Bố cục trong nhiếp ảnh
Không có quy tắc bất di bất dịch khi chụp ảnh, tuy nhiên, có một số hướng dẫn sẽ giúp bạn cải thiện bố cục của bức ảnh. Bài viết...
Không có quy tắc bất di bất dịch khi chụp ảnh, tuy nhiên, có một số hướng dẫn sẽ giúp bạn cải thiện bố cục của bức ảnh. Bài viết này của nhiếp ảnh gia Barry O Carroll sẽ bắt đầu với những hướng dẫn cơ bản nhất và nâng cao lên từ từ.
Trước hết chúng ta phải xác định “bố cục” là gì. Nó chính là cách bố trí các yếu tố khác nhau trong một khung cảnh. Bài viết này không phải là những quy tắc cố định và cứng nhắc. Đây là kinh nghiệm mà nhiều người đã sử dụng trong hàng nghìn năm qua và chúng thực sự giúp các tác phẩm hấp dẫn hơn.
Chúng ta sẽ bắt đầu với kỹ thuật bố cục nổi tiếng nhất: Quy tắc một phần ba.
1. Quy tắc một phần ba
Quy tắc một phần ba rất đơn giản. Bạn chia khung ảnh thành 9 phần bằng nhau với 2 đường kẻ dọc và 2 đường kẻ ngang như hình minh họa trên. Nhiều máy ảnh đã có chế độ hiển thị lưới này trong phần live view. hãy đọc hướng dẫn sử dụng máy ảnh của bạn để bật tính năng này.
Theo quy tắc này, chúng ta cần đặt các yếu tố quan trọng của cảnh vật dọc theo một hay nhiều đường kẻ, hay nơi các đường kẻ giao nhau. Chúng ta thường có xu hướng tự nhiên muốn đặt chủ đề chính nằm ở chính giữa, tuy nhiên, sử dụng quy tắc một phần ba qua thường xuyên sẽ giúp bức ảnh trông cuốn hút hơn.
Trong bức ảnh trên, tôi đã đặt đường chân trời dọc theo đường kẻ một phần ba dưới cùng của khung ảnh và cây lớn nhất, gần nhất được đặt theo đường kẻ dọc bên phải. Hình ảnh sẽ không có hiệu ứng tương tự nếu những cây lớn được đặt ở trung tâm của bức hình.
Trong bức ảnh Quảng trường Old Town tại Prague, tôi đã đặt đường chân trời nằm trên đường kẻ ngang một phần ba ở phần trên của khung ảnh. Hầu hết các tòa nhà nằm ở khoảng một phần ba chính giữa và quảng trường chính chiếm một phần ba phía dưới của khung. Các ngọn tháp của nhà thờ được đặt gần đường ngang bên phải của khung hình.
2. Bố cục trung tâm và đối xứng
Có những trường hợp đặt chủ đề chính ở trung tâm khung hình thực sự đem lại hiệu quả cao. Bố cục trung tâm rất phù hợp cho cảnh vật đối xứng. Chúng cũng trông rất đẹp trong khung hình vuông.
Bức ảnh chụp cầu Ha’penny ở thành phố Dublin là một ứng cử viên hoàn hảo cho bố cục trung tâm. Kiến trúc và những con đường là những đối tượng tuyệt vời cho bố cục này.
Cảnh vật có hình ảnh phản chiếu cũng là một cơ hội tuyệt vời để sử dụng tính đối xứng trong sáng tác của bạn. Trong bức ảnh này, tôi đã sử dụng kết hợp bố cục một phần ba và bố cục đối xứng để tạo nên bức ảnh. Cái cây ở vị trí bên phải của khung hình ngả bóng xuống mặt hồ tạo nên tính đối xứng hoàn hảo. Bạn có thể kết hợp một số quy tắc bố cục vào cùng một bức ảnh.
3. Bố cục tiền cảnh và chiều sâu
Thêm vào tiền cảnh là cách tuyệt vời để tạo cảm giác chiều sâu. Những bức ảnh tất nhiên là 2D, nhưng cảm giác 3D sẽ tăng lên khi thêm vào các yếu tố tiền cảnh, hậu cảnh.
Trong bức ảnh một thác nước ở Hà Lan này, những tảng đá trên sông là nơi cung cấp tiền cảnh hoàn hảo. Kỹ thuật này đặc biệt hiệu quả với ống kính góc rộng.
Bức ảnh này được chụp ở bến tàu của Dublin, Ireland. Trụ dây xích trên bến tàu đóng vai trò tiền cảnh, kết hợp với các công trình kiến trúc và cây cầu ở phía xa… giúp tạo cảm giác chiều sâu cho bức ảnh. Trụ dây xích trong ảnh chỉ cách nhiếp ảnh gia vài mét khi anh ta chụp bức ảnh này.
4. Tạo khung bên trong khung
‘Khung hình bên trong khung hình’ là một cách hiệu quả để khắc họa chiều sâu của cảnh vật. Hãy tìm các đồ vật như cửa sổ, mái vòm hay những cành cây nhô ra để tạo ra một khung hình. ‘Khung hình’ này không nhất thiết phải bao bọc toàn bộ cảnh vật.
Trong bức ảnh chụp quảng trường St Mark ở Venice, mái vòm đóng vai trò tạo khung cho nhà thờ St Marks và lầu chuông ở phía cuối quảng trường. Việc sử dụng góc nhìn qua khung hình là một đặc điểm phổ biến của tranh vẽ trong thời kỳ Phục hưng để miêu tả chiều sâu.
Như bạn có thể thấy, quảng trường hoàn toàn yên tĩnh, trống rỗng khi chụp. Đây là lợi ích của việc thức dậy sớm lúc 5 giờ sáng. Sáng sớm là khoảng thời gian ra ngoài chụp ảnh yêu thích của nhiều nhiếp ảnh gia.
Khung không chỉ là những kiến trúc do con người tạo nên mà có thể dùng cả các cành cây hay cửa sổ. Bức ảnh này được chụp tại hạt Kildare ở Ireland. Lần này, tôi đã sử dụng thân cây bên phải và các nhánh cây để tạo ra một khung ảnh bao gồm cả cây cầu và nhà thuyền. Mặc dù ‘khung ảnh’ này không bao gồm toàn bộ khung cảnh, nó vẫn tạo nên một cảm giác về chiều sâu.
Sử dụng ‘khung trong khung’ là một cơ hội tuyệt vời để tạo khung ảnh từ chính môi trường xung quanh.
5. Đường thẳng dẫn hướng
Đường dẫn hướng giúp dẫn dắt người xem, thu hút sự chú ý của họ vào những điểm quan trọng. Bất cứ điều gì từ những con đường, bức tường hay hoa văn có thể được sử dụng làm đường dẫn hướng. Hãy xem những ví dụ dưới đây.
Trong bức ảnh tháp Eiffel này, tôi đã sử dụng các hoa văn để làm đường dẫn hướng. Các đường thẳng trên mặt đất dẫn dắt người xem đến tháp Eiffel ở xa. Bạn cũng sẽ nhận thấy tôi đã sử dụng tiêu điểm trung tâm cho bức ảnh này. Sự đối xứng của môi trường xung quanh khiến tiêu điểm này trở nên nổi bật.
Đường dẫn hướng không nhất thiết phải thẳng như hình minh họa bức ảnh trên. Các đường dẫn cong cũng rất thú vị, hấp dẫn. Trong bức ảnh trên, con đường dẫn hướng mắt của người xem qua bên phải khung hình trước khi rẽ sang trái. Tôi cũng sử dụng quy tắc một phần ba khi chụp ảnh này.
6. Đường chéo và tam giác
Người ta thường nói rằng hình tam giác và đường chéo có thể thêm “kịch tính” cho bức ảnh. Vậy “kịch tính” có nghĩa là gì? Nó khá khó giải thích, vì phụ thuộc vào cảm nhận.
Các đường ngang và dọc cho thấy sự ổn định. Nếu bạn nhìn thấy một người đừng trên một mặt phẳng nằm ngang, anh ta sẽ trông khá ổn định. Nếu chụp người đàn ông này trên một đường dốc, ông ta sẽ trông ít ổn định hơn. Nó tạo nên một sự căng thẳng thị giác nhất định. Chúng ta không nên sử dụng đường chéo trong cuộc sống hằng ngày của mình. Chúng tạo nên sự bất ổn vô thức. Nhưng kết hợp tam giác và đường chéo vào hình ảnh có thể tạo ra cảm giác “kịch tính”.
Hình ảnh về cây cầu Samuel Beckett tại Dublin kết hợp nhiều hình tam giác và đường chéo vào cảnh. Cây cầu chính nó là một hình tam giác (nó trông giống như một cây đàn hạc Celtic khi nhìn từ bên mặt). Ngoài ra, còn có một số hình tam giác “ẩn” trong cảnh vật. Các đường dẫn hướng bên phải của khung cùng tất cả tam giác đều gặp nhau tại cùng một điểm. Cả hai kỹ thuật đã được kết hợp để tạo nên hình ảnh: đường dẫn và đường chéo.
Trong bức ảnh của khách sạn Hotel de Ville ở Paris, tam giác và đường chéo tạo nên cảm giác năng động. Chúng ta không thường thấy tòa nhà nghiêng như vậy trong cuộc sống hằng ngày. Nó ảnh hưởng đến cảm giác cân bằng của chúng ta. Nó tạo nên sự căng thẳng thị giác.
7. Hoa văn và bề mặt
Con người thường bị thu hút bởi các hoa văn. Chúng rất trực quan hấp dẫn và hài hòa. Hoa văn có thể là các mẫu do con người tạo ra các nhịp tròn chồng lên nhau hay tự nhiên như cánh của một bông hoa. Kết hợp hoa văn vào ảnh chụp của bạn là cách tốt để tạo ra một bố cục dễ chịu.
Hai bức ảnh này được chụp ở Tunisia. Trong tấm này, nhiếp ảnh gia đã dùng hoa văn trong những viên đá lát đường để dẫn ánh nhìn vào tòa nhà mái vòm. Tòa nhà mái vòm cũng hòa hợp với hoa văn tròn bên dưới.
Bức ảnh này làm người ta cảm nhận được bề mặt của công trình đá trên mặt đất. Cấu trúc này ít gặp hơn so với hoa văn trong bức ảnh đầu tiên, nhưng sự pha trộn giữa ánh sáng và bóng tối trên bề mặt là rất dễ chịu. Ngoài ra, còn có bề mặt thú vị trên tường và mái nhà hành lang. Bạn cũng có thể nhận thấy kiến trúc này tạo nên một bố cục ‘khung trong khung’ xung quanh người đàn ông và quán cafe ở phía bên kia mái vòm.
8. Quy tắc số lẻ
Quy tắc số lẻ nói rằng một hình ảnh sẽ trông hấp dẫn hơn nếu có số lượng lẻ các đối tượng. Theo lý thuyết mà nói, số lượng chẵn các đối tượng trong ảnh sẽ khiến người xem bị phân tâm vì không biết nên tập trung vào ai. Số lượng lẻ được cho là tự nhiên và dễ nhìn hơn.
Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng có rất nhiều trường hợp không rơi vào quy tắc số lẻ này, nhưng quy tắc này chắc chắn sẽ được áp dụng trong một số tình huống nhất định. Nếu có 4 đứa con, bạn sẽ quyết định để đứa nào đứng ngoài bức ảnh? Về phần cá nhân mình, tôi sẽ chọn cách tăng số lượng khách hàng tiềm năng trong tương lai càng cao càng tốt.
Bức ảnh trên là một ví dụ của quy tắc số lẻ. Tôi cố tình đóng khung ảnh gồm ba nhịp tròn. Tôi nghĩ hai nhịp tròn sẽ không hiệu quả và sẽ làm phân tán sự chú ý của người xem. Cũng đã có ba người trong cảnh vật này. Bức ảnh này cũng sử dụng các mẫu hoa văn và ‘khung trong khung’.
Trong bức ảnh hai người chèo thuyền ở Venice, bạn sẽ thấy rằng tôi đã bỏ qua các toàn quy tắc về số lẻ. Đúng là sự chú ý của bạn có thể chuyển đổi qua lại giữa hai người chèo thuyền. Tuy nhiên, đây là một cuộc trò chuyện giữa hai người, có qua có lại. Vì lý do đó, tôi nghĩ rằng số chẵn là phù hợp với trường hợp này.
9. Lấp đầy khung ảnh
Lấp đầy khung hình với chủ đề bạn chọn, để lại ít hoặc không có không gian xung quanh, cách này có thể rất hiệu quả trong một số tình huống nhất định. Nó giúp người xem tập trung vào chủ đề chính mà không có bất kỳ sự phân tâm nào. Nó cũng cho phép người xem quan sát chi tiết của một đối tượng mà không thể quan sát được nếu chụp từ xa.
Trong bức ảnh chụp sư tử này, bạn sẽ nhận thấy rằng tôi đã chụp cận cảnh khuôn mặt, thậm chí cắt xén luôn một phần đầu và bờm. Điều này giúp người xem tập trung thực sự vào các chi tiết như mắt hay bề mặt lông sư tử. Bạn cũng có thể nhận thấy rằng tôi đã sử dụng quy tắc một phần ba trong bức ảnh.
Trong bức ảnh Nhà thờ Đức Bà ở Paris, tôi đã để lại ít không quan quanh các cạnh của tòa nhà. Điểm nhấn của bức ảnh nay là giới thiệu chi tiết kiến trúc của mặt tiền phía trước tòa nhà.
10. Để lại không gian trống
Một lần nữa, tôi lại hoàn toàn mâu thuẫn với chính bản thân mình! Trong hướng dẫn số 9, tôi đã bảo bạn rằng lấp đầy khung ảnh là một bố cục đẹp. Bây giờ tôi sẽ cho bạn biết điều ngược lại cũng vẫn tốt, tùy vào ý đồ của bạn.
Để lại rất nhiều khoảng không gian trống xung quanh chủ thể của bạn có thể tạo thêm sự hấp dẫn. Nó tạo ra cảm giác của sự đơn giản. Giống như lấp đầy khung ảnh, nó giúp người xem tập trung vào chủ thể chính mà không gây ra phân tâm. Bức ảnh này chụp một tượng thần Hindu khổng lồ, thần Shiva ở Mauritius là một ví dụ điển hình của việc tạo không gian trống.
Bức tượng rõ ràng là tiêu điểm chính nhưng tôi lại để rất nhiều không gian trống bầu trời quanh nó. Điều này giúp thu hút ánh nhìn vào bức tượng trong khi giúp bức tượng có ‘không gian để thở’. Bố cục này cũng tạo nên cảm giác tinh giản. Cảnh vật không có gì phức tạp. Chỉ là bức tượng được bầu trời bao quanh. Tôi cũng đã sử dụng quy tắc một phần ba để đặt bức tượng ở phần bên phải của khung.
11. Đơn giản và tối giản (minimalism)
2 tính chất này đã được nhắc đến trong phần số 10 ở trên. Sự đơn giản tự bản thân nó cũng có thể là một công cụ bố cục mạnh mẽ. Người phương Tây hay nói rằng “ít hơn tức là nhiều hơn” (less is more).
Sự đơn giản thường là chụp ảnh trên nền giản dị để không gây phân tán chú ý khỏi chủ thể. Bạn cũng có thể tạo ra bố cục đơn giản bằng cách zoom vào một phần đối tượng và tập trung vào một chi tiết nào đó.
Bức ảnh thứ 2 là một cái cây lúc bình minh, phông nền rất đơn giản và thoáng đáng để ánh mắt tập trung vào cái cây. Bức ảnh này tận dụng “khoảng trống” để tạo ra cảm giác đơn giản và tối giản. Ngoài ra còn có quy tắc 1/3 và đường thẳng dẫn đường.
12. Tách biệt chủ thể
Dùng một trường ảnh nông (depth of field), bạn sẽ giúp chủ thể nổi rõ hơn, và cũng tạo nên bố cục đơn giản. Điều này đặc biệt thường gặp trong ảnh chân dung.
Trong bức ảnh con mèo trốn sau một cái hộp, khẩu độ là f3,5 khá rộng và tạo nền mờ đằng sau. Ánh mắt người xem sẽ tập trung vào con mèo. Bức ảnh giọt nước trên lá ở mục số 11 cũng dùng thủ pháp tương tự.
13. Thay đổi góc nhìn
Thay vì chụp ở chiều cao của bạn, bạn có thể lên thật cao hoặc xuống thật thấp để tạo ra bố cục lạ và thú vị cho một chủ thể quen thuộc. Đối với nhiếp ảnh gia hoang dã, việc nằm trên bùn để có được góc nhìn ưng ý cũng không có gì là quá lạ.
Bức ảnh Paris này được chụp từ tầng 15 của một tòa nhà. Bất cứ khi nào đến thăm một thành phố, tôi thường tìm nhà cao tầng để có góc chụp đẹp, đặc biệt là vào ban đêm.
Còn tấm ảnh dưới đây là chụp dưới một con suối ở Ireland, tôi đã phải đợi cơn mưa đi qua và mặt trời ló dạng để có ánh sáng như ý. Nước thì rất lạnh, nhưng bạn phải đi tới tận nơi thì mới thu được chuyển động của nước qua những khe đá.
14. Tìm những cách phối màu đặc biệt
Màu sắc tự bản thân nó thường bị bỏ qua khi nói về bố cục. Lý thuyết về cách kết hợp màu sắc thật ra khá đơn giản, bạn có thể tìm các màu tương phản như xanh dương và vàng/đỏ.
Cá nhân tôi thường thích chụp khi trời vừa sẩm tối, ánh sáng trên các công trình kiến trúc tương phản rất tốt với màu xanh dương đậm của nền trời.
15. Vị trí của khoảng trống
Quy tắc này nói rằng, bạn nên đặt khoảng trống ở vị trí phía trước vật thể hoặc tiến lên phía trước. VD: nếu chụp chiếc xe hơi đang chuyển động thì nên để khoảng trống phía trước xe, thay vì phía sau.
Ở bức ảnh con tàu, nó đang di chuyển từ trái sang phải, và có rất nhiều khoảng trống để nó “đi vào”. Điều này làm cho người xem có thể tưởng tượng hình ảnh con tàu đi dọc con sông, hoặc hướng đôi mắt để tìm đích đến của vật thể. Nếu con tàu đặt ở sát phía bên phải, sẽ có một cảm giác khó chịu vì người xem có xu hướng bị dẫn ra khỏi khung hình.
Trong bức ảnh chụp nhóm người này cũng vậy. Người nhạc sĩ đang nhìn sang phải, cây đàn cũng chỉ sang phải, từ đó dẫn ánh mắt người xem sang những hoạt động khác đang xảy ra trên cầu.
16. Quy tắc “Trái sang phải”
Cũng giống như thói quen đọc từ trái sang phải, người ta có xu hướng xem ảnh theo thứ tự như vậy. Do đó, quy tắc này đề xuất rằng bạn hãy để chuyển động trong bức ảnh diễn ra theo chiều từ trái sang phải. Nhưng thật ra, cũng có nhiều bức ảnh chụp chuyển động từ phía bên phải sang.
Trong bức ảnh người phụ nữ dắt chó đi dạo ở Paris này, quy tắc “trái sang phải” đã được áp dụng, và có nhiều khoảng trống trước mặt để cô gái “bước vào”. Quy tắc 1/3 và “khung trong khung” cũng được áp dụng.
17. Cân bằng các yếu tố trong khung hình
Theo quy tắc 1/3, chúng ta thường đặt đối tượng chính ở đường thẳng dọc 1/3 của khung ảnh. Tuy nhiên, đôi khi điều này làm cho bố cục thiếu cân bằng, “trơ trọi”.
Để xử lý, bạn có thể đặt một đối tượng thứ 2 ít quan trọng hơn ở vị trí đường dọc 1/3 còn lại.
Ví dụ như ở bức ảnh dưới đây, cột đèn lấp đầy phía 1/3 bên trái, còn tháp Eiffel ở phía xa làm cho phần bên phải đỡ trống hơn.
Bạn có thể thắc mắc rằng quy tắc này dường như đi ngược lại với quy tắc về khoảng trống ở mục 10, hoặc quy tắc “số lẻ”. Như đã nói ở phần đầu bài viết, trong bố cục thì không có quy tắc nào bất di bất dịch. Một số điều mâu thuẫn với nhau, nhưng thật ra không mâu thuẫn, bởi vì chúng áp dụng cho những hoàn cảnh khác nhau, thể loại nhiếp ảnh khác nhau. Vấn đề còn phụ thuộc vào đánh giá và kinh nghiệm của người chụp.
Khi đặt 2 đối tượng (1 gần, 1 xa) cạnh nhau, người ta cũng có thể dựa vào kích cỡ mà xét đoán được khoảng cách, từ đó tạo ra cảm nhận tốt hơn về chiều sâu và tỷ lệ tương đối.
18. Vị trí cạnh nhau
“Vị trí cạnh nhau” là một công cụ bố cục mạnh mẽ trong nhiếp ảnh. Khi đặt 2 vật thể cạnh nhau, tương quan hoặc tương phản, bạn đang mang thêm tính kể chuyện vào bức ảnh.
Hãy xem bức ảnh này ở Paris, nửa dưới có những quầy sách báo, hơi cũ kĩ và xô bồ một chút. Nửa trên thì lại là nhà thờ Đức Bà nổi tiếng từ thời Trung Cổ, biểu tượng của trật tự và quyền uy. Hai điều này có vẻ rất đối lập nhưng cũng vẫn hợp tác tốt trên một bức ảnh, chúng cho thấy câu chuyện về thành phố mang theo cả hai yếu tố tương phản.
Bức ảnh dưới đây cũng được chụp tại Pháp. Chiếc xe Citroen 2CV đầy vẻ hoài cổ, vô tình đậu trước quán cafe cũ mang đậm phong cách Pháp là một sự kết hợp tuyệt vời bổ sung cho nhau.
19. Tam giác vàng
Bạn vẫn theo kịp chứ? Gần xong rồi… tôi hứa đấy. Bố cục tam giác vàng hoạt động cũng giống như nguyên tắc 1/3. Thay vì những đường dọc và ngang, chúng ta chia khung hình bằng 1 đường chéo, kèm theo 2 đường vuông góc đi qua 2 góc còn lại của khung hình.
Như có thể thấy, những đường chéo tạo ra “kịch tính” khi ta xếp đặt các đối tượng dọc theo chúng và tại các giao điểm.
Bức ảnh dưới đã tận dụng rất khéo quy tắc tam giác vàng này. Ánh sáng xe cộ qua lại đi theo đường chéo ở giữa. Tòa nhà bên tay trái chạy theo đường chéo nhỏ hơn, còn góc trên của tòa nhà bên phải được đặt ngay giao điểm của 2 đường thẳng.
Rõ ràng là bạn không thể cứ nhớ hết 19 quy tắc này khi đi chụp ảnh. Tuy nhiên, bạn có thể luyện tập từng phần một. Cho tới khi thành thạo từng quy tắc, và mọi thứ sẽ trở nên tự nhiên như hơi thở.
Xem ảnh của những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và phân tích những quy tắc bố cục trong đó cũng là một cách hay để học. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là, bạn hãy cố gắng chụp mỗi ngày thì mới nhanh tiến bộ được.
Nhiếp ảnh
/nhiep-anh
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất