Chất liệu là yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất quyết định chất lượng của bộ trang phục. Đã có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao cùng là sơ mi quần âu như nhau, mà hè về, mình thì mồ hôi ướt đầm đìa lưng áo, nóng bức tột độ, nhưng người khác lại thấy thoải mái vô cùng không? Đó chính là sự khác nhau về chất liệu! Chất liệu chi phối rất nhiều yếu tố. Từ cảm giác của bạn khi khoác chúng lên người: có quá nóng trong cái thời tiết oi ả này? hay lại quá mỏng manh khi gió lạnh ùa về? cho tới độ bền; khá nhiều người có tư duy là mua một món đồ vải chất lượng thấp thay vì vải chất lượng cao với giá thành cao hơn, vì lý do đồ sớm hư thì ta sớm có dịp thay cái mới. Tuy nhiên, nếu ngồi tính toán kỹ lưỡng hơn, ta sẽ nhận ra rằng, việc đầu tư cho một chất liệu tốt, bền bỉ theo thời gian, lại tiết kiệm được hơn rất nhiều so với việc dùng những món đồ làm từ vải phẩm chất kém. Hơn thế nữa, vải chất lượng cao cũng đem đến giá trị thẩm mỹ vượt trội, quyết định đến sắc độ, hiệu ứng bề mặt tạo ra cho trang phục của bạn. Và cuối cùng là đường nét, cũng như cái cách mà trang phục di chuyển cùng bạn (ắt hẳn là bạn sẽ thích một bộ trang phục làm tôn lên đường nét đẹp, ôm theo những cử động dù là nhẹ nhàng nhất, hơn là một “cái khung” cứng nhắc, gò bó các hoạt động của bạn chứ?).
Ăn mặc cổ điển cũng không ngoại lệ, chất liệu luôn là một trong những chủ đề cơ bản nhưng cũng rộng lớn nhất, “Có bột mới gột nên hồ”, quan tâm và hiểu biết về chất liệu, có thể coi là bước đầu tiên để bước vào thế giới may đo, vì chỉ khi biết được những đặc tính đó, ta mới có thể lựa chọn cho mình được một bộ trang phục phù hợp với mục đích và bối cảnh sử dụng.
Trong phần đầu tiên của Series Chất liệu này, tôi sẽ giới thiệu cho các bạn các loại chất liệu thô thông dụng, nguồn gốc cũng như đặc tính của chúng.

 Đọc thêm:

1/ CHẤT LIỆU NHÂN TẠO (POLYESTER)

Loại vải được tạo nên bởi con người, thông qua sự phát triển của công nghệ. Xuất hiện từ những năm 50 của thế kỷ trước, đến nay Polyester đã trở thành loại vải cực kỳ thông dụng trong ngành công nghiệp may mặc, với vô vàn các biến thể khác nhau. Khi mới xuất hiện, polyester rất được ưa chuộng vì giá thành thấp, dễ bảo quản, chống nhàu và nhăn khá tốt, dễ co giãn. Tuy nhiên, phần lớn thời gian, polyester vẫn được coi là không cao cấp, vì sự bí bách của nó (polyester rất ít thấm hút mồ hôi, và cũng rất kém trong việc lưu thông không khí, tạo cảm giác nóng bức), và nó cũng không tạo được vẻ đẹp tự nhiên qua các hiệu ứng bề mặt như những loại vải khác.
Bên cạnh đó, ta có các loại vải bán nhân tạo (viscose), các dòng vải pha giữa polyester và các chất liệu tự nhiên khác. Mục đích chính là làm hạ giá thành so với các loại vải 100% tự nhiên kia, và giúp chất liệu dễ bảo quản, chống nhăn tốt hơn.
Tôi nhận thấy rằng, có một sự lầm tưởng khá phổ biến khi mua đồ cổ điển (hoặc đồ công sở), là ưu ái các loại trang phục có độ co giãn, không nhăn, giữ dáng etc và cho rằng đó là biểu hiện của những chất lượng cao cấp. Trên thực tế, các món đồ làm từ polyester đáp ứng được các yêu cầu trên, giá thành lại không cao; ngược lại, vải tự nhiên với chất lượng và giá thành càng cao thì càng dễ nhàu và khó bảo quản. Ngược lại, có nhiều người theo phong cách cổ điển lại đánh giá vải pha polyester là kém hơn hẳn các loại vải 100% tự nhiên. Tuy nhiên, việc đưa vào một tỷ lệ thành phần nhân tạo đôi khi là cần thiết để tạo ra những tính chất độc đáo cho chất liệu.
 

2/ COTTON/ SỢI BÔNG

Bông là một loài cây được canh tác tại vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới (nhiều nhất là tại công xưởng của thế giới- Trung Quốc), hạt của loại cây này được bao bọc bởi những sợi màu trắng và mượt, sợi này được thu thập để tạo thành vải cotton. Hàng năm trên thế giới, cotton có sản lượng khoảng 25 triệu tấn (gấp hơn 10 lần so với wool)- vượt trội hơn hoàn toàn so với các chất liệu khác. Con số ấn tượng này khẳng định vai trò quan trọng bậc nhất của cotton đối với ngành may mặc. Cũng như wool, cotton có vô vàn biến thể, ứng dụng trong rất nhiêu lĩnh vực khác nhau của thời trang. Với classic menswear, cotton thường được dùng làm sơ mi (từ dress shirt cho tới casual shirt) các loại áo khoác/ quần mùa hè, và những trang phục casual.
 
 

Ảnh minh họa: Sportcoat trên nền vải light-weight cotton
 
Sợi cotton có độ mảnh khoảng 12-20 micrometer và độ dài sợi vào khoảng 25-50 milimeter. Ưu điểm lớn nhất của cotton là sự thoáng mát của nó: cotton nhẹ và thấm hút mồ hôi, và tạo sự lưu thông không khí khá tốt, chuyển động linh hoạt theo các cử động của cơ thể, giúp người mặc có cảm giác thoải mái dễ chịu. Điều này giải thích cho việc cotton được chọn để làm áo sơ mi, hay các loại trang phục mùa hè -cái mùa mà sự thoáng mát được đặt lên hàng đầu. Nhược điểm của loại vải này là dễ nhàu (bởi vậy mà cotton thường ít được cân nhắc khi may các bộ business suit, có yêu cầu cao trong việc giữ dáng và không nhăn- trong trường hợp này, wool là sự lựa chọn tốt nhất).

 Đọc thêm:

3/ VẢI LANH (LINEN)

Đây là chất liệu được làm nên tự sợi của cây lanh, sản lượng hàng năm khoảng 2 triệu tấn, chủ yếu từ châu Âu, và với các cách dệt hở thì đây là loại vải phù hợp nhất cho những vùng có khí hậu nóng ẩm như ở Viêt Nam.
  

Ảnh minh họa: Áo khoác và quần làm bằng vải linen

 Sợi linen mảnh khoảng 15-18 micrometer và dài khoảng 75 -150 milimeter. Tương tự cotton, ưu điểm lớn nhất của linen chính là khả năng thấm hút và sự thoáng mát. Thậm chí nhờ cách dệt hở thường được dùng để xử lý vải, sự thoáng mát của Linen có thể nói là cao nhất trong các chất liệu. Đôi với thời tiết oi ả ở nước ta, trang phục linen chắc chắn là sự lựa chọn tối ưu. Ngoài sơ mi ra thì linen cũng đc dùng nhiều để làm quần/ jacket và phụ kiện.
Linen có đặc điểm là nhăn, khó giữ dáng và khá là kém bền. Tuy nhiên, trong con mắt của những tín đồ yêu thích thời trang cổ điển thì những nếp nhăn của Linen không hẳn là nhược điểm, mà đó là nét đẹp riêng không thể thấy ở bất kỳ chất liệu nào khác. Do tính chất bề mặt độc đáo của mình, linen thường được dùng trong các casual outfit, chứ ít được dùng trong các hoàn cảnh trang trọng hơn.
 

4/ VẢI LỤA (SILK)

Lụa được tạo từ sợi tơ tằm – Loại sợi mà con tằm nhả ra để tạo thành kén, với công nghệ bắt nguồn từ Trung Quốc, cách đây hàng nghìn năm. Mất khoảng 10 kilogram kén để sản xuất 1 kilogram lụa. Hằng năm có hàng trăm nghìn tấn lụa được sản xuất trên thế giới với nguồn cung chính là từ quê hương sinh ra nó. Độ mảnh của sợi  vải lụa là khoảng 9-11 micrometer và dài khoảng 800-1200 milimeter.
 
 

Ảnh minh họa: khăn quàng làm từ lụa
 
Ưu điểm của lụa, đó là nhẹ, sờ vào thấy mềm, mịn và mượt, ngoài ra còn có khả năng giữ nhiệt tốt và có độ bóng tự nhiên dưới ánh nắng. Tuy nhiên, nhược điểm của lụa là rất khó để bảo quản – luôn phải giặt tay rất cẩn thận, bởi nếu lỡ cho vào máy, đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đi mua lại món đồ đó. Do tính chất đặc biệt của mình, lụa thường được dùng làm các loại phụ kiện như cà vạt, khăn quàng, khăn túi ngực etc và pha cũng các loại chất liệu khác để đưa vào trang phục nam giới.
Bên cạnh lụa tự nhiên, chúng ta có 3 loại vải lụa nhân tạo với tính chất bề mặt tương tự lụa tự nhiên: viscose, bemberg và acetate. Lụa nhân tạo rẻ và bền hơn lụa tự nhiên nên được ứng dụng rộng rãi hơn trong việc may quần áo. Cụ thể, thì loại vải lót phổ biến dùng cho suit jacket mà các nhà may thường dùng, chính là viscose hoặc bemberg (cupro). Tôi từng thấy một nhà may có tiếng tại Việt Nam (giấu tên) giới thiệu rằng họ lót áo bằng lụa họa tiết pasley và kể câu chuyện lịch sử về những thước vải lụa đã theo chân những thương nhân từ Trung Hoa tới Ba Tư như thế nào; sau bài viết này chắc các bạn cũng đã hiểu đây là một câu chuyện cười, không biết nhà may này vô tính hay cố ý nhầm lẫn giữa lụa tơ tằm và lụa nhân tạo?
Trong phần 2 của series, tôi sẽ giới thiệu tới các bạn vải wool (len) – một trong những chất liệu đa năng, gắn liền với lịch sử của trang phục cổ điển.
Hết phần I
 
- Be classy, be nice -