[Bookreview] Bắt trẻ đồng xanh
Cuốn này đọc lâu lắm rồi, hồi đó đang thích màu xanh, thấy cái bìa xanh đẹp nên mua luôn, không cần đọc thử nội dung. Vậy mà vô tình...
Cuốn này đọc lâu lắm rồi, hồi đó đang thích màu xanh, thấy cái bìa xanh đẹp nên mua luôn, không cần đọc thử nội dung. Vậy mà vô tình nó trở thành một trong những cuốn sách mình yêu thích nhất.
Nhân vật chính là Holden Caufield, 17 tuổi, bị đuổi khỏi trường Pencey vì thi trượt 4/5 môn, mà trước đó anh chàng cũng bị đuổi khỏi 3 trường rồi. Nhưng lý do chính bị đuổi, là vì bản thân nhân vật đã chán ngấy cái trường này rồi, chán nền giáo dục giáo điều, rỗng tuếch, giả dối. "Pencey là cái trường ở Agerstown, thuộc tiểu bang Pennsylvania, Có lẽ bạn đã nghe về nó, không chừng các bạn còn được nhìn thấy cả ảnh chụp trên các mẫu quảng cáo (...) họ còn chưng thêm cả cái câu này: "Kể từ năm 1888, trường chúng tôi đã đào tạo được bao chàng trai can đảm và cao thượng." Láo toét! Trường ấy chưa bao giờ đào tạo được đứa nào ra hồn (...) mà cũng có một vài thằng đấy, tôi suýt quên, nhưng kỳ thực mấy đứa ấy vốn đã thế. Từ trước khi chúng đến đây cơ."
Holden không chỉ chán ngán trường học, anh chàng chán mọi thứ xung quanh, chán những thứ giả dối ở NewYork, gia đình không chỉ buồn phiền mà còn bất lực với thái độ sống của cậu. Sau khi bị đuổi học, cậu lang thang ngoài đường trước khi về nhà, cố tìm kiếm bản thân và mục đích sống nhưng cuối cùng lại gặp, chứng kiến những cảnh càng làm cho ảnh chán hơn =)). Hình tượng có vẻ giống mấy thanh niên bất cần ăn chơi, lại còn kết hợp với kiểu kể chuyện chửi bậy liên tục của ảnh nữa, nhưng không hề, ngoài lớp vỏ bất cần là một con người thông minh và trắc ẩn, yêu thương gia đình, và hết mực cảm thông với những người xung quanh, đặc biệt là đối với những kẻ bị bỏ rơi.
Cái kiểu kể chuyện đều đều, bất cần, văng tục, nhưng mình tìm thấy trong những câu chuyện nhỏ của Holden rất nhiều điều dễ thương. Như chuyện Holden Caulfield bỏ xem trận chung kết của đội bóng đá trường anh để đến thăm ông thầy giáo già dạy lịch sử, người tuy đã đánh trượt cậu nhưng cậu vẫn quý ông ta vì lòng nhiệt tâm với nghề, thậm chí còn ghi thêm vài dòng vào bài thi để ông không cảm thấy áy náy khi đánh trượt mình. Rồi ví dụ như cái thằng Ackley, là cái thằng anh không hề thích, mà cũng chẳng ai thích nó, lại còn hay khiêu khích móc méo anh, nhưng anh rủ Ackley đi coi phim vì biết nó chẳng có người bạn nào. Anh chán ngấy và còn dám lên tiếng chửi bới những màn kịch tôn giáo màu mè và nghĩ “nếu Jesus mà thấy được những bộ trang phục màu mè ấy, chắc ngài sẽ nôn mửa ra mất”, nhưng lại quý mến và quyên tiền cho hai nữ tu đang trên đường xuống miền Nam Chicago dạy học. Ngoài ra Caulfied tuy nổi loạn nhưng vẫn luôn nghỉ tới gia đình, đầu tiên là em gái Allie “Bạn sẽ phải thích Allie, nếu bạn gặp nó… Nó là đứa thông minh nhất, tử tế nhất trong nhà.” Hôm Allie chết, Holden đi xuống nhà để xe và đập vỡ hết các cửa kính bằng hai bàn tay trần của mình. Cô em gái còn lại là cô em Phoebe 10 tuổi, cũng nhờ yêu thương cô em gái này mà ý định bỏ nhà ra đi của Holden không còn nữa.
Như một câu nói của C.S. Lewis :“Friendship is born at the moment when one man says to another "What! You too? I thought that no one but myself" thì mình đã cười lớn và đồng cảm với Holden rất nhiều khi đọc truyện này vì bắt gặp nhiều cái điên khùng mình từng nghĩ tới. Như cái chuyện ảnh tính sẽ đi miền Tây, ở đó trời nắng đẹp và không ai biết tới ảnh, ảnh sẽ giả câm giả điếc, để không phải nói chuyện vớ vẩn ngu ngốc với người nào, ai muốn nói gì với ảnh thì sẽ truyền qua một mảnh giấy. Ảnh sẽ sống trong rừng, sau này cũng cưới một cô vợ câm và điếc, nàng muốn nói chuyện với anh thì cũng chuyền qua một mảnh giấy, khi nào có con ảnh sẽ tự mua sách về dạy con đọc và viết =)), ảnh nói "Tôi khoái bỏ mẹ khi nghĩ đến những thứ ấy, tôi biết cái chuyện giả câm giả điếc thật là điên khùng, nhưng vẫn thích nghĩ thế..". Rồi như cái chuyện ảnh vào trường cấp 2 của em gái Phoebe, bắt gặp thấy cái chữ "đù má" trên tường làm ảnh điên tiết mặc dù ảnh chửi bậy còn kinh hơn, nhưng ảnh nghĩ đến việc bọn con nít thấy dòng chữ ấy rồi thắc mắc nghĩa là gì làm ảnh điên tiết, và ảnh quyết định phải xóa. Đi một chốc, lại thêm một câu: "đù má", ảnh nổi điên và xóa tiếp, ảnh nói " Tôi nghĩ rằng khi nào, nếu có khi nào tôi chết, họ sẽ bỏ tôi vào trong nghĩa địa, tôi có một tấm bia các thứ, trên đó ghi Holden Caulfield, sinh năm nào, chết năm nào, rồi ngay dưới ấy lại cũng sẽ ghi một câu "đù má" =))
Không chỉ là sự chán chường, sự phản kháng đối với thế giới xung quanh, cuốn sách còn nhắc đến nhiều niềm vui sống, ước mơ tốt đẹp của các nhân vật. Holden có một ước mơ, nó thể hiện phần bản chất tốt đẹp ẩn bên trong anh, cũng là lý do cho cái nhan đề siêu hay bắt trẻ đồng xanh (the catcher in the rye): anh muốn được làm một người canh giữ lũ trẻ trên cánh đồng lúa mạch. Anh tưởng tượng thấy một cánh đồng mênh mông với hàng ngàn đứa trẻ con chơi đùa, xung quanh không có một mống người lớn nào, ngoại trừ anh. Anh đứng ở rìa vách đá dựng đứng để canh giữ những đứa trẻ mải mê nô đùa, không để chúng rơi xuống vực.“Anh biết, Phoebe ạ, đó là mơ tưởng điên khùng, ngu xuẩn, nhưng thực sự anh muốn thế”.
Truyện này cũng có rất nhiều ảnh hưởng:
Theo Independent, cảnh sát tìm thấy một bản sách Bắt trẻ đồng xanh trong phòng khách sạn của John Hinckley Jr. sau khi hắn ám sát bất thành cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan năm 1981.
Cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush chia sẻ, Bắt trẻ đồng xanh là một trong 3 cuốn sách góp phần làm thay đổi cuộc đời ông
Mark David Chapman, kẻ sát hại John Lennon, là người bị ám ảnh với cuốn Bắt trẻ đồng xanh, đặc biệt là nhân vật Holden Caulfield. Sáng 8/12/1980 - buổi sáng định mệnh mà Chapman đã nổ súng bắn 5 phát vào người Lennon - hắn mua một cuốn Bắt trẻ đồng xanh và viết vào trang bìa lót: "Đây là tuyên bố của tôi", phía dưới ký tên "Holden Caulfield". Sau khi bắn chết Lennon, Chapman không rời khỏi hiện trường mà ung dung lôi từ trong túi ra cuốn Bắt trẻ đồng xanh và ngồi đọc nó cho đến khi bị cảnh sát bắt.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất