"Bốn năm đại học tôi có gì"
Đó là dòng mở đầu bài đăng Facebook của một cô bạn cùng lớp đại học với tôi, để rồi cô bắt đầu kể về mình đã sống trong dày vò đau khổ thế nào suốt bốn năm qua. Tôi không thân gì với cô bạn ấy, thậm chí còn chẳng nhớ lần cuối tôi nói chuyện với cô là khi nào, hoặc có khi lần đầu còn chẳng tồn tại cũng nên. Nhưng trước những câu từ buồn bã của cô, tôi bất giác hồi tưởng về hành trình bốn năm qua, một hành trình không ngắn chẳng dài nhưng vẫn chứa đầy những cơ hội bắt tôi phải tìm mọi cách để tận dụng tối đa.
Lên đại học, tôi chọn học một ngành về Tiếng Nhật và văn hóa Nhật Bản. Lý do chính không phải là vì tôi đã học Tiếng Nhật từ trước, bởi dù sao tôi cũng chỉ là tự học và lợi thế mong manh ấy sớm muộn cũng bị xóa nhòa. Không, tôi chọn ngành này là vì học phí của trường khi ấy còn rẻ, và không ai xung quanh tôi khi ấy lại đưa ra lựa chọn như thế cả. Tôi muốn một khởi đầu mới, ít gây ra gánh nặng cho bố mẹ nhất có thể và ít ai biết đến tôi nhất có thể. Bố mẹ không hài lòng về quyết định của tôi, nhưng chỉ sau vài bữa cơm tối nói chuyện, họ đành để tôi yên.
Tuy vậy, chưa có khoảng thời gian nào trong đời tôi cảm thấy lao đao bằng quãng thời gian năm nhất. Tôi là một người thích lập kế hoạch và kiên trì thực hiện từng bước một cho đến khi mục tiêu hoàn thành, nhưng chuyện gì xảy ra nếu như mục tiêu ấy còn chẳng thật sự tồn tại? Tôi chỉ biết lao đi trong vô định, tham gia ứng tuyển vào các câu lạc bộ hay hoạt động tình nguyện dù trong thâm tâm biết rằng kiểu người trầm mặc như mình không bao giờ có thể thích nghi với những môi trường đấy, để rồi nhận được cái từ chối từ tất cả những nơi mình ứng tuyển. Nó khoét sâu vào sự cô đơn của tôi, nhất là khi tôi trải qua khoảng thời gian ở khu quân sự - dịp đầu tiên tân sinh viên được gặp nhau sau học kỳ đầu tổ chức dạy học qua mạng. Trong lúc mọi người xung quanh nhanh chóng tìm được cộng đồng và đi chơi cùng nhau mỗi tối, tôi ở trong phòng đứng ngồi không yên, nhưng ra ngoài thì cũng chỉ biết lang thang một mình. Có bạn học bảo tôi học kỳ quân sự là quãng thời gian hạnh phúc nhất của họ, còn từ đó trở đi thì mọi thứ dần dần đi xuống. Tôi thì lại thấy đó là lúc cảm xúc của tôi chạm đáy, làm gì cũng thấy mình là đồ vô dụng. Trong điện thoại của tôi có một vài bài hát mà tôi khi đó đã nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần, để rồi những lời ca vui tươi gắn chặt với sự tuyệt vọng mà giờ đây mỗi lần nghe lại đều kéo tôi trở về những ngày tháng sống chung với tập thể bí bách ngột ngạt năm ấy. Giữa vô vàn rối bời, tôi chỉ biết nuôi những ảo tưởng về một cộng đồng sẵn sàng dang tay đón nhận con người mình, âu để làm động lực tiếp tục học tiếng Nhật.
May mắn thay, lên năm hai mọi thứ khởi sắc hơn nhiều. Tiếng Nhật bắt đầu khó lên rất nhiều, và những nỗ lực của tôi bắt đầu có kết quả. Tôi thi N2 trước khi học kỳ một kết thúc để hoàn thành một trong những điều kiện tốt nghiệp, thậm chí đăng ký thử sức với N1 vào cuối năm học đấy (một trải nghiệm hết sức thú vị mà nếu được thì tôi sẽ làm thành một bài viết khác). Sau đó tôi lấy luôn cái bằng N2 đi thực tập ở một công ty giảng dạy. Tôi chỉ được giao nhiệm vụ nhập liệu chứ không được giảng dạy vì trượt phỏng vấn (nghĩ lại tôi cũng chẳng muốn dạy cho lắm), nhưng công việc đòi hỏi hiểu biết tiếng Nhật ở mức độ cao khiến tôi nhận ra đây là lần đầu tiên kỹ năng của mình đủ tốt để có thể mang lại giá trị cho người khác và cho chính mình, đem đến cho tôi rất nhiều sự tự tin mà tôi hồi còn là tân sinh viên không thể nào có được. Từ cái đà đó, trong hè và học kỳ đầu năm ba, tôi tiếp tục dịch hai cuốn sách (thông qua giới thiệu của tiền bối với nhà xuất bản) cũng như tham gia tình nguyện cho hai sự kiện quốc tế mà tôi được làm tháp tùng và sử dụng tiếng Nhật của mình một cách triệt để. Càng viết ra tôi càng thấy năm nhất và năm hai của mình khác nhau một trời một vực. Nếu năm học đầu là khoảng thời gian tôi cố gắng ổn định bản thân và suy nghĩ xem 18 năm trước đó mình đã sống như thế nào để rồi thành ra như vậy, năm hai là lúc tôi bứt tốc nhanh đến khó tin, đến nỗi mẹ tôi không còn hỏi những câu kiểu như tôi có thấy hối hận với ngành học của mình hay không.
Để có được sự khác biệt ấy, một phần lý do nằm ở hai đứa bạn học cùng lớp. Bọn tôi biết nhau từ hồi học quân sự, nhưng phải khi bắt đầu học chung môn thì cả ba mới thật sự nói chuyện. Ban đầu bọn tôi cũng chỉ nói những câu chuyện tầm phào như một hình thức giết thời gian, nhưng từ lúc nào không hay, những chủ đề trở nên nghiêm túc hơn rất nhiều, và cũng từ lúc nào không hay, tôi nhận ra cả hai người giống tôi hơn tôi tưởng, nhất là ở cái mong muốn được làm điều gì đó thật sự đặc biệt nhưng không biết phải đi theo hướng nào (hoặc chí ít là tôi cảm thấy thế). Đó chính là thứ đưa tôi đến đây, và có lẽ cũng là thứ đưa họ đến đây. Mối quan hệ giữa tôi và hai người họ làm tôi nhận ra rằng hình ảnh một cộng đồng sẵn sàng dang tay đón nhận con người mình mãi mãi chỉ là một ảo tưởng để tôi sống qua những khoảng thời gian biến động của cuộc đời, bởi một cộng đồng thật sự phù hợp với tôi phải có tôi tham gia gây dựng. Không có chuyện tôi nhận được lợi ích và sự công nhận theo một chiều rồi cứ thế mà ở yên một chỗ không làm gì thêm. Chứng kiến cách hai người ấy phấn đấu trên con đường của mình, tôi cũng được truyền động lực mà bước tiếp với những gì mình đang có trong tay.
Đến học kỳ hai năm ba, tôi bắt đầu đọc nhiều sách hơn trước. Tiếng Nhật của tôi bắt đầu chững lại, và tôi ngay lập tức nhận ra lý do nằm ở tư duy có phần nghèo nàn của mình. Cái vỏ hình thức (ngôn ngữ) có đẹp đẽ đến đâu đi chăng nữa, nếu bản thân người học không biết đẩy nội hàm (tư duy) vượt ngoài phạm vi ngôn từ thì sớm muộn việc học sẽ lâm vào bế tắc (cộng đồng ngôn ngữ gọi đây là intermediate plateau - cao nguyên trung cấp). Chỉ khi học đến ngoại ngữ thứ hai thì tôi mới thấm thía sự thật ấy. Tuy vậy, những cuốn sách mà tôi chọn không phải là văn học kinh điển hay những cuốn phi tiểu thuyết nổi tiếng. Chúng gần như không có điểm chung nào cả, ngoại trừ một điều duy nhất:
Sometimes, when, feeling exhausted and humble, even the effort of dreaming unleaves and withers me, and the only dream I'm capable of having is thinking about my dreams, then I leaf through them, like a book that one leafs through once, then leafs through again, finding only the inevitable words. Then I wonder who you are, you, this figure strolling through all my lingering visions of slow landscapes, ancient interiors and lavish ceremonies of silence. In all my dreams you either appear as a dream or else accompany me like a false reality. With you I visit regions that are perhaps dreams of yours, lands that are perhaps embodiments of absence and cruelty, your essential body fashioned into a quiet plain or a mountain with a chilling profile in the garden of some hidden palace. Perhaps my only dream is you, perhaps when I press my face to yours I will read in your eyes those impossible landscapes, those false tediums, those feelings that inhabit the gloom of my wearinesses and the grottoes of my disquiets. Who knows, perhaps the landscapes of my dreams are simply my way of not dreaming you? I don't know who you are, but do I know precisely who I am? Do I know what it means to dream in a way that merits calling you my dream? How do I know that you are not a part, possibly a real, essential part, of me? And how do I know that I am not the dream and you the reality, or that I am your dream rather than you being a dream I am dreaming?
Đôi khi cảm thấy mệt mỏi và thấp hèn, đến nỗi từng cố gắng đưa bản thân vào giấc mơ chỉ làm tôi khô khóc rồi héo mòn, và giấc mơ khả dĩ nhất là suy nghĩ về giấc mơ của chính mình, tôi lại bắt gặp bản thân lướt qua những giấc mơ ấy, tựa như một cuốn sách ta lướt qua hết lần này đến lần khác, chỉ để thấy những lời lẽ y chang trước mắt. Và rồi, tôi tự hỏi nàng là ai, nàng, hình bóng dạo bước qua tôi đang miên man quan sát sự im lặng trong cảnh sắc chậm rãi, trong bàn ghế cổ xưa, trong bữa tiệc xa hoa. Trong tất cả giấc mơ tôi có, nàng hiện lên như một giấc mơ hoặc đồng hành cùng tôi như một hiện thực giả tạo. Cùng nàng, tôi tới thăm những vùng đất có lẽ thuộc về giấc mơ của nàng, âu đều là hiện thân của trống vắng và tàn nhẫn, còn nàng để bản thể hóa thành đồng bằng lặng lẽ hoặc ngọn núi với những đường nét rợn người trong khu vườn của cung điện khép kín nào đó. Có lẽ giấc mơ duy nhất của tôi là nàng, có lẽ khi áp mặt về phía nàng, tôi sẽ đọc được trong mắt nàng những cảnh sắc khó tin ấy, những buồn chán giả tạo ấy, những cảm xúc xâm chiếm sự u ám trong mệt mỏi lẫn cái hang đầy rẫy bất an đều do tôi mà ra. Ai biết được, có lẽ những cảnh sắc trong giấc mơ của tôi chỉ là cách tôi tránh mơ đến nàng? Tôi không biết nàng là ai, nhưng liệu tôi biết rõ tôi là ai? Liệu tôi biết mơ để gọi nàng là giấc mơ của tôi là mơ như thế nào? Làm sao tôi biết nàng không phải là một phần, thậm chí là phần rất thật, rất quan trọng trong tôi? Và làm sao tôi biết tôi không phải là giấc mơ còn nàng không phải là hiện thực, hay tôi là giấc mơ của nàng thay vì nàng là giấc mơ mà tôi đang có?
Không cần biết bạn hiểu cái văn bản tiếng Anh trên cùng bản dịch của tôi thế nào, hãy xem nó là tóm tắt cho những cuốn sách kỳ diệu và quan trọng nhất mà tôi đã gặp trong giai đoạn ấy của cuộc đời mình. Chúng trở thành nguồn động lực không hề nhỏ giúp tôi tìm đến một câu lạc bộ sách và chia sẻ quan điểm của mình về sách và về thế giới xung quanh. Ngay cả việc viết trên Spiderum cũng vậy. Tôi không phải là một người giàu ngôn từ, nhưng tôi vẫn luôn hi vọng một ngày nào đó mình sẽ có thể truyền tải những ý tưởng này tới người khác. Xét theo nghĩa đó, việc thu lại bản thân và ngốn những cuốn sách như thế có lẽ là quyết định đúng đắn.
Hiện tại tôi đã kiếm một công việc mới và đang trong quá trình học việc. Tương lai vẫn luôn là một thứ không bao giờ có thể lường trước, nhưng không vì thế mà tôi ngồi bó gối trong quá khứ ngắm nhìn những thứ đã trôi vào dĩ vãng. Gửi đến cô bạn cùng lớp đại học mà tôi chẳng bao giờ bắt chuyện, hy vọng cậu sẽ khám phá ra ý nghĩa trong những trải nghiệm của mình. Giống như Viktor Frankl khám phá bản chất lẽ sống khi trải qua một trong những sự kiện kinh hoàng nhất lịch sử nhân loại, có lẽ đó là cách duy nhất chúng ta có thể đối diện với cuộc đời đầy vô lý này.