Tôi có một chiếc áo thừa. Một chiếc áo đắt tiền, được mua về, thử một lần và xếp xó. Chiếc áo không hề hợp với tôi, cũng chẳng thể mặc với bộ đồ nào, nhưng đắt tiền. Nó ở đó, với hi vọng đầy phi lý rằng một ngày tôi có thể mặc được.
Tôi có quen một cô gái, một cô gái với niềm đam mê thiết kế. Bố mẹ cấm cản và bắt cô ấy theo học một trường kinh tế. Cứ thế đã ba năm, tới giờ tôi hỏi cô ấy, chị còn muốn học thiết kế không? Cô ấy bảo, muốn, nhưng chị đã lỡ mất ba năm đại học vào con đường kinh tế rồi. Cho dù chị chẳng thể học nổi những quy luật của thị trường, cho dù chị cực kì vui sướng khi tác phẩm thiết kể của mình đạt giải.

Buông bây giờ, có tiếc hay không?
Tôi có quen một chàng trai, một chàng trai với một mối quan hệ chẳng còn tình cảm. Mỗi buổi sáng, cậu sẽ nghĩ tới cả ngàn điều khiến cô ấy không phải là người thích hợp, cả trăm điều cô ấy đã làm khiến cậu tổn thương. Mỗi buổi tối, khi chuẩn bị bật điện thoại lên nói lời chia tay, cậu lại nghĩ tới ba năm thanh xuân đã dành cho mối tình này, tới những người bạn của chung hai người, tới độ tuổi quá muộn để kiếm tìm một người thực sự dành cho mình. Cho dù trái tim quá mỏi mệt để tiếp tục cố gắng, cho dù lời yêu thương quá giả tạo để có thể cất lên.

Buông bây giờ, có tiếc hay không?
/Trong kinh tế học vi mô, có một thuật ngữ gọi là “sunk cost", hay chi phí chìm, để chỉ những chi phí mình đã bỏ ra trong quá khứ và không thể lấy lại được. Vấn đề của sunk cost là, sức thu hút của nó quá lớn, lớn tới mức có thể nhấn chìm người ta vào những điều đã bỏ ra trong quá khứ, khiến họ quên đi lời tự vấn: Liệu lựa chọn ấy có thực sự ý nghĩa trong tương lai? Mà cái ý nghĩa của tương lai ấy, mới là hướng đi của một con đường đúng đắn./
Tôi chẳng dám nói với cô ấy, liệu ba năm bỏ ra, có là gì so với một đời bó buộc? Tôi chẳng dám nói với cậu ấy, liệu vài năm chậm trễ, có là gì so với một đời tự dối gian? Bởi vì tôi nhìn lại chính mình, cũng bao lần tự bảo “Lỡ theo rồi, cố nốt, dù biết là vô nghĩa". Bởi vì tôi nhìn lại chính mình, cũng bao lần tặc lưỡi “Bỏ thì thương, vương thì tội". Cho dù, đến cuối cùng, tự mình cũng trách, giá như bỏ sớm hơn, đã có thể dùng thời gian đó làm chuyện khác.
Cuối cùng thì, bạn ạ, kiên trì khác với chịu đựng.
Kiên trì là dù trải qua những khó khăn, cãi vã, vẫn trân trọng người ấy, vẫn cố gắng hàn gắn những vết nứt của hai nửa trái tim. Chịu đựng là cho dù biết chẳng còn thương, vẫn lừa mình dối người, dùng cái cớ thương người để che đi sự tiếc nuối mù quáng đối với hai tiếng “thanh xuân" của chính mình.
Kiên trì là cho dù thất bại trên con đường mình đã chọn, vẫn tiếp tục đứng lên khiêu chiến. Chịu đựng là biết không có tương lai, chỉ là quá hèn nhát để rẽ sang một con đường mới.
Và ranh giới của hai điều đó đôi khi quá đỗi mong manh. Liệu bạn có đủ tỉnh táo để phân biệt?
------
Hôm nay cô ấy nhắn cho tôi. Chị bỏ trường rồi, nhận lời mời của công ty thiết kế, thực sự sảng khoái, cảm ơn em.
Hôm nay cậu ấy nhắn cho tôi. Tớ chia tay rồi, thực sự nhẹ lòng. Cô ấy nói cảm ơn vì đã cho cô ấy biết, cũng cảm ơn về thời gian qua. Hoá ra, thà rằng thẳng thắn để cô ấy có thể tự do đi tìm một người yêu mình bằng cả trái tim, còn hơn mãi chôn chân cả hai trong mối quan hệ đang chết mòn.
Hôm nay, tôi cuối cùng cũng cho đi chiếc áo đắt tiền trong tủ. Dù cho tiếc số tiền bỏ ra tới mấy, áo chẳng mặc được, vốn sớm đã thành vô nghĩa. Dù cho tiếc thời gian tới mấy, người chẳng thể cùng đi tiếp, vốn đã chẳng thành duyên. Dù cho tiếc bao nhiêu công sức, việc mình không thích hợp, vốn chẳng nên cố chấp.
Đời rất ngắn, đừng mãi tiếc công sức của quá khứ mà để lỡ cả tương lai.
Còn bạn, hôm nay, bạn có đang giữ chiếc áo thừa nào trong tủ hay không?
-----------
Facts: Ảo tưởng về chi phí chìm - Sunk cost fallacy là một hiện tưởng phổ biến. Đôi khi nó còn được gọi bởi cái tên "Hiệu ứng Concorde", bắt nguồn từ một quyết định sai lầm của Chính phủ Anh và Pháp. Hai chính phủ này đã quyết định tiếp tục đầu tư vào dự án Concorde Aircraft mặc dù biết rằng giá bán của chiếc máy bay này sẽ ít hơn số tiền phải bỏ ra rất nhiều. Chính phủ Anh đã nhìn nhận dự án này là một thảm hoạ thương mại - tài chính, nhưng những ảnh hưởng của chính trị và áp lực khi phải thừa nhận rằng tất cả những chi phí chìm đã bỏ ra là phung phí đã khiến 2 chính phủ không thể rút ra khỏi dự án này. Sau một cú rơi kinh hoàng, dự án Concorde đã kết thúc vào năm 2003.
Xem thêm và trò chuyện với mình ở: https://www.facebook.com/corner492/
Image may contain: plant and indoor