Bridgerton và cách kể chuyện qua màu sắc trang phục
Việc sử dụng màu sắc của Bridgerton đã phần nào giúp phim mô tả chân thực tính cách của các nhân vật bên cạnh phần hình ảnh đã được trau chuốt kỹ lưỡng.
Nếu nhiều người xem Bridgerton vì “cảnh nóng", một số khác say mê khung cảnh đầy thơ mộng của nước Anh cuối thế kỉ 19 thì có những người lại vô cùng thích cách kể chuyện qua màu sắc trang phục của các nhân vật trong phim. Việc sử dụng màu sắc của Bridgerton đã phần nào giúp phim mô tả chân thực tính cách của các nhân vật bên cạnh phần hình ảnh đã được trau chuốt kỹ lưỡng. Chia sẻ về những phục trang trong Bridgerton tại buổi phỏng vấn với Town & Country, nhà thiết kế Ellen Mirojnick nói: “Đó là chương trình lớn nhất và cũng là chương trình tuyệt vời nhất mà tôi từng làm trong toàn bộ sự nghiệp của mình.” Hãy cùng xem cách nhà thiết kế này đã giúp đạo diễn kể chuyện tốt như thế nào qua màu sắc trang phục của từng nhân vật nhé.
Daphne và màu trắng
Trong suốt phần 1 của Bridgerton , người ta thường thấy Daphne mặc đồ trắng (hoặc các màu nhạt khác như xanh da trời hoặc màu be). Nữ công tước tương lai cũng thường xuất hiện với những bông hồng trắng. Điều này phản ánh sự thuần khiết, ngây thơ và trong trắng của cô. Đầu phim, Daphne hầu như không có một chút ý niệm nào về hôn nhân, mối quan hệ nam nữ hay chuyện vợ chồng nên việc sử dụng gam màu trắng trong trang phục đã giúp khán giả mường tượng rõ hơn về cô con gái cả nhà Bridgerton.
Ở những tập tiếp theo của bộ phim, khi đã tự mình khám phá ra nhiều vấn đề trong mối quan hệ nam nữ, tình yêu và hôn nhân cùng sự trưởng thành, chín chắn hơn trong nhận thức, màu sắc trang phục của cô trở nên đậm hơn. Tuy vậy, những gam màu này thường vẫn là những gam màu nhẹ nhàng, êm dịu và truyền thống giúp cho khán giả biết rằng Daphne là một cô gái tốt, hiền lành và đáng tin cậy.
Màu vàng của Penelope
Hầu hết những lần xuất hiện của mình, Penelope đều diện những bộ đồ màu vàng, một màu thoạt nhìn có vẻ như tươi sáng thể hiện tính cách vui vẻ, hoà đồng của nhân vật này. Tuy nhiên, sự thật lại không phải như vậy.
Trong một phân cảnh, Penelope đã thừa nhận hài hước rằng bản thân không hề thích màu vàng, nhưng vì đó là màu thịnh hành của thời kỳ đó nên cô đã chọn mặc. Những chiếc váy vàng của Penelope thể hiện rằng bất chấp tất cả, cô là một cô gái có vẻ đẹp và giá trị thực sự, ngay cả khi chính cô còn chưa nhìn thấy nó.
Bên cạnh đó, màu vàng cũng phản ánh sự lừa dối và ghen tị - thể hiện một trong những tính cách khác của Penelope hay còn được biết đến với tên gọi khác là quý bà Whistledown, người sử dụng trí thông minh của mình để che giấu danh tính, đánh lừa bạn thân cùng gia đình thậm chí cả những người điều tra của Nữ hoàng đang tìm kiếm bí mật về danh tính Quý bà Whistledown.
Ngoài ra, màu vàng cũng biểu thị cho sự khai sáng, nói lên tính cách bất ngờ và khả năng đọc vị người khác tuyệt vời của Penelope - một kỹ năng quý giá mà cô sử dụng để trở thành Quý bà Whistledown bí ẩn.
Màu sắc sặc sỡ của gia đình Featherington
Trang phục của nhà Featherington thường là những màu sắc tươi sáng rực rỡ, điều này thể hiện sự trào phúng khi họ tượng trưng cho giới thượng lưu mới nổi học đòi trong phim. Những bộ cánh táo bạo loè loẹt bị làm quá đã phần nào tô điểm được tính cách trơ trẽn, huênh hoang của mỗi thành viên trong gia đình này.
Màu sắc rực rỡ của nhà Featherington cũng cho thấy sự đối lập của họ với các thành viên của những gia đình khác trong xã hội thượng lưu, ví dụ như nhà Bridgerton với trang phục trang nhã sử dụng các gam màu nhẹ dịu, thanh thoát. Điều này như một sựa đánh dấu cho thấy dù được tham gia các buổi khiêu vũ, họ vẫn bị coi là người ngoài trong cộng đồng.
Xuyên suốt các tập phim của Bridgerton, sự lúng túng của gia đình này luôn được nhấn mạnh, tiêu biểu là phân cảnh ba cô con gái nhà Featherington phải vật lộn để tìm kiếm các đối tượng phù hợp và khi cả gia đình bị tẩy chay phải xấu hổ và bối rối rời khỏi bữa tiệc trưa của Nữ hoàng.
Bên cạnh đó, màu sắc sặc sỡ cũng phản ánh sự che giấu tuyệt vời của Feathering khi họ vướng phải một món nợ không thể trả và những trang phục lộng lẫy sẽ giúp các thành viên che mắt được ánh nhìn của những kẻ khác. Cuối cùng, nó cũng phần nào thể hiện mong muốn và sự tuyệt vọng của quý bà Feathering khi không thể mua những bộ váy mới cho các cô gái của mình để họ được chú ý hơn trong những buổi khiêu vũ nên những bộ cánh lòe loẹt sẽ giúp họ được phần nào.
Công tước Simon và sự thay đổi trong màu sắc
Trong tập 2 của season 1, Lady Danbury đã chế giễu trang phục của Simon rằng “Cháu có thấy đau khi mặc màu sắc không? Luân Đôn vốn đã đơn điệu lắm rồi.” Thật vậy, trong những lần xuất hiện của mình, trang phục của anh đều chủ yếu là màu đen tượng trưng cho quá khứ đen tối, u buồn và tâm trạng tiêu cực của Simon khi trở về Luân Đôn.
Tuy nhiên, tủ quần áo của Simon bắt đầu thay đổi một cách tinh tế qua từng tập với gam màu đỏ là chủ yếu. Tượng trưng cho niềm đam mê và tình yêu, màu đỏ thể hiện sự lựa chọn tuyệt vời của chàng công tước - đặc biệt khi mối quan hệ của anh với Daphne ngày càng bền chặt.
Các nhà thiết kế trang phục Bridgerton đã sử dụng sắc đỏ này nhằm tượng trưng cho sự thay đổi của Simon vào những thời điểm quan trọng. Vào đêm mà công tước và Daphne hôn nhau lần đầu trong vườn, anh ấy mặc một chiếc áo khoác đỏ rực hay chiếc ascot màu đỏ được đeo khi anh nói rõ cảm xúc của mình với Daphne nhằm thuyết phục nữ hoàng và màu đỏ trang phục một lần nữa xuất hiện ở đêm tân hôn của cặp đôi đã cho thấy những khoảnh khắc hạnh phúc anh có trong phim.
Quý bà Featherington và màu đen
Trong đám tang của chồng mình, quý bà Featherington đã không mặc đồ đen, thay vào đó bà chọn chiếc váy xanh màu ô liu đi kèm chiếc vòng cổ nạm ngọc màu hồng. Điều này nhằm ám chỉ những suy nghĩ thực sự trong lòng bà, rầng bà có thể đau lòng cho cái chết của ông nhưng không muốn để tang ông.
Thực tế, cuộc hôn nhân của Featherington là một cuộc hôn nhân không có tình yêu. Việc người chồng đánh bạc và nói dối bà, khiến gia đình có thời điểm gặp khó khăn tài chính đã gây nguy hiểm cho vị trí của gia đình họ trong xã hội. Trang phục bà chọn hôm tang lễ như một kiểu thách thức bà đáp lại những thất bại cuối cùng của chồng bà.
Có thể thấy, với cách sử dụng tinh tế các màu sắc qua trang phục của mỗi nhân vật đã giúp Bridgerton thể hiện một cách đầy ẩn dụ về tính cách của họ. Qua đó, nó cũng giúp khán giả hiểu rõ hơn về mỗi nhân vật cũng như chiêm ngưỡng những thiết kế phục trang vô cùng tuyệt vời trong phim.
Bridgerton là bộ phim truyền hình của Netflix với hai season từng trụ vững trong Top 10 Trending tại Việt Nam. Hiện nay, bạn có thể theo dõi cả hai phần phim trên nền tảng trực tuyến của Netflix.
Nguồn:
Đọc thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất