Tiếp tục những câu chuyện trải nghiệm ở ngày đại học, hôm nay tớ kể về chuyện chán học, chuyện bỏ học của những sinh viên ngày còn “ngây thơ” nhé!
Một "câu chuyện" phổ thông
Một "câu chuyện" phổ thông

NHỮNG NGÀY CHÁN HỌC…

Kể lể ra thì sau 12 năm đèn sách, cày cuốc mãi, phân vân từ chuyện đi học, chọn trường, chọn ngành. Hàng tỉ tỉ thứ lo toan đều đã vượt qua, nỗ lực là thế mà cũng có ngày “chán học”.
Ở đây có ai từng như thế không? Chứ tớ chứng kiến nhiều người như thế. Từ bạn bè, anh chị em,… tâm sự chuyện chán học, rồi muốn bỏ ngang việc học hành. Ở lớp đại học của tớ, qua một hai năm đầu, đâu đó đã có khoảng mươi đứa nghỉ học giữa chừng. Tính ra cũng phải đến 12 – 13% sĩ số lớp. Số còn lại thì không đo được % đứa nào chán đứa nào không. Tâm sinh lý tuổi trưởng thành nó dở nắng dở mưa, thay đổi từng ngày đến mức gây khó chịu. Những ngày kỳ II năm thứ 3, tụi tớ ngồi than vãn chuyện học hành là quá đỗi bình thường. Trong đám đấy, có cả tớ. Hồi đấy không biết là chúng nó chán thật hay đùa, chứ ngồi đâu cũng thấy chuyện chán học.
Thế là có đứa chán từ khi bắt đầu, có đứa ở giai đoạn giữa giữa, có đứa đi gần hết chặng đường rồi vẫn chán. Cũng có đứa vừa học, vừa chán triền miên trong những năm dài đằng đẵng.
Nghe có vẻ là một câu chuyện tiêu cực á, nhưng mà thực tế vô cùng. Rõ ràng trong số mấy đứa chán học ấy, có đứa vẫn lựa chọn tiếp tục bước đi, và cũng có đứa đã lựa chọn bỏ học. Thay đổi để tìm được một hướng đi đúng hơn cho bản thân thì tốt. Chứ khi chẳng lựa được, rồi cho dù tiếp tục học hay từ bỏ, vẫn để bản thân rơi vào trạng thái bất định, mất phương hướng.

CHÁN HỌC CŨNG CÓ NHIỀU KIỂU CHÁN HỌC

Nhiều cậu chán học kiểu: chán nghề, chán thầy cô, chán bạn bè, chán bản thân,… Nhưng mà ai lại thế? Nghe như kiểu trẻ con té ngã rồi khóc ăn vạ ý!
Gì chứ có nhiều lý do dẫn đến việc chán học lắm.
Điểm cộng cho tất cả mấy đứa chán học là chúng nó đã nhận ra sự chán, chí ít là cũng khám phá thêm chút về bản thân rồi. Nhưng nếu mà hỏi là có nên chán sớm quá hay không? Tớ không biết! Nếu như mình đưa ra kết luận quá sớm trong khi trải nghiệm chưa đủ, thì chán học chưa chắc đã là chán học.
Có đứa thứ nhất đang đi trên đường, tự dưng nhìn thấy hào quang tỏa ra từ một con đường bên cạnh, sáng rực rỡ luôn. Quay xe! Thế là nó lựa chọn từ bỏ để chạy theo hướng đi mới mà nó thấy tốt hơn.
Có đứa thứ hai thì mới học năm nhất với mấy môn đại cương thì thấy ôi sao chán cái nghề. Ủa đã học chuyên ngành đâu?
Lại đứa thứ ba, nó thấy bản thân đã trải nghiệm đủ, thấu mình hiểu ta trong cái chuyện yêu học ghét hành lắm rồi. Cảm thấy sau này không theo cái nghề đang học, nên thành ra chẳng còn hứng thú nhiều nơi giảng đường. Riêng cái đứa này, tự nó mò mẫm ra được đường đi nào phù hợp, chẳng cần lo lắng nhiều.
Đứa bốn rồi, sẽ giống kiểu của tớ, từng chán học vì muốn nhanh nhanh chóng chóng ra trường, còn đi làm kiếm tiền. Nhiều đứa trong số này còn vì quá ham kiếm tiền và bỏ bê việc học vì cho rằng không cần thiết. Nhưng tớ thì vẫn cố gắng học hành cho cẩn thận một tí, không để điểm tốt nghiệp thấp quá. Ơ nhưng mà kể tới đây, tự dưng tớ lại thấy tớ giống cả mấy đứa nhóm thứ năm.
Đến đây tớ gọi là mấy đứa, cái nhóm thứ 5 này là thấy bạn bè kêu chán học nó vô kêu cùng cho vui cửa vui nhà. Cùng nhau ca vang một tí không lại thấy bản thân lẻ loi đơn độc. Sợ nhất mấy đứa này vì quá khó tin!
Nói vậy, chứ tớ không quên mấy câu chuyện mà giờ nghĩ lại, tớ vẫn buồn. Bạn bè có đứa sướng đứa khổ. Có đứa bạn vất vả và thiệt thòi, gia đình không đủ điều kiện, bản thân chẳng lo nổi cho bản thân, chán quá vì bất lực, rồi bỏ học. Vài đứa “cả ngố” khác thì bị lừa đảo bởi người xấu, bởi đa cấp, sau này nhận ra thì quá muộn rồi. Báo về nhà một khoản nợ to đùng, rồi cũng chẳng còn tâm trí gì mà học hành nữa. À, báo nợ do chơi bời thì tớ không nói đến nhé.
Có vô vàn những câu chuyện khác về chán học, bỏ học. Nếu sau đó có thể tìm được định hướng tốt đẹp hơn thì ta gọi là kết quả. Nếu bỏ dở giữa chừng rồi vẫn bất định, chẳng hiểu được bản thân, không biết trôi dạt nơi nào, thì cá nhân cũng phải tự có trách nhiệm để đón nhận và xử lý hậu quả.

ĐỐI MẶT VỚI THỰC TẾ MỘT CÁCH TRỰC DIỆN!

Đây thực sự là câu chuyện dài và quan trọng: là chuyện cá nhân. Trước kia, bận rộn vì bản thân, tớ chẳng quan tâm nhiều đến mấy bạn nghỉ học trong lớp. Rồi có nhiều đứa đến giờ đang thành công trên con đường đã chọn, một số khác thì chẳng còn liên lạc với nhau.
Nếu có thể nghĩ sớm, nghĩ xa xôi. Hãy cố gắng lựa chọn một con đường phù hợp hơn, để có khả năng vững bước cao hơn. Tớ đã có một bài viết rất tâm huyết về chuyện học hay làm, chọn trường, chọn ngành. Tớ nghĩ nó có thể giúp cho những hậu bối sau khi đọc được hiểu bản thân hơn, hiểu về con đường phía trước hơn.
Ở một môi trường mới, hãy đọc nhiều, nghe nhiều về những cạm bẫy để tránh xa chúng. Chỉ có học hành, lao động mới có vinh quang, mới hái quả ngọt mà thôi! Chẳng có việc gì nhẹ nhàng cho tuổi 18, đôi mươi đang còn non kém vốn sống, trình độ mà thu về được lắm tiền nhiều của cả.
Khi mà bão giông chợt đến, việc tớ nghĩ đầu tiên là tìm cách tránh trú. Mục tiêu thực tế nhất là sau cơn giông ấy, chúng ta còn tồn tại. Tớ ví von như vậy bởi lẽ xúc cảm chán ghét bất chợt của thanh xuân giống như một con dao hai lưỡi. Đôi khi chúng mình dành nhiều năm bất định để tìm kiếm cho bản thân một đích đến, nhưng cũng tìm chẳng ra. Đâu đó ngoài kia vẫn có những người dù học hành xong xuôi, vẫn chẳng ngại ngần trải nghiệm. Họ vẫn thay công đổi việc thường xuyên, liên tục mà không quên nở nụ cười thật tươi với cuộc sống.
Sau này, khi đã trưởng thành hơn một chút, có được sự nhìn nhận tốt hơn, nghe về chuyện chán học của hậu bối, tôi đã nói gì? Không phải cuộc đời mình, tớ lo sợ dẫn mấy đứa nhỏ đi lạc. Tớ đã từng đưa lời khuyên cho những người chán học, những người muốn bỏ học. Nhưng không quên gửi gắm “Lời khuyên chỉ là lời khuyên, cuộc đời của ai người đó rõ nhất. Bản thân bạn hãy lắng nghe chính mình để đưa ra được hướng đi phù hợp nhất.”
Chán học là một chuyện, bỏ học là chuyện khác. Nếu bạn cảm thấy chán học và muốn dừng lại con đường mình đang đi. Hãy tự mình trả lời hai câu hỏi lớn nhất:

- Bạn nghỉ học vì thấy quá nhiều thứ không hợp:

Nghỉ học xong thì làm gì? Học tiếp hay làm gì? Học tiếp thì học gì mà làm thì làm gì? Bạn sẽ cảm thấy thật may mắn nếu có niềm tin vào một hướng đi mới và vững bước. Hãy tự tin mình chịu trách nhiệm được cho bản thân, sau này dù ra sao cũng chẳng hối hận.

- Áp lực từ niềm tin và kỳ vọng của những người thân thiết nhất:

Thực tế luôn chờ đợi! Bạn có dám đối mặt với gia đình & kỳ vọng của họ để tuyên bố dừng học giữa chừng không? Câu này sẽ dành cho những ai chịu áp lực rất nhiều từ mong muốn của gia đình. Không phải bố mẹ, ông bà nhà nào cũng tâm lý và ủng hộ con cái bằng mọi giá. Thước đo của thế hệ trước rất khác biệt. Thậm chí, họ đã hy sinh rất nhiều để có bạn của hiện tại. Bạn có nỡ không quan tâm?
Nếu cậu tự tin trả lời được hai vấn đề trên thì dù cậu lựa chọn thế nào, sau này cậu cũng sẽ vững bước với quyết định của mình. Hãy suy nghĩ thật kỹ càng chuyện này nhé! Vì giờ mới là chuyện chán học thôi, sau có chuyện chán làm nữa. Tha hồ…
Thắc mắc gì, rắc rối gì. Nói đi, tớ nghe!