng hộ riêng. 
3 vị Giáo Hoàng - tranh thời trung cổ
3 vị Giáo Hoàng - tranh thời trung cổ
Phải mất gần 40 năm tranh chấp, Công đồng Constance mới có thể giải quyết bằng cách phế bỏ cả ba giáo hoàng đương nhiệm và bầu một vị mới – Martin V – chấm dứt cuộc khủng hoảng.

5.2 Khi CIA can thiệp bầu cử

Nếu cuộc khủng hoảng 1378 gây ra sự chia rẽ kéo dài suốt hàng chục năm, thì Mật nghị Hồng y năm 1958 cũng để lại những bí ẩn và nghi vấn mà đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.
Năm 1958, Chiến tranh Lạnh đang ở giai đoạn căng thẳng nhất. Chủ nghĩa cộng sản lan rộng khắp châu Âu, và Vatican lo ngại rằng Công giáo có thể bị đẩy lùi tại nhiều nơi trên thế giới. Trong cơn bão chính trị ấy, Hồng y Giuseppe Siri, một nhân vật bảo thủ cứng rắn, được nhiều người cùng phe kỳ vọng sẽ trở thành vị Giáo Hoàng hoàn hảo để đối đầu với Liên Xô. Và rồi, theo nhiều nguồn tin, Siri đã đạt đủ số phiếu để đắc cử. Nhưng rồi đến cuối cùng thì điều bất ngờ đã xảy ra: ông bất ngờ bị loại.
Hồng y Giuseppe Siri
Hồng y Giuseppe Siri
Lý do đằng sau sự “quay xe” này là gì? Có những giả thuyết cho rằng CIA và các cường quốc phương Tây đã can thiệp. Họ lo sợ rằng một Giáo Hoàng chống Cộng mạnh mẽ có thể làm gia tăng căng thẳng Đông – Tây, khiến Vatican rơi vào thế đối đầu trực diện với Liên Xô. Kết quả là Hồng y Angelo Roncalli – một nhân vật có tư tưởng cởi mở hơn – được chọn và trở thành Giáo Hoàng Joan XXIII.
Và điều đầu tiên ông làm khi lên ngôi là Triệu tập Công đồng Vatican II, đưa ra một loạt cải cách đã thay đổi toàn bộ Giáo Hội Công giáo, mở đường cho các xu hướng tự do hơn mà phe bảo thủ vẫn luôn cố gắng ngăn chặn.

5.3 Francis không ngờ mình lại đắc cử

Nếu Mật nghị 1958 có bóng dáng của CIA, thì Mật nghị năm 2013 lại là một trận đấu căng thẳng giữa các phe cánh trong nội bộ Vatican.
Lần này, Giáo Hội đối diện với một cuộc khủng hoảng khác: Giáo Hoàng Biển Đức XVI tuyên bố từ chức – một quyết định gần như chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Công luận đặt ra câu hỏi: Tại sao ông lại từ bỏ ngai vàng Thánh Peter? Có người nói là lý do sức khỏe, nhưng cũng có người cho rằng Giáo Hoàng đã không đủ khả năng để chịu được áp lực từ hàng loạt bê bối tài chính và tình trạng chia rẽ trong nội bộ Giáo Hội.
Mọi dự đoán khi đó đều xoay quanh hai ứng viên sáng giá: Hồng y Angelo Scola từ Ý và Hồng y Marc Ouellet từ Canada – cả hai đều là những nhân vật bảo thủ. Nhưng rồi, trong những vòng bỏ phiếu cuối cùng, một cái tên bất ngờ đã được xướng lên: Jorge Bergoglio – một Hồng y người Argentina, không nằm trong danh sách những ứng viên hàng đầu. Ông thậm chí còn không từ châu Âu mà còn đến từ châu Mỹ Latinh, lại còn là một tu sĩ Dòng Tên. Ông chính là Giáo Hoàng Francis.
Đây không chỉ là một cú sốc đối với giới quan sát, mà còn là một "cơn địa chấn" trong nội bộ Vatican. Một Giáo Hoàng Dòng Tên – dòng tu từng bị chính Giáo Hội đàn áp, dòng tu có truyền thống hoạt động độc lập và tư duy cải cách – nay lại nắm quyền lực cao nhất trong Công giáo.
Dù là lý do gì đi nữa, Giáo Hoàng Francis đã thay đổi Giáo Hội theo cách không ai có thể tưởng tượng.

Phần 6 - Những Giáo Hoàng kỳ lạ

Có những Giáo Hoàng lên ngôi mà ai cũng đoán trước được, nhưng cũng có những vị mà sự xuất hiện của họ khiến cả thế giới sững sờ. Một số bị ép rời bỏ ngai vàng, một số làm thay đổi lịch sử, và một số thậm chí có thể chưa bao giờ tồn tại… hoặc bị xóa khỏi lịch sử.

6.1 Giáo Hoàng Joan - Giáo Hoàng nữ duy nhất

Một trong những câu chuyện bí ẩn nhất là về Giáo Hoàng Joan, người phụ nữ được cho là đã trở thành Giáo Hoàng vào thế kỷ IX. Theo truyền thuyết, bà cải trang thành đàn ông, leo lên các cấp bậc trong Giáo Hội và cuối cùng được bầu làm Giáo Hoàng mà không ai hay biết về thân phận thật sự của mình. Nhưng rồi một ngày,bà mang thai và sinh con ngay trên đường phố Rôma trong một buổi rước kiệu. Đám đông phẫn nộ, và có nhiều giả thuyết về cái kết của bà: bị hành hình, bị lưu đày, hoặc đơn giản là bị Giáo Hội xóa khỏi lịch sử.
Tất nhiên, Vatican phủ nhận hoàn toàn câu chuyện này và coi Joan là một truyền thuyết. Nhưng có một điều kỳ lạ: suốt nhiều thế kỷ sau đó, trong nghi thức tấn phong Giáo Hoàng, luôn có một thủ tục kiểm tra để đảm bảo rằng ứng viên thực sự là nam giới. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay dấu vết của một sự kiện có thật? Không ai có thể khẳng định.
Bức tượng được cho là của Giáo Hoàng Joan ở Rome
Bức tượng được cho là của Giáo Hoàng Joan ở Rome

6.2 - Bi kịch của Giáo Hoàng Celestine V

Nếu Giáo Hoàng Joan là một bí ẩn, thì Giáo Hoàng Celestine V lại là một câu chuyện bi kịch. Bạn hãy tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông Thích Minh Tuệ được bầu làm chủ tịch hội đồng trị sự Giáo Hội phật giáo việt nam? 
Thánh Giáo Hoàng Celestine V
Thánh Giáo Hoàng Celestine V
Pietro Angelerio là một tu sĩ ẩn dật, không hề có tham vọng chính trị. Ông sống theo lối sống ẩn tu khổ hạnh trong một hang núi ở Morrone, thuộc vùng Abruzzo, nước Ý. Theo một số câu chuyện thì danh tiếng của ông truyền xa như một vị thánh sống, khiến người người ngưỡng mộ, mặc dù ông không muốn thế chút nào. Nhưng năm 1294, khi Mật nghị Hồng y kéo dài suốt hai năm mà không thể chọn được ai, các Hồng y quyết định bầu ông lên như một lựa chọn thỏa hiệp, vì ông là người đức hạnh.
Họ đã sai.
Tương truyền Pietro Angelerio khi nghe nói mình bỗng dưng “bị” làm Giáo Hoàng thì tỏ ra rất hoảng sợ và từ chối. Thậm chí ông còn định bỏ trốn. Nhưng về sau, do bị ép quá nên ông buộc phải đồng ý. Người ta kể rằng khi Pietro Angelerio xuống thành Rome nhậm chức, thay vì ngồi kiệu vàng và mặc lễ phục xa hoa thì ông cưỡi trên một con lừa và chỉ mặc một cái áo nâu tu sĩ đã cũ.
Celestine V không có khả năng lãnh đạo một bộ máy quyền lực phức tạp như Vatican. Ông rất ít nói và cực kỳ lúng túng khi phải đưa ra bất kỳ quyết định nào. Ông hoàn toàn xa lạ và ngây thơ với các phe phái và những âm mưu thủ đoạn trong nội bộ Vatican. Thế nên, chỉ sau 5 tháng, ông tuyên bố từ chức. Ông là Giáo Hoàng đầu tiên từng làm điều này. Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. 
Giáo Hoàng Boniface VIII, người kế vị ông, không muốn Celestine V sống tự do, vì lo sợ rằng các thế lực đối lập có thể lợi dụng ông để gây chia rẽ trong Giáo Hội.
Vì vậy, Celestine V bị bắt giữ và giam lỏng. Ông bị đưa đến một nhà tù trong lâu đài Fumone, một nơi ẩm thấp, lạnh lẽo, và hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài. Một ông cụ hơn 80 tuổi chẳng làm hại ai bao giờ phải sống trong cô độc và đau khổ suốt 10 tháng, tất nhiên không chịu nổi. Ông qua đời trong cảnh tù đày vào ngày 19 tháng 5 năm 1296, hưởng thọ 81 tuổi.
Nhiều ghi chép cho rằng ông chết vì bệnh tật và điều kiện sống khắc nghiệt, nhưng cũng có thuyết âm mưu cho rằng ông bị Boniface VIII ra lệnh sát hại để loại trừ hoàn toàn mối đe dọa.

6.3 - Phiên tòa xác chết – Khi một Giáo Hoàng bị xét xử dù đã chết

Nhưng nếu Celestine V rời đi trong im lặng, thì Giáo Hoàng Formosus lại trở thành trung tâm của một trong những sự kiện kỳ lạ và rùng rợn nhất trong lịch sử Giáo Hội: Phiên tòa xác chết (Synodus Horrenda).
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 896, sau khi Giáo Hoàng Formosus qua đời. Ông đã từng là một nhân vật gây tranh cãi với nhiều kẻ thù chính trị, đặc biệt là trong nội bộ Giáo Hội. Nhưng không ai có thể ngờ rằng, chỉ vài tháng sau khi qua đời, ông vẫn chưa được yên nghỉ.
Giáo Hoàng Stephen VI, người kế vị, ra lệnh khai quật thi thể đã phân hủy của Formosus, mặc áo lễ giáo hoàng và đưa ra xét xử trước một hội đồng hồng y. Đúng vậy, một phiên tòa thực sự, với bị cáo là một xác chết!
Le Pape Formose et Étienne VI, tranh vẽ bởi Jean-Paul Laurens, 1870
Le Pape Formose et Étienne VI, tranh vẽ bởi Jean-Paul Laurens, 1870
Trong phiên tòa kỳ dị này, một phó tế được chỉ định để "đại diện" cho Formosus và trả lời các câu hỏi từ tòa án. Formosus bị kết tội tiếm quyền và vi phạm luật Giáo Hội. Thi thể của ông bị lột bỏ phẩm phục, chặt ngón tay ban phước và bị ném xuống sông Tiber.
Nhưng cơn ác mộng này chưa kết thúc.
Vài tháng sau, chính Giáo Hoàng Stephen VI bị phế truất và giết chết trong một vụ đảo chính. Thi thể của Formosus sau đó được vớt lên, chôn cất lại, và Giáo Hội tuyên bố phiên tòa đó là vô giá trị. Nhưng sự kiện này đã làm lung lay niềm tin vào Giáo Hội và trở thành một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử Vatican.

6.4 - Francis - Giáo Hoàng cải cách

Và nếu nhắc đến những Giáo Hoàng đặc biệt, chúng ta không thể bỏ qua Giáo Hoàng Francis – một con người phá vỡ gần như mọi quy tắc của các Giáo Hoàng trước đó.
Là Giáo Hoàng Dòng Tên đầu tiên trong lịch sử, Giáo Hoàng Francis đến từ một châu lục hoàn toàn khác – Nam Mỹ, và ngay từ khi nhậm chức, ông đã từ chối mọi nghi thức xa hoa: ông không sống trong Cung điện Vatican, không đi xe sang, không mang giày đỏ truyền thống, và còn tự nấu ăn thay vì dùng đầu bếp riêng. Nhưng điều quan trọng hơn là ông thay đổi cả cấu trúc và tư tưởng của Giáo Hội Công giáo.
Francis thúc đẩy cải cách tài chính, chấn chỉnh Ngân hàng Vatican, tăng cường minh bạch. Ông đối thoại với cộng đồng LGBTQ+, nới lỏng lập trường về nhiều vấn đề xã hội, và mở ra cơ hội cho phụ nữ giữ vai trò lớn hơn trong Giáo Hội. Nhưng tất nhiên, ông cũng bị phản đối kịch liệt từ phe bảo thủ, những người tin rằng ông đang làm lung lay nền tảng của Công giáo. 
Phe bảo thủ căm ghét ông. Họ coi ông là một kẻ phá hoại, làm lung lay nền tảng Công giáo, và có những tin đồn rằng họ đang tìm cách thay thế ông càng sớm càng tốt.
Và bây giờ, câu hỏi lớn nhất là: Francis còn tại vị bao lâu nữa?
Tuổi tác và sức khỏe của ông đang trở thành một vấn đề. Ông đã phải nhập viện nhiều lần, nhiều lúc phải ngồi xe lăn, và ngay cả khi xuất hiện trước công chúng, sự mệt mỏi của ông ngày càng rõ rệt. Vatican liên tục phủ nhận tin đồn về việc sức khỏe của Francis đang diễn biến xấu, nhưng chúng ta đều biết rằng không có điều gì là chắc chắn. Nếu điều đó xảy ra, Giáo Hội lại bước vào một giai đoạn đầy biến động, nơi các phe phái sẽ tranh giành quyền lực một lần nữa.
Dù Francis còn tại vị bao lâu, một điều không thể phủ nhận: ông đã thay đổi Vatican mãi mãi. Một ngày nào đó, khói trắng sẽ lại bốc lên từ Nhà nguyện Sistine. Và khi đó, cuộc chiến giữa những người ủng hộ Francis và những kẻ muốn xóa bỏ di sản của ông sẽ bùng nổ.
-Morpheus-