Loanh quanh, mới nhận ra hôm qua đã là ngày của Bố. Ừ thì, nhà mình cũng chẳng quá coi trọng các ngày "lễ", lại còn là những ngày du nhập từ phương Tây như thế này lắm, nên là hôm qua không có gì thực sự xảy ra cả. À, thực ra thì có gì xảy ra thật: Mình đưa em với em họ đi xem phim (sau khi nài nỉ khóc lóc rủ mà ba mẹ không đi cùng được, vì ba bận đi họp Chi bộ Đảng, còn mẹ không dám lái xe trong nội thành :<), nhưng cái này sẽ tính là không gì cả, vì nó không thuộc phạm trù "Ngày của Bố".
"Bố" của mình thực ra là "ba". Mình là người miền Bắc, nguyên quán Hà Nội, gốc gác cũng quanh quanh đâu đó miền Bắc thôi, và trước giờ chưa bao giờ "Nam tiến" quá Sầm Sơn, Thanh Hoá, nhưng mình lại dùng từ "ba" chứ không dùng từ "bố". Lý do cho cái sự ngược đời ấy thì rất là ngu si: hồi bé, mình biết nói sớm, mới có mười mấy tháng đã biết gọi "mẹ", "bà", với "hoa" (cái này nếu các bạn đọc kỹ hơn thì do các từ trên đa phần là cấu tạo từ âm môi nên dễ phát âm hơn nhưng tuyệt nhiên không nói nổi từ "bố". Hồi đó, (mình đoán là) ba mình còn trẻ, chắc hẳn là ba không kiên nhẫn chờ mình học từ "bố" trong khi mồm suốt ngày bi bô bà với mẹ được, nên ba dạy mình gọi ba là "ba".
Lớn lên tí, mình bị hàng xóm xung quanh... cười vì kiểu gọi lạ đời như vậy, nhưng mà mình không quan tâm, vì mình thấy rất vui với sự "độc quyền" này. Tưởng tượng mà xem, trong khi mấy đứa bạn mẫu giáo, rồi anh chị em họ đều phải "chung nhau" một "bố", thì chỉ có mỗi mình mình có "ba". Đi học mẫu giáo về, đứng ở đầu ngõ gào lên (gào thật chứ không phải nói quá đâu =))) ) "Ba ơi" là biết ngay, chỉ có mình mới gọi như vậy được, và chỉ có ba mình mới có đứa gọi như thế, hehe. Sau này, lâu lắm, ba mẹ mình sinh em trai. Nó vẫn bắt chước mình gọi "ba", dù rằng nó ̶k̶h̶ô̶n̶ ̶h̶ơ̶n̶ ̶n̶ê̶n̶ vẫn nói được từ "bố". Và hài hước hơn là, mấy nhà hàng xóm mà ngày trước họ cười mình vì gọi "ba", thì bây giờ cũng có nhà để con dùng từ đó. Haiz, thế là mình không còn là đứa duy nhất có "ba", nhưng mà thôi, mình vẫn là đứa đầu tiên. Cái này thì rõ ràng là không ai giành được với mình rồi.
Thực ra lúc ba mẹ sinh mình ra, cả hai đã có một chút (hoặc là nhiều, nhưng ba mẹ cố tình nói nhẹ đi cho mình khỏi thấy tội lỗi) áp lực vì mình là con gái. Các anh trai của ba hồi đó đều có con đầu là con trai. Nói chung là hồi đó ông bà nội mình, rồi các bác mình, vẫn hơi trọng nam khinh nữ. Không phải là cái kiểu ghét cay ghét đắng hay hằn học với mình, mà là mấy "trò đùa" không phải ai cũng vui, kiểu "nhà này không biết đẻ như anh như em", vậy đó. Chắc là ba mình cũng hơi áp lực, vì sau này lúc mẹ mình bầu em thứ hai, lúc siêu âm ra là em gái thì ba vui nhưng mà không vui quá. Không biết nói sao, chắc là lúc ấy ba mình nghĩ kiểu "sau lại phải nghe quở".
Nhưng mình vẫn được ba mẹ cho một tuổi thơ đủ đầy và chưa bao giờ mình bị thiệt thòi vì mình không phải con trai. Hồi bé, mấy trò mà con trai được chơi, ba mình để cho mình chơi hết. Trong họ, có cái tục "suất đinh" gì đó, đại loại là chỉ nhà có con trai mới được tham gia, nhưng ba mình vẫn cho mình tham gia (hoặc là ba nói dối để mình thấy dzui). Ba vẫn bảo "Con gái nhà mình bằng mười thằng con trai nhà khác". Thậm chí, lúc người trong thôn dồn điền đổi thửa, chia ruộng gì đó thì mình cũng được một mảnh. Giờ nghĩ lại, không biết là họ chia như thế nào, chia theo tên ai, nhưng chắc chắn là nếu chia theo hộ gia đình hay chia theo đầu nam giới thì ba mẹ vẫn quyết định nói là chia cho mình, để mình khỏi cảm thấy bản thân bị thua thiệt.
Hồi bé, lúc chưa có em mình, ba mình còn hay gọi mình là "cu", ba mẹ bảo gọi như thế để mình có thể vừa làm con trai, vừa làm con gái, không phải tủi thân làm gì. Sau này, ba mẹ mình sinh được thằng cu thật, thì mình cũng không còn có tên đó nữa. Thực ra hồi bé thì thích nhưng lúc lớn một tẹo, thì mình cũng không thích gọi tên đó nữa, nên lúc ba mẹ mình sinh được em trai, mình mừng húm =)), chắc một trong những câu đầu tiên mình nói về em mình là "yeah giờ ba mẹ có người mà gọi là "cu" rồi nhé" =))).
Hồi bé, mình là một đứa vừa khó nuôi, vừa khó dỗ, và rất giỏi ăn vạ. Mình phải ăn cháo/ bột mất 4 hay 5 năm liền (và sau này em trai mình cũng vậy). Mình ăn bột lâu đến mức ba mình thành khách quen của hàng xay xát bột, sau lại cộng thêm em trai mình nữa, thế là chủ lò xay còn hỏi ba mình "sao nhà ông đẻ lắm thế, phải 7 -8 đứa rồi đúng không?" =))). Mà cái nết ăn của mình hồi bé rất là tệ hại, kiểu ăn ba thì nôn một, nên bữa ăn nào cũng như đánh trận. Một trong những ký ức sớm nhất mình còn nhớ được là cảnh hồi bé mình ngồi chờ ba bón bột: ba đặt mình ngồi lên cái bàn to đùng của mẹ, sau đó bày ra xung quanh 1 cốc nước to, 1 bát bột, còn trên vai ba thì vắt một cái khăn mặt ẩm. Quy trình sẽ là như thế này: ba bón, mình ăn (rất ngoan luôn), rồi đến một lúc nào đó mình sẽ nhăn mặt ậm oẹ, và ba đứng tránh ra, rồi mình "oẹ" một cái. Ba chờ cho mình oẹ xong thì cho mình uống nước, lấy khăn trên vai lau miệng cho mình, rồi bón tiếp (và mình ăn tiếp). Cứ lặp lại đến bao giờ hết bát bột thì thôi. Đến năm mình học lớp 1 thì cả nhà hạ quyết tâm không ăn cháo nữa, ăn cơm. Nhưng mà mình cơm ăn rất chậm nên có khối lần ba bón mà mình vừa ăn vừa khóc. Hồi đó ba mình còn trẻ (trâu) nên có khối hôm cả bát cả cơm bay vèo vào cái tường trước mặt. Giờ mình lớn rồi, ba kệ cho mình thích thì ăn không ăn thì nghỉ, nhưng thi thoảng có món này món kia mà ba thích hoặc thấy là y như rằng ba sẽ nài mình ăn mãi cho đến khi mình ăn (hoặc hục hặc không chịu ăn) mới thôi.
Vì ba không nghiêm như mẹ, và ít khi cho mình ăn roi, nên mình nhây và hay ăn vạ với ba hơn. Việc này việc nọ, cứ ra nài nỉ hoặc nhờ vả ba là xong hết. Ba mình vẫn luôn làm giúp mình, thậm chí có những thứ mình phá lanh tanh bành thì ba vẫn mắt nhắm mắt mở cho qua. Nhưng bù lại, mỗi lần như thế, ba sẽ bắt mình hát "bố là tất cả, bố ơi bố ơi". Lúc nào vui thì mình sẽ hát, còn lúc nào không thích thì mình sẽ cãi "ba là ba chứ có phải bố đâu mà hát". Lúc ấy, chắc ba mình cũng bất lực nên kệ cho mình cãi vậy =)). Rồi hồi học cấp 1, có bài thơ gì đó, mà bạn nhỏ ở nhà, còn bố đi bộ đội thì gửi thư về, trong đó có cả đoạn "bố gửi nghìn chiếc hôn". Thế là lúc đó mình về kể với ba, rồi đòi ba gửi cho 1000 chiếc hôn bằng được. Hình như phải mất gần 1 năm thì mới xong 1000 chiếc hôn đó.
Ba cũng là người xuất hiện ở phần lớn cột mốc đời mình: hồi bé, cứ mỗi lần đi thi, đi tham gia các liên hoan, sự kiện gì đó cho học sinh giỏi thì ba sẽ là người đưa mình đi. Ba đưa mình đi thi học sinh giỏi, đưa mình đi nhận giải, đưa mình đi thi chuyển cấp, rồi đưa mình đi thi thử đại học,... Nghĩ lại mới thấy sao mà hồi đó ba kiên trì đến vậy, vì mỗi lần đưa mình đi thi là phải chờ bên ngoài mấy tiếng đồng hồ, rồi còn công đi lại nữa. Bây giờ, mình tự đi được rồi thì ba lại quay vào lo đưa em mình đi thi. Chắc điều duy nhất ba không làm được là việc dạy mình học bơi, vì mình ngu khoản này quá =))).
Ba mình không hoàn hảo. Vẫn có những lúc ba làm mẹ, mình và em thấy buồn. Nhưng ba mình vẫn đang cố gắng. Dù mình biết là sự cố gắng đó chưa chắc đã thành công, bởi lẽ có những khoảng cách thế hệ, hay những sự "cứng đầu" về tư tưởng của cả hai phía, nhưng mình cũng đang cùng cả nhà cố gắng để có thể xoa dịu những điểm xung khắc trên. Nhưng có một điều mình chắc chắn, với mình, ba là người bố tuyệt vời nhất, phù hợp nhất, dù không hoàn toàn "đa zi năng" nhưng chắc chắn một điều là ba vẫn luôn xứng với câu "bố là tất cả".