CALL ME BY YOUR NAME
“Parce-que c’etait lui, parce-que c’etait moi.” Đây không hẳn là một bộ phim về tình yêu. Hơn thế, đây là một bộ phim về trái...
“Parce-que c’etait lui, parce-que c’etait moi.”
Đây không hẳn là một bộ phim về tình yêu. Hơn thế, đây là một bộ phim về trái tim. Phải nói là phim hay và đẹp, nhưng Q cứ thấy trôi lãng đãng suốt ¾ bộ phim. Và rồi gần cảnh cuối phim (trong hình), khi người cha – giáo sư Perlman nói chuyện với con trai về Oliver, đã khiến phim kết thúc sâu sắc và đắt giá vô cùng. Như kiểu suốt phim đã trôi theo chuyện tình cảm mãnh liệt của Oliver với Elio thì cuối phim được bắt lấy, được ôm ấp bởi một bài speech tuyệt vời về trái tim.
“Ta rũ bỏ quá nhiều cảm xúc của chính mình để chữa lành vết thương được nhanh hơn, đến mức cạn kiệt vào năm 30 tuổi. Và ta chẳng còn gì để trao đi mỗi khi bắt đầu với một người mới. Nhưng cố xóa sạch cảm xúc để không cảm thấy điều gì, thật sự là điều lãng phí!”
Đoạn này được trích dẫn nguyên văn từ bản tiểu thuyết của André Aciman. Bản thân nam diễn viên Michael Stuhlbarg vào vai Perlman cũng cảm thấy đoạn hội thoại này quá sức đặc biệt, đến mức ông chỉ đọc nó một lần lúc thử thoại, nghiền ngẫm về nhân vật giáo sư, và không nói về nó cho đến khi diễn thật sự. Chỉ đến khi vào độ tuổi xế chiều, người ta mới có thể thảnh thơi ngồi nhìn lại những chặng đường mình đã qua, đủ chín chắn và lắng đọng để suy ngẫm xem những chọn lựa khi xưa là đúng hay sai, “mê cung gió” hay “thành quách mưa” liệu có đáng hay không? Trong bài phỏng vấn với tạp chí Interview, Stuhlbarg còn kể chia sẻ thêm rằng căn phòng nơi diễn ra cảnh quay này sẽ mãi mãi đi vào tâm trí ông, như một chiếc kén êm ái để thành thật với cảm xúc của mình và tuôn ra những lời so deep như vậy. Như một lời chân thật mà càng lớn tuổi, người ta càng khó bộc lộ hơn, có chăng chỉ là trong những không gian đặc biệt, bên những ly rượu hay ánh nến cùng người thân thiết.
Ai cũng có trong mình khao khát được yêu thương mãnh liệt, cùng với nỗi sợ hãi tổn thương. Đúng người, sai chỗ. Đúng chỗ, lại sai thời điểm. Đúng thời điểm, lại chần chừ. Mọi thứ chỉ có khoảnh khắc nhất định. Đến một độ tuổi nào đó, dẫu muốn, người ta cũng không thể vượt mọi ranh giới để yêu hết mình, nồng nàn, bằng cả trái tim được nữa. Oliver và Elio là cặp đôi như vậy. Elio yêu theo kiểu ngây thơ, non nớt, trao cả trái tim vụng dại, mộng mơ. Oliver mạnh mẽ, cuồng nhiệt nhưng đầy lí trí, không bao giờ từ bỏ tham vọng. Elio thì hem biết chứ Oliver chính là Bạch Dương điển hình, luôn đặt tham vọng và kiêu hãnh của bản thân mình lên trên hết. Elio và Perlman đều hiểu điều đó nên mới nói “bởi vì đó là ta, bởi vì đó là người”.
Cảnh cuối phim, Elio chìm trong nỗi đau, nỗi nhớ, nhìn chăm chăm vào ngọn lửa. Khiến ta liên tưởng tới cảnh cuối của Tâm trạng khi yêu, khi Chu Mộ Văn lại tiếp tục gửi vào tượng đá nỗi niềm của mình đến một người mãi không thể ở bên nhau. Dù vậy, sự kết nối của hai trái tim là mãi mãi, chiếm trọn một góc sâu kín mà không gì có thể thay thế được. Như Oliver và Elio không ngừng gọi đối phương bằng chính tên mình, để khoảnh khắc cùng nhau hòa làm một sẽ là mãi mãi.
Nói lan man hơn thì dường như tình yêu có sức mạnh bẻ cong thời gian, khi khiến những trường đoạn trở nên vô nghĩa, nhạt nhẽo, rồi lại có lúc biến những khoảnh khắc ngắn ngủi trở thành trường cửu. Chỉ bằng việc thành thật với cảm xúc của chính mình, dũng cảm yêu và cho đi không toan tính, ta mới sống trọn vẹn được với trái tim mình. It is as simple, and as complicated as that.
Còn muốn yêu, muốn bung lụa cháy hết mình mà vẫn e sợ, suy nghĩ quá nhiều thì ta lại tiếp tục nghe lời giáo sư Perlman:
“Con muốn sống ra sao cũng được, chỉ cần nhớ rằng, trái tim và thân thể chỉ được trao tặng cho ta một lần trong đời. Ngay cả trước khi con nhận ra điều đó, trái tim đã quá mỏi mệt. Còn với thân thể ta, rồi cũng đến lúc không ai muốn ngó ngàng, chứ đừng nói là tới gần nó. Hiện tại, con buồn khổ, đau đớn. Đừng dập tắt nó, vì song hành là niềm hạnh phúc mà con đã cảm nhận.”
Tiếp tục hay từ bỏ, hãy lắng nghe con tim.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất