Bốn chữ ch
“Khi nào con người chết?”, nó hỏi những câu đó trong bóng tối của căn phòng đơn giữa một đêm hè nóng và ẩm. Thằng nhóc 13 tuổi trằn...
“Khi nào con người chết?”, nó hỏi những câu đó trong bóng tối của căn phòng đơn giữa một đêm hè nóng và ẩm. Thằng nhóc 13 tuổi trằn trọc bên cạnh tiếng thở đều của bà nội. Năm đó, bà nội nó 72 tuổi.
Trong bóng tối của đêm hè vô tư lự, nó nghĩ đến việc bà tôi sẽ chết như thế nào. Không hiểu sao, cái ý nghĩ đấy len lỏi trong suy nghĩ của thằng nhóc, đứa mà có thể mới sáng hôm đó vẫn còn tưởng nó điều khiển được mây bằng cách xòe bàn tay ra thật rộng.
Nó tưởng tượng rằng, lấp ló trong màn đêm tối mù mù kia, sẽ có một tay thần chết với những xương xẩu và một thanh kiếm sắc, giống như cái cách mà họ miêu tả về hắn trong quyển Thần thoại Hy Lạp nó vừa đọc xong. Nó nghĩ, nếu nó cứ trừng trừng mắt mơ như vậy hằng ngày, sẽ chẳng có ai mang bà nó đi đâu cả (dù lúc đấy, và bây giờ, bà nó vẫn khỏe mạnh không vấn đề). Thế là thằng bé cứ mở mắt trừng trừng về góc tường. Được đâu khoảng 10 phút, nó ngủ khò.
Khoảng mười ba, mười lăm năm sau đó. Tôi về thăm gia đình, đúng như giao hẹn với ông bà bô, nghĩa là cứ hai tuần một bữa cơm. Trong khi ông bô đang nấu nướng cái gì đó và ngâm nga một bài rock từ những năm 80 còn bà bô thì đang mải làm việc, tôi đi lên thăm bà.
Bà nội, sau khi chuyển nhà, đã không còn sống trong căn phòng đơn với cánh cửa sổ hướng ra tường nhà hàng xóm. Bà sống trên gác thượng, căn phòng cũng rộng hơn, cánh cửa mở toang hướng ra ngoài mặt sông. Sông đêm sóng yên lặng. Bà ngồi nhìn tivi. Hình như đang bật Rap Việt. Bà chẳng xem vì có xem bà cũng quên. Bà chỉ nhìn vì trên tivi có những thứ dập dìu vui mắt.
Lần nào tôi về, bà cũng chạy đến ôm chầm lấy tôi, nếu việc đứng dậy và lệt xệt bước đến được gọi là chạy. Tôi ngồi xuống bên chiếc giường cũ. Bà bảo, chiếc giường dạo này cọt kẹt. Hay hôm nào cháu giúp bà nhấc mấy thanh gỗ lên, xem có thanh nào bị kênh không?
Tôi hỏi, mấy hôm nay tivi có gì? Bà nói, bà chẳng nhớ. À, hình như ngày mai mưa. “Nhưng bà có đi ra khỏi nhà đâu?” – Tôi hỏi. Bà bảo, “À thì đúng thật”.
Rồi bà thủ thỉ:
“Bà nói với con chuyện này được không?”
“Chuyện gì hả bà?”
“Bà mệt lắm. Dạo gần đây, bà cố lắm chứ”.
Tôi nhìn bà. Bà vẫn thế, vẫn không khác gì so với ngày tôi mở trừng mắt về phía góc tường, bảo vệ cho bà khỏi tay thần chết nào đó đang rình rập. Có lẽ bà nhỏ hơn và gầy hơn, nhưng mắt bà vẫn sáng và giọng bà vẫn mạch lạc.
“Bà T chết rồi”, bà nói nhẹ như một lời nhận xét.
Tôi im lặng.
“Bà T chết rồi. Dịch quá, bà cũng không di đưa tang được, mãi mấy hôm sau bà X gọi mới biết. Lúc đó thì muộn quá rồi”.
Tôi nhớ bà T. Bà đã từng nắm tay tôi thật chặt khi tôi còn bé tý trên những chuyến xe bus cùng bà cháu tôi đi ra Hồ Gươm.
“Ông H cũng chết rồi”.
Ông H là anh trai thứ 6 của bà. Một tay kiệt hiệt, từng đứng lên giữa đại hội … để thẳng thắn phê phán một lãnh đạo “chóp bu” ngành báo chí bấy giờ. Vĩnh viễn không được họp bất kỳ hội nào nữa.
“Con biết. Bố mẹ có nói qua”.
“Bà cố lắm chứ”, bà nói, những câu rời rạc chẳng ăn nhập. “Mấy năm dịch, chẳng đi được đâu, chẳng gặp được ai suốt mấy tháng trời. Bà cố lắm chứ. May mà ở cửa lại rồi nhỉ”.
“Vâng, may thật bà ạ”.
“Giờ đây, ba chỉ có bốn chữ “Ch””, bà bật cười, mắt vẫn ngắm những hình ảnh trên Tivi, “chơi, chờ chết, và cháu”.
Tôi im lặng. Được một lúc, tôi cố gắng đổi một chủ đề gì đấy dễ chịu hơn.
“Bố con bảo vừa mới mua cho bà đôi dép đi trong nhà. Bà đi thử chưa?”.
“Chả vừa. Bố mày mua rộng quá. Bà thấy đi đôi cũ này vẫn ngon chán”, bà chép miệng.
Tôi nhìn vào đôi dép cũ. Trước là màu trắng, nay ngả nâu. Đế gần như phẳng lì, còn mặt dép thì in rõ dấu chân bà, nơi đặt ngón chân cái đã lõm rách cả xuống.
“Khi nào con người chết?”, câu hỏi này lại gõ vào tâm trí tôi. Bà tôi vẫn sống đây, vẫn còn tinh anh, nhưng không phải “vẫn” là cụm từ đau đớn nhất sao? Vẫn có nghĩa là sẽ có sự thay đổi. “Anh ta vẫn khỏe”, có nghĩa là có lúc anh ta sẽ không còn khỏe nữa. “Tôi vẫn trẻ”, có nghĩa là thời gian của tôi sắp cạn. “Bà tôi mắt vẫn còn tinh tường lắm” có nghĩa là có một ngày đôi mắt đó sẽ không….
Sợ hơn cả một tin gì xấu về bà, đó là tin xấu về những người bạn già của bà. Những người già cứ thế mà đi mất, biến khỏi cuộc đời bà. Một cách nào đó, một phần của sự tồn tại của bà cũng tan dấu theo họ, lặng thinh như cách mà căn phòng của bà tách biệt so với căn nhà của ông bà bô tôi. Sự chứng giám cho sự tồn tại của con người cũng tàn dần như ánh nến cháy đến sợi bấc cuối cùng. Thế giới của bà lạnh đi một chút và nó cũng nhỏ hơn một chút.
Một con người chết khi nào? Phong thanh một người bạn cũ than thở, “vì danh dự của tôi, tôi sẽ tự tử ngay khi có thể”. Tôi hốt hoảng liên lạc với tất cả những người quen chung. Họ sợ, nhưng sau bật cười, “tay đó đang tắm trong danh vọng, chết thì tao chịu tiền mày luôn”.
“Đỉnh cao danh vọng” rốt cuộc cũng chỉ là cách người khác công nhận mình, cách người khác nhìn nhận tích cực về mình. Những câu chuyện của mình cứ lan ra, lan ra, danh tính của mình cũng vì thế mà chia năm xẻ bảy, nhưng rốt cuộc cũng là mình thôi. Mình dù sống trong câu chuyện của người khác hay câu chuyện của mình, thì vẫn là mình cả. Người bạn cũ kia, rốt cuộc không tự tử thật, vì có lẽ chúng ta đều biết, tự tử chẳng giải quyết vấn đề gì, vì những gì người ta nói về mình, người ta nói đến mình vẫn còn vang rền đâu đây. Tội gì mà tự tử.
Nhưng người già, nhưng bà tôi. Bà sống trong một thế giới mà những câu chuyện về bà cứ mất dần, mất dần đi. Bà thủ thỉ với tôi về ngày chợ Đồng Xuân cháy, về ngày Mỹ ném bom rợp trời Hà Nội. Bà kể với tôi về một anh thanh niên cả đời hết lòng vì bà, về một người thanh niên khác bà chẳng bao giờ gặp lại. Bà kể về bố tôi và cô tôi, hai người từ bé đã chành chọe, giành giật cả miếng trứng luộc. Bà kể về tôi, những ngày còn bé tý. Bà kể, bà kể nữa. Và tôi, để cho một chút sự vẫn của bà còn trong bản thân, muốn kể lại những câu chuyện đó. Bà vẫn có bốn chữ ch đó, nhưng có lẽ sẽ có một chữ ch nữa là chuyện chăng?
Trong những bài viết tiếp theo, nếu không ngại lộn xộn câu từ, tôi xin được kể lại những câu chuyện của bà.

Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất