Câu chuyện về người cô tội nghiệp - Haruki Murakami
Chuyện đó xảy ra vào một chiều chủ nhật trong xanh – buổi chiều đầu tiên của tháng bảy. Hai hay ba đám mây, trắng và nhỏ xíu, lơ lửng...
Chuyện đó xảy ra vào một chiều chủ nhật trong xanh – buổi chiều đầu tiên của tháng bảy. Hai hay ba đám mây, trắng và nhỏ xíu, lơ lửng ở một góc trời, như những dấu chấm câu được chăm chút tỉ mỉ và đặt ngay ngắn. Mặt trời rải nắng khắp nơi. Trong cái khung cảnh tháng bảy này, ngay cả miếng giấy gói bạc nhàu của mẩu socola vứt trên bãi cỏ cũng hắt ra thứ ánh sáng lấp lánh, tựa viên kim cương dưới đáy hồ sâu trong truyện cổ. Nếu nhìn vào khung cảnh đủ lâu, bạn có thể nhận ra ánh sáng này còn ẩn chứa một loại ánh sáng khác, như chiếc hộp Trung Hoa ngày xưa còn có những chiếc hộp khác bên trong. Cái ánh sáng bên trong ấy trông như vô số những hạt – những hạt phấn hoa mềm mại và trong suốt lơ lửng giữa trời, gần như không nhúc nhích, cho đến khi chúng chạm mặt đất.
Tôi đi dạo với một người bạn, và trên đường về nhà, chúng tôi dừng lại ở quảng trường bên ngoài Phòng trưng bày ảnh Tưởng niệm Minh Trị. Ngồi bên bờ hồ, chúng tôi dán mắt vào hình phản chiếu của hai con kỳ lân bằng đồng phía bên kia hồ. Một cơn gió nhẹ khẽ lay những chiếc lá sồi và làm gợn lên những làn sóng nhỏ trên mặt nước. Thời gian trôi đi trong tích tắc: bắt đầu và dừng lại, dừng lại và bắt đầu. Những lon nước ngọt soi bóng qua làn nước trong vắt, giống như những vết tích của một thành phố đã lụi tàn. Trước mặt chúng tôi là một đội bóng mềm với những đứa nhóc mặc đồng phục, một cậu bé đi xe đạp, một cụ già dắt chó đi dạo, và một chàng Tây mặc quần đùi chạy bộ. Chúng tôi nghe thấy những đoạn nhạc phát ra từ một chiếc radio di động trên bãi cỏ: một bài hát ngọt ngào về tình yêu sắp mất. Tôi nghĩ tôi biết bài hát, nhưng không chắc chắn lắm. Hoặc nghe nó có vẻ như giai điệu mà tôi biết. Tôi có thể cảm thấy cánh tay trần của mình đang lặng lẽ đón lấy từng dải nắng. Mùa hè đây rồi.
Vì sao một người cô tội nghiệp, trong tất thảy mọi thứ, lại xuất hiện trong trái tim tôi vào một buổi chiều chủ nhật như thế này, tôi không tài nào biết được. Không có người cô đáng thương nào có mặt ở gần đó, hay ít nhất là chút ý niệm cho tôi hình dung về sự tồn tại của một người cô như thế. Nhưng dù sao thì, một người cô tội nghiệp đã đến với tôi, nhưng rồi lại biến mất. Như thể trong một phần trăm giây, bà ấy đã ở trong tôi. Và rồi bà ấy ra đi, để lại một khoảng trống hình người kỳ lạ. Cảm giác như thể ai đó đã chạy vọt ra cửa sổ và biến mất - Tôi chạy đến và thò đầu ra ngoài, nhưng không còn ai ở đó cả.
Một người cô tội nghiệp?
Tôi thử nói ra từ ấy với người bạn của tôi. "Tớ muốn viết một cái gì đó về một người cô tội nghiệp," tôi nói.
"Một người cô tội nghiệp?" Cô ấy có vẻ hơi ngạc nhiên. "Tại sao lại là một người cô tội nghiệp?"
Tôi không biết tại sao. Chẳng hiểu sao những thứ hấp dẫn tôi luôn là những thứ tôi không hiểu. Tôi không nói gì ngay sau đó, chỉ lướt ngón tay dọc theo cái hốc trống hình người phía bên trong của tôi kia.
“Tớ không biết là có ai muốn đọc một câu chuyện như thế không,” người bạn ấy nói.
"Đúng, có thể đó là thứ cậu sẽ không nghĩ nó hay hoặc đáng để đọc."
“Vậy tại sao cậu còn muốn viết về nó?”
“Tớ không thể diễn đạt hết những lời mình muốn nói ở đây được,” tôi nói. "Để giải thích lý do tại sao tớ muốn viết một câu chuyện về người cô tội nghiệp, tớ phải đặt bút xuống viết câu chuyện đó ra. Nhưng một khi nó đã được hoàn thành thì sẽ không cần phải giải thích lý do tại sao nữa – hoặc sẽ phải thế nhỉ?"
Cô mỉm cười và châm một điếu thuốc nhàu nát lấy từ trong túi ra. Thuốc của cô lúc nào cũng nhàu, đôi khi nát đến mức không thể châm được. Điếu lần này thì lại sáng. "Trong số họ hàng của cậu có người cô tội nghiệp nào không?" – cô ấy hỏi.
"Không có lấy đến một người," tôi nói.
"Còn tớ thì có. Nói trắng ra thì chỉ có mỗi bà ấy. Một người thật thà. Tớ thậm chí đã sống với bà ấy một vài năm."
Tôi nhìn vào mắt cô ấy. Vẫn điềm tĩnh như chúng vẫn thế.
"Nhưng tớ không muốn viết về bà ấy," cô ấy nói. "Không một chữ nào về người cô đó của tớ hết."
Chiếc radio cầm tay bắt đầu phát một giai điệu khác, cũng na ná như giai điệu đầu tiên, nhưng lần này tôi hoàn toàn không nhận ra.
"Cậu không có một người cô tội nghiệp nào trong nhà, nhưng vẫn muốn viết một câu chuyện về người đó. Trong khi tớ lại có, một người thực sự, nhưng lại không muốn viết bất kì điều gì về bà ấy cả.”
Tôi gật đầu. "Tớ tự hỏi tại sao lại như thế." (ở đây dịch giả bản tiếng Anh chơi chữ với lời bài hát Lemon Tree đang chơi trên radio ở đoạn dưới)
Cô ấy hơi nghiêng đầu, không nói gì. Quay lưng về phía tôi, cô để những ngón tay mảnh mai của mình khuấy vào làn nước. Dường như câu hỏi của tôi đang trôi dọc qua kẽ tay cô ấy và đi theo thành phố đổ nát dưới mặt nước.
I wonder why. I wonder why. I wonder why .. ♪
"Tớ nói cậu nghe chuyện này," cô ấy nói, "cũng có lúc tớ muốn viết về người cô tội nghiệp của mình. Nhưng tớ không tài nào nghĩ được từ phù hợp để diễn tả nó. Tớ không thể làm như thế, bởi vì tớ thực sự có một người như vậy ngay trong cuộc sống của mình.” Cô cắn môi. “Nó thật sự rất khó – khó hơn cậu nghĩ rất nhiều.”
Tôi ngước lên nhìn những con kì lân bằng đồng, móng vuốt chúng quặp lại, như thể đang tức giận với dòng chảy thời gian đã bỏ mặc chúng ở lại. Cô ấy lau ngón tay trên gấu áo. "Cậu cố gắng viết về một người cô tội nghiệp.” cô ấy nói. "Cậu sẽ đảm nhận nhiệm vụ này thay tớ. Tớ không biết là sẽ đi đến đâu, vì cậu còn không có một người cô như thế nữa.”
Tôi thở dài thườn thượt.
"Xin lỗi," cô ấy nói.
"Không sao đâu", tôi trả lời. "Có lẽ cậu đúng." Và cô ấy đã đúng.
Huh, cứ như vài dòng từ một bản nhạc.
ϓ
Rất có thể bạn cũng không có một người cô tội nghiệp trong số họ hàng của mình. Trong trường hợp đó chúng ta có điểm chung với nhau. Nhưng ít nhất thì bạn cũng đã từng nhìn thấy một người cô tội nghiệp trong đám cưới của một ai đó. Cũng như tủ sách nào cũng có một cuốn sách chưa bao giờ đọc hay tủ áo nào cũng có chiếc áo chưa mặc bao giờ, bất kì tiệc cưới nào cũng sẽ có một người cô tội nghiệp. Không ai bận tâm về việc giới thiệu bà ấy với mọi người. Không ai nói chuyện với bà ấy. Không ai ngỏ lời để bà ấy lên phát biểu. Bà ấy sẽ chỉ ngồi vào bàn, như một bình sữa rỗng. Bà húp món súp của mình với tiếng xì xụp buồn (she consumes her consommé: cách dùng từ, hai từ tiếng Anh và tiếng Pháp này có chung gốc Latin nên sẽ có vần khi đi chung với nhau). Bà sẽ ăn salad bằng chiếc nĩa cá (fish fork, thậm chí không phải là salad fork, và thường thì nĩa cá sẽ nhỏ hơn nĩa thịt nữa) và bà ấy là người duy nhất không có thìa khi món kem được mang ra. Bà ấy ở ngay đấy, được rồi, bất cứ khi nào cuốn album cưới được lôi ra, nhưng cái hình ảnh ấy “phấn khởi” như một cái xác đuối nước vậy.
"Honey, người phụ nữ này là ai thế anh, người đeo kính ở hàng thứ hai ấy?”
"À, không biết nữa (Never mind, that's nobody)," người chồng trẻ nói. "Chỉ là một bà cô tội nghiệp nào đó thôi."
Không có tên gì cả. Chỉ được gọi bằng cụm từ ‘người cô tội nghiệp.’
Tất nhiên là cái tên nào cũng sẽ mờ nhạt dần theo năm tháng. Nhưng có những cái tên tan biến ngay sau ít phút họ ra đi. Họ ra đi như những bộ TV cũ, nhập nhòe nhập nhòe trên màn hình, cho đến một ngày nó bỗng tắt phụt, và thế là hết. Nhưng cũng có những người mà tên của họ đã phai nhạt ngay cả trước khi họ chết – ‘người cô tội nghiệp.’ Bản thân tôi thỉnh thoảng cũng rơi vào tình trạng này. Khi ở một nơi nhộn nhịp nào đó như nhà ga xe hay sân bay, điểm dừng, nơi đến, tên tôi, địa chỉ, bất thình lình tan biến sạch, như là dấu vết của chúng bị xóa sạch trong não bộ của tôi. Nhưng điều này cũng không lâu lắm: tầm 5 đến 10 giây là nhiều.
Và khi có ai đó nói: “Cả cuộc đời tớ chả thể nào nhớ nổi tên của cậu.”
Tôi lại đáp: “Đừng lo, cũng không phải cái tên gì đáng lắm đâu.”
Và rồi anh ta cứ chỉ vào chiếc lưỡi của mình: "Nó ở ngay đây, trên đầu lưỡi tớ, tớ thề đấy."
Tôi cảm thấy như thể mình đã bị chôn vùi trong lòng đất với nửa bàn chân trái thò ra ngoài. Ai đó đi qua vấp phải nó và rồi xin lỗi: "Tôi thề, nó ở ngay đây này, trên đầu lưỡi của tôi ấy."
Những cái tên ấy sẽ đi đâu được nhỉ? Xác suất tồn tại của chúng trong cái thành phố như mê cung này phải cực kỳ thấp. Dù sao thì, ít nhất cũng sẽ có một số người sống sót và tìm được đường đến thị trấn của những cái tên đã mất, nơi họ xây dựng một cộng đồng nhỏ bình yên. Một thị trấn nhỏ, với tấm biển đề với dòng chữ "Không phận sự miễn vào” ở lối đi. Những người không liên can nhưng lại dám xâm phạm sẽ nhận được một hình phạt nhỏ thích đáng.
Có lẽ đó là lý do vì sao nó đã được áp dụng lên tôi. Một người cô tội nghiệp – một người cô nhỏ bé – đã dính lên lưng của tôi.
Đó là một ngày giữa tháng Tám khi tôi lần đầu tiên nhận ra rằng bà ấy ở đó. Không có sự kiện gì đặc biệt để thông báo với tôi về sự hiện diện này. Tôi chỉ đơn giản phát hiện ra nó: Ô, tôi có một người cô tội nghiệp trên lưng. Đó cũng không phải là một cảm giác khó chịu gì. Bà ấy không quá nặng, hay thở ra mùi gì khó chịu qua vai tôi. Bà ấy chỉ là bị mắc kẹt ở đó, trên lưng tôi, như một cái bóng. Người đi đường cũng phải nhìn thật lâu mới phát hiện ra bà ấy đang ở đó. Đúng là, mấy con mèo của tôi đã nhìn bà ấy với vẻ mặt đáng ngờ, nhưng chỉ một vài ngày sau, khi chúng biết được bà ấy chả có ý định gì với cái “lãnh thổ” của chúng, chúng quen dần với sự có mặt của bà ấy. Bà ấy làm một vài người bạn của tôi cảm thấy sợ.
Chúng tôi sẽ ngồi chung với nhau và uống cái gì đấy, và bà sẽ lén ngoi lên nhìn.
“Cô của cậu khiến tớ sởn da gà.”
“Đừng bận tâm đến bà ấy. Bà ấy chỉ lo việc của mình. Điều đó vô hại thôi.”
“Tớ biết – tớ biết chứ – nhưng tớ không biết nữa – bà ấy trông có vẻ trầm cảm.”
"Vậy cậu cố gắng đừng nhìn là được."
"Ừ, tớ cũng nghĩ là vậy." Sau đó thì người ấy sẽ thở dài. “Cậu đã đi đâu để bị dính cái thứ ấy trên lưng thế?”
"Không phải là tớ đã đi đâu cả. Tớ chỉ luôn suy nghĩ về một số thứ. Vậy thôi."
Cậu ấy gật đầu rồi thở dài. "Tớ nghĩ là tớ hiểu. Tính cậu vẫn luôn thế. Cậu đã luôn như thế này."
"Uh-huh."
Chúng tôi hời hợt rót vài ly whisky cho nhau suốt mấy tiếng tiếp theo.
"Nào, nói tớ biết đi," tôi nói. "Sao cậu phải nói bà ấy như thế ?"
"Tớ không biết. Nó làm tớ nhớ đến mẹ của mình, suốt ngày cứ luôn để mắt đến tớ."
Theo lời một số người thì (hiển nhiên là tôi không thể thấy được bà ấy), những gì tôi có trên lưng không phải là một người cô tội nghiệp với một hình dạng cố định: bà ấy thay đổi hình dạng dựa trên những người quan sát bà ấy, cứ như là bà ấy được nặn ra từ chính họ vậy. Đối với một người bạn của tôi, bà ấy mang hình dáng con chó Akita của anh ta, nó chết vào mùa thu trước vì ung thư thực quản. "Dù sao thì nó cũng đã gắng gượng với sức lực cuối cùng, tớ đoán vậy. Nó đã sống được mười lăm năm. Nhưng chết một cách kinh khủng, thật tội nghiệp."
"Ung thư thực quản sao?"
"Đúng vậy. Nó thực sự rất đau đớn. Tất cả những gì nó làm được là kêu thảm thiết – dù cho lúc đó nó đã mất đi hầu hết giọng của mình. Tớ muốn tiêm thuốc ngủ cho nó, nhưng mẹ tớ không cho phép.”
"Tại sao lại không?"
"Thế quái nào biết được? Mẹ và tớ đã giữ nó như thế, cho nó ăn bằng đường ống trong hai tháng, và để nó ở ngoài chuồng. Lạy chúa, nó thối không chịu được."
Anh ta im lặng một lúc.
"Nó cũng chả còn là một con chó nữa. Luôn sợ cái bóng của chính mình, và sủa vào tất cả những người đi ngang qua. Một con vật thực sự vô dụng, ồn ào, và người lúc nào cũng đầy vảy."
Tôi gật đầu.
"Đáng lẽ nó nên là một con ve sầu mới phải. Nó sẽ kêu rả rích suốt ngày đêm và sẽ chẳng có ai thèm đoái hoài tới. Nhưng cũng sẽ chẳng có cái ung thư thực quản nào cả."
Nhưng ‘bà ấy’ lại ở đó, trên lưng tôi, một con chó với một ống nhựa thò ra ngoài.
Đối với một doanh nhân bất động sản mà tôi biết, người cô tội nghiệp của tôi lại là giáo viên tiểu học cũ của ông ấy. “Chắc phải là năm 1950, năm đầu tiên của Chiến tranh Triều Tiên,” ông nói và dùng một chiếc khăn dày để lau mồ hôi trên mặt. “Bà ấy dạy tôi hai năm liên tiếp. Cảm giác hệt như ngày xưa vậy. Cũng chả phải là tôi nhớ bà ấy gì. Tôi thậm chí còn quên mất là ấy từng tồn tại." Cái cách mà ông ấy mời tôi cốc trà lúa mạch lạnh cứ như ông nghĩ tôi phải là một người họ hàng nào đó với giáo viên tiểu học cũ của ông ấy vậy. "Cả cuộc đời bà ấy là những chuỗi ngày buồn. Chồng bà ấy bị bắt đi lính vào ngay năm họ kết hôn. Ông ấy bước lên con tàu, và « Boom ! » Lúc đấy chắc là năm 43. Bà ấy vẫn cứ đi dạy tiếp vào những năm sau đó. Rồi trong cuộc không kích năm 44 thì bà ấy bị bỏng nặng, từ mặt trái xuống đến cánh tay." Ông ấy lướt một đường vòng cung từ má xuống đến cánh tay trái, sau đó uống cạn tách trà rồi lau mặt lần nữa. "Tội nghiệp. Bà ấy trước kia hẳn là đẹp lắm. Điều đó cũng đã thay đổi con người của bà ấy. Nếu còn sống thì chắc năm nay bà cũng gần tám mươi."
Cùng lúc đó, mấy người bạn của tôi cũng bắt đầu rời đi, như cái cách mà mấy cái răng rơi ra khỏi chiếc lược. "Ông ta cũng được", họ sẽ nói, "nhưng tớ không muốn nhìn thấy người mẹ già rầu rĩ của tớ" – hay con chó chết vì ung thư thực quản, hay người giáo viên với vết sẹo bỏng trên mặt – "cứ mỗi lần tớ nhìn ông ta."
Tôi bắt đầu cảm thấy mình giống như một chiếc ghế nha sĩ – không phải là bị ghét nhưng mọi người sẽ luôn tìm cách tránh xa nó. Nếu tôi va phải bạn bè trên phố, họ sẽ kiếm cớ để bỏ đi càng nhanh càng tốt. "Tớ không biết nữa", một cô gái thú nhận với tôi, trông cô ấy có vẻ khó khăn – và thành thật. "Ở gần cậu những ngày này rất khó khăn đối với tớ. Tớ sẽ không phiền nếu cậu có một chiếc dù đứng che lưng cậu phía sau đâu."
Một chiếc dù đứng sao.
Trong khi bạn bè tránh mặt tôi, thì truyền thông lại ráo riết không biết ngán. Cứ vài ngày các phóng viên sẽ lại đến tìm tôi, chụp ảnh tôi và người cô trên lưng, lầm bầm khi ảnh không chụp được rõ mặt của bà ấy, và ném cho tôi những câu hỏi vô nghĩa. Tôi đã tin là nếu tôi chịu hợp tác với họ, tôi sẽ tìm ra một khám phá mới hoặc lời giải thích thỏa đáng về người cô tội nghiệp của mình, nhưng thay vào đó, tất cả chỉ làm tôi đuối sức và kiệt quệ.
Tôi đến trường quay một lần. Họ lôi tôi ra khỏi giường lúc sáu giờ sáng, lái tôi đến đó, và rót cho tôi đầy ly cái thứ cà phê kinh khủng của họ. Những người tôi không tài nào hiểu được chạy xung quanh làm những điều tôi không tài nào hiểu nổi. Tôi đã nghĩ đến việc rời đi, nhưng trước khi tôi có thể tự mình làm điều đó, họ nói rằng đã đến lượt tôi. Khi máy quay chưa lên, tay dẫn chương trình là một tên khốn kiêu ngạo, cục cằn, không biết làm gì khác ngoài việc hành xách những người xung quanh, nhưng ngay khi chiếc đẻn đỏ nhấp nháy, hắn mỉm cười với vẻ mặt thông thái: cái kiểu người đàn ông trung niên tử tế mà bạn hay thấy đấy.
"Và tiếp theo là chuyên mục được các bạn mong chờ « Look What Else Is Out There » , hắn nói trước ống kính : "Khách mời hôm nay của chúng ta là ông X, người đã đột nhiên phát hiện có một người cô dính trên lưng vào một ngày đẹp trời. Không có mấy ai gặp phải trường hợp này. Và hôm nay tôi sẽ hỏi xem điều gì đã xảy ra với ông ấy, và những rắc rối khó khăn của ông ấy khi phải đối mặt với việc này." Quay người sang tôi, hắn ta tiếp tục, "Ông có gặp phải bất tiện gì khi có một người cô ở trên lưng như thế?"
"Không," tôi nói. "Tôi không gọi nó là bất tiện. Bà ấy không nặng, và tôi cũng không cần phải cho bà ấy ăn."
"Ông cũng không cảm thấy đau thắt lưng sao?"
"Không, không có gì cả."
"Ông nhận ra bà ấy dính ở trên đấy từ khi nào?"
Tôi kể lại ngắn gọn về buổi chiều của mình ở bên hồ với những con kỳ lân bằng đồng, nhưng hắn dường như không thể nào hiểu được những gì tôi đang nói. "Nói cách khác," hắn hắng giọng, "vào lúc đó bà ấy đang nấp trong hồ ở gần chỗ ông đang ngồi, và rồi dính lấy lưng ông. Có phải vậy không?"
Không, tôi nói, lắc đầu, không phải vậy. Sao tôi lại đến đây chứ ? Tất cả những gì họ muốn là một thứ để cười đùa hay một câu chuyện rùng rợn nào đó.
“Người cô tội nghiệp không phải là thứ gì đấy đáng sợ,” tôi cố giải thích. "Bà ấy không 'ẩn nấp' ở bất cứ đâu, và bà ấy không 'chiếm hữu' bất kỳ ai. ‘Người cô tội nghiệp’ chỉ là một cụm từ," tôi nói. "Chúng chỉ là cụm từ thôi."
Không ai nói gì cả. Tôi sẽ phải cụ thể hơn.
"Một cụm từ chỉ như là một điện cực nối với tâm trí. Nếu các bạn cứ luôn gửi đi một kích thích nào đó, thì sẽ có phản ứng ngược lại, hoặc một số hiệu ứng. Tất nhiên, phản ứng của mỗi cá nhân sẽ khác nhau, và trong trường hợp của tôi, phản ứng ấy là một thứ gì đó tồn tại độc lập. Những gì dính trên lưng tôi, chỉ là cụm từ ‘người cô tội nghiệp' – không ý nghĩa, không hình thức nào khác. Nếu phải gán cho nó một cái tên, tôi sẽ gọi nó là dấu hiệu khái niệm hay cái gì đó đại loại vậy."
Tay dẫn chương trình có vẻ bối rối. "Ông nói sẽ không có ý nghĩa hay hình dạng nào cụ thể," hắn nhìn tôi, "nhưng ở đây chúng tôi có thể thấy rõ ràng ... là có một cái gì đó ... một thứ cụ thể nào đó ở đó ở ngay trên lưng ông. Và nó đều làm chúng ta phải suy nghĩ."
Tôi nhún vai. "Tất nhiên," tôi nói, "bởi vì chúng là dấu hiệu, và đó là những gì chúng nên làm."
"Vậy thì," nữ trợ lý trẻ của tay dẫn chương trình xen vào, với hy vọng làm dịu bầu không khí, "ông có thể xóa đi hình ảnh hoặc sinh vật này, hoặc bất cứ điều gì, nếu ông muốn."
"Không, tôi không thể," tôi nói. "Một khi điều đó đã xảy ra, nó sẽ tồn tại riêng biệt độc lập với ý muốn của tôi. Nó giống như một chuyện cũ – thứ ký ức mà cô ước mình có thể quên nhưng nó vẫn cứ luôn ở đó."
Cô ta tiếp tục lấn tới, "Ông đề cập đến quá trình này bằng việc chuyển một cụm từ thành một dấu hiệu khái niệm, đó có phải là điều mà ngay cả tôi cũng có thể làm được không?"
"Tôi không biết với cô thì nó sẽ hoạt động như thế nào, nhưng về nguyên tắc, ít nhất thì cô có thể," tôi trả lời. Bây giờ người dẫn chương trình đã vào cuộc. "Giả sử nếu tôi cứ lặp đi lặp lại cụm từ 'khái niệm' mỗi ngày, thì hình ảnh 'khái niệm' có thể xuất hiện trên lưng tôi, có phải vậy không?"
“Về nguyên tắc, điều đó có thể xảy ra,” tôi lặp lại một cách máy móc. Thứ ánh sáng mạnh và không khí ngột ngạt của trường quay bắt đầu khiến tôi đau đầu.
"Vậy thì, 'khái niệm' sẽ trông như thế nào?" hắn đùa cợt, thu hút tiếng cười từ một vị khách mời khác.
Tôi nói là tôi không biết. Đó không phải là điều tôi muốn nghĩ đến. Trên người tôi có một người cô tội nghiệp đã đủ rồi. Không ai trong số họ thực sự quan tâm đến việc này. Tất cả những gì họ nghĩ đến có lẽ là ráng lết hết cho đến chương trình tiếp theo. Thế giới này là một rạp xiếc. Từ ánh sáng chói lòa của một studio truyền hình cho đến sự u ám của một căn nhà gỗ ẩn sĩ trong rừng, sau cùng tất cả đều về chung một điểm. Bước qua thế giới hề này với người cô tội nghiệp trên lưng, tôi là thằng hề lớn nhất ở đây. Có lẽ cô bạn kia của tôi đã đúng : "Đáng lẽ tôi nên mang theo một chiếc ô. Thậm chí còn có thể sơn nó hai lần mỗi tháng, lâu lâu cho có không khí thay đổi, và rồi sẽ mang nó đến các bữa tiệc."
"Úùuuuu! Tuần này ô màu hồng nhée!" ai đó có thể nói.
"Hẳn rồi," tôi trả lời. "Tuần tới tớ mang màu xanh đua xe của Anh nhé." (British racing green : màu tương tự như xanh thợ săn, xanh rừng hoặc xanh rêu. Vào những năm đầu của các giải đua xe, khi chưa bị ảnh hưởng nhiều từ các nhà tài trợ, các xe đua thường được sơn theo màu quy định để cho biết tên quốc gia xuất xứ của chiếc xe hoặc quốc tịch người thi đấu.)
Có lẽ ngoài kia cũng sẽ có những cô gái hứng thú về việc lên giường với một gã đàn ông có chiếc ô màu hồng gắn ở sau lưng. Đáng tiếc, điều mà tôi có trên lưng không phải là một chiếc ô màu hồng mà là người cô tội nghiệp. Thời gian trôi qua, mọi người cũng hết đi sự tò mò về tôi và người cô tội nghiệp. Người bạn bên hồ ngày hôm ấy đã nói đúng : không ai quan tâm đến những người cô tội nghiệp cả.
“Tớ đã thấy cậu trên TV,” bạn tôi nói. Chúng tôi lại ngồi bên bờ hồ. Ba tháng nay tôi không gặp cô ấy, bây giờ đã là đầu mùa thu. Thời gian trôi qua nhanh thật. Chúng tôi chưa bao giờ không gặp mặt nhau lâu đến thế. "Trông cậu có chút mệt mỏi."
"Ừ."
"Cậu không còn là cậu nữa."
Tôi gật đầu. Đúng vậy : Tôi đã không còn là chính mình nữa.
Cô ấy gấp rồi lại mở chiếc áo len ở trên gối. "Cậu đã thành công trong việc có được người cô tội nghiệp riêng của cậu."
“Ừ.”
Cô ấy mỉm cười, vuốt ve chiếc áo mềm mại trên đầu gối như thể nó là một con mèo. “Bây giờ cậu đã hiểu cô ấy hơn chưa?”
"Một chút, tớ nghĩ thế."
"Và nó có giúp cậu viết được gì không?"
"Không." Tôi lắc nhẹ. "Không một chút gì cả. Tớ thậm chí còn không có hứng viết. Có lẽ tớ sẽ chẳng bao giờ làm được điều này."
Cô ấy im lặng một lúc.
“Tớ có ý này,” sau cùng cô ấy lên tiếng. "Cứ hỏi tớ một vài thứ. Có thể tớ giúp được một chút."
"Với cương vị là một người cô tội nghiệp?"
"Uh-huh." Cô ấy cười. "Hỏi đi nào, tớ đang có hứng đấy. Có thể sau này cậu sẽ không có được cơ hội này nữa đâu."
Tôi còn không biết bắt đầu từ đâu. "Đôi khi," tôi nói, "tớ thắc mắc không biết người như nào mới trở thành người cô tội nghiệp ? Hay họ đã được định sẵn sinh ra là sẽ như thế ? Hay là phải có một vài điều kiện nào đó ? Hay loại lỗi lầm gì khiến họ trở nên như vậy ?"
Cô ấy gật đầu mấy lần như để nói rằng đó là một câu hỏi rất hay. "Cả hai," cô ấy nói. "Chúng giống nhau."
"Giống nhau cả thôi?"
"Uh-huh. Nghe này. Một người cô tội nghiệp có thể có một tuổi-thơ-người-cô-tội-nghiệp. Hoặc có thể là không. Điều đó không quan trọng. Có hàng triệu lí do trên đời dẫn đến hàng tá các kết quả khác nhau. Hàng triệu lý do để sống, và hàng triệu lý do để chết. Hàng triệu lý do để đưa ra lý do. Những thứ như thế thường rất dễ xảy ra. Nhưng điều cậu đang tìm kiếm không nằm trong số chúng, đúng chứ ?"
"Chà, sao nhỉ," tôi nói, "tớ nghĩ là không."
“Bà ấy tồn tại. Đó là tất cả. Người cô tội nghiệp của cậu đang ở đây. Cậu phải nhìn nhận sự thật này và chấp nhận nó. Bà ấy tồn tại. Và đó là tất cả về một người cô tội nghiệp. Sự tồn tại của bà ấy là tất cả lý do. Cũng giống như chúng ta. Tại đây và ngay bây giờ, hiện diện bằng tất cả những gì chúng ta có, không có nguyên do hay kết quả nào cả."
Chúng tôi ngồi bên hồ một lúc lâu, không ai trong cả hai cử động hay nói một lời nào. Ánh nắng trong xanh của mùa thu rải bóng lên mặt cô ấy.
"Giờ thì," cô ấy nói, "cậu không định hỏi tớ là tớ thấy gì trên lưng cậu sao ?"
"Cậu thấy gì trên lưng tớ ?"
"Không có gì cả ", cô ấy cười. "Tớ chỉ nhìn thấy cậu."
"Cảm ơn cậu."
Thời gian, làm phai đi mọi thứ, tất nhiên. Nhưng cái sự thảm hại mà hầu hết chúng ta nhận lại được thì quá đỗi êm đềm, êm đềm đến mức đáng sợ. Thậm chí rất ít trong số chúng ta nhận ra rằng chúng ta đã bị đánh bại. Tuy nhiên, khi nhìn vào người cô tội nghiệp, chúng ta thực sự có thể chứng kiến sự bạo tàn của thời gian. Nó vắt kiệt người bà ấy như một quả cam, cho đến những giọt cuối cùng. Điều thu hút tôi đến với người cô tội nghiệp là sự trọn vẹn, sự hoàn hảo tuyệt đối đó. Bà ấy giống như một cái xác bị phong ấn bên trong một dòng sông băng - một dòng sông băng tráng lệ và cứng như thép. Chỉ có ánh nắng vạn năm mới có thể làm tan chảy thứ băng như vậy. Nhưng không một người cô tội nghiệp nào có thể sống được một vạn năm, và vì vậy bà ấy sẽ phải sống với sự hoàn hảo của mình, chết với sự hoàn hảo của mình và bị chôn vùi với sự hoàn hảo của mình.
ϓ
Người cô tội nghiệp rời xa tôi vào một ngày cuối thu. Nhớ lại một số việc tôi phải hoàn thành trước mùa đông, tôi lên một chuyến tàu ngoại ô với người cô tội nghiệp trên lưng. Như bất kỳ chuyến tàu ngoại ô nào vào buổi chiều, nó vắng như tờ. Tận hường chuyến đi đầu tiên ra khỏi thành phố sau một khoảng thời gian dài, tôi ngắm nhìn khung cảnh xung quanh. Không khí trong lành và mát rượi, những ngọn đồi xanh vắt, và ở đây đó dọc đường điểm những quả đỏ chín mọng.
Ngồi trên chuyển trở về, đối diện với tôi trên lối đi là một người phụ nữ gầy, tầm ba mươi tuổi, và hai đứa con của cô ấy. Đứa lớn là một bé gái, mặc chiếc đầm sọc xanh navy và chiếc mũ phớt màu xám với dải ruy băng đỏ - hẳn là đồng phục mẫu giáo - ngồi bên trái mẹ. Bên phải người mẹ là cậu con trai khoảng ba tuổi. Không có gì đặc biệt về người mẹ hay hai đứa con đáng để chú ý. Khuôn mặt của họ, quần áo của họ bình thường đến vô cùng. Người mẹ mang trên người một chiếc túi lớn. Cô ấy trông có vẻ mệt mỏi; nhưng nói cho cùng thì người mẹ nào cũng đều trông mệt mỏi. Tôi hầu như không chú ý khi họ lên tàu. Tuy nhiên, không lâu sau đó, âm thanh từ bé gái bắt đầu hướng sự chú ý của tôi. Giọng cô bé tha thiết như van nài. Rồi tôi lại nghe thấy người mẹ đáp lại: "Mẹ đã nói con ngồi yên trên tàu rồi mà!" Cô ấy dở cuốn tạp chí trên túi đồ, miễn cưỡng liếc mắt nhìn.
"Nhưng mẹ xem nó làm gì với mũ con này."
"Yên nào!"
Con bé định nói gì đó, nhưng rồi lại thôi. Thằng bé cứ cầm chiếc mũ và làm đủ trò với nó. Con bé chồm người và cố lấy lại, nhưng thằng bé nắm chặt không buông. "Để nó chơi với chiếc mũ một lúc đi," người mẹ nói với con bé, "nó sẽ chán ngay thôi." Con bé không tin lắm, nhưng cũng không dám nói lại. Nó mím chặt môi và nhìn chằm chặp vào chiếc mũ. Nghe người mẹ nói thế, thằng bé càng làm tới, nó bắt đầu giật mạnh dải ruy băng đỏ. Rõ ràng nó biết việc này sẽ chọc điên chị nó – và tôi. Tôi gần như đã định đứng dậy và giật lại cái thứ ấy từ tay thằng bé.
Con bé dán chặt mắt vào đứa em, bạn có thể thấy nó có một kế hoạch. Rồi, bất thình lình, nó đứng dậy và tát thẳng vào mặt thằng bé. Trong một vài giây sau đó, nó giật lấy cái mũ và ngồi lại vào chỗ. Nó làm chuyện này nhanh đến nỗi, tầm trong một nhịp thở sâu, người mẹ và đứa em mới nhận thức được chuyện gì vừa xảy ra. Khi thằng bé bắt đầu rên rỉ, người mẹ đánh mạnh vào đùi của con bé rồi lại quay sang dỗ thằng nhỏ, nhưng nó cứ khóc lóc mãi.
"Nhưng nó làm hỏng mũ của con," con bé nói.
"Đừng nói chuyện với mẹ nữa," người mẹ nói. "Con không phải là con của mẹ nữa."
Con bé cuối gầm mặt, nhìn chằm chằm vào chiếc mũ của mình.
"Tránh xa ra," bà mẹ nói. "Đi qua đó." Cô ta chỉ vào chiếc ghế trống bên cạnh tôi.
Con bé nhìn sang chỗ khác, cố gắng phớt lờ ngón tay đang chìa ra của người mẹ, nhưng nó cứ vẫn chỉa về phía tôi, cứ như là nó bị đóng băng giữa không trung vậy.
"Đi đi," bà mẹ gằn giọng. "Con không được ngồi ở đây nữa." (You're not a part of this family anymore.)
Con bé đứng lên với chiếc mũ và cặp sách, lê bước trên lối đi, và ngồi xuống bên cạnh tôi, cúi đầu. Nó miết nhẹ vành mũ bằng những ngón tay nhỏ nhắn của mình. Đó là lỗi của nó, chắc con bé đang nghĩ như thế. Nó đã định giật cái ruy băng trên mũ của mình. Hai hàng nước mắt dài lăn trên má con bé.
Bây giờ đã gần tối. Ánh sáng vàng lập lòe từ trần xe lửa như bụi từ cánh một con bướm đêm buồn bã. Nó lơ lửng ở đó chỉ để hít vào từ miệng và mũi của hành khách. Tôi khép cuốn sách, đặt tay lên đầu gối, nhìn chằm chằm vào lòng bàn tay đang hếch lên của mình một lúc lâu. Lần cuối cùng tôi nhìn ngắm đôi tay của mình là khi nào nhỉ? Trong ánh đèn le lói, chúng trông cáu ghét và bẩn thỉu – chẳng giống tay tôi chút nào. Cảnh tượng này khiến tôi buồn ghê gớm : có những bàn tay sẽ chẳng bao giờ làm người khác vui được, chúng sẽ chẳng bao giờ cứu được cuộc đời ai cả. Tôi muốn đặt tay lên vai cô bé ngồi cạnh tôi, xoa vai và nói nó nín đi, nó đã làm rất đúng và rất tốt, để lấy lại chiếc mũ. Nhưng tất nhiên tôi không động vào con bé hay nói một lời nào. Việc đó chỉ tổ làm con bé bối rối và sợ sệt hơn. Và lại với bàn tay đầy cáu bẩn này sao?
Lúc tôi rời tàu, một cơn gió lạnh đang thổi qua. Chẳng bao lâu nữa mùa len mỏng sẽ kết thúc, và thay vào đó là những chiếc khoác dày và nặng trịch. Tôi nghĩ về những chiếc áo khoác một lúc, phân vân không biết có nên mua cho mình một cái mới hay không. Tôi đi dọc xuống cầu thang và thẳng ra cổng trước khi kịp nhận ra rằng người cô tội nghiệp của tôi không còn ở đó. Tôi không biết việc đó xảy ra khi nào. Bà ấy đi mất, như cái cách bà ấy đến. Bà ấy trở lại cái nơi mà bà ấy từng ở đó, và tôi lại là con người ban đầu của tôi. Nhưng con người ban đầu của tôi là gì? Tôi không thể chắc chắn nữa. Tôi không thể ngừng nghĩ rằng đây là một con người khác, nó chỉ là rất giống con người cũ của tôi, nhưng vẫn là một con người khác. Tôi làm gì đây nhỉ ? Tôi gần như không biết mình đang ở đâu. Tôi đưa tay vào túi và đút hết đống tiền lẻ tôi tìm được vào chiếc điện thoại công cộng. Hồi chuông kêu tám. Chín. Và rồi cô ấy nhấc máy.
"Tớ đang ngủuu," cô ấy ngáp.
"Vào sáu giờ tối?"
"Này cả đêm qua tớ thức làm việc đấy. Vừa mới xong hai giờ trước thôi."
“Xin lỗi, tớ không cố ý,” tôi nói. "Nghe có vẻ lạ nhưng tớ chỉ gọi để xem cậu có còn sống không thôi. Chỉ có vậy thôi. Thật đấy."
Tôi có thể cảm thấy miệng cô ấy nhoẻn miệng cười qua ống điện thoại.
"Cảm ơn. Cậu thật tử tế," cô ấy nói. "Đừng lo, tớ vẫn còn sống. Và tớ đang làm việc đến chết cho cái sự sống này đây. Đó là lí do vì sao tớ mệt chết đi được. OK? Cậu yên tâm rồi chứ?"
"Ừ."
“Cậu biết không,” cô ấy nói như thể sẽ kể cho tôi bí mật tận cùng của thế giới vậy, “việc sống đôi khi thật khó khăn”.
"Tớ biết," tôi nói. Và cô ấy đã đúng. "Cậu có muốn ăn tối với tớ không?" Trong sự im lặng ấy, tôi có thể cảm nhận được cô ấy đang cắn môi và đưa ngón út lên lông mày.
“Nào, không phải bây giờ,” cô ấy nói, nhấn mạnh từng âm tiết. "Chúng ta nói chuyện sau được không? Cậu cần phải để cho tớ ngủ cái đã. Mọi chuyện sẽ khá hơn nếu tớ ngủ được một ít. Tớ sẽ gọi lại cậu khi nào dậy. Được không?"
"Ừ," tôi nói. "Ngủ ngon."
"Cậu cũng vậy. Chúc cậu ngủ ngon." Cô ấy do dự một lúc. "Đó là chuyện quan trọng cậu muốn nói với tớ sao?"
"Không, không có chuyện gì đâu," tôi nói. "Chúng ta có thể nói về nó sau."
Đúng vậy, chúng tôi có thể nói về điều đó sau - chúng tôi còn nhiều thời gian. Một vạn, hai vạn năm. Tôi có thể đợi.
"Chúc ngủ ngon", cô ấy nói một lần nữa và cúp máy. Trong một lúc, tôi nhìn vào chiếc ống nghe trên tay mình, rồi đặt lại nó vào giá đỡ. Ngay khi vừa rút tay lại, tôi đói ngấu nghiến. Khoảnh khắc tôi buông nó ra, tôi cảm thấy đói kinh khủng. Tôi sẽ điên lên nếu không được ăn gì mất. Cái gì cũng được. Bất cứ thứ gì. Nếu có ai đó cho tôi thứ gì, tôi sẽ bò đến chỗ anh ta bằng bốn chân. Thậm chí là mút sạch các ngón tay của anh ta. Đúng thế, tôi sẽ mút sạch các ngón tay của bạn. Và sau đó sẽ ngủ như một cây thánh giá mòn cũ. Cú đá mạnh nhất cũng không thể nhấc tôi dậy được. Tôi sẽ ngủ yên như thế trong một vạn năm.
Tôi dựa vào buồng điện thoại, đầu óc tôi trống rỗng, tôi nhắm mắt lại. Rồi tôi nghe thấy tiếng bước chân, hàng ngàn tiếng bước chân. Họ lướt qua tôi như một cơn sóng. Họ cứ tiếp tục đi, đi và về, vượt qua thời gian. Người cô tội nghiệp của tôi bây giờ đang ở đâu? Bà ấy đã trở về nơi nào? Và tôi đã trở về đâu? Nếu, mười vạn năm nữa, một xã hội mới ra đời chỉ có những người cô tội nghiệp – với một tòa thị chính cho những người cô tội nghiệp – được bầu bởi những người cô tội nghiệp, những chiếc xe điện dành cho những người cô tội nghiệp – do những người cô tội nghiệp đi, những cuốn tiểu thuyết viết cho những người cô tội nghiệp – bởi những người cô tội nghiệp viết – liệu họ có mở cánh cổng ấy cho tôi không? Và rồi sau đó, một lần nữa, họ có thể không cần bất kỳ thứ gì trong số đó – tòa thị chính, xe điện hoặc tiểu thuyết. Thay vào đó, họ sẽ sống yên bình trong những cái chai giấm khổng lồ do họ tự làm. Từ trên không, bạn có thể thấy hàng chục – trăm nghìn – chai giấm xếp thành hàng, bao phủ khắp trái đất. Cảnh tượng ấy choáng ngợp đến nỗi sẽ khiến bạn phải nín thở.
Đúng vậy, chính nó. Và nếu một ngày nào đó, cái thế giới ấy có thể có thể thừa nhận một bài thơ duy nhất, tôi sẽ hân hạnh là người viết ra nó: nhà thơ đầu tiên đoạt giải của thế giới những người cô tội nghiệp. Tôi sẽ hát vang dưới ánh mặt trời rực rỡ phản chiếu trên những chiếc lọ màu xanh lá, với cỏ xanh trải dài bên dưới.
Nhưng điều này hơi xa nhỉ, phải đến năm 12001, và một vạn năm là quá lâu đối với tôi. Tôi phải đi qua cả hàng vạn mùa đông trước đó để chờ đợi nó.
Bảo Duyên - dịch từ bản dịch tiếng Anh của Jay Rubin
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất