“Bố già” đã khiến mình cười đã đời, ướt nhòe mắt và cảm giác đọng lại rất nhiều sau khi rời rạp. Mở đầu bộ phim khiến mình cười ngặt nghẽo, thấy âu yếm yêu thương và muốn bước chân vào Sài Gòn một lần. Rồi mình như được lên một chuyến tàu trở về với tuổi thơ…
Ba Sang có rất nhiều nét giống với cha của mình, người cha lúc nào cũng thích “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Anh em mình ngày bé vẫn luôn hậm hực vì chính cái việc cha lo lắng chuyện bên ngoài và không để ý đến chuyện trong nhà.
Nhưng lớn lên rồi mới hiểu, đó là cách sống đầy nghĩa khí và để cảm thấy không thẹn với lòng mình của cha. Vì cái tính hào sảng, phóng khoáng ấy mà từ họ gàng gần xa đến bạn bè thân hay không thân, chưa thấy một ai phàn nàn gì về cách sống của cha. Lúc nào thấy ai nhắc đến “ông Phát” là cũng vui vẻ, đầy chuyện cười.
Cha vẫn luôn là người đứng ra lo lắng chuyện trong nhà, một điều hai điều đều “anh em tau là nhất”. Ngày xưa cha làm xóm trưởng, hễ nhà ai có ruộng bị trâu bò ăn lúa hay gây sự cãi nhau ở đâu cũng thấy chạy đến kêu “anh Phát”…
Hay còn nhớ thi thoảng đang đi học, mình lại điếng người vì nghe tiếng cha đang hát hay đọc thơ tình ở đâu. Sau đó nghe người ta chạy đến gọi: “Này, về mà xem cha bay đang làm chủ hôn”. Cha hát hay, nói giỏi, biết cả sáo, cả guitar, đã làm chủ hôn cho không biết bao nhiêu cặp. Hầu như là những cặp đôi bạn bè hay nhà không có tiền thuê người đứng cầm mic chuyên nghiệp…
Rồi cũng lại là tiếng các dì, các O nói với: “Này, cha bay bựa ni lại khóc hộ cho nhà ông, bà… Cha bay khóc ai oán lắm, ai cũng chộ thương”.
Thật tình, mình không thích cái việc đọc văn khấn trong đám ma của cha, nên mỗi lần nhìn thấy những quyển sách văn khấn để ở trên chiếc tủ ly hay cảnh cha ngồi ghi ghi chép chép là lại thấy khó chịu.
Nhớ một đêm khuya lắc, có người đến gọi, mấy mẹ con ngăn lại, vì nghĩ đến hơi lạnh, nghĩ đến những chuyện có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và cảm giác gai người khó tả… Nhưng rồi cha vẫn đi, còn quát rất lớn: “Chuyện phải làm là tau làm”.
Cha cũng giống Ba Sang ở cái đặc điểm hài hước. Bữa nhậu nào có cha cũng rộn ràng, buổi nói chuyện nào mà cha chủ đích tấu hài cũng khiến dân tình cười nắc nẻ… Mình từ bé đã biết đến những câu ca dao, tục ngữ, những chuyện tiếu lâm… cũng nhờ ngồi trong nhà hóng chuyện người lớn nói với nhau, mà từ cha là chủ yếu.
Mình biết đến và đoán ý nghĩa những câu như “Quý hồ thành bất quý hồ đa”, “Họa hổ họa bì phi họa cốt/Tri nhân tri diện bất tri tâm”, “Công dung ngôn hạnh”, “Tùng cúc trúc mai”… từ những năm còn học cấp 2.
Nhiều người không biết mình có khiếu viết văn từ đâu ra, nhưng mình biết chắc là ít nhiều mình học được từ cha. Cha mình “chém gió” bằng miệng, mình “chém” bằng ngòi bút.
Cả cái tính sống không kế hoạch, chỉ biết đến hiện tại hay thường thích hoa lá cũng vậy… Mình đã rất nhớ những hình ảnh đĩa hoa thiên lý, đĩa hoa bưởi… trên bàn trà hay hái hoa nhài ướp trà từ ngày xưa. Cái cây anh chị em mình nhớ nhất cho đến bây giờ, có lẽ là dàn hoa giấy màu hồng, nở rực một góc nhà mà cha trồng gần 30 năm trước…
Với mình, bộ phim “Bố già” không có phân đoạn nào là thừa thãi. Nếu một cảnh nào đó khán giả không cười thì họ bắt buộc phải khóc, hoặc lặng người mà suy ngẫm.
Mọi góc máy và chi tiết đều được tính toán một cách rất hợp tình hợp lý, đan xen quá nhiều xúc cảm. Diễn xuất của dàn diễn viên chắc hẳn cũng không cần bàn đến, dù vẫn có vài hạt sạn gượng gạo nhưng là chẳng đáng nhắc đến. Việc ăn bỏng, uống nước để giải trí trong lúc ngồi xem cũng thấy thật không cần thiết nữa.
Mình nhớ có đọc đâu đó câu nói “Bộ phim này dành cho những người làm cha, những người đã làm con” và quả thật rất đúng.
Nhẽ ra, mình sẽ phải xem phim bằng cả hai tâm thế, vừa làm con, vừa là người làm cha mẹ, nhưng rốt cuộc cuốn phim khiến mình nghiêng hẳn về phía làm con. Mình cũng không nghĩ nhiều đến những mâu thuẫn giữa “bố già” và con trai, không bàn đến cái sự bao la và chạm đến những tầng sâu thẳm nhất trong mối quan hệ này.
Với mình, vì vốn chẳng có mâu thuẫn gì nhiều giữa hai cha con, nên mình chỉ nhớ đến những điều tích cực. Mình nhớ đến rất nhiều khi mình còn bé, nhớ đến cái sự day dứt chưa thể có hiếu cho trọn chữ con và cảm thấy biết ơn vì mình có một người cha, người mẹ mà luôn sẵn sàng chăm lo, vun vén cho con cái từng chút một.
Đến khi mình đi lấy chồng, những cái Tết đầu tiên, cha là người chạy xe đưa những món nhà làm xuống cho vì Tết nội – ngoại khác nhau nhiều món… Rồi mình loay hoay không biết nấu món gì, sẽ gọi điện hỏi cha đầu tiên. Cha cũng sẽ làm hộ gà, cá hay sẵn sàng đỡ mình bất kỳ việc gì.
Cha cũng không ngại việc chở cả củi, cả nồi bánh chưng xuống để vợ chồng con cái được biết đến cảm giác tự nấu một nồi bánh chưng. Dù sau này mình biết, những việc khiến mình vui lại có thể làm cha vất vả, thì mình thôi cũng… bớt nhờ đi.
Cha nói nhiều với người ngoài, nhưng với con cái thì ít, vì cha bảo “con cái lớn rồi, đủ hiểu”. Cái lần mình muốn dừng lại cuộc hôn nhân này, cha chỉ nói một câu: “Giữ thì khó, phá thì dễ, xem thế nào mà sống”…
Những sai lầm trong cuộc đời người làm cha, người làm con, có lẽ cũng chẳng cần nhắc đến và hoàn toàn dễ dàng xí xóa đi nếu như biết rằng chung quy tất cả lại vẫn là vì tình thương. Như lúc Ba Sang hét lên “Vì tao thương mày, tao thương mày” và chỉ cần thấy con trai tự làm mình đau, thì cuối cùng cũng chấp nhận “Thôi thôi, giờ mày làm gì cũng được”.
Bộ phim khép lại với những cảm xúc được chạm đến tận đỉnh, để rồi cuối cùng là một lời nhắn nhẹ nhàng thôi nhưng mình tin là bất kỳ ai ra về cũng đã gói lại gọn gàng trong tim. Sẽ có những người cảm thấy nuối tiếc, nhưng cũng có những người cảm thấy may mắn vì ít nhất mình đã được xem bộ phim này, dù không sớm nhưng cũng là không muộn hơn, đã được nhắc nhở để biết tiếp theo sẽ phải làm gì.
Trong số những người cảm thấy may mắn khi ra về ấy có mình. Mình cũng tin rằng không cần phải nói ra một lời hứa hay nhắc nhở được niêm yết ở đây làm gì cả, bởi nói thì dễ, làm mới khó. Dặn lòng từ đây sẽ cố gắng để thực hiện thôi.