Gần đây, mạng xã hội sục sôi vì một group có tên là “Flex đến hơi thở cuối cùng”, nơi để các anh hào, cao thủ thi nhau chia sẻ những thành tích “on the top”, “đỉnh của chóp”. Mới đầu vào nhóm, mình thấy khá vui vì cách những thành viên thể hiện thành tích khá hài hước, “bo cua” mượt mà, vì cái này không may nên được thành tích “ố-dè” như thế. Dần dà, số lượng bài viết cùng những thành tích tăng tiến không ngừng, mình dần nảy sinh những cảm giác khó chịu và nghi hoặc về bản thân, về giá trị của chính mình khi chẳng biết mình có gì để khoe, để “flex”. Mình nghĩ, không chỉ riêng bản thân mà sẽ có nhiều bạn cũng có cảm giác tương tự, vì ở đời thì ai chẳng muốn hơn người. Nhưng khi nhìn lại cuộc sống của hầu hết chúng ta, không tệ nhưng cái gì cũng bình thường, vậy giá trị của một cuộc đời, một con người nằm ở đâu? 
Nhìn nhận khách quan, mình thấy xu hướng nói về thành tích vượt trội của bản thân rất dễ hiểu, vì tâm lý con người là luôn muốn được tán dương, nghe những lời khen thưởng, được ngưỡng mộ và công nhận. Có nhiều người bắt nhịp trào lưu vì muốn “khoe” những điều hay ho của mình, cũng có người muốn tham gia một phong trào đang nổi cho vui, và nhiều nhân vật ưu tú "cất tiếng nói" để truyền cảm hứng cho mọi người theo đuổi ước mơ, khát vọng của riêng mình. Nếu mình có thành tích thì mình có tham gia “flex” không, mình nghĩ là không vì mình hiểu rõ việc khoe như vậy sẽ khiến bản thân sa vào tâm tham, mong cầu sự công nhận và khen ngợi từ bên ngoài đến nỗi mất đi sự nhìn nhận khách quan về bản thân. Nhưng cái chính là, mình chẳng có gì để khoe cả!!! :)))
Hiểu được tâm lý người khác khi tham gia phong trào, vậy tại sao chúng ta cảm thấy tự ti, ngờ vực, hoang mang và ganh tị khi người khác nói về thành tích của mình? Theo góc nhìn của mình thì đơn giản thôi, do bạn yếu! Yếu khả năng nhận thức năng lực và giá trị của bản thân. 
Cần phải nói rõ là chúng ta bị cuốn hút nhiều vào thành quả, thành tích như học trường nào, trải nghiệm ra sao, tài sản thế nào,... nhưng không nhìn sâu vào những nền tảng cùng nỗ lực không ngừng của những cá nhân xuất chúng để có được những điều đó. Như Đen Vâu đã rap, “người ta không quý con ong, mà người ta chỉ quý mật”. Một vận động viên phải ăn, ngủ, tập luyện, sinh hoạt khớp từng phút theo một lịch trình nghiêm ngặt trong suốt nhiều  năm trời để đạt được thành tích tốt nhất. Hay một du học sinh phải một thân một mình tại nước lạ, sáng học, tối làm, học khi người khác ngủ và hy sinh nhiều thú vui thường nhật để theo đuổi con đường học vấn,... Liệu bạn có thấy được cái giá họ phải trả cho những hình ảnh mang ra “flex” hay chỉ thấy được những lời ca ngợi cùng hàng chục ngàn reaction? Và khi đã biết cái giá cần trở, chúng ta có dám trả cái giá tương xứng cho những khát khao cao vợi đó hay không? Khi hiểu rõ được quy luật cuộc đời là mọi thứ đều có một cái giá tương xứng, bạn sẽ bình tĩnh hơn một chút khi đối diện với những bài post hào nhoáng đó. 
Lời bài hát Hai Triệu Năm. Nguồn: Internet
Lời bài hát Hai Triệu Năm. Nguồn: Internet
Nhưng, đó chỉ là một cách tiếp cận bề nổi. Cái chính cho những cảm giác khó chịu nảy sinh vẫn đến từ bản thân, khi chúng ta ít khi nào dành thời gian để đánh giá năng lực bản thân cùng điều mình có thể, muốn và cần làm cho cuộc đời mình. Mình nghĩ sẽ có một kịch bản quen thuộc với hầu hết mọi người là sống một cuộc đời làng nhàng, sáng mang cặp đi cho kịp chấm công, làm đủ 8 tiếng, quét vân tay rồi phóng về. Tối cắm mặt lướt mạng xã hội, lâu lâu đi cà phê chém gió với bạn bè, phim hay mới ra thì cày luôn cho nóng,... Đến hôm sau thì lặp lại như vậy cho đến khi vài năm vụt trôi. Công việc thì không tốt cũng không tệ, vẫn có lương đủ sống nhưng cũng chẳng vui như trước vì chẳng phát triển gì. Rồi cũng dần chẳng biết mình tốt gì, yếu chi, miễn sao xong việc là được rồi. 
Nhưng khi thấy người ta “flex”, những “nhân vật theo mẫu” trong “kịch bản thường thấy” bất giác giật mình, thấy cuộc đời mình vô giá trị quá rồi đặt ra vài mục tiêu thay đổi bản thân, theo đuổi ước mơ, vực dậy cuộc đời rồi lại bỏ dở giữa chừng. Cũng có những người không chấp nhận được sự thua kém của mình nên vạch lá tìm sâu, tìm điều không tốt để bình luận, phán xét để “biến” những người xuất sắc thành giống mình, cũng khiếm khuyết và đầy rẫy vấn đề, để cứu vớt lòng tự tôn đang bị sụt giảm theo số lượng cùng chất lượng bài đăng. 
Thêm một lý do nữa là, chúng ta hiếm khi thiết lập hệ quy chiếu phù hợp với giá trị và bản sắc của mình mà vẫn quen với việc được đánh giá, công nhận bởi người khác. Từ nhỏ đến lớn, chúng ta đã được “huấn luyện” bởi việc được đánh giá hay tự đánh giá qua chức vụ, danh tiếng, tài sản, bằng cấp,... Chính những quy chuẩn khắc sâu trong quá trình trưởng thành đã khiến mỗi người cảm thấy yếu kém khi thấy bản thân cách rất xa những tấm gương thành công không tưởng xuất hiện với tần suất dày đặc trên thang đo vô hình trong tâm thức. 
Bạn đang có một cửa hàng bán đồ ăn rất đông khách, bạn luôn dành sự tâm huyết, ân cần và chu đáo cho từng món ăn, cho từng người khách mình phục vụ. Suốt mấy năm trời, bạn vẫn rất tự hào và hạnh phúc với công việc này vì đem lại niềm vui, món ăn ngon cho mọi người, vừa kiếm được thu nhập nuôi sống bản thân, chăm lo cho gia đình. Nhưng bỗng nhiên, bạn lướt facebook và thấy người ta thi nhau share bài viết đi du lịch nước này, chinh phục đỉnh núi kia, hoàn thành mục tiêu nọ. Bỗng nhiên, bạn nhìn lại hàng năm trời miệt mài với bếp, với đồ ăn,... Rồi tự hỏi liệu mình có đang sống đúng không? 
Hay bạn là dược sĩ, phải trải qua nhiều năm học cùng quá trình thực tập để lấy được chứng chỉ hành nghề. Bạn mở được một nhà thuốc ở quê nhờ sự trợ giúp của bố mẹ và cũng hiện thực hóa ước mơ đem nhiều sản phẩm về cho bà con làng xóm, đỡ phải đi mười mấy cây số mới mua được thuốc khi cần. Bạn cũng thấy việc mình làm rất có ý nghĩa. Rồi bạn lại cảm thấy việc mình làm chẳng nghĩa lý gì khi chứng kiến người ta đi du học, làm công ty dược phẩm nổi tiếng và được tung hô trên mạng. 
Như mình đã chia sẻ ở trên, “flex” hay chia sẻ thành tích cá nhân là quyền tự do của mỗi người. Trước giờ, chúng ta vẫn thi nhau chia sẻ nhiều điều tích cực, hay ho, giá trị của mình lên mạng xã hội. Chỉ khác là, hiện đang có một nơi chốn để quy tụ và thúc đẩy nhu cầu đó mà thôi. Và vẫn có rất nhiều bài viết chia sẻ những câu chuyện ý nghĩa như cụ ông từng hai lần chống giặc ngoại xâm hay hình ảnh các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy hy sinh thân mình đón nhận được những phản hồi tích cực và gợi lên nhiều cảm xúc, giá trị cho người xem. Cái gì cũng có thời hạn của nó cả, chóng nở thì cũng chóng tàn, riêng giá trị thực thì sẽ tồn tại. Quan trọng là, chúng ta học được điều gì qua những hiện tượng nổi lên như vậy? Với mình, đó là bài học về cách sống cuộc đời của mình, tận dụng nguồn lực sẵn có và biết tự nhận thức giá trị bản thân tạo ra. Bởi lẽ, có hào nhoáng hay xuất sắc đến mấy, chúng ta vẫn là con người, mà đã là con người là “bất toàn”, không hoàn hảo và đầy khiếm khiết. 
Nói về cách sống, mình nghĩ bạn có thể tự hỏi chính mình bằng câu hỏi đơn giản "nếu phải tự đánh giá một cách riêng tư và khách quan, bạn dùng những tính từ gì để miêu tả cuộc sống bản thân hiện tại?" Đừng quan tâm đến những hình ảnh hay quy chuẩn từ bên ngoài, hãy tự đánh giá công tâm cuộc đời bạn đang dựng xây qua từng lựa chọn mỗi ngày. Và nếu thực sự cảm thấy không ổn, hãy thay đổi, kiên trì và nhẫn nại, nhỏ bé mà bền bỉ để dần dịch chuyển hướng đi cho cuộc đời mình. Đôi lúc, cảm giác ganh tị hay tự ti là lời nhắc quý giá cho những việc bạn muốn làm nhưng đã thoái thác hết lần này đến lần khác như chinh phục một giải chạy, học một kiến thức mới hay cải thiện kỹ năng chơi guitar,...
Nói về tận dụng nguồn lực hiện có để tạo ra giá trị, có hai hình tượng trong truyện tranh mà mình rất thích thể hiện rõ nét triết lý này. Một là Hoshiumi Korai, cầu thủ bóng chuyền đa năng với khuyết điểm “chết người”, LÙN! Nhưng chính nhờ sự đối diện thẳng thắn hạn chế của riêng mình, Korai đã mài giũa những vũ khí riêng biệt như nhảy cao, đỡ bóng, giao bóng, điều phối bóng và linh hoạt ở trên không. Nhờ đó, cậu chứng minh được ưu thế vượt trội giữa một rừng cầu thủ cao to và nắm trong tay quyền quyết định cục diện trận đấu. Dẫu nhỏ bé, Korai vẫn khiến người khác phải “ngước nhìn” và chọn lựa cậu trong cuộc chơi của người cao lớn. Và câu nói ấn tượng nhất của “gã khổng lồ tí hon” đối với mình là “tôi biết rõ là mình yếu, từ lâu rồi!”
“Gã khổng lồ tí hon” nhìn thẳng vào thiếu sót của bản thân mình (Chap 343).
“Gã khổng lồ tí hon” nhìn thẳng vào thiếu sót của bản thân mình (Chap 343).
Và một hình tượng nữa rất có ảnh hưởng đến mình là “chiến lược gia ác quỷ” Yoichi Hiruma với triết lý nổi tiếng là “tận dụng những quân bài mình được chia” trong bộ truyện Eyeshield 21. Khi đứng trước một trận đấu quan trọng với đội tuyển bóng bầu dục hàng đầu thế giới là Mỹ, Hiruma đã bị uy hiếp phải nhường cơ hội tham gia giải bóng bầu dục chuyên nghiệp NFL nếu đội tuyển Nhật giành chiến thắng. Trước sự ngỡ ngàng của đối phương, Hiruma đã thẳng thừng từ chối bởi lẽ đó là cơ hội duy nhất để anh đặt chân vào giải đấu đỉnh cao với khả năng hạn chế của mình. Với triết lý “tận dụng tối đa những gì mình có” thay vì đòi hỏi những điều “hoàn hảo”, Hiruma đã dẫn dắt đội tuyển bóng bầu dục THPT DEIMON DEVIL BATS với một dàn cầu thủ chỉ giỏi riêng biệt một lĩnh vực như chạy nhanh mà yếu nhớt, bắt bóng tốt nhưng chuyền bóng trật lất, có sức mạnh nhưng tốc độ bằng 0,...,một tập thể gồm những kẻ khiếm khuyết nhưng mang trong vòng khát vọng chiến thắng đến tận cùng chạm đến chức vô địch toàn Nhật Bản. 
"S<i>uốt cả cuộc đời, chúng ta không có thời gian để lãng phí cho việc đòi hỏi những điều mình không có. Chúng ta chỉ có thể tìm cách chiến đấu tốt nhất với những gì mình nắm giữ mà thôi". Hiruma nói với kẻ được mệnh danh là "thiên tài", Agon!</i>
"Suốt cả cuộc đời, chúng ta không có thời gian để lãng phí cho việc đòi hỏi những điều mình không có. Chúng ta chỉ có thể tìm cách chiến đấu tốt nhất với những gì mình nắm giữ mà thôi". Hiruma nói với kẻ được mệnh danh là "thiên tài", Agon!
Ừ thì, truyện tranh là vậy nhưng đời thì sao? Liệu có hình mẫu nào để các bạn tin rằng mình không cần quá giỏi, quá xuất chúng mà vẫn đem lại giá trị cho đời, cho người hay không? Với mình, câu chuyện của thầy giáo Trần Bình Phục là câu trả lời trọn vẹn cho sự tận hiến toàn bộ những gì mình có để “gieo trồng” giá trị cho tương lai. Xuất thân là một người lính, thầy Trần Bình Phục mang trong mình căn bệnh ung thư máu. Khi đứng giữa lằn ranh sinh tử, người thầy giáo suy ngẫm về điều mình muốn làm cho đời. Để rồi, bất chấp sự can ngăn của gia đình, cấp trên, đồng đội, thượng úy Trần Bình Phục quyết định lặn lội ra Hòn Chuối, một hòn đảo hoang sơ ở Cà Mau, thưa thớt người và phải di dân hai lần mỗi năm để tránh mưa bão. Thầy ra đó với ước vọng mang lại con chữ, thắp sáng tương lai cho mấy đứa nhỏ từng đói đến mức phải giành ăn với con chó, từng nghĩ chỉ biết đi câu để nuôi sống tấm thân là đủ, từng nghĩ cuộc đời chỉ quẩn quanh nơi hòn đảo nhỏ như cha mẹ chúng. Dưới điều kiện thiếu thốn đủ điều, “kỳ thị” con chữ, người thầy giáo phải lặn lội đi thuyết phục gia đình, năn nỉ các em đi học, dắt tay từng đứa nhỏ đến trường, cùng người dân và lực lượng chiến sĩ vác tay không hơn 500 tấn vật liệu lên núi để xây nên mái trường tươm tất. Để rồi, tương lai các em có thêm một niềm hy vọng, được thắp sáng bởi sự nỗ lực quên mình và tấm lòng bao la của người lính đã một lần suýt chết. Với thầy Phục, có lẽ chẳng bao giờ thầy nghĩ những việc mình làm là to tát, là lớn lao. Nhưng với tụi trẻ, thầy là người mở lối cho cả cuộc đời phía trước, để dám mơ ước được làm bác sĩ, cô giáo,... và với những người biết tới, như mình, đó là một tấm gương để sống tận hiến với những điều mình có. 
Nguồn: Wechoice Awards
Nguồn: Wechoice Awards
Khi nhìn lại cuộc đời mỗi người, giá trị không quyết định bởi điều ta sở hữu, tích lũy cho riêng mình. Thay vào đó, cuộc đời mỗi người có giá trị bởi những điều chúng ta cho đi, lan tỏa đến mọi người xung quanh. Mà để cho đi, bạn luôn có thể trao tặng những điều giản đơn nụ cười, sự lắng nghe hay lòng tốt chân thành. Dẫu vậy, sự cho đi vẹn tròn nhất cho cả bạn và người khác là dùng những năng lực riêng biệt của mình để kiến tạo những giá trị tích cực thay vì chạy theo quy chuẩn của người khác. Muốn vậy, bạn cần quan sát và hiểu rõ nguồn lực hiện có như nền tảng xuất thân, xu hướng tính cách, khả năng tài chính, mạnh - yếu của mình,... Để từ đó, bạn có thể lựa chọn môi trường, lĩnh vực, chuyên ngành để ươm mầm những tài năng chỉ riêng mình có gặt hái những thành quả giá trị cho chính bản thân và mọi người xung quanh. 
Nguồn: Internet
Nguồn: Internet
Như hôm rồi, mình có viết một bài về chủ đề hiểu rõ bản thân để chọn hướng đi phù hợp thì có được đóng góp một ý kiến là nếu muốn, mỗi người đều có thể phát triển và học hỏi mọi điều mình muốn. Đúng, mình đồng ý với góc nhìn này. Tuy nhiên, để làm tốt và đạt thành tựu, phải có tiềm năng và năng lực phù hợp. Như con chim cũng có thể học bơi nhưng không thể nào giỏi bằng con cá. Như bạn có khả năng may vá mà lại cứ miệt mài theo đuổi nghiệp kế toán thì lại hao mòn tài năng sẵn có. Khả năng là vô hạn nhưng trong giới hạn của thời gian và sức khỏe, chúng ta nên cân nhắc chọn điều mình có khả năng nhất để ươm mầm. Bởi lẽ, ai chẳng muốn mình được phát triển tốt nhất, phải không nào!?
Như mình, vẫn là một người vô danh, làm công ăn lương và sống một cuộc đời bình thường. Nhưng mình vẫn viết vì đó là điều mình có thể làm tốt và có thể lan tỏa giá trị tích cực đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp và những người xa lạ. Từ khi mình quyết định nâng “tần suất” ra bài đến nay, đã có gần 3,000 độc giả đọc bài cùng những lời bình luận động viên con đường mình theo đuổi. Với những “cây cao bóng cả” đã theo đuổi lâu năm trong nghiệp viết, đây là một con số rất chi là nhỏ bé. Dẫu vậy, mình đã được "tưởng thưởng" rất nhiều vì biết rằng bản thân đang mang lại đôi chút giá trị cho cộng đồng. 
Chung quy lại, dẫu thành tích cao vợi hay có khả năng “flex” siêu phàm, chúng ta đều là những thực thể “bất toàn” góp mặt vào guồng quay của xã hội cùng những quy luật chặt chẽ của đất trời. Dẫu đầy hạn chế và khiếm khuyết nhưng không có nghĩa là chúng ta không được quyền chọn lựa cách sống, cách cống hiến và cách đóng góp của riêng mình. Hành trình sống không nên là một cuộc đua hơn thua nhau mà là một hành trình nỗ lực không ngừng để mài giũa, hoàn thiện và phát triển chính mình. Để suốt hàng chục năm sống, sự “bất toàn” là một người bạn đồng hành giúp chúng ta soi chiếu và nỗ lực để tốt hơn, mỗi ngày.