Trích đoạn tiểu thuyết Cảnh sát ký ức của nhà văn Yoko Ogawa, bản dịch tiếng Anh của Stephen Snyder trên Lithub
Ảnh: New York Times


------------------------------------------------
Mẹ mất, rồi cha cũng mất, và từ đó tới nay tôi sống một mình trong ngôi nhà này. Hai năm trước, người y tá từng chăm sóc khi tôi còn bé cũng chết, vì một cơn đột quỵ. Tôi tin mình có vài anh chị em họ sống ở ngôi làng gần đầu nguồn con sông phía xa dãy núi nằm về hướng Bắc, nhưng chưa từng gặp họ. Các triền núi phủ cây nhọn còn đỉnh lúc nào cũng choàng một lớp sương, do đó chẳng ai từng tìm cách vượt qua. Và bởi không có bản đồ hòn đảo – bản đồ từ rất lâu đã biến mất – nên không ai biết đích xác hình thù của nó, hay phía bên kia các dãy núi còn có những gì.
Cha tôi là một nhà điểu học. Ông làm việc ở một đài quan sát trên đỉnh ngọn đồi phía Nam. Mỗi năm ông lưu lại đó nhiều tháng để thu thập dữ liệu, chụp ảnh các loài chim, và tìm cách ấp trứng. Tôi thích lui tới thăm ông và tranh thủ tới đó nhiều nhất có thể - bằng cái cớ phải giao bữa trưa cho ông. Các nhà nghiên cứu trẻ tuổi tử tế với tôi và hay dúi cho tôi bánh ngọt và sô cô la nóng.
Tôi hay ngồi trên đùi cha và dùng ống nhòm quan sát các sinh vật của ông. Hình dáng một chiếc mỏ, màu lông viền quanh mắt, cách chuyển động của đôi cánh – chẳng một thứ gì thoát khỏi sự chú ý của ông vì cha phải xác định chúng cho bằng hết. Chiếc ống nhòm quả có nặng nề với một bé gái, và khi hai tay tôi đã mỏi, cha sẽ luồn tay vào giữa để nâng giúp tôi. Khi cha con chúng tôi má kề như thế, nhìn lũ chim giang cánh, lúc nào tôi cũng muốn hỏi cha có biết những gì đựng trong ngăn tủ cũ trong phòng mẹ hay không. Nhưng khi chuẩn bị lên tiếng, tôi lại nhớ gương mặt mẹ nhìn ngang khi bà đăm chiêu nhìn mảnh trăng hắt qua cửa sổ con, và không bao giờ tìm ra lời lẽ. Tôi đành tự hài lòng bằng cách chuyển lời dặn của mẹ tới cha, hãy ăn trước khi bữa trưa bị thiu.
Khi tới lúc phải về, cha dắt tôi đi tới tận trạm xe buýt. Ở một chốt dọc con đường nơi các loài sinh vật đến để tìm thức ăn, tôi hay dừng lại bẻ nhỏ chỗ bánh mà các trợ lý của cha tặng.
“Chừng nào cha về nhà?” tôi hỏi.
“Tối thứ Bảy, chắc vậy,” ông nói, trông có vẻ không thoải mái. “Nhớ yêu thương mẹ dùm cha nhé.” Ông vẫy tay tạm biệt mạnh tới nỗi suýt nữa đánh mất cây bút chì đỏ - hay cây com-pa hay cây bút dạ hay nhíp – những thứ nằm lọt trong túi áo ông.
*
Tôi thấy thật may mắn khi lũ chim chóc không biến mất sau khi ông qua đời. Phần lớn người sống trên đảo nhanh chóng tìm cho mình một công việc khác khi một sự biến mất ảnh hưởng tới công việc của họ, nhưng tôi không cho là điều này sẽ đúng với cha. Tìm thấy những loài động vật hoang dã là một thiên phú thật sự của ông.
Khi những chiếc nón biến mất, người thợ làm nón sống ở bên kia đường bắt đầu chuyển sang làm dù. Chồng người y tá từng chăm sóc tôi, xưa kia từng là thợ máy trên phà, trở thành nhân viên bảo vệ ở một nhà kho. Một cô gái hơn tôi ít tuổi ở trường được nhận vào làm ở một tiệm làm đẹp, nhưng nhanh chóng tìm thấy một chân hộ sinh. Chẳng ai trong bọn họ nói điều gì về chuyện đó.
Kể cả khi công việc mới trả thấp hơn, dường như họ cũng chẳng hề hối tiếc đã mất việc cũ. Dĩ nhiên, nếu như phàn nàn, chắc chắn họ sẽ thu hút sự để ý của Cảnh sát Ký ức.
Con người – và tôi không phải ngoại lệ - dường như có thể quên đi gần như tất cả mọi thứ, cứ như thể hòn đảo của chúng tôi không thể nổi lên trên bất cứ thứ gì khác ngoài một vùng biển tuyệt đối hoang vắng.
Sự biến mất của lũ chim chóc, như sự biến mất của nhiều thứ khác, xảy ra hết sức thình lình một sáng nọ. Khi mở mắt, tôi có thể cảm nhận gì đó kỳ lạ, gần như khô khốc, trong bầu không khí. Dấu hiệu của một vụ mất tích. Vẫn đắp mền, tôi cẩn thận rảo nhìn căn phòng. Chỗ trang sức trên bàn trang điểm của tôi, những chiếc kẹp giấy và chú thích rải rác trên bàn, dây màn, kệ đĩa – có thể là bất cứ thứ gì. Cần có kiên nhẫn và tập trung mới có thể nhận ra đã mất đi thứ gì. Tôi ngồi dậy, tròng áo khoác vào, và đi ra vườn. Hàng xóm ai nấy đều bâu quanh bên ngoài, nhìn dáo dác. Con chó ở sân kế bên khẽ tru.
Rồi tôi chợt thấy một sinh vật nhỏ màu nâu bay vút lên bầu trời. Nó tròn trịa, với có vẻ như một túm lông trắng trước ức. Khi bắt đầu tự hỏi liệu đây có phải là một trong những con mà tôi đã nhìn thấy với cha, tôi nhận ra rằng tất cả những gì tôi biết về chúng đã biến mất khỏi tâm trí: ký ức của tôi, cảm xúc về chúng, và chính ý nghĩa của từ “chim” – tất cả mọi thứ.
“Những con chim,” người thợ làm nón bên kia đường lẩm bẩm. “Chúc thượng lộ. Tôi đồ chẳng ai sẽ còn nhớ chúng.” Ông chỉnh chiếc khăn choàng quanh cổ và khẽ hắt hơi. Rồi ông nhìn thấy tôi. Có lẽ nhớ rằng cha tôi từng là một nhà điểu học, ông ấy tặng tôi một nụ cười quái đản rồi trở lại với công việc. Khi những người khác bên ngoài nhận ra điều gì đã biến mất, dường như họ cũng thấy nhẹ nhõm. Họ quay trở lại các bổn phận buổi sáng, bỏ mặc mình tôi nhìn lên bầu trời.
Con chim màu nâu chao một vòng lớn trên bầu trời rồi biến mất về phía Bắc. Tôi không thể nào nhớ nổi tên con vật, và ước gì đã để ý hơn khi còn tới chỗ cha ở đài quan sát. Tôi cố gắng ghi nhớ hình dáng khi nó bay hay tiếng kêu hay màu lông của nó, nhưng tôi biết hoàn toàn vô ích. Con chim kia, vốn đã nên quyện cùng ký ức về cha, không tài nào gợi lên bất cứ cảm xúc gì trong tôi. Chẳng khác gì hơn một sinh vật đơn giản, băng qua không gian như chỉ bằng chuyển động dọc của đôi cánh.
Chiều hôm đó tôi đi chợ mua sắm. Khi này hay khi khác tôi nhìn thấy những nhóm người cầm lồng, với những con vẹt đuôi dài, sẻ Java, hoàng yến đập cánh đầy căng thẳng bên trong, như thể chúng biết điều gì sắp sửa xảy ra. Những người cầm lồng chim đều lặng lẽ, gần như mơ màng, có lẽ vẫn còn đang cố gắng thích nghi với sự biến mất mới mẻ này.
Từng người chủ như đang nói lời tạm biệt với chim của mình theo từng cách riêng. Một số gọi tên chúng, số khác cạ chúng lên má, và số khác cho chúng ăn, hay cọ mỏ chúng. Một khi các nghi thức nhỏ nhoi ấy kết thúc, họ mở lồng và giương lên trời. Các sinh vật bé nhỏ kia, thoạt tiên còn hoang mang, quây gần chủ mình ít lâu, rồi chẳng mấy chốc biến mất, như thể bay về một nơi xa thẳm.
Khi chúng mất hút, một sự thanh bình hạ xuống như thể chính không khí đang hít thở trong cẩn trọng vô ngần. Những người chủ quay đầu về nhà, tay cầm những chiếc lồng trống.
Và đó là cách mà lũ chim biến mất.
*
Ngày hôm sau xảy ra một điều bất ngờ. Khi tôi đang ăn sáng và xem truyền hình thì chuông cửa đổ.
Từ cách chuông đổ, tôi có thể đoán rằng sắp sửa xảy ra điều chẳng lành.
“Hãy đưa chúng tôi tới văn phòng làm việc của cha cô,” một sĩ quan Cảnh sát Ký ức đang đứng trước cửa lên tiếng. Có tất cả năm người bọn họ, trong đồng phục xanh lá thẫm, đai nịch nặng nề và ủng đen. Họ đeo găng da và súng lộ ra một nửa ở bao đựng ngang hông. Họ gần như giống y hệt nhau, chỉ có ba phù hiệu trên cổ áo để phân biệt – dù tôi chẳng có thời gian để quan sát kỹ.
Cảnh sát Ký ức chỉ đơn giản muốn loại trừ đi tất mọi dấu tích liên quan đến chim.
“Dẫn chúng tôi tới văn phòng của cha cô,” sĩ quan thứ hai lặp lại, giọng hệt như người vừa nói trước đó. Người này đeo phù hiệu có hình kim cương, hạt đậu, và một hình thang.
“Cha tôi chết đã năm năm trước,” tôi đáp với giọng chậm rãi và đều đều nhất có thể, cố giữ bình tĩnh.
“Chúng tôi biết chứ,” một sĩ quan khác, đeo phù hiệu hình nêm, chữ nhật và chữ “T”. Cứ như thể lời của hắn ta là một thứ dấu hiệu, năm sĩ quan ập vào nhà thậm chí không cởi cả giầy ra. Thình lình, hành lang đầy tiếng khua của giầy bốt và súng ống.
“Tôi vừa lau thảm,” tôi lên tiếng. “Làm ơn cởi giầy ra.” Tôi biết lẽ ra nên nói gì đó cương quyết hơn, nhưng đề nghị ấy là tất cả những gì tôi có trong đầu. Chẳng xá gì, bởi bọn họ chẳng chút bận tâm tới tôi và đã trèo lên gác.
Dường như bọn họ biết chính xác sẽ tới đâu, và một thoáng sau họ đã có mặt trong văn phòng của cha ở phía Đông ngôi nhà, bắt tay vào làm việc với sự chuẩn xác đáng gờm. Đầu tiên, một tay sĩ quan mở hết cửa sổ, vốn đã bị phong kín từ khi cha tôi qua đời. Trong lúc đó, một sĩ quan khác dùng một công cụ dài và mỏng như một cái bay để gạt khóa tủ và ngăn tủ. Những tên còn lại lần ngón tay trên từng tấc bốn bức tường, rõ ràng đang tìm kiếm các khoang bí mật.
Rồi tất cả bắt đầu lục lọi giấy tờ của cha, xộc tay vào các ghi chép, bản thảo, sách và ảnh của cha tôi. Khi tìm thấy một thứ gì đó cho là nguy hiểm – nói cách khác, bất cứ thứ gì có chứa chữ “chim” – họ sẽ ném thẳng tay không thương tiếc xuống sàn. Tựa vào khung cửa, tôi vừa quan sát bọn chúng vừa căng thẳng quơ quàng ổ khóa. Như tôi từng nghe kể, Cảnh sát Ký ức thực thi nhiệm vụ được giao theo cách hiệu quả nhất. Chúng làm việc trong im lặng, mắt dán chặt, không hề có một cử động thừa.
Âm thanh duy nhất là tiếng sột soạt của giấy tờ, như tiếng vỗ cánh.
Chẳng bao lâu, đã có một núi giấy trên sàn. Gần như tất cả mọi thứ trong căn phòng đều liên quan tới công việc của cha tôi theo cách nào đó. Các tài liệu đầy chữ viết tay quen thuộc của cha tôi và các bức ảnh ông đã chụp ở đài quan sát vụt khỏi tay bọn sĩ quan, tờ này tới tờ khác. Rõ ràng là chúng đang tạo ra một sự hỗn loạn, nhưng chúng tiến hành chuẩn xác đến độ tạo cảm giác ngăn nắp cẩn thận. Tôi thấy nên tìm cách ngăn cản chúng, nhưng tim tôi giộng thình thịch và tôi không biết phải làm gì.
“Làm ơn cẩn thận giùm,” tôi lập bập, nhưng chúng bỏ ngoài tai. “Đây là những thứ duy nhất mà tôi có được từ ông ấy.” Không một tên nào ngoảnh sang nhìn tôi, và giọng nói của tôi lọt thỏm vào đống ký ức trên sàn.
Rồi một tên sĩ quan chạm vào nắm tay của ngăn tủ bàn dưới cùng.
“Chẳng có gì liên quan tới chim ở đó cả,” tôi la lên. Đó là ngăn mà cha tôi lưu giữ thư từ và ảnh gia đình. Tay sĩ quan – gã này có phù hiệu hình tròn đồng tâm, và một phù hiệu khác có hình chữ nhật và một phù hiệu nữa hình giọt nước – vẫn tiếp tục. Món duy nhất có tính xúc phạm trong ngăn là ảnh chụp cả gia đình tôi với một con chim quý màu sắc rực rỡ - tôi chẳng còn nhớ tên nó – mà cha tôi đã ấp nở thành công. Hắn cẩn thận lấy ra những tấm ảnh và thư từ còn lại bên trong rồi đặt chúng trở lại. Đây là chỗ tử tế duy nhất của ngày hôm đó.
Phân loại xong xuôi, chúng gom những vật dụng chất thành chồng trên sàn và tọng vào những chiếc bọc nhựa đen to lôi ra từ túi áo khoác. Cái cách bọn chúng nhồi vào bọc cho thấy rõ là chúng sẽ đổ đi hết. Chúng chẳng tìm kiếm cụ thể món nào cả; chúng chỉ muốn tiêu hủy mọi dấu vết nào miễn là liên quan tới chim. Nhiệm vụ đầu tiên của Cảnh sát Ký ức là thực thi những vụ tiêu hủy.
Rồi tôi chợt nhận ra rằng vụ khám xét này khác với ngày chúng áp giải mẹ đi. Hôm nay, dường như chúng đã tìm được những gì chúng muốn, và tôi khá chắc chúng sẽ không quay lại. Cha đã chết, và ký ức về chim đang dần nhạt phai khỏi ngôi nhà.
Vụ khám xét diễn ra được một giờ và thu hoạch được mười bọc lớn. Văn phòng đã ấm lên từ ánh mặt trời rọi qua. Những phù hiệu bóng lưỡng ánh lên trên cổ áo bọn sĩ quan, nhưng chẳng tên nào đổ mồ hôi hay khổ sở vì sức nóng cả. Mỗi tên khuân hai bọc mang ra chiếc xe tải đậu bên ngoài.
Căn phòng đã hoàn toàn khác. Dấu vết về sự hiện diện của cha, mà tôi đã cố mọi cách để bảo tồn, đã tan biến, thay thế bằng một sự trống trải không bao giờ lấp được. Tôi đứng giữa trống trải ấy, tưởng như sắp bị hút vào cái hố kinh khiếp của nó.
__________________________________
k.