Một trong những tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết (như que cấy, thuốc tiêm, miếng dán, đặt vòng) là bị mất kinh hoàn toàn. Không ít bạn nữ lo lắng nếu tắt kinh trong thời gian dài như vậy thì có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe không.
Trong cuốn The Vagina Book: An Owner’s Manual for Taking Care of Your Down There, tác giả, đồng thời là bác sĩ Sản Phụ khoa Jenn Conti nói rằng chức năng duy nhất của kinh nguyệt chỉ để báo cho bạn biết “Hey, tháng này cưng không mang thai nha”.
Giống như con chim làm tổ để đẻ trứng, cơ thể phụ nữ chuẩn bị cho việc mang thai bằng cách làm dày niêm mạc tử cung. Nếu trứng không được thụ tinh, lớp niêm mạc này sẽ bị bong và đẩy ra khỏi cơ thể dưới hình thức mà chúng ta hay gọi là kinh nguyệt.
Các biện pháp tránh thai bằng nội tiết sẽ làm mỏng lớp niêm mạc này, khiến cho trứng đã thụ tinh khó bám vào niêm mạc. Do lớp niêm mạc luôn được duy trì ở trạng thái mỏng và ổn định nên bạn sẽ thấy sau khi dùng biện pháp tránh thai nội tiết, kinh nguyệt sẽ ra nhẹ hơn hoặc không có kinh ở một số người.
Nguồn: @koketit
Vì vậy, theo bác sĩ Jenn, chuyện mất kinh khi dùng biện pháp tránh thai nội tiết là an toàn. Với một số người, đây còn là chuyện đáng mở tiệc ăn mừng. Bởi không ít bạn nữ phải chịu nhiều phiền toái mỗi khi đến ngày “rụng dâu”, ví dụ như:
+ Bị đau đớn bởi chứng chuột rút
+ Bị chứng tiền kinh nguyệt hành hạ
+ Kinh nguyệt kéo dài, ra nhiều và nặng nề
+ Giảm nguy cơ mắc các bệnh như lạc nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng
Hiện nay, khoảng 30% phụ nữ nghỉ ốm từ 4 ngày trở lên vào mỗi năm vì hội chứng tiền kinh nguyệt. Những người bị “hành” nghiêm trọng có thể nghỉ làm hoặc nghỉ học 1 ngày mỗi tháng.
Cũng có bạn nữ chủ động dùng biện pháp tránh thai nội tiết để dời kinh vào những dịp đặc biệt như đi du lịch với người yêu chẳng hạn.
Oke, lợi ích của việc mất kinh thì rõ rồi, còn rủi ro thì sao?
Thứ nhất, bạn có thể bị chảy máu bất thường. Tuy nhiên, nó thường xảy ra trong vài tháng đầu tiên sau khi sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết. Sau đó nó sẽ giảm dần theo thời gian. Và điều này là bình thường vì cơ thể bạn cũng cần thời gian để làm quen với sự thay đổi nội tiết tố.
Nhưng nếu bạn bị chảy máu kéo dài hoặc trở nên tồi tệ hơn (rong kinh), ảnh hưởng đến sức khỏe thì nên đến gặp bác sĩ.
Thứ hai, bạn sẽ khó xác định mình đang có thai hay không. Việc bị mất kinh khi dùng biện pháp tránh thai nội tiết không ảnh hưởng gì đến khả năng sinh sản của bạn. Chỉ cần bạn ngừng dùng, kỳ kinh sẽ quay trở lại.
Chỉ là nếu bạn bị mất kinh, bạn khó nhận biết được liệu mình có đang mang thai không. Vì bất cứ biện pháp tránh thai nào cũng có tỷ lệ thất bại. Nếu bạn thấy xuất hiện thêm các triệu chứng nhhư căng tức vú hoặc buồn nôn, bạn hãy dùng que thử thai để kiểm tra.
Tóm lại, bị mất kinh khi đang dùng biện pháp tránh thai nội tiết là an toàn, không có vấn đề gì cả. Ngược lại, nếu đang không dùng biện pháp tránh thai nội tiết nào mà bị mất kinh thì đó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn, và bạn nên đi khám ngay.
Nguồn thông tin từ: Sách The Vagina Book: An Owner’s Manual for Taking Care of Your Down There, Healthline.
.Ngưn.
Sống văn hóa - Yêu văn minh - Làm tình có trách nhiệm