Hôm nay đẹp trời, rảnh rỗi nên mình đi dọn nhà. Lớ ngớ thế nào tìm được cuốn bí quyết này. Sách thì rách tươm nhưng được cái chữ vẫn đọc được. Bí quyết này lưu hành nội bộ và cấm chỉ định con gái đọc. Mình viết lại chương 1 cho anh em xem thử, nếu thấy hay thì mình sẽ viết tiếp.

Chương 1: Em ăn gì cũng được

Chàng đang chở nàng đi dạo phố. Giữa cái thời tiết hơi lành lạnh của một ngày giữa tháng 5 ở Hà Nội (cái này có thật à nha), chàng thấy hơi đói bụng. Vì thế chàng cất tiếng hỏi:
- Em đói chưa? Hay chúng mình đi ăn gì nhé?
Nàng thỏ thẻ:
- Dạ, em cũng hơi đói rồi.
Chàng:
- Thế em thích ăn gì anh chở đi?
Nàng:
- Em ăn gì cũng được.
...
Thế rồi một tràng dài các món ăn được liệt kê, nhưng món nào nàng cũng đưa ra một lý do để từ chối. Kịch bản này rất quen phải không nào? Có lẽ đây là thứ khiến đàn ông con trai chúng tôi đau đầu nhất. Thế rốt cuộc "Ăn gì cũng được" thì "ăn cái gì mới được"?
---

1. Vì sao bạn gái lại nói "ăn gì cũng được"?

1a. Lý do thứ 1 là cô nàng muốn giữ thế bị động. Chính bạn trai là người đưa ra lời mời đi ăn (bạn trai chủ động trước) thì cô nàng không muốn phá vỡ cái thế ấy, mà chỉ đơn giản là để bạn trai tiếp tục chủ động chọn món ăn, nơi ăn. Nếu bạn thấy khó hiểu thì hãy thử ngẫm tại sao lúc "ấy ấy", con gái thường nói "đừng, dừng lại" nhưng thực ra lại muốn "đừng dừng lại". Họ muốn bạn trai chủ động và giữ thế chủ động đó.
1b. Lý do thứ 2 là họ cũng không biết ăn gì, ăn ở đâu. Bởi vì bị hỏi quá đột ngột nên họ không có sự chuẩn bị. Họ không có câu trả lời nên để bạn trai chọn giúp họ.
1c. Lý do thứ 3 là cô nàng muốn "hy vọng" bạn trai sẽ có 1 thứ gì đó khiến họ bất ngờ. Kiểu như 1 quán ăn đặc biệt mà họ còn không biết; hay họ thích ăn ở 1 quán nhưng không tiện đề xuất, họ muốn bạn trai đề xuất chính nơi đó là họ gật đầu liền. Nếu như họ nói ngay ra nơi họ muốn ăn thì dễ bị bạn trai gán mác là "đồ háu ăn, chảnh chọe đòi ăn ngon, ăn thứ đắt tiền..." nên họ rất sợ điều này. Đây cũng là cách để họ giữ "giá" mà vẫn có thể đạt được mục đích.

2. Những sai lầm của chàng khi đáp lại câu này

2a. Sai lầm thứ 1 là nêu ra một tràng các món cho nàng chọn. Tại sao lại sai? là bởi vì bạn đã vô tình làm mất quyền chủ động của mình (lý do 1a). Việc để cho nàng phải chọn thay bạn đã khiến nàng bị "tụt mood" nên nàng khó chịu. Điều đó dẫn tới nàng thường từ chối các món ăn mà chàng nêu ra.
2b. Sai lầm thứ 2 là những món được đưa vào danh sách chọn lại thường là những món quen thuộc. Điều đó khiến nàng bị "thất vọng" (lý do 1c). Không có gì bất ngờ, mới lạ, thú vị, nàng sẽ thấy bạn thật "nhạt". Chính vì vậy nàng bị giảm hứng thú đi ăn với bạn. Từ thất vọng, chán nản, lại bị đổi vai trò từ bị động sang chủ động khiến nàng "cáu". Nàng sẽ chọn toàn câu trả lời "không" để lây lan cảm xúc khó chịu đó sang bạn. Và đến khi bạn không chọn được một phương án nào thì đó là lỗi của bạn. Nàng không có lỗi, nàng cũng không chê trách gì bạn, nàng chỉ là người bị hại mà thôi.
2c. Sai lầm thứ 3 là bạn dễ dàng thay đổi ý kiến ngay khi nàng nói không lần đầu tiên. Bạn không giữ được chính kiến khi đề xuất 1 thứ với nàng. Nàng mới nói không bạn đã vội thay đổi, thế thì tức là nơi đó, món ăn đó không phải thứ bạn thực sự muốn đưa nàng đến. Nếu nó tốt, ngon, thú vị, bạn sẽ thuyết phục nàng đến bằng được, kể cả nàng có từ chối 2-3 lần. Chỉ khi từ chối quá nhiều (thường quá 3 lần) thì mới thật sự là nàng không muốn. Lần từ chối đầu tiên đôi khi chỉ là phản xạ, cảm xúc nhất thời, hoặc là một thử thách, một bài test cho bạn mà thôi. Bạn đổi ý, bạn nghe lời nàng ngay tức là bạn đã trượt bài test này rồi.
2d. Sai lầm thứ 4 là bạn chỉ nghĩ đến đi ăn. Bạn không để ý cảm xúc của nàng đang khó chịu hay không, nàng có thật sự đói hay không, nàng có muốn gì khác ngoài đi ăn hay không. Bạn mời nàng đi ăn là bởi vì BẠN ĐANG ĐÓI chứ không phải nàng đang đói. Thử hỏi bạn một câu: Đi ăn xong thì đi đâu nữa? nếu bạn không trả lời được trong 5s thì xin lỗi, thà nàng từ chối đi ăn với bạn cho nhanh.

3. Bí quyết nhà họ Dương

3a. Bí quyết thứ 1 là không hỏi lại nàng muốn ăn gì, mà dẫn thẳng tới nơi bạn muốn cùng nàng ăn. Nó sẽ giữ thế chủ động của bạn, đồng thời khiến nàng tò mò suốt quãng đường đi để dò đoán xem bạn dẫn nàng đi đâu. Tò mò là thứ cảm xúc cực kỳ "kích thích" nàng nên bạn nên lợi dụng nó, tận dụng nó để nàng thấy bạn có nhiều điều mới lạ, thú vị. Nếu đến quán ăn đó rồi mà nàng tỏ ý không thích (chú ý quan sát thái độ nàng khi tới nơi) thì bạn cần đưa ra lời mời "sau ăn mình sẽ đi đâu, làm gì" để tiếp tục thu hút nàng, khiến nàng quên đi cái cảm xúc không thích kia đi. Bởi thực sự mà nói, con gái kể cả không ăn gì một bữa cũng không sao cả, nhưng nếu họ phải ăn một đống cảm xúc khó chịu thì nguy hiểm hơn nhiều.
3b. Bí quyết thứ 2 là chỉ ra một địa điểm và đồng thời khơi gợi cảm xúc về địa điểm đó. Ví dụ như: em có nhớ quán... lần trước mình ăn ở đó không (nếu là quán nàng dẫn đi trước đó thì càng tốt), quán đấy ngon, lần trước ăn cùng em ở đấy rất vui, anh biết em thích ăn ở đấy... Cái cảm xúc vui vẻ của kỉ niệm, của lời khen, của lời "nịnh" sẽ khiến nàng no nê cảm xúc và không khó chịu nữa, cũng không có tâm trí suy nghĩ tới việc từ chối nữa. Mấu chốt là phải chủ động quyết định địa điểm đó chứ không phải hỏi nàng. Chọn, nêu lý do bạn chọn, và cứ đi thẳng tới đó.
3c. Bí quyết thứ 3 là "anh ăn gì cũng được, miễn là có em ăn cùng". Một câu nói tình cảm thể hiện bạn "muốn mời nàng đi ăn là vì muốn ăn cùng nàng, không phải vì bạn đói" sẽ khiến nàng vui sướng ngập tràn. Tiếp đấy là chẳng đến quán ăn nào cả, mà tiếp tục lang thang, trò chuyện với nàng tới khi nàng thật sự đói, tới khi nàng phải hỏi "mình đi đâu ăn đây anh?". Khi nàng đói rồi thì mới thật sự là "ăn gì cũng được". Bạn chỉ cần đáp lại với lời xin lỗi: "xin lỗi em nhớ, nói chuyện với em vui quá quên mất cả ăn ở đâu (gài 1 câu nịnh vào nhé). Em có nơi nào ngon không gợi ý cho anh với, rồi mình qua đấy ăn."
3d. Bí quyết thứ 4 là đừng hỏi "em thích ăn gì", mà hỏi "anh muốn ăn... mình đi ăn nhé?", hoặc "hôm nọ bạn anh bảo có quán này ngon lắm, em có đói không mình đi ăn". Đừng để nàng phải lựa chọn, nếu phải lựa chọn, hãy để nàng đưa ra câu trả lời đầu tiên (bí quyết 3c).
---
p/s: bí quyết là một chuyện, cách luyện và luyện thành công hay không là chuyện khác.
Hết chương 1.
Xem tiếp chương 2