CÁI ĐỊNH MỆNH! Phần 1: Các tôn giáo độc thần Tây Á
“The fault, dear Brutus is not in our stars, / But in ourselves, that we are underlings.” – Julius Caesar by William Shakespeare ...
“The fault, dear Brutus is not in our stars, / But in ourselves, that we are underlings.” – Julius Caesar by William Shakespeare
Trong cuốn tiểu thuyết Khi Lỗi Thuộc Về Những Vì Sao, tác giả John Green muốn phản biện lại rằng không phải khi nào con người cũng có thể kiểm soát được số phận của chính mình. Có những điều xảy ra trong cuộc đời mà chúng ta chỉ có thể chấp nhận chứ không thể truy nguyên. Ví dụ như căn bệnh ung thư của Hazel và Augustus, không ai trong đôi bạn mong muốn hay đã từng làm gì để phải nhận hậu quả là căn bệnh này ngay từ khi còn rất nhỏ. Vậy thì sao có thể như lời Cassius nói với Brutus trong vở kịch Julius Caesar được, rõ ràng rằng số phận trớ trêu, rõ ràng rằng lỗi lầm thuộc về những vì sao.
Cuộc tranh luận này vốn đã có từ ngàn xưa kéo theo rất nhiều quan điểm và ý kiến khác nhau. Nếu như triết học và tôn giáo bắt đầu từ một câu hỏi đầu tiên rằng: Tôi là ai? thì câu hỏi thứ hai có lẽ sẽ là: ai đã viết nên cuộc đời tôi.
Cũng bởi lẽ đây là một vấn đề lớn mà các nhà triết học-thần học vẫn chưa thể thuyết phục hoàn toàn những người có tư tưởng đối lập nên bản thân mình càng không có tham vọng có thể tìm được một câu trả lời đúng-sai. Mình chỉ cố gắng cóp nhặt những cuộc bàn luận tôn giáo cũng đã được kể suốt chiều dài lịch sử và đưa vào đó cách hiểu của bản thân mình về thuyết định mệnh. Hy vọng đã không đi quá xa. Trong phần 1 này, mình sẽ tập trung vào thuyết định mệnh thông qua những câu chuyện của các tôn giáo độc thần Tây Á khởi nguồn từ Abraham, lần lượt là Do Thái giáo, Cơ đốc giáo, và Hồi giáo.
1. Câu chuyện về Joseph
Trong Sách Sáng Thế, Joseph được nhắc tới là con trai của Jacob (Israel) và cũng là người con được cha yêu quý nhất. Lòng ghen ghét đối với Joseph vốn khởi nguồn từ sự thiên vị của người cha đã dần biết tướng thành dã tâm muốn loại bỏ Joseph của mười người anh em cùng cha khác mẹ, đặc biệt là sau khi Joseph tiết lộ hai giấc mơ ám chỉ anh sẽ là người cai trị cả gia đình. Họ lên kế hoạch giết hại Joseph nhưng cuối cùng đã bán anh cho một thương nhân Ai Cập lấy 20 đồng bạc và nói dối Jacob rằng Joseph đã chết. Tại Ai Cập, sau nhiều biến cố, Joseph đã trở thành tể tướng triều đình, người có quyền lực thứ hai trong đất nước chỉ dưới Pharaoh. Trong thời gian làm quan, Joseph đã hiến nhiều kế sách cho Pharaoh giúp Ai Cập tránh được nạn đói diễn ra khắp nơi mà chính quê hương Canaan của anh cũng vì thế mà bị thiệt hại nặng nề. Joseph sau đó đón cha và cả dòng tộc của mình từ Canaan tới Ai Cập để lánh nạn và chính thức trở thành người trị vì dòng dõi người Do Thái tại đây như trong giấc mơ năm nào.
Có thể thấy, Thượng Đế ngay từ đầu đã chọn Joseph trở thành lãnh đạo của người Do Thái, vậy hành động của những người anh trai là tội lỗi hay họ chỉ là con cờ trong một kế hoạch lớn hơn đã được định sẵn của Thượng Đế?
Câu trả lời là, hành động lên kế hoạch giết em trai và cuối cùng bán em làm nô lệ của những người anh trai là tội lỗi. Những người anh không chịu tác động từ một thế lực bên ngoài nào khác mà hoàn toàn tự họ lựa chọn việc làm tội lỗi đó. Tuy nhiên, hành động tội lỗi dựa trên ý chí của chính những người anh không thể làm thay đổi bức tranh lớn hơn đã được tiên tri rằng Joseph sẽ trở thành người lãnh đạo. Tội lỗi của những người anh đúng là một phần tạo nên thành công của Joseph nhưng dù có hay không những tội lỗi đó, Joseph cũng sẽ hoàn thành lời tiên tri, họ đã chọn tội lỗi và họ sẽ bị trừng phạt bất kể kết quả cuối cùng của những hành động đó có ra sao.
Đọc thêm:
2. Câu chuyện về Judas
Judas Iscariot là một trong 12 đại tông đồ của Chúa Jesus và cũng là người câu kết với kẻ thù, bán đứng Jesus. Được xem là một nhà cải cách xã hội và tôn giáo, Jesus có rất nhiều mâu thuẫn với giới lãnh đạo Do Thái giáo thời kỳ đó. Judas đã đến gặp vị thượng tế và trưởng lão này đề nghị giao nộp Jesus và nhận được phần thưởng 30 đồng bạc (Matthew 26:14-16). Trong Bữa Tối Cuối Cùng của lễ Vượt Qua năm đó, Chúa Jesus đã cảnh báo sẽ có một người trong số 12 tông đồ là kẻ phản bội và chỉ đích danh Judas, tuy nhiên, tại buổi cầu nguyện sau đó, Judas đã tới cùng quan binh và ra hiệu để họ nhận diện và bắt Jesus bằng việc hôn lên má ngài (Matthew 26:46-50). Dưới áp lực của tầng lớp tư tế Do Thái, Tổng trấn xứ Judea khi đó là Pontius Pilatus đã phải ra lệnh đóng đinh Jesus với cáo buộc xúi giục dân chúng nổi loạn. Sau khi thấy Jesus bị kết án, Judas cảm thấy vô cùng ân hận nên đem trả lại 30 đồng bạc và thắt cổ tự tử (Matthew 27:5).
Điều đáng nói ở đây là những sự kiện chính của cuộc đời Chúa Jesus đều ứng nghiệm những lời tiên tri trong Cựu Ước, rằng chắc chắn Jesus sẽ chết trên cây thập giá và sống lại để chuộc lỗi cho loài người. Vậy, Judas có phải là một phần của lời tiên tri hay không, sự phản bội của Judas có nên được xem là một phần tốt đẹp trong công cuộc cứu độ của Chúa Jesus hay không?
Câu trả lời vẫn là không vì Judas hành động hoàn toàn dựa trên cơ sở tự do ý chí và tự do lựa chọn. Judas đã lựa chọn tội lỗi cho tới cùng ngay cả khi Jesus đã cho hắn một lựa chọn để quay đầu khi chỉ đích danh kẻ phản bội trong Bữa Tối Cuối Cùng nhưng Judas vẫn lựa chọn con đường đó.
Lý do thật sự vì sao Judas phản bội Jesus là gì không được nhắc tới trong Tân Ước. Chúng ta chỉ có thể đưa ra những giả thuyết, có thể hắn làm vì tham 30 đồng bạc dựa trên những miêu tả trước đó về sự tham lam của Judas. Cũng có giả thuyết cho rằng Judas không tự nguyện phản bội Chúa mà bị quỷ Satan sai khiến vì Thánh Kinh có viết: “Đang bữa ăn tối, ma quỷ gieo ý định phản Ngài vào lòng Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, con của Si-môn” (Jn 13: 2); “Lúc ấy, quỷ Sa-tan nhập vào Giu-đa, gọi là Ích-ca-ri-ốt, là một trong số mười hai sứ đồ” (Lk 22: 3). Câu trả lời cho giả thuyết trên vẫn là Judas tự nguyện vì từ trước đó chính hắn là người đi tới gặp những nhà tư tế và trưởng lão Do Thái. Judas đã tự mở lòng mình cho Satan bước vào.
Là con người không ai tránh khỏi sự theo đuổi của Satan, ngay cả chính Jesus cũng bị Satan dụ dỗ suốt 40 ngày trên sa mạc Judea sau khi được John the Baptist thực hiện nghi lễ thanh tẩy trên sông Jordan, (Jesus có 2 bản tính, vừa là Thiên Chúa hoàn thiện vừa là con người hoàn thiện, bản tính con người là phần Satan có thể dụ dỗ), nhưng để những cám dỗ đó chiếm lấy bản tính là lựa chọn của chính mình.
Có thể kết luận hầu hết các nhánh Cơ Đốc giáo đều thừa nhận việc con người có tự do ý chí (free will) và tự do lựa chọn (free of choice), đặc biệt là Công giáo La Mã và Chính Thống giáo Phương Đông. Các nhánh Tin Lành tuy có sự khác biệt giữa trường phái Calvin, Luther và Arminius về vai trò của tự do ý chí so với ý chí của Thiên Chúa, nhưng nhìn chung đều thừa nhận con người hoàn toàn tự do trong lựa chọn giữa đúng và sai, giữa Thiên Chúa hay Satan. Không có định mệnh nào hay thế lực nào can thiệp vào lựa chọn của từng cá nhân cả.
Mặc dù câu chuyện về Judas cũng hơi dài rồi nhưng thiết nghĩ sẽ có bạn tìm hiểu “Phúc âm của Judas” và phản đối ý kiến cho rằng Judas là kẻ phản bội nên mình “rào” trước thế này. Thứ nhất là “Phúc âm của Judas” không được các trường phái Cơ Đốc chính thống thừa nhận. Ở trong phạm vi bài này mình chỉ giới hạn trong cách mình hiểu về cách các tôn giáo trên hiểu về định mệnh và tự do ý chí, không bàn đến cách nào là đúng cách nào là sai. Đem Phúc m Judas để giải thích vấn đề của các trường phái này giống như đem câu chuyện của Jesus trong Kinh Quran để bàn luận về bản chất thần thánh của Jesus vậy. Thứ hai là tính xác thực của Phúc âm Judas cũng không thể chứng minh được. Chưa bàn đến vấn đề thời gian không đảm bảo, cách viết của Phúc m Judas cũng theo thiên hướng giác ngộ Gnosticism, không hợp lý lắm với các tôn giáo kiểu như Cơ Đốc. Ngoài ra, liên quan đến sự nguyền rủa Judas suốt 2000 năm qua, cũng không thể hoàn toàn (không thể hoàn toàn) đổ lỗi cho các Giáo hội của các nhánh phái được. Xin được trích dẫn quan điểm gần đây của trường phái chính thống lớn nhất của Cơ Đốc giáo là Công giáo La Mã theo lời của Giáo Hoàng Benedict XVI về hành động của Judas: “It is not up to us to judge his gesture, substituting ourselves for the infinitely merciful and just God.” Nguồn: http://w2.vatican.va/…/docume…/hf_ben-xvi_aud_20061018.html…
Đọc thêm:
3. Câu chuyện về Muhammad và lần mặc khải đầu tiên
Muhammad là vị tiên tri và ngôn sứ cuối cùng mà Allah gửi xuống cho nhân loại theo niềm tin của tín đồ Hồi giáo. Muhammad sinh ra thuộc dòng tộc Quraysh thế phiệt tại Mecca nhưng ngay từ khi còn nhỏ bố mẹ đã qua đời. Đến năm 25 tuổi, Muhammad kết hôn với Khadija, một nữ doanh nhân thành đạt. (Theo truyền thống Sunni, Khadija khi cưới Muhammad đã 40 tuổi, có 3 đời chồng trước đó và có con riêng. Trong khi đối với tín đồ Shia, Khadija khi thành hôn mới chỉ 25 tuổi và chưa hề có chồng hay con riêng.) Muhammad thường xuyên cầu nguyện một mình tại hang núi Hira gần Mecca cho tới một ngày Thiên thần Jibril (Gabriel) xuất hiện và truyền đạt lại lời mặc khải đầu tiên của Allah:
“Read! in the name of your Lord who created
Man from a clinging substance.
Read: Your Lord is most Generous,–
He who taught by the pen–
Taught man that which he knew not. (96:1-5)
Theo truyền thống Sunni, sau lần mặc khải đầu tiên này, Muhammad cảm thấy vô cùng lo lắng và hoảng sợ. Trở về nhà gặp Khadija, bà đưa Muhammad tới gặp Waraka ibn Nawfal, một người bà con là tu sĩ Cơ đốc, và được Waraka khẳng định rằng Muhammad chính là vị tiên tri tiếp theo của Thượng Đế. Tuy được vợ và Waraka ủng hộ và tin tưởng, Muhammad vẫn phải trải qua 3 năm đắn đo và sợ hãi cho tới khi tiếp tục nhận được mặc khải và bắt đầu quá trình thuyết giáo.
Dù cho phía Do Thái và Cơ Đốc không ủng hộ nhưng nhiều học giả Hồi giáo vẫn cho rằng Torah và Tân Ước có chứa nhiều lời tiên tri về Muhammad (Deuteronomy 18:18, Deuteronomy 33:2, Isaiah 42, John 14:16-17). Nếu như Muhammad đã được dự báo trước sẽ hoàn thành sứ mạng của mình, liệu ông có quyền khước từ hay không?
Tương tự như hai tôn giáo trên, Hồi giáo cùng lúc tin vào tự do ý chí của mỗi cá nhân và ý chí của Thượng Đế nên câu trả lời cho Muhammad là có, chính Muhammad lựa chọn sẽ trở thành một Nabi. Tin vào Qadr chính là một trong 6 trụ cột đức tin (6 articles of faith) của Hồi giáo, tức là tin mọi việc đều đã được Allah TIỀN ĐỊNH nhưng mỗi cá nhân đều có ý chí tự do. Sự tiền định ở đây phải được hiểu là mỗi quyết định đều cho bản thân ta lựa chọn nhưng Allah toàn năng nằm ngoài không gian và thời gian biết được ta sẽ chọn thế nào và đã viết tất cả vào trong một cuốn sách là Al-Lawh Al-Mahfuz (the Preserved Tablet). Mặc dù tất cả sự việc kể từ khi thời điểm sáng thế cho đến ngày tận thế đều được ghi lại trong cuốn sách này, nhưng không có nghĩa là ta phạm lỗi vì điều đó được tiền định mà phải là vì biết chắc chắn ta sẽ làm thế nên Allah đã viết vào đó như vậy.
Tuy nhiên, giữa hai trường phái Sunni và Shia cũng có sự khác biệt về cuốn sách thánh Al-Lawh Al-Mahfuz. Tín đồ Sunni cho rằng, cuốn sách này đã được hoàn thiện từ trước khi Allah sáng thế, mọi việc chắc chắn sẽ xảy ra như vậy. Trong khi đó, tín đồ Hồi giáo Shia tin rằng Allah chưa hoàn thiện xong công trình sáng thế và sẽ thay đổi lộ trình cuộc đời của nhân loại khi thấy cần thiết và nếu chúng ta biết sửa đổi, cuộc đời chúng ta sẽ tốt hơn vì Allah muốn như vậy.
Cũng phải nói lại một chút về phản ứng của Muhammad khi nhận được mạc khải từ Thiên thần Jibril trong truyền thống Shia. Học giả Shia tin rằng Muhammad không hề sợ hãi hay lo lắng khi gặp Jibril vì tới thời điểm đó, Muhammad đã hiểu được nhiệm vụ của mình.
4. Tiểu kết
Kể tuy dài dòng nhưng tựu chung lại, đa phần các tôn giáo Abrahamic đều tin vào việc con người được Thượng Đế ban cho một ý chí tự do, quyền tự do lựa chọn trong cuộc đời trần thế này. Nói là được ban cho vì điểm chung của tôn giáo độc thần là tính toàn năng của Thượng Đế, nếu muốn, Thượng Đế có thể can thiệp.
Nhưng lý do Thượng Đế không can thiệp trực tiếp vào quyền tự do lựa chọn của tạo vật là vì nếu vậy sự thưởng phạt ở thiên đàng và hỏa ngục khi đó sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.
Mặc dù vậy, vẫn phải nhấn mạnh lại rằng bản thân Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo, và Hồi giáo bao gồm rất nhiều các nhánh phái với nhiều đức tin có thể trái ngược nhau, thêm nữa, bản thân các tôn giáo này không có bản chất nhấn mạnh vào phần triết học ngay từ đầu nên quan điểm về định mệnh và tự do ý chí có thể sẽ khác biệt theo từng nhánh phái và từng thời kì.
———————-
Quay trở lại với Khi Lỗi Thuộc Về Những Vì Sao, có lẽ căn bệnh ung thư quái ác là sự an bài của những vì sao là thật, nhưng không ai biết được cuộc đời sẽ xoay chuyển như thế nào và đâu mới là số mệnh thực sự của mỗi chúng ta. Vì dù gì cũng sẽ không biết được câu trả lời cho tới lúc kết cục cuối cùng được hé lộ, có lẽ tin vào một tương lai tốt đẹp đang chờ đón, tin vào từng quyết định tốt đẹp của bản thân sẽ là một cách đối mặt với khó khăn phù hợp.
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất