CHẤP NHẬN
Nếu buông xuôi là từ bỏ, thì chấp nhận đi kèm với niềm tin. Niềm tin để sau khi chấp nhận kết cục có xấu đến mấy thì sau đó vẫn là một khởi đầu mới, một hành trình mới.
Dạo gần đây mình bắt đầu ngồi rà soát lại những từ khóa đến với bản thân trong hai năm qua, và bất ngờ thay đứng đầu bảng xếp hạng là người bạn mang tên “chấp nhận”. Mình phải thừa nhận đây là một từ rất khó với mình – một đứa từng cứng đầu đến mức bảo thủ, việc chấp nhận hoàn cảnh hay bất kỳ điều gì diễn ra ngoài tầm kiểm soát của bản thân gần như là việc không được phép xảy ra.
Âu cũng là một phản ứng tự nhiên của con người nhỉ? Đâu ai dễ dàng chấp nhận rằng mình sẽ thất bại, sẽ bị bồ đá, sẽ chết đi,… hoặc sẽ phải đối mặt với một chuyện bất kỳ có thể gây tổn thương ít nhiều cho bản thân mình và những người xung quanh. Đa số phản ứng đầu tiên của con người sẽ là chối bỏ, phản bác, đấu tranh, cố gắng tìm biện pháp “sửa chữa” hoặc giảm thiểu mức độ tổn thương/thiệt hại xuống mức thấp nhất có thể. Vậy nên từ chấp nhận nhìn tuy đơn giản, nhẹ nhàng mà thực chất đòi hỏi một sức mạnh to lớn khủng khiếp. Sức mạnh để sẵn sàng đón nhận một tương lai đổ vỡ, để từ bỏ một quá khứ đau thương, hoặc chỉ để nhìn thẳng vào thực tại như đúng bản chất của nó. Không còn suy diễn, không cố bám chấp, không đặt kỳ vọng để rồi thất vọng.
Mình đã mất một khoảng thời gian khá dài mới nhìn ra được từ khóa này, để nhận ra những giây phút mệt mỏi và hờn dỗi với việc viết tự do cũng là những giây phút mình muốn trốn chạy khỏi bản thân. Mình từ chối đào sâu xem những gì đã diễn ra hay xảy đến với mình. Mình không muốn gợi mở gốc rễ để suy nghĩ hay cảm nhận về vấn đề đó thêm một lần nào nữa. Như một cách từ chối đối mặt và đối thoại, mình lại tìm kiếm những biện pháp khác để ngăn chặn sự chảy trôi của cảm xúc. Vì mình sợ một khi khơi thông dòng chảy ấy, nó sẽ hóa thành dòng thác lớn và đánh vỡ mọi tường thành kiên cố mình cố gắng dựng lên. Mình sợ phải sống lại với nỗi đau cũ một lần nữa.
Nhưng ai rồi cũng phải lớn và chỉ có mình mới hiểu được bản thân cần gì để được chữa lành. Mình tập luyện nhìn sâu vào mọi thứ để học cách chấp nhận. Từ những việc nhỏ như việc mình hay “dỗi” người yêu. Mình chấp nhận sự thật rằng mình dỗi người ta vì thực chất mình đang bất an, lo lắng và cần sự chú ý từ họ. Do chính mình đang bỏ mặc mình nhưng lại cần một người khác để tâm hộ. Khi mình và đối phương có bất hoà, mình chấp nhận cho nhau một không gian riêng để bình tĩnh và quan sát phản ứng của bản thân. Có thể ngay lập tức mình sẽ cảm thấy thất vọng, tổn thương kèm những suy nghĩ: mình là người không được yêu, người yêu mình chán mình rồi, mọi tội lỗi đều do mình,…. Và những giọng nói, suy nghĩ tiêu cực ấy sẽ tấn công mình ồ ạt, càng gạt đi thì càng lên tiếng mạnh mẽ, như một cơ chế tự vệ với khủng hoảng quen thuộc. Vậy nên, để dập tắt nó mình phải chấp nhận nó đang diễn ra. Điều duy nhất mình có thể làm là không vội vã kết tội mình hay bất cứ ai, ngồi yên lặng, để nó đến và đi, tự hỏi “Có thật mọi chuyện đang diễn ra như những tiếng nói này không? Mình đang kết tội bản thân một cách vội vã và vô lý hay không?”. Sau khi đủ tỉnh táo và bình ổn, mình mới trao đổi tiếp với người yêu. Tất nhiên mọi chuyện tồi tệ chỉ diễn ra trong đầu mình, theo những suy diễn của mình thôi. Mình đã vượt qua những cơn suy sụp tâm lý bằng cách này.
Đối với một số mối quan hệ khác, mình phải chấp nhận có những người không còn phù hợp và phải bước ra khỏi cuộc sống của mình. Mình ngừng tìm lý do biện minh để rồi tha thứ cho họ. Mình ổn với việc bản chất họ là thế và mình không thể thay đổi bất kỳ ai trong cuộc đời này cả. Nên cái kết tốt nhất vẫn là để họ ra đi.
Thực sự rất hiếm người học được cách sớm chấp nhận và khá nhiều người đánh đồng sự chấp nhận với sự buông xuôi. Nhưng chấp nhận khác với buông xuôi ở điểm: nếu buông xuôi là từ bỏ, thì chấp nhận đi kèm với niềm tin. Niềm tin để sau khi chấp nhận kết cục có xấu đến mấy thì sau đó vẫn là một khởi đầu mới, một hành trình mới.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất