[Chú ý cái tên Nam Kurdistan. Người Kurd sinh sống trên 4 quốc gia, nên các cộng đồng của họ sống trên từng quốc gia được gọi theo phương hướng. Bắc Kurdistan - chỉ người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Kurdistan - Syria, Đông Kurdistan - Iran và dĩ nhiên Nam Kurdistan - Iraq]
Tiếp nối bài đầu tiên tóm tắt về tiểu sử của Saddam Hussein, phần I của ấn phẩm "3 cuộc chiến của Saddam" được các tác giả Nga tổng hợp, đưa đến cho người đọc cái nhìn tổng quan (có hơi rời rạc) về phong trào đầu tranh của người Kurd từ xa xưa. Cốt yếu nhất tập trung vào cuộc nổi dậy của người Kurd ở Iraq từ năm 1961 tới 1975.
Tham khảo phần mở đầu:
******
Người Kurd đã chiến đấu trong nhiều thế kỷ để tạo ra vùng Kurdistan độc lập của riêng họ. Kể từ khi thành lập Iraq vào năm 1919, ba tỉnh của người Kurd ở phía bắc của nước này đã không ngừng đấu tranh để giành quyền tự trị cho mình. Trong 20 năm cai trị của Saddam Hussein, người Kurd đã phải đối mặt với những thử thách khó khăn nhất xảy ra với người dân này: trục xuất hàng loạt, khủng bố toàn diện và tàn sát dân số với sự trợ giúp của vũ khí hóa học. Saddam đã tiêu diệt 500 nghìn người Kurd (cho đến năm 1992, 4.500 ngôi làng trong tổng số 5.000 ngôi làng ở Kurdistan thuộc Iraq đã bị đốt cháy, hiện nay còn có khoảng 22 triệu quả mìn trong khu vực), tuy nhiên hiện nay, Kurdistan thuộc Iraq mới là thực thể người Kurd độc lập duy nhất tồn tại.

*Người Kurd và Kurdistan

Là một trong những dân tộc cổ xưa nhất ở Tây Á, người Kurd chưa bao giờ có nhà nước riêng. Lịch sử đã khiến 40 triệu người Kurd bị chia cắt. Hơn 36 triệu người Kurd sống ở khu vực lịch sử của họ - Kurdistan. 3-3,5 triệu người Kurd khác sống rải rác khắp thế giới.
Kurdistan chiếm một vùng lãnh thổ ở phía tây nam lục địa châu Á, ngay trung tâm khu vực Tây Á, trải dài từ tây sang đông khoảng 1000 km và từ bắc xuống nam - từ 500 đến 670 km (tổng diện tích khoảng 528 nghìn km2) Kurdistan là một vùng miền núi. Các khối núi lớn nhất là dãy núi Taurus, cũng như khối núi Zagros. Chiều cao của những đỉnh núi phủ đầy tuyết hùng vĩ của chúng lên tới 4.700 m. Các con sông lớn nhất và sâu nhất ở Trung Đông, Tigris và Euphrates, chảy qua Kurdistan. Đất nước này có nhiều hồ, trong đó lớn nhất là hồ muối Urmiyeh. Hàng trăm nghìn nguồn nước quan trọng có thể cung cấp độ ẩm cho tất cả các vùng khô cằn ở Trung Đông. Kurdistan rất giàu tài nguyên khoáng sản, trong đó dầu mỏ chiếm vị trí đầu tiên. Các mỏ dầu ở phía nam (Iraq) và phía đông (Iran) Kurdistan có tầm quan trọng toàn cầu. Dầu cũng được sản xuất ở cả phía bắc Kurdistan (Thổ Nhĩ Kỳ) và các khu vực của người Kurd ở Syria. Đất nước này cũng giàu trữ lượng than, quặng sắt, bauxite, vàng, bạc, đồng, uranium, đá cẩm thạch và các khoáng sản khác. Người Kurd chiếm từ 72% đến 93% dân số ở nhiều vùng khác nhau của Kurdistan. Phần lớn dân số làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. 
Về mặt địa chính trị, Kurdistan được chia thành Kurdistan Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Bắc Kurdistan (240 nghìn km2, nơi sinh sống của khoảng 20 triệu người Kurd), Kurdistan Iran hoặc Đông Kurdistan (180 nghìn km2, nơi sinh sống của 9 triệu người Kurd), Kurdistan Iraq hoặc Nam Kurdistan (75 nghìn km vuông, nơi có hơn 6 triệu người Kurd sinh sống) và Kurdistan Syria, tây Kurdistan (30-35 nghìn km vuông lãnh thổ có thể tiếp cận Biển Địa Trung Hải và với dân số khoảng 2 triệu người Kurd).
Người Kurd đã sống ở lãnh thổ này được 3 nghìn năm. Một số nhà nghiên cứu coi người Kurd là dân tộc có liên quan đến người Medes. Nhờ điều kiện tự nhiên và truyền thống yêu tự do mạnh mẽ, người Kurd đã duy trì được nền độc lập thực sự, khéo léo vận động giữa các đế quốc mong muốn biến Kurdistan thành chiến trường của những cuộc chiến bất tận (Hy Lạp và Ba Tư, La Mã và Vương quốc Parthia, Byzantium và Caliphate Ả Rập, Ottoman Đế quốc và Iran). Một số hình thức giống như một nhà nước độc lập của người Kurd xuất hiện dưới thời vị chỉ huy vĩ đại Saladin, một người Kurd đến từ thành phố Erbil ở Iraq (theo một phiên bản khác, Saladin, giống như Saddam Hussein, sinh ra ở Tikrit). Ông đã thành lập nhà nước Ayubit vào thế kỷ 12, kế thừa là các nhà nước Shedadids và Khasanavands. Sau trận Chaldiran năm 1514, Kurdistan bị chia cắt giữa Ba Tư và Đế chế Ottoman. Do việc sáp nhập Transcaucasia vào Nga, một phần nhỏ người Kurd cũng đã sống trên lãnh thổ của nước này.
Dân tộc Kurd không hề đồng nhất, đặc biệt là về ngôn ngữ. Đại đa số người Kurd - 75% - theo đạo Hồi Sunni, một phần đáng kể khác là người Hồi giáo Shiite và Alawite, ngoài ra còn có những người theo đạo Thiên chúa. Một số lượng tương đối nhỏ người Kurd theo tôn giáo tiền Hồi giáo của người Kurd, gọi là Đạo Yezid. Tuy nhiên, bất kể tôn giáo nào, người Kurd đều coi Hỏa giáo (Zoroastrianism) là tôn giáo “nguyên thủy” của họ. Thực tế có hai ngôn ngữ Kurd độc lập. Một ngôn ngữ là Sorani, ngôn ngữ kia là Kurmanji. Ở ngôn ngữ Sorani không có giới tính, đực và cái. Nhưng ở Kurmanji, họ gần như không thể biết được cách chia từ.

*Nổi dậy giành độc lập

Nhìn chung, đã có 58 cuộc nổi dậy của người Kurd trong 200 năm qua. Cuộc đấu tranh của người Kurd, nơi có vùng đất dân tộc bị chia cắt giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran và Syria, nhằm thành lập một nhà nước độc lập Kurdistan đã diễn ra hơn một trăm năm.
Các cuộc nổi dậy của người Kurd chống lại sự áp bức của các Sultan Thổ Nhĩ Kỳ và các vua Iran đã diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng và suy yếu sâu sắc của Đế chế Ottoman và Iran. Từ đầu thế kỷ 19, Kurdistan liên tục bị rung chuyển bởi các cuộc nổi dậy mạnh mẽ. Vào nửa đầu thế kỷ 19, chiến trường chính của phong trào nổi dậy người Kurd là Nam và Tây Kurdistan (các khu vực lịch sử tên là Bahdinan, Soran, Jazira, Hakyari). Nó đã bị đàn áp dã man.
Cho đến giữa thế kỷ 19, người Kurd vẫn duy trì vị thế bán độc lập. Tới nửa sau thế kỷ 19, đặc biệt là 25 năm cuối cùng, là thời kỳ khủng hoảng hệ thống sâu sắc ở Đế chế Ottoman và Iran. Điều này dẫn đến sự gia tăng đáng kể cả áp bức kinh tế - xã hội và áp bức quân sự đối với các “thuộc địa nội bộ”, chẳng hạn như Kurdistan, nhằm tăng nguồn thu cho ngân khố và ngăn chặn xu hướng ly khai đang nổi lên một cách mạnh mẽ của các dân tộc ở ngoại vi Đế chế
Năm 1854–1855, gần như toàn bộ miền Bắc và miền Tây Kurdistan bị nhấn chìm trong cuộc nổi dậy của thủ lĩnh Ezdanshir.
Năm 1879-1882, tại Đế chế Ottoman, một loạt các cuộc nổi dậy lớn của người Kurd đã diễn ra, đỉnh điểm là cuộc nổi dậy của Sheikh Obaidullah, một chủ đất có lãnh thổ rộng lớn nằm ở trung tâm vùng đất của người Kurd, trong vùng liên hồ Van-Urmi. Cuộc nổi dậy này (1880), ban đầu được chính quyền Istanbul [Đế chế Ottoman] hỗ trợ nhằm chống lại Ba Tư, được thành lập để đối phó với sự hỗ trợ kỹ thuật-quân sự tích cực cho Ba Tư từ Anh và Nga, cũng đồng thời là kết quả của sự bùng nổ sự thù địch quốc gia và tôn giáo giữa người Kurd, người Azerbaijan và người Turkmen trên lãnh thổ Iran. Sau đó vì lo sợ những rắc rối về ngoại giao, Sultan Ottoman buộc Sheikh Obaidullah phải ngăn chặn cuộc nổi dậy.
Các cường quốc châu Âu, Nga và Anh đã cố gắng tận dụng sự nổi lên của phong trào người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, và từ cuối thế kỷ này cũng có thêm Đức, những nước này đã tìm cách thiết lập ảnh hưởng chính trị và kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Vào cuối thế kỷ 19- đầu 20. Những mầm mống đầu tiên của chủ nghĩa dân tộc người Kurd xuất hiện như một hệ tư tưởng mới: báo chí tiếng Kurd và sự khởi đầu của các tổ chức chính trị của người Kurd đã trở thành người lan truyền chủ nghĩa dân tộc.
Một số cuộc nổi dậy lớn của người Kurd đã được ghi nhận ở Thổ Nhĩ Kỳ trong Cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ Trẻ 1908–1909, trong Cách mạng Iran 1905–1911 và trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Tất cả chúng đều thất bại

*Sự phân chia Kurdistan

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, các cường quốc Entente đã phân chia lại tài sản châu Á của Đế chế Ottoman, một phần của Liên minh Trung Tâm bị đánh bại, bao gồm cả phần Kurdistan thuộc về nó. Phần phía nam của nó (tỉnh Mosul) đã được sáp nhập vào Iraq - lúc này Iraq trở thành một phần lãnh thổ ủy trị được Anh thay mặt cho Hội Quốc Liên quản lý, và phần phía tây nam (dải dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria) được sáp nhập vào Syria, một lãnh thổ ủy trị của Pháp.
Vào những năm 20 - 30 của thế kỷ XX. Một làn sóng nổi dậy của người Kurd quét qua Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Iran, yêu cầu chính của họ là thống nhất tất cả các vùng đất của người Kurd và thành lập “Quốc gia Kurd độc lập” (các cuộc nổi dậy do Sheikh Said, Ihsan Nuri, Seyed Reza lãnh đạo - ở Thổ Nhĩ Kỳ, Mahmoud Barzanji, Ahmed Barzani, Khalil Khoshavi - ở Iraq, Ismail Simko, Salah al-Dole, Jafar Sultan - ở Iran).
Tất cả những cuộc nổi dậy rải rác và thiếu chuẩn bị này đều bị đánh bại bởi lực lượng vượt trội của chính quyền địa phương (tại Iraq và Syria ủy trị, được Anh và Pháp hỗ trợ). Chủ nghĩa dân tộc non trẻ của người Kurd quá yếu cả về quân sự lẫn tổ chức-chính trị để chống lại đối thủ.

*Sự xuất hiện của phong trào đấu tranh người Kurd hiện đại

*Khủng hoảng Iran 1946
Vào tháng 8 năm 1942, các đơn vị Hồng quân Liên Xô chiếm đóng miền Bắc Iran, bao gồm cả lãnh thổ phía đông Kurdistan. Báo chí Đức không quên tuyên bố rằng Stalin muốn thành lập một nước cộng hòa người Kurd trên lãnh thổ Iran do Hồng quân chiếm đóng.
Bằng cách này hay cách khác, vào năm 1943, một cuộc nổi dậy khác của người Kurd bắt đầu ở Iraq dưới sự lãnh đạo của Mustafa Barzani. Xét lại rằng vào năm 1927-1928, tình báo Liên Xô đã tổ chức được một cuộc nổi dậy của người Kurd ở Iraq, và vào giữa những năm 1940 đã có biên giới kết nối giữa khu vực Liên Xô chiếm đóng ở Iran và Kurdistan ở Iraq. Rất có thể sự hỗ trợ và thậm chí chỉ đạo tổ chức cuộc nổi dậy của Mátxcơva đã đến trong điều kiện như vậy.
Bắt đầu cuộc nổi dậy vào mùa xuân năm 1943, đến đầu năm 1944 quân người Kurd đã kiểm soát phần lớn miền Nam Kurdistan. Các cuộc đàm phán đã bắt đầu giữa phe nổi dậy và chính quyền Iraq, nhưng sau khi kéo dài một năm rưỡi, họ không đạt được kết quả gì.
Vào tháng 8 năm 1945, trước đó đã ký kết liên minh với một số đại diện của giới quý tộc trong bộ lạc người Kurd, 25 nghìn binh sĩ Iraq do Tướng Renton người Anh chỉ huy đã tiến hành cuộc tấn công chống lại quân đội của thủ lĩnh người Kurd Mustafa Barzani. Hơn 30 máy bay hỗ trợ những kẻ tấn công từ trên không. Đến giữa tháng 9 năm 1945, quân khởi nghĩa bị đánh bại, nhiều thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa bị xử tử. Các phân đội riêng biệt của người Kurd rút về Iran, vào khu vực chiếm đóng của Liên Xô. Trong khi đó, ở Đông Kurdestan (vùng Kurd ở Iran), cụ thể là ở khu vực trung lập ở vùng Mehabad, vào mùa đông năm 1945, Đảng Dân chủ người Kurd ở Iran (DPIK) đã nổi lên. Đảng do thị trưởng Kazi Mohammed đứng đầu. Vào ngày 24 tháng 1 năm 1946, lãnh đạo người Kurd tuyên bố thành lập "Cộng hòa Mehabad tự trị". Lực lượng Vệ binh Quốc gia người Kurd được thành lập, đứng đầu là Mustafa Barzani. Ở Iraq Đảng Dân chủ người Kurd (KDP) cũng nổi lên vào tháng 3 năm 1946.
Từ giữa tháng 4 năm 1945, Kazi Muhammad đã đến Tabriz, thủ đô của Cộng hòa tự trị Azerbaijan (tuyên bố độc lập ngày 12 tháng 12 năm 1945) [Cộng hòa tự trị Azerbaijan là vùng người Azerbaijan ly khai trên lãnh thổ Iran do Liên Xô xúi giục, giống như Cộng hòa Mehabad của người Kurd] ký kết một thỏa thuận hợp tác. Hai vùng ngoại vi quốc gia, theo kế hoạch của Moscow, sẽ tự giải phóng khỏi quyền lực của Shah Iran thông qua những nỗ lực chung. Đỉnh cao của những nỗ lực ly khai này là lời tuyên bố vào ngày 29 tháng 4 năm 1946 về một nước Cộng hòa người Kurd độc lập với thủ đô là Mehabad. Mustafa Barzani trở thành tổng thống.
Tehran đã nỗ lực rất nhiều để khôi phục ảnh hưởng của mình trong biên giới nhà nước. Shah Mohammad Reza Pahlavi đã phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với yêu cầu tổ chức các cuộc đàm phán song phương giữa Liên Xô và Iran. Trong các cuộc đàm phán này, phía Liên Xô nhất quyết kéo dài thời gian chiếm đóng của quân đội Liên Xô ở miền Bắc Iran trong thời gian không xác định, cũng như nắm quyền kiểm soát trong hoạt động khai thác dầu chung được cho là sẽ được tạo ra giữa Liên Xô và Iran. Cuộc đàm phán đổ vỡ.
Vào ngày 21 tháng 3 năm 1946, Tổng thống Hoa Kỳ Truman tuyên bố ý định gửi các đơn vị thủy quân lục chiến đến Iran và ba ngày sau, Liên Xô tuyên bố rút quân trong vòng sáu tuần.
Vào tháng 4 năm 1946, lực lượng vũ trang của nước tự trị Azerbaijan phát động cuộc tấn công chống lại Tehran nhưng không thành công. Vào nửa đầu tháng 5, một đội quân 60.000 quân Liên Xô đã được rút khỏi Iran.
Sau khi đẩy lùi sự can thiệp của Liên Xô, Shah bắt đầu hành động quyết đoán nhằm khôi phục quyền lực của mình trên khắp Iran. Vào tháng 11-tháng 12 năm 1946, quân đội của Shah phát động một cuộc tấn công vào các nước cộng hòa người Kurd và Azerbaijan tự trị. Chính phủ Tabriz [Tabriz là thủ đô của người Azerbaijan ở Iran] nhanh chóng sụp đổ, nhưng cuộc kháng chiến của quân người Kurd tiếp tục cho đến giữa năm 1947, bất chấp sự đào tẩu của một bộ phận quý tộc bộ lạc sang phe của Shah.
*Con đường đấu tranh của Mustafa Barzani
Mustafa Barzani - thủ lĩnh đấu tranh giành độc lập của người Kurd
Mustafa Barzani - thủ lĩnh đấu tranh giành độc lập của người Kurd
Ngày 18 tháng 5 năm 1947, tại Vùng Lankaran (Cộng hòa XHCN Xô Viết Azerbaijan) thuộc Liên Xô, một đội quân gồm 500 người Kurd dưới sự chỉ huy của M. Barzani, chống lại quân Iran, vượt qua biên giới Iran-Liên Xô và bị bắt giữ, tước vũ khí. Barzani nói rằng trong 15 năm, ông đã tiến hành một cuộc đấu tranh vũ trang chống lại người Anh và chính quyền bù nhìn Iraq của họ. Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Azerbaijan là M. Bagirov đề xuất giúp đỡ Barzani, bố trí một biệt đội du kích của họ trên sông Absheron, tổ chức cung cấp lương thực, vật tư và huấn luyện cho quân đội của người Kurd.
Vào thời điểm đó, Moscow quyết định không làm trầm trọng thêm vấn đề người Kurd: vào mùa hè năm 1944, người Kurd ở Liên Xô đã được tái định cư ở Trung Á. Năm 1948, biệt đội của M. Barzani được gửi đến Uzbekistan và vào mùa đông năm 1949, đội này đã bị giải tán hoàn toàn.
Đầu những năm 1950, Moscow lại quan tâm đến người Kurd. Năm 1952, một biệt đội người Kurd (1,5 nghìn người) được thành lập với mục tiêu lật đổ chính quyền của N.Said ở Iraq [Nuri al-Said là Thủ tướng Iraq, Iraq lúc này là 1 nước Quân chủ nhưng thực tế Thủ tướng nắm thực quyền]. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh thế giới, Liên Xô hy vọng người Kurd có nhiệm vụ vô hiệu hóa các đường ống dẫn dầu ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran và Syria. Biệt đội vẫn do M.Barzani chỉ huy.
Năm 1958, Mustafa Barzani trở lại Nam Kurdistan và lãnh đạo một cuộc nổi dậy mới. Ngày 14 tháng 7 năm 1958, Chuẩn tướng A. Kassem tiến hành đảo chính [tác giả Nga không nói, nhưng đây là mốc Iraq trở thành 1 nước Cộng sản]. Vua Faisal II, cũng như người thừa kế của ông và Thủ tướng Nuri al-Said, đều bị giết. Người Kurd được M.Barzani huấn luyện ở Liên Xô đã tích cực tham gia vào việc lật đổ chế độ Nuri Said.
Nhưng Kassem đã không đáp ứng được hy vọng của người Kurd và nhiều người khác đã ủng hộ ông trong cuộc đảo chính. Một năm sau đó, vào ngày 14-20 tháng 7 năm 1959, một cuộc nổi dậy hỗn hợp của người Kurd, những người cộng sản, phe phái Hồi giáo và quân đội bắt đầu ở vùng Kirkuk;. bị quân chính phủ đàn áp với thương vong nặng nề.
Trong hai năm, Barzani chuẩn bị cho một cuộc nổi dậy mới. KDP (Đảng Dân chủ người Kurd) đã củng cố và mở rộng ảnh hưởng của mình đối với người Kurd ở Iraq. Nhờ sự kết hợp giữa các tư tưởng dân chủ xã hội với cơ cấu thị tộc-bộ lạc, KDP đã trở thành lực lượng chính trị hàng đầu ở Nam Kurdistan. Dưới sự lãnh đạo của gia tộc Barzani, phong trào giải phóng của người Kurd ở Iraq trở nên tập trung, có kiểm soát và ít tự phát hơn trước rất nhiều.

*Các giai đoạn đấu tranh ở Nam Kurdistan

*Chiến tranh 1961-1970
[Trong tài liệu phương Tây, giai đoạn này được gọi là Chiến tranh Kurd-Iraq lần 1. Tài liệu Nga không phân biệt như vậy, gọi cả 2 cuộc chiến của người Kurd là "Cuộc nổi dậy Tháng 9"]
Việc chính phủ Iraq từ chối trao quyền tự trị ở khu vực miền núi giáp biên giới với Iraq, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến người Kurd không vâng lời chính quyền trung ương và trên thực tế, bắt đầu một cuộc nội chiến.
Cuộc nổi dậy bắt đầu vào tháng 3 năm 1961. Vào tháng 6 năm 1961, Thủ tướng A. Qassem không tiếp đại diện của các đảng người Kurd, và vào tháng 9 cùng năm, quân đội Iraq được cử đến Kurdistan. Ngày 7 tháng 9 năm 1961, Không quân Iraq ném bom lãnh thổ người Kurd, bắt đầu cuộc đối đầu quân sự giữa lực lượng chính phủ và người Kurd.
Các đơn vị vũ trang của KDP - gọi là các chiến binh "Peshmerga" - chống trả thành công, Mustafa Barzani thậm chí còn tuyên bố thành lập một nhà nước độc lập của người Kurd trên lãnh thổ được giải phóng. Các hoạt động quân sự ở miền bắc Iraq chỉ làm tăng thêm sự bất mãn trong dân chúng, và vào ngày 8 tháng 2 năm 1963, một cuộc đảo chính quân sự đã diễn ra ở nước này, kết quả là Đảng Baath cực hữu (Đảng Phục hưng Xã hội Ả Rập) lên nắm quyền. [Lưu ý rằng Đảng Baath không phải thuần túy là 1 đảng cánh hữu. Đảng Baath là tập hợp nhiều tư tưởng, và thực tế chủ đạo là tư tưởng cánh tả, Xã hội chủ nghĩa. Nhưng cuộc đảo chính năm 1963 ở Iraq lại do phái cực hữu trong Đảng Baath thực hiện]
Đã có một làn sóng bắt giữ các nhà lãnh đạo của các lực lượng thân cộng sản, và do đó thân Liên Xô, trên khắp Iraq. Các cuộc đàm phán giữa người Kurd và đại diện chính phủ Qassem kéo dài từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3 đã không thành công. Kế hoạch "phân cấp chính phủ" được Hội đồng Chỉ huy Cách mạng Quốc gia Iraq thông qua vào giữa tháng 3 chỉ mang lại cho các thống đốc tỉnh một số quyền tự do hơn. Nhưng ngay trong tháng 4, chính phủ mới của Iraq đã ngừng "tán tỉnh" người Kurd và quay sang các đồng minh cũ của họ trong Hiệp ước Baghdad [tức là các nước tư bản phương Tây] để xin lời khuyên về vấn đề phiến quân người Kurd. Vào ngày 10 tháng 6 năm 1963, Hội đồng Chỉ huy Cách mạng Quốc gia tuyên bố miền bắc Iraq là vùng chiến sự, đưa ra tối hậu thư cho những người yêu nước người Kurd phải hạ vũ khí trong vòng 24 giờ. Lãnh thổ của người Kurd bị phong tỏa kinh tế, các thành phố và làng mạc lại bị ném bom.
Trong cuộc chiến chống lại người Kurd, Baghdad trông cậy vào sự giúp đỡ của nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, hai nước đã thành lập một tổ chức mới, CENTO, sau khi Iraq rời khỏi Thỏa thuận. Mặt khác, người Kurd, không chỉ về mặt chính trị, được hỗ trợ bởi Liên Xô và các quốc gia khác thuộc phe xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc đối đầu giữa hai Khối [khối thân phương Tây - ở đây là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, với khối Xã hội chủ nghĩa của Liên Xô], vấn đề người Kurd một lần nữa lại xuất hiện trong tính toán. Chính phủ Iraq đã thất bại trong cuộc chiến này. Lợi dụng tình hình ngày càng tồi tệ trong nước, ngày 18/12/1963, một cuộc đảo chính khác diễn ra dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Abdel Salam Muhammad Aref [Abdel Aref là tướng quân đội, cuộc đảo chính này thực tế tạo ra nền độc tài quân sự phi đảng phái ở Iraq]. Thủ tướng Taher Yahya trở thành người đứng đầu đất nước.
Vào ngày 10 tháng 2 năm 1964, đại diện của chính phủ Iraq và phong trào người Kurd đã ký một thỏa thuận “Về việc chấm dứt chiến tranh ở Kurdistan và giải quyết vấn đề một cách hòa bình”. Tuy nhiên, hiến pháp tạm thời của Iraq ngày 4 tháng 5 năm 1964 đã không đáp ứng được yêu cầu của đại diện phong trào người Kurd và các đảng cánh tả, điều này đã gây ra sự bất bình và sau đó là sự chia rẽ trong hàng ngũ KDP. Nhóm đảng phái riêng lẻ trong KDP của Jalal Talabani đã thành lập Liên minh Yêu nước Kurdistan (PUK) [đây là tiền thân của nhóm PKK người Kurd nổi tiếng tới tận ngày nay]. Thất bại của chiến dịch quân sự mùa xuân ở Iraq năm 1964 đã trở thành một cuộc khủng hoảng chính trị mới cho đất nước. Sự thay đổi chính phủ vào tháng 9 năm 1965 và tổng thống vào tháng 4 năm 1966 đã không làm dịu bớt hoàn cảnh khó khăn của người Kurd. Chỉ có chiến thắng của quân Barzani trước quân đội Iraq gần Rawanduz vào tháng 5 năm 1966 mới thuyết phục được Baghdad thay đổi thái độ đối với phong trào người Kurd.
Ngày 29 tháng 6 năm 1966, các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Thỏa thuận tháng 6 là một bước ngoặt trong cuộc đấu tranh giành quyền lợi của người Kurd. Chính phủ đồng ý công nhận các quyền dân tộc của người Kurd và thực hiện những sửa đổi phù hợp với hiến pháp của đất nước. Do đó, ngôn ngữ của người Kurd được công nhận là ngôn ngữ chính thức ở những khu vực có đa số người Kurd sinh sống, và cuộc bầu cử tiếp theo được cho là sẽ mang lại cho họ số ghế cần thiết trong quốc hội.
Nhưng vào ngày 17 tháng 11 năm 1968, lại có một cuộc đảo chính quân sự khác ở Iraq, Đảng Baath bắt đầu cai trị một mình, loại bỏ các lực lượng chính trị khác khỏi quyền lực. Hội đồng Chỉ huy Cách mạng Iraq đã bầu Tướng Ahmad Hassan al-Bakr làm tổng thống đất nước, người đã sớm tổ chức lại chính phủ và kết nạp đại diện của các đảng cánh tả vào thành phần của mình. Barzani được mời đến Baghdad để đàm phán. Một thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được. Tuy nhiên, quân đội Iraq đã phong tỏa người Kurd và chính phủ Baghdad treo tiền thưởng cho ai lấy được cái đầu của Mustafa Barzani. Baghdad đã hứa với người Kurd chính quyền có một số quyền tự trị, nhưng đổi lại yêu cầu giải trừ vũ khí. Người Kurd không đồng ý với những điều kiện như vậy.
Vào tháng 4 năm 1969, quân đội Iraq phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 14 tháng và xâm chiếm Nam Kurdistan. Cuộc chiến tiếp tục với những chiến dịch khác nhau cho đến giữa mùa hè năm 1969. Baghdad đồng ý với các yêu cầu của người Kurd và các cuộc đàm phán bắt đầu. Vào tháng 10 năm 1969, một đạo luật đã được thông qua về một khu vực hành chính mới và một hệ thống chính quyền địa phương mới, ở một mức độ nhất định đã tính đến những yêu cầu công bằng của người Kurd ở Iraq, và vào ngày 11 tháng 3 năm 1970, khu tự trị Kurdistan được tuyên bố . Trong Tuyên bố, các nhà lãnh đạo KDP đã đồng ý ngừng các hành động quân sự chống lại chính phủ và không can thiệp vào hoạt động của chính quyền trung ương trên lãnh thổ người Kurd ở Iraq. Chính phủ cam kết trao quyền tự trị quốc gia cho người Kurd ở Iraq trong vòng 4 năm. KDP nhận được quyền hoạt động hợp pháp trên toàn quốc. Có vẻ như hòa bình đã đến với miền bắc Iraq, nhưng giới lãnh đạo Iraq đã không thực hiện được những gì họ đã thỏa thuận vào năm 1970: hủy bỏ cam kết tổ chức trưng cầu dân ý trong vòng một năm để xác định ranh giới của "Khu tự trị người Kurd (KAR), tập trung nỗ lực vào việc thay đổi thành phần dân số quốc gia của khu vực này theo hướng có lợi cho người Ả Rập (thanh lọc sắc tộc), "Baath hóa" tổ chức chính quyền và các tổ chức công cộng ở Kurdistan thuộc Iraq.
Ngược lại, lãnh đạo KDP, Mustafa Barzani, không tin tưởng vào những người Đảng Baath, đã không vội giải tán các đơn vị quân đội Peshmerga và giao vũ khí hạng nặng cho chính quyền, đồng thời phản đối việc thực hiện cải cách kinh tế xã hội ở KAR trong cuối thập niên 60 - đầu thập niên 70, có tác động ít nhất đến khuynh hướng chống phong kiến ​​và chống bộ lạc, vì sợ làm suy yếu vị thế của KDP và của chính họ trong cuộc chiến chống lại Baghdad vì quyền lợi quốc gia của người Kurd.
Trong những năm đó người Kurd đã thành lập một số thể chế có thể tồn tại được. Ví dụ, với sự hỗ trợ của Iran và Israel, lực lượng an ninh người Kurd (gọi là Parastin) đã được thành lập. Sau năm 1975, tổ chức này thu hẹp đáng kể phạm vi hoạt động nhưng đến những năm 1990, Parastin bắt đầu hoạt động trở lại.
*Thời kỳ khó khăn: giữa những năm 1970 (Cuộc đối đầu đầu tiên giữa Saddam Hussein - người Kurd) Năm 1974, Iraq thông qua luật “Về việc thực hiện quyền tự trị của người Kurd”, chính xác hơn là vào ngày 11/3/1974, Hội đồng Chỉ huy Cách mạng (RCC) Iraq đã thông qua Luật số 33 “Về việc trao quyền tự trị cho khu vực Kurdistan. ” Theo đó, quyền tự trị được trao cho các thống đốc (tỉnh trưởng) của các tỉnh người Kurd, bên cạnh các đơn vị hành chính-lãnh thổ khác - những quận (kaza) và huyện (nahiya) mà theo điều tra dân số năm 1957, người Kurd chiếm đa số - trên 50% dân số.
Được thành lập theo Đạo Luật số 33, KAR được coi là “một đơn vị hành chính duy nhất có quyền tự chủ trong khuôn khổ thống nhất hành chính và kinh tế của Cộng hòa Iraq”. Luật quy định thành phố Erbil là trung tâm hành chính của KAR. KAR bao gồm các tỉnh Erbil, Sulaymaniyah và Lahuk, được thành lập vào năm 1969. Tổng diện tích lãnh thổ họ chiếm giữ đạt 37,06 nghìn km2 vào năm 1974, tương đương 8,9% lãnh thổ Iraq [trên thực tế người Kurd đòi hỏi 6 tỉnh, ngoài 3 tỉnh trên còn có các tỉnh Ninawa, Diyala và đặc biệt là tỉnh Kirkuk]. Nhưng Barzani vẫn cho rằng nhiều quy định của luật đã xâm phạm quyền lực của KDP ở Nam Kurdestan và phát động cuộc nổi dậy mới vào ngày 14/3 với sự hỗ trợ tích cực của Iran.
Luật được thông qua về quyền tự trị của người Kurd cũng đã gây ra sự chia rẽ trong hàng ngũ phong trào dân tộc của người Kurd và những thành viên Đảng KDP mới, tách khỏi KDP truyền thống, cùng với các lực lượng chính trị người Kurd khác, bắt đầu hợp tác với chính phủ trong việc thành lập chính quyền tự trị của người Kurd. Để phản đối KDP, Liên minh Yêu nước Kurdistan (PUK) được thành lập (ngày 1 tháng 6 năm 1975), do D. Talabani lãnh đạo. [Như vậy về chính thức, PUK tách khỏi KDP và lập đảng riêng là sự kiện xảy ra vào năm 1975. Ở đoạn trên các tác giả Nga có nhắc tới sự kiện này vào năm 1964, có vẻ là đã "vượt rào"]
Đụng độ đã nổ ra giữa lực lượng vũ trang của KDP và PUK. Khoảng 130 nghìn người Kurd không đồng tình với hành động của Barzani đã rời đến Iran. Iran đã mở cửa biên giới cho phiến quân người Kurd rút lui khỏi Iraq dưới áp lực của lực lượng chính phủ. Các trại quân sự đã được thành lập ở Iran để huấn luyện các chiến binh người Kurd. Nhưng cuối cùng, Iran, sau khi ký kết một thỏa thuận có lợi với Baghdad về một vấn đề gây tranh cãi [đây là sự kiện ký kết hiệp ước Iran-Iraq ở thủ đô Algiers của Algeria, đã nhắc trong phần mở đầu "Tiểu sử của Saddam Hussein". Người dịch đã lưu ý rằng thực tế đó là mốc đánh dấu thất bại của người Kurd trong chiến tranh Kurd-Iraq lần 2], đã ngừng hỗ trợ các chiến binh của Barzani. Điều này dẫn đến sự sụp đổ của cuộc nổi dậy vào tháng 3 năm 1975.
Saddam Hussein quyết tận dụng tối đa một số sai lầm của lãnh đạo người Kurd, đã bóp nghẹt quyền tự trị của người Kurd, mọi biểu hiện “ly khai” đều bị đàn áp. Các cuộc trục xuất hàng loạt người Kurd đến miền nam Iraq bắt đầu. Từ 300 đến hơn 350 nghìn người đã bị trục xuất khỏi Khu tự trị Kurdistan ở Iraq trong những năm 1975-1978, 250 ngôi làng của người Kurd bị đốt cháy. Chỉ trong vòng 4 năm, từ 1974 đến 1978, cư dân của 1.220 ngôi làng đã bị đuổi khỏi sáu tỉnh phía bắc Iraq. Một số đã bị xe ủi và xe tăng bắn cháy hoặc san bằng. Một số lượng lớn người Kurd (khoảng 250 nghìn người) đã được đưa từ phía bắc trên xe tải quân sự đến phía nam Iraq, đến biên giới với Ả Rập Saudi dưới chiêu bài trục xuất và bị bắn ở đó. Năm 1971, khoảng 40 nghìn người Kurd theo dòng Shiite (gọi là "faili") cũng đã bị trục xuất khỏi các tỉnh nội địa Iraq (chủ yếu từ Baghdad).
Tuy nhiên, Mustafa Barzani vẫn không ngừng chiến đấu. Ông quay sang nước láng giềng khác của Iraq là Syria để được giúp đỡ. Với sự giúp đỡ tích cực của Damascus (Syria công khai sự giúp đỡ này vào mùa hè năm 1976), vào ngày 1 tháng 5 năm 1976, một cuộc nổi dậy mới bắt đầu ở Kurdistan thuộc Iraq. Hussein đã trấn áp được nó tương đối nhanh chóng - vào cuối tháng. Tốc độ và quy mô việc tái định cư của người Kurd đã tăng lên.
Sau thất bại của cuộc nổi dậy năm 1976 và sự đàn áp ngày càng gia tăng, Mustafa Barzani trốn sang Hoa Kỳ. Sau nửa thế kỷ đấu tranh cho tự do của người Kurd, Mustafa Barzani chết lưu vong ở Washington vào ngày 1 tháng 3 năm 1979.
*Chiến tranh tổng lực: thập niên 1980 (cuộc đối đầu thứ 2 Saddam Hussein-Kurd)
Do cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran, người Kurd ở phía đông, bị đàn áp bởi sự khủng bố của Shah, đã nổi lên. Nhưng hy vọng nhanh chóng giành được quyền tự chủ từ tay những người cai trị mới của Iran đã không thành hiện thực - thay vào đó một cuộc chiến tranh du kích kéo dài đã bắt đầu ở Đông Kurdestan.
Các tranh chấp lãnh thổ và ý thức hệ-tôn giáo ngày càng gia tăng giữa Iraq và Iran đã dẫn đến Chiến tranh Iran-Iraq đẫm máu [tranh chấp lãnh thổ chủ yếu về con sông Shatt al-Arab; về tôn giáo Saddam Hussein là dòng Shia, còn Giáo chủ Iran là dòng Shitte; về ý thức hệ, Iraq là nước Thế tục, cánh Tả còn Iran là nước Hồi giáo, cực hữu]. Người Kurd ở Iran đã có được một đồng minh quý giá là Saddam Hussein. Phản ứng của Tehran không chờ đợi lâu - tiền và vũ khí chảy vào Nam Kurdistan [nghĩa là Iran lại hỗ trợ ngược cho người Kurd ở Iraq, trả đũa việc Iraq hỗ trợ người Kurd ở Iran. Về căn bản người Kurd lại mất đoàn kết trong giai đoạn quan trọng này]. Tình trạng này đã có tác động bất lợi đến quá trình đấu tranh giành độc lập của người Kurd và ngăn cản quân đội người Kurd đoàn kết để chiến đấu chung chống lại các chính phủ kiểm soát nhiều vùng khác nhau của đất nước họ.
Ngay cả trong nội bộ người Kurd ở Iraq cũng không có sự đoàn kết. KDP, do con trai Barzani lãnh đạo [con trai của Mustafa Barzani là Masoud Barzani, lãnh đạo KDP sau cái chết của cha mình], và PUK của Talabani tiếp tục mâu thuẫn với nhau. Các đơn vị người Kurd buộc phải rời khỏi Iran hoặc Thổ Nhĩ Kỳ thường không nhận được sự hỗ trợ từ “người dân địa phương” [tức là người Kurd ở Iraq, những người ủng hộ KDP, trong khi người Kurd ở Iran và Thổ Nhĩ Kỳ thường ủng hộ PUK]. Lợi dụng điều này cũng như tình trạng quân sự hóa trong nước, Saddam Hussein đã thực hiện những biện pháp chưa từng có để trấn áp phong trào giải phóng người Kurd. Từ giữa những năm 1970 đến 1991, theo một số nguồn tin, hơn 700 nghìn người Kurd đã được đưa đến miền nam Iraq, đến sa mạc ở biên giới với Ả Rập Saudi. Hàng nghìn người Kurd sống ở đó trong điều kiện kinh khủng đã thiệt mạng.
Trong khi Saddam có mối quan hệ “căng thẳng” với Iran và Syria, và các phong trào của người Kurd ở những quốc gia này được Baghdad ủng hộ, thì ngược lại một thỏa thuận đã được Iraq ký kết với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1982 về một cuộc chiến chung chống lại người Kurd ở cả 2 nước. Sau đó, Taga Yasin Ramazan, phó thủ tướng thứ nhất của Iraq khi đó, đã đến thăm Ankara trong một chuyến thăm hữu nghị và một thỏa thuận bí mật 4 điểm liên quan đến người Kurd đã được ký kết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq (Thỏa thuận này được công bố vào tháng 10 năm 1983). Quân đội Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ truy đuổi người Kurd có quyền lấn vào lãnh thổ nước láng giềng của họ trong 17 km. Để phối hợp hơn nữa các hành động chống lại người Kurd, một thỏa thuận đã được ký kết giữa thống đốc các tỉnh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq vào năm 1986, theo đó quân đội của cả hai nước được phép tự do xâm chiếm lãnh thổ của nhau nếu họ truy đuổi quân đội người Kurd. Năm 1988, thỏa thuận này đã được xác nhận ở cấp chính phủ.
Những biện pháp khắc nghiệt này vẫn không khiến cho người Kurd đoàn kết hơn - khi Abdullah Ocalan kêu gọi Đảng Công nhân người Kurd (PKK) [PKK là Đảng cực tả, cộng sản của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, về căn bản là một nhánh tương tự như PUK ở Iraq] tham gia đấu tranh vũ trang vào năm 1984, các nhóm người Kurd ở Iraq không những không hỗ trợ người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ mà còn tuyên bố PKK là kẻ thù của họ, và kể từ năm 1991, các cuộc đụng độ đã bắt đầu giữa các đơn vị PKK và KDP/PUK.
Những năm giữa thập niên 1980s được đánh dấu bằng các hoạt động tấn công tích cực của quân đội Iran ở Iraq. Vào ngày 22 tháng 6 năm 1983, quân đội Iran xâm chiếm miền bắc Iraq và bắt đầu tiến công với sự hỗ trợ của quân đội người Kurd. Vào tháng 10 cùng năm, Iran đã mở rộng thành công của mình bằng cách chiếm được 400 km2 lãnh thổ ở khu vực Panjwin ở miền bắc Iraq. Sau đó các hoạt động quân sự chính chuyển sang mặt trận phía Nam. Vào tháng 3 năm 1987, Iran phát động một cuộc tấn công vào khu vực người Kurd ở Iraq và với sự hỗ trợ của người Kurd, đã tiến hành một cuộc tấn công vào Sulaymaniyah, nhưng bị chặn lại ở ngoại ô thành phố. Chỉ đến tháng 5 năm 1988, quân đội Iraq mới đánh đuổi được người Iran ở phía bắc đất nước.
Trong nỗ lực đánh bại điểm nóng của chủ nghĩa ly khai ở miền bắc Iraq, nơi đặt ra những vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là kết hợp với cuộc xâm lược từ bên ngoài, Saddam đã gửi lực lượng khổng lồ đến Kurdistan. Kể từ năm 1985, áp lực lên người Kurd đặc biệt gia tăng. Nhưng chiến thắng cuối cùng của Iraq không thể đạt được. Cũng trong năm 1985, Liên minh Yêu nước Kurdistan (PUK) từ bỏ chính sách nhiều năm ủng hộ Baghdad và lực lượng vũ trang của Jalal Talabani quay vũ khí chống lại quân đội chính quy của Iraq. [Như vậy từ giai đoạn 1975 tới 1985, các tác giả Nga cho rằng KDP chống lại Iraq còn PUK hòa hoãn với Iraq. Điều này ngược với giai đoạn trước đó, khi KDP chấp nhận hòa ước với Iraq còn PUK phản đối. Cũng ngược cả với nội chiến Kurd 1994-1997 sau này, khi Iraq của Saddam Hussein hỗ trợ KDP chống lại PUK]
Khi gần ký kết thỏa thuận ngừng bắn với Iran vào mùa hè năm 1988, Saddam Hussein quyết định đánh bại kẻ thù nội bộ. Vào tháng 4 năm 1987, vũ khí hóa học lần đầu tiên được sử dụng để chống lại người Kurd. Vào ngày 16 tháng 3 năm 1988, máy bay Iraq thả bom hóa học xuống thị trấn Halabaja của người Kurd. Kết quả là từ 5 đến 7 nghìn người chết, hơn 20 nghìn người bị thương và bị nhiễm độc. Từ tháng 4 năm 1987 đến tháng 8 năm 1988, Iraq đã sử dụng vũ khí hóa học hơn 40 lần (tổng cộng hơn 60 lần). 282 khu định cư người Kurd bị ảnh hưởng bởi những loại vũ khí này. Trong cuộc tấn công mạnh mẽ vào tháng 8 năm 1988, quân đội Iraq đã giết chết 5 nghìn người Kurd. Khoảng 100 nghìn người Kurd đã đổ xô đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã mở cửa biên giới cho người tị nạn nhưng không thể cung cấp thức ăn và nơi ở cho họ. Nhiều người chạy trốn nạn đói ở Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa đông năm 1988/1989 đã trở về Iraq, nơi nhiều người bị quân đội Iraq giết chết.
Một ví dụ về “giải pháp” cho vấn đề người Kurd ở Iraq trong những năm này là thành phố Qalat Diza, một trung tâm kinh tế lớn với dân số 70 nghìn người ở tỉnh Sulaymaniyah, cách biên giới Iran 20 km. Sau khi chiến tranh với Iran kết thúc, vào tháng 6 năm 1989, quân đội chính phủ Iraq đã trục xuất người dân khỏi thành phố, cho nổ tung tất cả các ngôi nhà bằng thuốc nổ và san bằng mặt đất bằng máy ủi, chỉ để lại ba cây cô đơn trên vùng đất Qalat Diza.
Vào đầu thập niên cuối thế kỷ, Saddam Hussein tưởng chừng đã làm chủ được người Kurd nhưng ngay khi Baghdad bộc lộ sự yếu kém thì ngọn lửa đấu tranh lại bùng lên.
*Người Kurd độc lập: thập niên 1990 (cuộc đối đầu thứ 3 Saddam Hussein - người Kurd)
Khi bắt đầu cuộc phiêu lưu ở Kuwait, vào mùa đông năm 1991, Saddam Hussein đã phải chịu một thất bại quân sự tàn khốc mà lịch sử chưa từng biết đến. Trước sự sụp đổ của nhà độc tài đẫm máu ở Baghdad, 14 trong số 18 tỉnh của Iraq đã nổi dậy vào tháng 3 năm 1991 [đây là sự kiện Intifada thứ Nhất hay Đại Intifada của người Shitte ở Iraq]. Các trung tâm chính của cuộc nổi dậy là tỉnh Basra của người Shitte và Nam Kurdistan. Các đơn vị Peshmerga bắt đầu chiến đấu vào nửa cuối năm 1990. Các đơn vị người Kurd thống nhất thành Mặt trận Quốc gia Người Kurd ở Iraq (NFIK). Đến đầu cuộc nổi dậy tháng 3, người Kurd đã kiểm soát phần lớn miền Nam Kurdistan. Vào đầu tháng 3, người Kurd đã chiếm được Sulaymaniyah và Erbil vào ngày 9 tháng 3. Vào ngày 12 tháng 3, quân Peshmerga đã chiếm đóng khu vực Kirkuk, còn bản thân thành phố Kirkuk cũng bị bao vây và nhanh chóng bị chiếm. Tuy nhiên sau đó Liên minh chống Iraq tỏ ra bị động. Điều này cho phép Saddam dập tắt cuộc nổi dậy: vào ngày 26 tháng 3, máy bay chính phủ ném bom thành phố Kirkuk do phiến quân người Kurd nắm giữ; đến cuối tháng 3, Lực lượng Vệ binh Cộng hòa lại chiếm các thành phố Kirkuk, Erbil và Dahuk, đẩy lùi người Kurd; trở lại biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. “Các cuộc giao tranh giữa các nhóm phiến quân người Kurd và quân đội chính phủ trung thành với Saddam Hussein vẫn tiếp tục diễn ra vào thứ Bảy ở phía bắc thành phố Mosul, cũng như ở vùng ngoại ô Sheikhan, pháo binh của Chính phủ đã pháo kích vào vùng ngoại ô thành phố Dahuk. Vào thứ Bảy, hàng chục nghìn người Kurd đã chạy trốn khỏi Dahuk, lo sợ các cuộc tấn công bằng pháo binh lớn, bất chấp lời kêu gọi của thủ lĩnh của họ Jalal al-Talabani hãy bảo vệ thành phố khỏi lực lượng chính phủ." (Trích báo "Pravda" của Liên Xô ngày 01/04/1991).
Ngày 3 tháng 4 năm 1991, quân của Saddam Hussein chiếm Sulaymaniyah, và ngày hôm sau lệnh “đàn áp cuộc nổi dậy ở miền bắc Iraq” được công bố. Tuy nhiên, trận chiến vẫn tiếp tục tới ngày 11-12 tháng 4. Hơn nửa triệu người Kurd đã đến Thổ Nhĩ Kỳ (theo một số nguồn tin, 2-3 triệu người Kurd đã đến Thổ Nhĩ Kỳ và các khu vực miền núi phía Bắc Iraq). Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, vào cuối tháng 4 năm 1991, có khoảng 1 triệu người tị nạn từ Iraq tới Iran, 416 nghìn người tới Thổ Nhĩ Kỳ. Họ rời bỏ nhà cửa và đến sống ở vùng núi phía bắc Iraq. Có tới 70 phần trăm dân số chạy trốn khỏi khu vực Kirkuk và Erbil. Sau đó, cộng đồng quốc tế cuối cùng đã tỉnh ngộ: vào ngày 5 tháng 4 năm 1991, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi Hussein chấm dứt hành động thù địch chống lại người Kurd, và vào ngày 7 tháng 4, quân đội Mỹ phát động Chiến dịch An ủi, mục đích của nó là để bảo vệ người Kurd. Lính nhảy dù (đơn vị của Anh, Pháp và Mỹ) dần dần chiếm đóng 3 tỉnh của người Kurd ở Iraq. Vào tháng 10 năm 1991, quân đội Iraq đã bỏ rơi (trong khi vẫn tấn công thành phố Sulaymaniyah bằng pháo binh và không kích) vùng Nam Kurdistan: ba tỉnh - Erbil, Sulaymaniyah và Dohuk, với diện tích hơn 40 nghìn km2 và dân số khoảng 3 triệu người, đã gần như độc lập khỏi Baghdad.
Trở lại tháng 4 năm 1991, Mặt trận Quốc gia người Kurd ở Iraq, sau thất bại của cuộc nổi dậy của người Kurd, đã bắt đầu đàm phán (24 tháng 4) với chế độ Iraq. Phái đoàn người Kurd tại cuộc đàm phán do Masoud Barzani dẫn đầu. Các yêu cầu của người Kurd đã bị Baghdad từ chối, nơi họ bắt đầu phong tỏa kinh tế và hành chính đối với người Kurd. Việc phong tỏa kinh tế trong khu vực đã gây ra hậu quả thảm khốc đối với người dân: Khoảng 500 nghìn người Kurd không còn sinh kế. Việc ngừng cung cấp các sản phẩm dầu mỏ đã làm giá chợ đen đối với chúng ở các làng của người Kurd bắt đầu vượt quá giá cả chính thức được thiết lập ở Baghdad tới 70 lần. Sau đó, các nhà lãnh đạo người Kurd bắt đầu theo đuổi chính sách củng cố nền độc lập trên thực tế hiện có.
Vào tháng 8 năm 1991, UNSC [Hội đồng bảo an LHQ] đã cấm máy bay Iraq bay về phía nam quá vĩ tuyến 32° độ Bắc, tuyến đường này đi qua các thành phố Najaf và Diwaniyah, và về phía bắc vĩ tuyến 36° độ Bắc (đường của nó chạy cách Erbil 20 km về phía nam, tức là ngang qua lãnh thổ của Khu tự trị người Kurd - KAR). Lực lượng không quân của các lực lượng đa quốc gia - Hoa Kỳ, Anh và Pháp, có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Saudi, giám sát việc Iraq tuân thủ các quyết định của Hội đồng Bảo an về chế độ của các khu vực an ninh phía bắc và phía nam. (Lãnh thổ khu an ninh phía Bắc không trùng với biên giới KAR). Đồng thời, Saddam Hussein ra lệnh rút quân về phía nam vĩ độ 36 Bắc và rời khỏi biên giới Khu tự trị người Kurd (KAR)
Một kết quả khác của sự kiện năm 1991 là sự phụ thuộc thực sự của các tổ chức chính trị người Kurd vào Hoa Kỳ. Người Kurd nhận được tiền và vũ khí, nhưng đổi lại họ chiến đấu với Đảng Công nhân người Kurd, tức là giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ. Người Mỹ cũng cố gắng thành lập các tổ chức hoàn toàn mới - "Đại hội Toàn quốc Iraq" của người Kurd.
Ngoài ra những người Kurd cũng thành "Mặt trận Người Kurd ở Iraq (IKF)", được thành lập vào năm 1988, đoàn kết lực lượng của tám đảng chính của người Kurd. Jalal Talabani (thủ lĩnh PUK) được bầu làm lãnh đạo Mặt trận. Tuy nhiên hoạt động của Mặt trận thường bị tê liệt vì tất cả các đảng thành viên của Mặt trận đều có quyền phủ quyết.
Cuộc bầu cử vào Hội đồng Quốc gia (Quốc hội) của Kurdistan diễn ra vào ngày 19 tháng 5 năm 1992 và có 972 nghìn người đã tham gia. KDP của Masoud Barzani nhận được 44,5% phiếu bầu, trong khi PUK nhận được 44,3%. Trong 105 ghế, 50 đại biểu được bầu từ DPK và PUK. Số ghế còn lại được phân chia giữa Phong trào Dân chủ Assyria (4 ghế) và Liên minh Cơ đốc giáo (1 ghế). Tại Erbil, được tuyên bố là thủ đô tạm thời của Kurdistan Tự do, phiên họp quốc hội đầu tiên được triệu tập vào tháng 6 năm 1992, tại đó M. Barzani được bầu làm chủ tịch và một đại diện của PUK được bầu làm người đứng đầu chính phủ.
Tại kỳ họp thứ hai, vào tháng 10 năm 1992, quốc hội người Kurd quyết định thành lập một nhà nước liên bang của người Kurd ở miền bắc Iraq, bao gồm ba tỉnh - Erbil, Sulaymaniyah, Dahuk và mong muốn có thêm Kirkuk trong khuôn khổ một "Iraq dân chủ, tự do và thống nhất". Quyết định này đã được xác nhận cùng tháng đó tại đại hội của các đảng đối lập trên toàn quốc Iraq, cũng được tổ chức tại Erbil [như vậy sau năm 1991, các đảng đối lập trong nước Iraq có được sự hoạt động tự do trên lãnh thổ Kurdistan, điều này được Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn]. Nghị quyết của Quốc hội đề xuất nguyên tắc cơ chế liên bang cho Iraq.
Vào đầu năm 1992, Mặt trận người Kurd ở Iraq tuyên bố rằng các cuộc đàm phán với chính phủ Iraq sẽ chỉ được nối lại sau khi Baghdad dỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với khu vực. Các cuộc đàm phán giữa người Kurd và chính quyền ở Baghdad đã đi vào ngõ cụt, chủ yếu là do vấn đề biên giới của người Kurd ở Iraq. Người Kurd tuyên bố lãnh thổ rộng 75 nghìn km2 trong khi Baghdad dự định chỉ nhượng lại cho họ 50 nghìn km2, không bao gồm khu vực sản xuất dầu lớn ở Kirkuk.
Trong những năm 1990, nhiều sự kiện đã xảy ra cho thấy tình hình trong khu vực không làm hài lòng nhiều người. Người Kurd tự do là cái gai đối với Saddam Hussein, người đang tìm cách khôi phục hoàn toàn quyền lực của mình ở miền nam đất nước. Về phần mình, Hoa Kỳ ngày càng bị thuyết phục về sự cần thiết phải loại bỏ nhà độc tài ở Baghdad. Vào cuối tháng 2 năm 1992, quân đội Iraq đã cố gắng xâm nhập vào khu vực người Kurd ở Iraq. Năm 1993, các cuộc không kích của Anh và Mỹ nhằm vào các hệ thống phòng không của Iraq trong vùng kiểm soát bắt đầu. Năm 1994, tổ chức thân Mỹ "Đại hội Dân tộc Iraq" đã mở các chiến dịch quân sự chống lại Saddam Hussein ở vùng Kurdistan thuộc Iraq [Đại hội Dân tộc Iraq gọi tắt là INC, ở đây các tác giả Nga không nhắc kỹ về tổ chức này, đại khái nó là 1 liên minh các đảng đối lập với Saddam Hussein do Mỹ chống lưng, không bao gồm người Kurd nhưng hoạt động trên lãnh thổ Kurdistan]
Tại những khu vực do chế độ Baghdad kiểm soát, nạn diệt chủng người Kurd vẫn tiếp tục. Năm 1997, một trường hợp được ghi nhận về việc trục xuất 600 gia đình người Kurd từ Kirkuk và Khanaqin về phía bắc, vào khu vực do người Kurd kiểm soát.
*Yếu tố can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ
Ngoài ra, lãnh thổ Nam Kurdistan thời kỳ này đã trở thành bàn đạp cho các hoạt động của quân đội người Kurd ở các nước láng giềng, chủ yếu ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đáp lại, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ liên tục xâm chiếm miền bắc Iraq. Vào tháng 12 năm 1992, 20.000 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm chiếm Nam Kurdistan để truy đuổi quân nổi dậy người Kurd. Vào tháng 4 năm 1993, 40 nghìn quân Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc tấn công vào các vị trí của người Kurd ở Iraq, nhưng cuộc tấn công không thành công. Năm 1994, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ ném bom các làng của người Kurd ở Iraq. Vào ngày 20 tháng 3 năm 1995, một cuộc xâm lược mới của Thổ Nhĩ Kỳ: quân đội Thổ Nhĩ Kỳ gồm 35.000 người, được hỗ trợ bởi xe tăng và máy bay, đã vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq dọc theo đoạn đường dài 120 km và tiến vào lãnh thổ nước láng giềng 25 km, truy đuổi khoảng 2.800 tay súng người Kurd. Đại diện phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Quân đội sẽ không rời khỏi lãnh thổ này cho đến khi xử lý xong bọn khủng bố”.
Vào tháng 5 năm 1997, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện một cuộc tấn công khác ở miền Bắc Iraq; vào mùa thu cùng năm, một quân đoàn gồm 30.000 quân Thổ Nhĩ Kỳ, được hỗ trợ bởi không lực và vũ khí hạng nặng, với lý do tấn công các căn cứ quân sự của PKK, lại tự do xâm chiếm lãnh thổ của người Kurd ở Iraq (tháng 9-10 năm 1997). Cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc với việc bắt giữ thủ lĩnh PKK Ocalan vào năm 1999 và sau đó là sự suy giảm trong đấu tranh vũ trang của PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ [như vậy thời kỳ này chứng kiến sự xích lại gần hơn giữa PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ với các tổ chức người Kurd ở Iraq là PUK và KDP, trong khi giai đoạn trước đó PKK xung đột với các tổ chức này].
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đương nhiệm Suleyman Dimerel cũng có hai kế hoạch nhằm thay đổi biên giới với Iraq (1995) và tạo vùng đệm ở Kurdistan thuộc Iraq (1996).
Hiện có từ 1.500 đến 3.000 lính đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ liên tục hoạt động trên lãnh thổ người Kurd ở Iraq, tiến hành trinh sát và các hoạt động quân sự ở địa phương. [Đây là thời điểm viết bài báo, năm 2003]
*Nội chiến Kurd 1994-1997
Cũng trong tháng 5 năm 1994, xung đột giữa KDP (trụ sở chính ở Erbil) và PUK (trụ sở chính ở Sulaymaniyah) bùng lên mạnh mẽ. Vào mùa hè năm 1996, giao tranh giữa họ đạt đến quy mô lớn. Trong cuộc đấu tranh này, Masoud Barzani đã cố gắng sử dụng các đơn vị của chính phủ Iraq: theo lời kêu gọi của ông, vào ngày 9 tháng 9 năm 1996, quân đội Iraq đã chiếm Erbil bằng một cuộc tấn công chớp nhoáng, phá hủy trụ sở của Quốc hội Iraq, một tổ chức của người Kurd do CIA thành lập và tài trợ... Nhân viên CIA trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ. Đáp lại, Mỹ tiến hành tấn công tên lửa vào Iraq và mở rộng vùng cấm bay đối với máy bay Iraq đến vĩ tuyến 33. Pháp không công nhận quyết định này; máy bay của họ chỉ tiếp tục tuần tra đến vĩ tuyến 32. [Những sự kiện này đã được nhắc tới trong bài trước. Các tác giả Nga chép không quá kỹ về sự kiện Nội chiến Kurd 1994-1997 và trận đánh quân Iraq của Saddam Hussein nhảy dù chiếm lại Erbil từ tay quân PUK]
Vào cùng ngày, các đơn vị người Kurd của KDP, do M. Barzani chỉ huy, đã chiếm được thành trì của PUK - thành phố Sulaymaniyah - mà không đổ nhiều máu. Quân của D.Talabani đã trú ẩn ở Iran, làm tăng thêm số lượng người Kurd ở Iran. Ngày 4 tháng 10 năm 1996, dưới áp lực của Mỹ, quân đội Iraq đã rút khỏi lãnh thổ của người Kurd [áp lực này thực ra là việc Mỹ không kích và bắn tên lửa vào Iraq]
Vào tháng 10 năm 1996, các phe phái đối lập của người Kurd đã ký kết một hiệp định đình chiến. Năm 1997, thỏa thuận ngừng bắn này bị phá vỡ. Cho đến ngày 17/9/1998, khi hiệp định hòa bình được ký kết, nhiều trận chiến đẫm máu đã diễn ra.
*Xung đột với các phong trào Hồi giáo
Vào tháng 9 năm 2001, tại vùng Halabaji, lực lượng dân quân PUK đã tiêu diệt lực lượng dân quân Shiite đã kiểm soát khu vực này trong nhiều năm. Được hỗ trợ bởi Tehran, những phong trào Hồi giáo này đã tìm cách xây dựng một xã hội “Hồi giáo thuần túy” và truyền bá ảnh hưởng của họ. Những kẻ cuồng tín cực đoan thậm chí còn chia rẽ Liên minh Phong trào Hồi giáo, bao gồm các đảng Hồi giáo ở Kurdistan.
Vào mùa hè năm 2001, Wahhabis [Wahhabis là tên gọi 1 phong trào Hồi giáo lâu đời bắt nguồn từ Arab Saudi, nổi tiếng là 1 trong những giáo phái Hồi giáo bảo thủ và cực đoan nhất], những người nắm ảnh hưởng nhất trong số những phong trào Hồi giáo, bắt đầu chuẩn bị các đội vũ trang, và vào ngày 23 tháng 9 năm 2001, một nhóm chiến binh đã tấn công làng Hama, bắt 25 thành viên của PUK và chặt đầu họ . Một nhóm gồm 12.000 chiến binh người Kurd của Talabani đã được tung ra để chống lại lực lượng dân quân Hồi giáo với số lượng 600-700 người (họ được trang bị 4 khẩu Grad, 4 khẩu đại bác 106 mm, súng cối, súng bắn tỉa,...). Tàn quân của phiến quân đã rút lui về biên giới với Iran. Thêm 3,5 nghìn chiến binh KDP cũng đã được chuyển đến khu vực Halabaji.
Những phong trào Hồi giáo khác cũng bị đánh bại. Trong hơn một năm, 600 chiến binh (bao gồm 40 người Ả Rập Saudi và Iraq) của nhóm Hồi giáo cực đoan Ansar al-Islam đã chiến đấu với lực lượng "Liên minh Yêu nước Kurdistan" gồm 5.000 người, bắn súng cối vào các vị trí của quân du kích người Kurd, tổ chức các cuộc phục kích và tấn công khủng bố ở các thành phố của người Kurd. Chỉ riêng giữa tháng 12 năm 2002, hơn 100 người đã thiệt mạng trong những trận chiến. Vào khoảng Giáng sinh năm 2002, Sheikh Jafar Mustafa, người đứng đầu lực lượng peshmerga trong khu vực, cho biết Ansar al-Islam đã giết chết 130 chiến binh của mình. Hai mươi dân làng địa phương đã thiệt mạng do hỏa hoạn hoặc do mìn.
Nhìn chung, người Kurd được giải phóng khỏi ách thống trị của Baghdad, nhưng do thiếu một trung tâm chính trị thống nhất nên nền độc lập không mang lại hòa bình cho Nam Kurdistan.
[Tóm lại đoạn này nói về một nhóm Hồi giáo cực đoan của người Kurd tên là Ansar al-Islam. Nhóm này tồn tại ngắn và vai trò không lớn, nhưng vẫn được các tác giả Nga lưu ý chép vào]

*Nam Kurdistan ngày nay

["Ngày nay" được hiểu là thời điểm năm 2003 lúc Mỹ đang tiến hành chiến dịch tấn công Iraq]
Năm 2000, một thỏa thuận ngừng bắn khác được ký kết giữa các bên tham chiến ở Nam Kurdistan. Sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, dưới sự hỗ trợ của Mỹ, KDP và PUK được “chuyển hướng” sang chống Saddam Hussein. Lực lượng Peshmerga của người Kurd có quân số 70-75 nghìn người (trong đó có 15 nghìn người từ PUK và KDP), tuy nhiên, gần như hoàn toàn thiếu vắng thiết bị hạng nặng (chỉ có 1 hoặc 2 xe tăng, số lượng súng phóng lựu rất hạn chế) khiến đội hình của người Kurd chỉ là phụ trợ trong các trận đánh lớn.
Sự sụp đổ của chế độ Hussein mang lại cho người Kurd hy vọng về việc thành lập hợp pháp một nhà nước của người Kurd. Một mục tiêu khác của người Kurd là các thành phố Kirkuk và Mosul, những khu vực có trữ lượng dầu mỏ dồi dào nhất.
Vào tháng 1 năm 2003, ở phía đông vùng Kurdistan, các chuyên gia Mỹ và Kurd đã xây dựng sân bay Harir và Bakraho.
Ngày 19/3/2003, 5 máy bay trực thăng Mỹ hạ cánh xuống sân bay Harir, cách Erbil (miền bắc Iraq) 100 km. Trực thăng Mỹ chở một nhóm khoảng 150 người. Mục tiêu của họ là trinh sát và chuẩn bị cho việc điều động thêm lực lượng liên minh tới khu vực.
Vào ngày 20 tháng 3 năm 2003, một cuộc chiến bắt đầu giữa liên minh chống Iraq và chế độ Saddam Hussein. Một tuần sau, Lữ đoàn 173 của Mỹ đổ bộ vào khu vực người Kurd ở Iraq. Các đơn vị Peshmerga bắt đầu tiến về Kirkuk. Một trận chiến mới giữa Hussein và người Kurd đã bắt đầu.
Máy bay liên minh đã khiến Mosul và Kirkuk hứng chịu các cuộc tấn công bằng tên lửa và bom lớn trong suốt chiến dịch, góp phần vào cuộc tấn công của các đơn vị người Kurd và Mỹ.
Ngày 24/3, các đơn vị của Lữ đoàn dù 173 (Mỹ) đã đổ bộ (6 máy bay) xuống khu vực người Kurd ở Iraq (ở Sulaymaniyah) và cố gắng đánh chiếm Kirkuk nhưng bị đẩy lùi. Người Mỹ bắt đầu chiến đấu với phiến quân Ansar al-Islam. Vào ngày 27 tháng 3, lực lượng của quân Mỹ đã tăng lên 1000 người. Quân Iraq đã tiến hành một cuộc tấn công tên lửa vào lãnh thổ Kurdistan.
Cùng ngày, các đơn vị của Liên minh Yêu nước Kurdistan bắt đầu chiến đấu. Họ chọc thủng tuyến phòng thủ của quân đội Iraq ở phía bắc đất nước gần Chamchamal và bắt đầu phát triển một cuộc tấn công. Ngày 28/3, Peshmerga đã chiếm được các vị trí của nhóm Hồi giáo Ansar al-Islam ở phía đông Sulaymaniyah, chiếm giữ 4 ngôi làng. Ngoài ra, người Kurd đã chiếm giữ các vị trí do người Iraq để lại ở phía bắc Kirkuk, chiếm một số cao điểm và cố gắng phát triển một cuộc tấn công nhằm vào thành phố Chamchamal. Tuy nhiên, khi tiến vào thành phố, Peshmerga bị phản công và rút lui. Giao tranh giữa người Kurd và các nhóm Hồi giáo cực đoan vẫn tiếp tục.
Vào ngày 3 tháng 4, quân đội Mỹ đã có thể đẩy lùi một chút quân đội Iraq ở miền bắc Iraq và giành được chỗ đứng tại các vị trí cách thành phố Mosul khoảng 10 km. Các trận chiến chính diễn ra ở các tỉnh Dahuk, Erbil và Sulaimaniah. Người Kurd ở Iraq đã rời Kalak và đang tiến về Mosul.
Việc bắt đầu trận chiến giành Baghdad đã khiến quân đội Iraq ở phía bắc mất tinh thần: người Kurd đang phát triển một cuộc tấn công.
Vào ngày 8 tháng 4, lực lượng người Kurd tiến vào các khu vực Makhmura và Guar về phía Mosul, Dibis và Altun Kupri trên đường tới Kirkuk.
Vào đêm 9-10 tháng 4, sau đợt ném bom dữ dội của Mỹ, Peshmerga đã chiếm được Makhmur, một thị trấn nhỏ phía tây Kirkuk. Sáng 10/4, quân người Kurd tiến vào thành phố mà không bị cản trở. Sự thất thủ nhanh chóng của Baghdad khiến quân đội Iraq mất tổ chức; họ chỉ đơn giản là bỏ chạy mà không chiến đấu.
Ngày 10 tháng 4, phiến quân người Kurd, với sự hỗ trợ của lực lượng liên minh, đã chiếm được hai khu định cư lớn gần Kirkuk: Makmur và Altun Kupri. Ngoài ra, người Kurd đã chiếm được thành phố Hanekin. Quân đội Iraq hầu như không kháng cự. Cuối cùng vào buổi chiều, người Kurd tiến vào Kirkuk. Ngày vinh quang này của người Kurd kết thúc bằng một tình tiết khác: lực lượng vũ trang người Kurd nắm quyền kiểm soát một thị trấn nhỏ cách Mosul 24 km. Khoảng 200 binh sĩ Iraq đã bị bắt.
Vào ngày 11 tháng 4, người Kurd tiến vào Mosul. Tưởng chừng như người Kurd đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử là giải phóng toàn bộ lãnh thổ người Kurd ở Iraq, nhưng dưới áp lực của Thổ Nhĩ Kỳ, nước được Mỹ hỗ trợ, Peshmerga đã phải bỏ cả Mosul và Kirkuk vào ngày 12-13/4. Ngay trong ngày 14, một cuộc biểu tình ôn hòa ở Mosul đã bị người Mỹ nổ súng vào.
Saddam đã ra đi, nhưng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc......
*******
Tương tự như bài trước, trên đây là phần dịch text thô từ ấn phẩm của các tác giả Nga về cuộc chiến quan trọng đầu tiên của Saddam Hussein - chiến tranh với người Kurd. Người viết sẽ cố gắng liên tục update hình ảnh minh họa và chú thích cần thiết cho bài.
Bài tiếp theo sẽ là về cuộc chiến quan trọng nhất - chiến tranh Iran-Iraq 1980-1988, nhưng được dự báo là sẽ cực kỳ dài và khó dịch, tốn rất nhiều thời gian.