CÁCH ĐỐI DIỆN VỚI NHỮNG CẢM XÚC TIÊU CỰC
Cuộc sống của con người luôn ngập tràn sắc thái của nhiều cảm xúc khác nhau. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu sâu hơn nguyên nhân vì sao bạn lại có những cảm xúc như thế cũng như cách giải tỏa chúng.
Chắc hẳn bạn và tôi cũng rất nhiều lần bất lực trước những cảm xúc tiêu cực của chính mình. Rất nhiều lần bản thân tôi có những cảm giác mơ hồ, giận dữ, cáu kỉnh một cách vượt ngoài tầm kiểm soát mà chính bản thân cũng không biết phải xử lí tình huống như thế nào.
Dường như với những tình huống cần dùng trí não như giải bài toán thì còn đơn giản hơn nhiều so với việc phải đối diện với những cảm xúc của chính mình. Vì tôi không muốn gặp chúng và tôi cũng nghĩ rằng bản thân không nên có những cảm xúc như vậy. Nếu bạn cũng đang bắt gặp tình trạng tương tự như tôi thì bài viết này chính là dành cho bạn đấy.
Trong đây, chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm hiểu về một thực trạng trốn tránh cảm xúc tiêu cực rất thường thấy ở bản thân mỗi người chúng ta. Và bạn cũng sẽ được biết đến tầm quan trọng của chúng cũng như một số cách thức để giải tỏa những cảm xúc mà bản thân không mong muốn.
Và trước tiên thì tôi xin được trích dẫn một câu nói trong cuốn sách "Cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông" của tác giả Richard Nicholls
"Chỉ khi ta thừa nhận cảm xúc của chính mình, ta mới có thể thay đổi chúng"
Thật lòng tôi rất tâm đắc câu này bởi lẽ trong tất cả chúng ta ai ai cũng đều trải qua những cảm giác hạnh phúc, yên bình cũng như âu lo, muộn phiền. Chúng như những gia vị trong cuộc sống hằng ngày. Bản thân tôi rất thích gia vị hạnh phúc và ghét cay ghét đắng mấy thứ oan nghiệt như nỗi sợ, sự hoài nghi,... những cảm xúc mà con người ta gán cho mác "tiêu cực" ấy.
Bởi vì đôi khi nó đưa chúng ta đến những hành động ngu ngốc thật. Ví như sự giận dữ khiến ta mất lý trí mà chửi bạn bè hay cãi lại ông sếp quyền lực hoặc người đồng nghiệp mà ta vẫn luôn nhẫn nhịn bấy lâu...
Và kết quả thì bạn biết đấy, chúng ta hối hận cực kì luôn và chúng ta bắt đầu đưa ra giả thiết nếu tôi bình tĩnh chút thì mọi chuyện đã khác rồi. Sau đó khả năng cao ta sẽ chêm thêm một câu: "Cái cơn giận chết tiệt này". Thế là chúng ta bắt đầu giận cơn giận mới sợ chứ.
Như bạn thấy đấy, cảm xúc tiêu cực của chúng ta rất dễ tăng lên theo cấp số nhân trong khi cảm xúc tích cực thì lại không như thế. Chúng ta rất dễ để phát hiện ra rằng bản thân mình đang giận dữ, đố kị hay ghen ghét với một ai đó để rồi bắt đầu phên phán và trốn chạy những cảm xúc này.
Đó là lí do mà chương này mang tên "Chấp nhận" - chấp nhận những cảm xúc của bản thân kể cả đó là những gì ta không muốn đối diện nhất. Vậy thì tại sao chúng ta có xu hướng sợ cảm xúc tiêu cực nhỉ?
Này lại phải bắt nguồn từ những niềm tin cố hữu của con người rằng những thứ tiêu cực là không nên tồn tại. Nhưng không có chuyện đó.. Cuộc sống luôn tồn tại hai mặt trái nhau như một minh chứng của sự "tương hỗ" .
Lấy ví dụ là sự sống và cái chết đi. Hãy thử nghĩ xem nếu không có cái chết, vậy sự sống có còn ý nghĩa của nó không? Khi cuộc đời là vĩnh viễn khi ta trường sinh bất tử (như ma cà rồng trong mấy bộ phim) thì thời gian có lẽ cũng chẳng còn giá trị nữa. Bởi khi ấy thời gian chỉ còn là một thứ rẻ rúng đến mức ta chẳng còn bận tâm gì nhiều nữa.
Điều đó khiến tôi nghĩ đến có phải cảm xúc cũng vậy không? Tất cả mọi loại cảm xúc phải chăng đều cần thiết? Vậy những cảm xúc mà tôi, cũng có thể là bạn luôn tránh: hoài nghi, sợ hãi, thiếu kiên định, ganh đua, ích kỷ có chăng cũng mang ý nghĩa của riêng nó? Điều này làm tôi nhớ đến lời nói của thầy tôi.
Thầy ấy nói rằng "Khi bạn buồn, hãy cứ buồn đi. Đừng vì sợ mà xua đuổi cảm xúc như một thứ ôn dịch. Vì đó là một phần của cuộc sống, một phần của con người. Và biết đâu được nỗi buồn chính là một người thầy sẽ mang đến cho bạn những góc nhìn khác, những trải nghiệm khác".
Có lẽ chúng ta cũng nên thử chấp nhận chúng trước tiên. Và khi chấp nhận được những cảm giác tiêu cực như một phần của con người, thì chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ba cách để giải tỏa chúng. Lần tới khi bạn cảm thấy chán nản và mệt mỏi, bạn cũng có thể áp dụng những cách này thử đấy.
1) Hít thở sâu và quan sát chuyển động của hơi thở
Phương pháp hít thở sâu là một phương pháp đơn giản lại vô cùng hiệu quả trong việc kiểm soát cảm xúc đã được các nhà khoa học chứng minh qua rất nhiều thực nghiệm.
Vậy nên, nếu lần tới bạn thấy giận dữ tột cùng, hoang mang lo sợ thì đừng quên hít thở sâu ba hơi để lấy lại bình tĩnh. Trước hết hãy nhận thức được cảm xúc của bạn ngày lúc đó là gì. Là cáu kỉnh? Phiền muộn? Hoài nghi? Hay thất vọng? Hãy gọi tên chúng ra dù rằng ban đầu có lẽ sẽ hơi khó để thừa nhận rằng trong tâm trí bạn đang có sự hiện diện của những cảm xúc tiêu cực này.
Nhưng hãy khoan phê phán hay sợ những xúc cảm, những suy nghĩ này. Giờ thì hãy hít thở sâu ba hơi. Nếu bạn có thể hít thở bằng vùng bụng thì quá tốt còn nếu không thì cũng không sao. Vấn đề chính là đưa oxi vô cho cơ thể để bình tĩnh lại là được rồi còn hình thức thì không cần quá chú trọng làm gì. Giờ đây hãy thả lỏng và thành thật với những trải nghiệm của bạn. Vì bây giờ bạn đã trở thành người quan sát và mục tiêu quan sát của bạn là hơi thở, là những biến chuyển của xúc cảm.
Bạn đang thấy gì? Phải chăng những suy nghĩ đã trở nên im lặng hơn, mờ nhạt hơn sau mỗi nhịp thở?
Hãy để hơi thở làm một người hướng dẫn bạn vượt qua những rào cản của xúc cảm và đối diện với những gì chân thật nhất của mình. Có lẽ bạn sẽ nhận thấy được những điều kỳ diệu.
2) Viết những cảm xúc của bạn lên trang giấy
Ngoại trừ việc hít thở sâu, viết nhật ký hay chỉ đơn giản là ngọ nguậy những gì bạn đang cảm thấy bây giờ lên tờ giấy cũng là một cách giải tỏa tuyệt vời. Giống như những độc tố tích tụ lâu trong người sẽ thấm vào xương vậy. Nếu chúng ta mà giữ nhiều những cảm xúc buồn bã, chản nản quá lâu thì sớm muộn gì tâm trạng của chúng ta cũng ‘nhiễm độc’ thôi.
Nên mỗi khi có cơ hội thì hãy vơ lấy một cây bút và một tờ giấy trắng mà xả hết chúng ra. Hoặc nếu không có giấy bút thì ứng dụng Note trên điện thoại chắc chắn là một công cụ tuyệt vời để bạn giải tỏa cảm xúc của bản thân đấy.
Việc viết ra không chỉ đơn thuần giúp chúng ta giải tỏa được cảm xúc đâu mà còn là để học cách đối diện với chúng. Vì trên cả việc giải tỏa, chúng ta cần phải biết rõ nguồn gốc chúng tới từ đâu, điều gì sinh ra chúng hoặc trong hoàn cảnh như thế nào.
Vậy nên hãy coi việc viết ra hết những xúc cảm là cơ hội để nhì nhận và đánh giá lại chính bản thân mình. Và cứ yên tâm là bạn không cần phải rèn chữ gì đâu vì rèn xong là thôi bùng nổ cảm xúc vì mất kiên nhẫn luôn rồi. Vậy nên cứ viết những gì mình đang cảm thấy trước và còn lại thì tính sau.
3) Đi dạo trong công viên
Mỗi khi tâm trạng không tốt thì việc đi dạo bộ một mình trong công viên là không kém phần lí tưởng đâu đấy.
Chúng ta có thể chọn đi một mình hoặc chọn đi với bạn bè người thân. Với đi một mình thì bạn hãy cho bản thân cơ hội để sống chậm lại và quan sát mọi điều. Nếu bạn không thích những cảm xúc của mình thì cũng không cần quan sát chúng đâu mà có thể chú ý vào những cái khác.
Mọi việc trên thế giới này có liên kết đến lạ lùng đấy bạn thân mến nên bạn đừng lo lắng.Tự nhiên sẽ lo cho những xúc cảm mà bạn không muốn đối diện ấy.
Vì sao? Vì cảm xúc đa số sẽ tồn tại dưới dạng trạng thái - có nghĩa là chúng đến lẹ mà đi cũng lẹ không kém. Chúng chỉ ở lại nếu chúng ta khư khư giữ lấy mà thôi. Vậy nên với những cảm xúc tiêu cực thì ngu gì mà giữ, để chúng đi thôi.
Thay vào đó, hãy chú ý vào cơn gió thoảng thoảng đang chạm khẽ vào làn da bạn. Hay để ý đến khung cảnh gia đình ấm áp của một em bé đang chơi đùa cùng bố mẹ hoặc thử để tâm đến hương thơm của những đóa hoa bên vệ đường.
Có thể bạn sẽ vô tình nhận ra rằng thế giới này còn nhiều thứ khác đáng để quan tâm hơn là cái mớ bong bóng cảm xúc của bản thân. Hoặc giả có thể bạn sẽ nhận thức được rằng những cảm xúc này cũng bình thường thôi. Cứ để vậy đi, đỡ nghĩ đỡ mệt.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất