Bão Yagi và những chuyện chưa kể
Nhiều nghi vấn đã nảy sinh từ công tác dự báo, đánh giá và báo cáo bão Yagi của Việt Nam.
Đây là bài viết phân tích và đưa ra quan điểm dựa trên các cơ sở lý thuyết và bằng chứng có sẵn.
Nhắc đến những sự kiện nổi bật nhất trong năm 2024 vừa qua, không thể không kể đến cơn bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc đầu tháng 9. Cơn bão số 3 (Yagi) được đánh giá là cơn bão lịch sử của Việt Nam, với những kỷ lục mà nó đổ xô về cả các yếu tố khí tượng cũng như những thiệt hại mà nó gây ra trên đất nước ta.
Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội Việt Nam tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, bão Yagi và mưa lũ sau bão khiến 323 người chết, 22 người mất tích, 1.978 người bị thương; hơn 280.000 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái; hơn 120.000 ngôi nhà bị ngập; gần 12.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi.[1] Theo tổng hợp từ báo VietNamNet, thiệt hại kinh tế hơn 88.700 tỷ đồng (tương đương 3,65 tỷ USD, bằng 0,62% GDP Việt Nam năm 2023), làm giảm 0,24% GDP Việt Nam năm 2024.[2] Tại Việt Nam, thiệt hại kinh tế do bão Yagi và mưa lũ sau bão là lớn nhất từ trước tới nay do thiên tai gây ra, thiệt hại kinh tế gấp 4 lần so với trung bình thiệt hại do thiên tai 10 năm gần đây, vượt qua tổng số thiệt hại khoảng 60.000 tỷ đồng của năm 2017.[3]
Mặc dù được dự báo từ sớm, cùng với sự đồng lòng của người dân, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và hệ thống chính trị trong công tác chủ động phòng tránh, chống bão đã giảm bớt được phần nào thiệt hại, tuy nhiên công tác dự báo bão với những tác động của nó và những công bố đánh giá về bão số 3 lại nảy sinh nhiều nghi vấn khi có những chênh lệch đáng kể so với những dự báo, báo cáo của các cơ quan khí tượng các nước quốc tế. Với sau đó là vụ việc để lộ hồ sơ báo cáo từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia của Việt Nam (NCHMF) gửi tới Ủy ban Liên Chính phủ về Bão trên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP/WMO Typhoon Committee).
Đây sẽ là một bài viết rất dài, và cũng có thể chứa một số chi tiết khó hiểu, nhưng tóm tắt lại được như sau:
- Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia của Việt Nam (TTDBKTTVQG) đã dự báo và đánh giá về cường độ cực đại của bão Yagi trên biển Đông có xu hướng thấp hơn so với các cơ quan khí tượng quốc tế uy tín trong khu vực.
- TTDBKTTVQG cũng dự báo và đánh giá bão Yagi suy yếu dần trên Vịnh Bắc Bộ trước khi đổ bộ vào Việt Nam với cấp 11 – 12. Dự báo này ngược lại và thấp hơn đáng kể so với các dự báo từ các cơ quan khí tượng khác trong khu vực.
- Trong thời gian bão đổ bộ, TTDBKTTVQG chỉ báo cáo 1 lần về số liệu quan trắc được cấp 14 tại trạm Bãi Cháy khi bão bắt đầu ảnh hưởng mạnh nhất vào bản tin lúc 14h ngày 7/9/2024. Mọi bản tin và báo cáo sau đó vài ngày thì số liệu này đều được loại bỏ. Trong thời gian đó TTDBKTTVQG báo cáo bão Yagi đã đổ bộ với cường độ mạnh nhất cấp 12-13.
- Chỉ đến bản tin và báo cáo ngày 21/9/2024, số liệu của trạm này mới xuất hiện trở lại với đầy đủ chi tiết, trạm Bãi Cháy đo được 45 m/s (cấp 14) vào lúc 13h00 ngày 7/9/2024 và gió giật 62 m/s (cấp 17). TTDBKTTVQG chính thức xác nhận trong bản tin này bão đổ bộ cấp 13-14.
- 2 tháng sau, một báo cáo được cho là do phía TTDBKTTVQG của Việt Nam cung cấp gửi tới Ủy ban Liên Chính phủ về Bão trên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để trình bày trong hội thảo thường niên vào 19-22/11/2024 diễn ra ở Thượng Hải đã bị lộ ra và được một số người biết, thậm chí còn được dẫn nguồn để sử dụng trên Wikipedia. Báo cáo này cho biết trạm Bãi Cháy đo được gió 50 m/s (cấp 15) vào lúc 13h21 ngày 7/9/2024 với gió giật 63 m/s (trên cấp 17), bão đổ bộ cấp 14-15, cao hơn tất cả các báo cáo trước đó. Thậm chí, một bài viết trên Báo Công lý cuối năm 2024 cũng nói về bản báo cáo gốc này nhưng chỉ trong một câu duy nhất.
- Sau khi thông tin này lộ ra tới tai TTDBKTTVQG, ngay sáng hôm sau một báo cáo khác đã được đăng tải lên thay thế, dù vẫn giống y hệt báo cáo cũ (thậm chí giữ nguyên các lỗi sai chính tả và địa danh) và chỉ sửa số liệu trạm Bãi Cháy về lại 45 m/s lúc 13h00 ngày 7/9/2024, gió giật 62 m/s và bão đổ bộ vào Việt Nam cấp 13-14. Báo cáo mới update này được giữ nguyên khi hội thảo của Ủy ban Bão đã qua.
- Khi được hỏi về số liệu 50 m/s lúc 13h21 ở trạm Bãi Cháy trong bản báo cáo cũ, Phó Giám Đốc của TTDBKTTVQG là ông Hoàng Phúc Lâm xác nhận sự tồn tại của con số đó, tuy nhiên cho rằng trạm đó đo sai vì đo ở độ cao không chuẩn và là trạm tự động. Số liệu 45m/s lúc 13h được đo ở trạm quan trắc thủ công. Tuy nhiên quan trắc thủ công chỉ diễn ra 8 lần trên một ngày vào các khung giờ tròn 01h, 04h, 07h, 10h, 13h, 16h, 19h và 22h, khó có thể đánh giá hết sức mạnh của cơn bão. Cũng trong bản báo cáo chính thức trong nước ngày 21/9/2024, nhiều trạm khác được công bố là các trạm tự động nằm ở nhiều độ cao khác nhau, trong đó có trạm Phù Liễn.
- Số liệu của trạm tự động tại Bãi Cháy vẫn được sử dụng trong các báo cáo và đánh giá về cường độ của nhiều cơn bão tác động đến khu vực trong những năm trước đó cho đến trước bão Yagi, nhưng bị loại bỏ khi báo cáo về cường độ của bão Yagi.
- TTDBKTTVQGVN từng có tiền lệ dự báo không chính xác nhưng vẫn báo cáo ở trong nước với cường độ sát dự báo nhất có thể; chỉ công bố số liệu chính xác trong hội thảo quốc tế tại Ủy ban Bão, và đánh giá lại trong nước vào đầu năm tiếp theo, ví dụ như trường hợp bão Mirinae năm 2016.
Bài viết sử dụng các tài liệu tham khảo, có thể thấy danh sách ở cuối bài.
Chênh lệch giữa các dự báo của Việt Nam và thế giới
![Bảng cấp gió Beaufort mở rộng được sử dụng tại Việt Nam theo Quyết định 18/2021/QĐ-TTg quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai[4]](https://images.spiderum.com/sp-images/73aefc40d93011efb2c67768c7daa072.png)
Bảng cấp gió Beaufort mở rộng được sử dụng tại Việt Nam theo Quyết định 18/2021/QĐ-TTg quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai[4]
Công tác dự báo bão số 3 (Yagi) tại Việt Nam trong suốt vòng đời của nó đã có những chênh lệch đáng kể so với các cơ quan khí tượng quốc tế khác trên thế giới và trong khu vực, bao gồm những cơ quan uy tín và hiện đại hạng nhất như JMA (Cục Khí tượng Nhật Bản), JTWC (Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp - Hải quân Mỹ), CMA (Cục Khí tượng Trung Quốc), và HKO (Đài quan sát Hồng Kông).
Trước hết để hiểu sự chênh lệch giữa các cơ quan khí tượng, chúng ta cần hiểu thêm về những phương pháp đo đạc và đánh giá cường độ và phân cấp bão nhiệt đới. Trong đó, tất cả các cơ quan khí tượng thế giới đều đánh giá sức mạnh của một cơn bão dựa trên vận tốc gió bề mặt duy trì mạnh nhất, cùng với đó là vận tốc gió giật trong bão. Sự khác nhau đến từ cách đo đạc vận tốc gió duy trì trong một khoảng thời gian lấy mẫu và phân cấp bão.
![So sánh phương pháp đo gió, phân loại bão của các cơ quan trên thế giới[5]](https://images.spiderum.com/sp-images/0c673510d93111efa490a1197ab19a64.png)
So sánh phương pháp đo gió, phân loại bão của các cơ quan trên thế giới[5]
Với Cục Khí tượng Nhật Bản (JMA) và đài quan sát Hồng Kông (HKO), vận tốc gió duy trì được tính toán trung bình trong 10 phút. JTWC là cơ quan của Mỹ, lấy vận tốc gió duy trì trong 1 phút và sử dụng Thang Saffir–Simpson để phân cấp bão. Trung tâm khí tượng của Trung Quốc (CMA) lấy vận tốc gió duy trì trong 2 phút và đánh giá cường độ của bão theo thang Beaufort.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia của Việt Nam (gọi tắt là NCHMF hoặc TTDBKTTVQG) theo Quyết định 18/2021/QĐ-TTg cũng có thời gian lấy mẫu là 2 phút, giống với Trung Quốc.
Thời gian lấy mẫu khác nhau cũng sẽ thường cho ra những kết quả khác nhau trong cùng một điều kiện khí quyển, thời gian lấy mẫu càng cao thì vận tốc gió duy trì trung bình đạt được càng giảm. Không có một hệ số quy đổi cố định giữa các vận tốc gió duy trì trong 10 phút, 2 phút và 1 phút, nhưng có thể hiểu cơ bản rằng, vận tốc gió duy trì 10 phút << vận tốc gió duy trì 2 phút < vận tốc gió duy trì 1 phút.
"Gió giật" được đề cập trong các báo cáo về cường độ bão là vận tốc gió tức thời, khi so sánh với gió duy trì thì thường cao hơn với các biến động lớn hơn, thường được tính trong khoảng thời gian 1s-2s hoặc 3s. Vận tốc gió giật cực đại thường là những trị số cao nhất mà một cơn gió đạt được.
Như vậy trên lý thuyết, cường độ của bão được đánh giá theo Việt Nam về gió duy trì sẽ gần như tương đương với Trung Quốc, nhỏ hơn của Mỹ và lớn hơn so với con số mà Nhật Bản đưa ra (nếu như cùng tính toán chính xác về cường độ thực tế của bão tại 1 vị trí và thời điểm). Tuy nhiên trên thực tế, công tác dự báo và đánh giá cường độ của bão số 3 trong thời gian bão tồn tại và đi vào Việt Nam lại có sự chênh lệch khác với lý thuyết nêu trên.
Trước hết tại thời điểm bão đạt sức mạnh lớn nhất trên Biển Đông vào ngày 5 và 6 tháng 9/2024 được các cơ quan khí tượng trên thế giới đánh giá như sau:
JMA (Nhật Bản): 105 kt (1 kt = 1 hải lý/giờ) (tương đương 54 m/s, cấp 16 trên thang Beaufort), trị số khí áp 915 hPa[6]
JTWC (Mỹ): 140 kt (tương đương 72m/s, bão Category 5 trên thang Saffir–Simpson), trị số khí áp 916 hPa[7]
CMA (Trung Quốc): 68 m/s (vượt quá cấp 17 theo thang Beaufort), trị số khí áp 905 hPa[8]
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia của Việt Nam cho biết, thời điểm mạnh nhất của bão Yagi trên Biển Đông là cấp siêu bão – cấp 16 giật trên cấp 17. Bản tin phát lúc 14h ngày 6/9/2024 cho biết bão đạt cấp 16, Vmax = 194 km/h (54 m/s), trị số khí áp thấp nhất 915 hPa.[9] (Cần lưu ý rằng trong các bản tin của Việt Nam, khí áp có lúc được biểu diễn theo mb (millibar), nhưng về bản chất 1 mb = 1 hPa, nên hai đơn vị này là như nhau, và toàn bộ bài viết sẽ quy ước sử dụng ký hiệu hPa)
Như vậy ta có thể thấy, so với các cơ quan quốc tế, đánh giá cường độ cực đại của bão Yagi theo phía Việt Nam như sau:
- Gió duy trì 2 phút theo Việt Nam tương đương vận tốc gió duy trì 10 phút theo Nhật Bản (về lý thuyết đáng ra phải lớn hơn), nhỏ hơn so với gió duy trì 10 phút của Hồng Kông (về lý thuyết đáng ra phải lớn hơn rất nhiều).
- Gió duy trì 2 phút theo Việt Nam đánh giá được nhỏ hơn đáng kể so với của Trung Quốc (với cùng thời gian lấy mẫu là 2 phút, về lý thuyết đáng ra phải gần bằng nhau).
- Gió duy trì 2 phút theo Việt Nam đánh giá được nhỏ hơn khá nhiều so với đánh giá của Mỹ (1 phút) (về lý thuyết đáng ra chỉ nhỏ hơn một chút).
Cần thêm 1 chú ý rằng, Hồng Kông và Trung Quốc là các cơ quan đã cho máy bay đi vào tâm bão để đo đạc, quan trắc trực tiếp, vì thế số liệu mà các cơ quan này cung cấp thường được đánh giá cao về độ chính xác với thực tế tại thời điểm tồn tại của cơn bão.

Thời điểm trước và ngay khi bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam (Quảng Ninh – Hải Phòng) theo CMA
Dù có đưa ra các thông số khác nhau về thời điểm cực đại thế nào, cường độ của bão khi đổ bộ vẫn mới là thứ được quan tâm nhất trong vòng đời tồn tại của bão.
Trước khi di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ, bão Yagi đã đổ bộ vào Hải Nam, Trung Quốc. Phía cơ quan khí tượng của Trung Quốc cho biết bão Yagi đổ bộ vào Văn Xương (Hải Nam) với sức gió mạnh nhất là 62 m/s, trị số khí áp 915 hPa[10], suy yếu dần rồi sau đó tiếp tục đổ bộ vào Trạm Giang (Quảng Đông) với sức gió mạnh nhất 58 m/s, trị số khí áp 925 hPa[11] và tiến vào Vịnh Bắc Bộ với sức gió suy yếu xuống 52 m/s và được dự báo tiếp tục suy yếu trên vịnh Bắc Bộ.[12]
Tuy nhiên tới những phiên báo cáo và dự báo tiếp theo, CMA ghi nhận rằng bão Yagi đã mạnh trở lại trên Vịnh Bắc Bộ. Một vài tiếng trước khi bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam, cơ quan này cho biết bão đã mạnh lên 60 m/s.[13]
Trung tâm Khí tượng của Trung Quốc CMA sau đó cho biết bão số Yagi đã đổ bộ vào bờ biển phía Nam tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam vào khoảng 3h30 chiều giờ Bắc Kinh, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm là cấp 17 (58 m/s, cấp siêu bão) với khí áp 925 hPa. Tại thời điểm phát tin, bão đang ở trên địa phận Hải Phòng với sức gió 50 m/s (cấp 15).[14]
Tương tự Trung Quốc, Đài Quan sát Hồng Kông trong cuộc họp tại Ủy ban Liên Chính phủ về Bão trên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng cho rằng bão Yagi đã đổ bộ Việt Nam với cấp siêu bão (cấp 16 trở lên).[15]

Bản đồ đường đi các cơn bão trên Biển Đông theo HKO trong báo cáo gửi lên Ủy ban Bão, trong đó Yagi đổ bộ Việt Nam ở cấp siêu bão (thể hiện bởi đường màu tím tại Quảng Ninh)

Các phiên báo cáo và dự báo của JTWC
Theo đánh giá của JTWC (Mỹ), sau khi đi vào đảo Hải Nam và bán đảo Quỳnh Châu (Trung Quốc) vào chiều ngày 6/9 với sức gió 120kt, bão Yagi đi vào Vịnh Bắc Bộ với sức gió suy yếu xuống 105 kt (54m/s, bão Category 3).[16] Tuy nhiên, bão mạnh trở lại ngay trên Vịnh Bắc Bộ theo phiên báo cáo và dự báo vào rạng sáng 7/9 với sức gió 115kt (59m/s, bão Category 4).[17]
Phía Mỹ dự báo đây sẽ là cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam. JTWC sử dụng từ “historical landfall” – “một cuộc đổ bộ lịch sử” để nói về thời điểm bão Yagi sẽ tấn công Việt Nam:[17]
FORECAST DISCUSSION: TY 12W IS QUICKLY APPROACHING THE COAST OF VIETNAM, WHERE IT IS EXPECTED TO MAKE A HISTORICAL LANDFALL AS ONE OF THE, IF NOT THE MOST, INTENSE TYPHOON ON RECORD TO MAKE A LANDFALL IN THIS REGION OF VIETNAM. THE SYSTEM HAS SLOWED DOWN SLIGHTLY, TO ABOUT 9 KNOTS, AND IS EXPECTED TO MAKE LANDFALL NEAR HAIPHONG, VIETNAM WITHIN THE NEXT SIX HOURS. IN THE REMAINING TIME OVER WATER, THERE REMAINS A POSSIBILITY OF A SLIGHT BIT OF ADDITIONAL INTENSIFICATION, WITH LANDFALL EXPECTED AS A 115-120 KNOT TYPHOON. [...]
Thời điểm bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam vào 06z/7/9 (tức 13h chiều theo giờ Việt Nam), JTWC ghi nhận bão đạt sức gió 110kt (56,6m/s, tương đương cuối Category 3 theo thang Saffir–Simpson).[7]
Với phương pháp đo gió duy trì trung bình 10 phút, phía Nhật Bản thường đưa ra những báo cáo và dự báo về vận tốc gió duy trì cực đại thấp hơn các cơ quan của Trung Quốc và Mỹ. JMA cho biết, bão Yagi đổ bộ vào Hải Nam với sức gió duy trì mạnh nhất 100kt (tương đương cấp 15-16 theo thang Beaufort), trị số khí áp 925hPa. Bão tiến vào Vịnh Bắc Bộ suy yếu xuống còn 85kt (tương đương cấp 14), trị số khí áp 945hPa. (Cần chú ý rằng với một cơn bão nhiệt đới về bản chất là một vùng xoáy khí áp thấp, khí áp trong tâm bão càng thấp thì bão càng có xu hướng mạnh lên và ngược lại). Tuy nhiên, JMA cho biết bão mạnh trở lại trên Vịnh Bắc Bộ, trước khi đổ bộ vào Việt Nam, bão Yagi đã mạnh lên 90kt (tương đương cấp 14-15), trị số khí áp 935hPa và giữ nguyên cường độ này khi đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng.[6]

Ảnh mây vệ tinh và radar của bão Yagi thời điểm trước khi đổ bộ vào Việt Nam
Như vậy, tất cả các cơ quan khí tượng lớn trong khu vực trong các phiên dự báo và báo cáo vào thời điểm ngay trước khi bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đều cho biết bão đã mạnh trở lại trong quá trình di chuyển qua Vịnh Bắc Bộ.
Những nhận định và đánh giá này đều hợp lý và có cơ sở. Dựa trên hình ảnh vệ tinh và radar, chúng ta đều có thể thấy rằng vào thời điểm bão đi qua đảo Hải Nam vào Vịnh Bắc Bộ, bão Yagi đã bị mờ mắt, hoàn lưu bão mỏng lại và phân tán. Nhưng khi tiến sâu vào Vịnh Bắc Bộ, bão đã lộ rõ mắt trở lại, đối lưu phát triển mạnh và hoàn lưu mây trở nên dày hơn. Ngay cả nhiều người bình thường có theo dõi bão lâu năm dù không có chuyên ngành khí tượng cũng có thể đưa ra nhận định rằng bão Yagi đã mạnh trở lại.

Dự báo và báo cáo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Việt Nam từ thời điểm bão trên vịnh Bắc Bộ đến lúc đổ bộ vào Việt Nam
Mặc dù tất cả các cơ quan khí tượng lớn trên thế giới đều dự báo và cho rằng bão Yagi đã mạnh trở lại ngay trên Vịnh Bắc Bộ, trung tâm khí tượng của Việt Nam trong các bản tin chính thức không thấy ghi nhận điều này. Thời điểm bão Yagi mạnh nhất trên Vịnh Bắc Bộ là thời điểm bão rời khỏi đảo Hải Nam. Bão di chuyển về phía đất liền với cường độ suy yếu dần từ cấp 14 xuống cấp 13 và được dự báo sẽ đổ bộ với cường độ mạnh nhất cấp 12, giật cấp 14.
Tin phát lúc 8h ngày 7/9 cho biết bão đang mạnh cấp 14, trị số khí áp 945 hPa, dự báo sẽ đổ bộ đất liền với cường độ mạnh nhất gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14.[18]
Tin phát lúc 11h ngày 7/9 cho biết lúc 10h bão đã suy yếu xuống cấp 13, trị số khí áp 965 hPa, dự báo sẽ đổ bộ đất liền với cường độ mạnh nhất gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14.[19] (nên chú ý rằng đây là thời điểm các cơ quan khí tượng trên thế giới đã cho biết bão đang mạnh lên)
Tin phát lúc 14h ngày 7/9 cho lúc 13h biết bão đang áp sát Hải Phòng – Quảng Ninh với sức gió mạnh nhất cấp 13, trị số khí áp 965 hPa và vẫn được dự báo gió trong đất liền khu vực gần tâm bão đạt cấp 10-12.[20]
Tin phát lúc 17h ngày 7/9 cho biết lúc 16h bão đã nằm trên đất liền địa phận Hải Phòng – Quảng Ninh với sức gió mạnh nhất cấp 12, trị số khí áp 970 hPa.[21]
Không có một dự báo và cảnh báo nào từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết đây sẽ là cơn bão lịch sử đổ bộ vào miền Bắc. Trong cuộc phỏng vấn với Giám đốc trung tâm vào chiều ngày 6/9, ông Mai Văn Khiêm chỉ cho biết bão số 3 YAGI là siêu bão có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm gần đây hoạt động trên Biển Đông, còn khi đổ bộ bão sẽ đạt cấp 11-12 giật cấp 14 (tức là tương đương với một số cơn bão mạnh gần đây đổ bộ vào miền bắc như Sơn Tinh 2012, Mirinae 2016)[22]
Như vậy, mặc dù cùng sử dụng phương pháp đo gió duy trì trung bình 2 phút, dự báo và báo cáo về cường độ bão Yagi trước và trong thời điểm đổ bộ chênh lệch đáng kể với phía Trung Quốc. Đồng thời cũng thấp hơn hẳn so với báo cáo của Mỹ (dùng sức gió 1 phút). Những báo cáo và dự báo này còn thấp hơn cả phía Nhật Bản (cơ quan này đo gió 10 phút).
Cơ quan khí tượng của Việt Nam là cơ quan duy nhất vào thời điểm bão đang chuẩn bị đổ bộ cho rằng bão Yagi liên tục suy yếu dần trên Vịnh Bắc Bộ cũng là cơ quan dự báo, báo cáo bão đổ bộ với cường độ thấp nhất cùng với trị số khí áp cao nhất so với các cơ quan nêu trên – cấp 12.
Các báo cáo, đánh giá về cường độ khi đổ bộ
Trang Facebook chính thức của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng đăng bảng sức gió ghi nhận tại các trạm cập nhật đến 15h30 (7/9) cho biết gió ở trạm Bãi Cháy đạt cấp 14 giật cấp 17.[23]
Còn theo trích xuất từ các trạm Cảng Xi măng Hạ Long và Cảng xăng dầu B12 Hạ Long vào ngày 7/9 trong Hệ thống giám sát khí tượng thủy văn tự động, các trạm này đều đã ghi nhận sức gió cấp 13, giật cấp 16-17.[24]
Như vậy theo những số liệu quan trắc này, bão Yagi đã đổ bộ với cường độ mạnh nhất ít nhất cũng là cấp 13-14, mạnh hơn 2 cấp so với dự báo.
Sau khi công bố số liệu quan trắc tại trạm Bãi Cháy trong bảng tin lúc 14h ngày 7/9 và đăng lại trên Facebook lúc 15h20, số liệu này hoàn toàn bị loại bỏ trong các bản tin tiếp theo về bão số 3 trong ngày 7/9 và cả các báo cáo chính thức về ảnh hưởng của bão số 3 trong nhiều ngày tiếp theo, như bản tin phát lúc 17h[25] hay bản tin phát lúc 20h.[26]
Báo cáo tổng hợp công tác “dự báo phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 (YAGI)” do Tổng cục Khí tượng Thủy văn phát hành ngày 8/9/2024 báo cáo bão số 3 đổ bộ vào khu vực các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng với cường độ cấp 12-13, giật cấp 15 (không có số liệu báo cáo của trạm Bãi Cháy trong báo cáo này). Tổng cục khí tượng thủy văn cũng cho biết “Dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia về cường độ cũng như hướng di chuyển của bão số 3 sát với hướng di chuyển và cường độ thực tế của bão trên Vịnh Bắc Bộ cũng như khi đi vào đất liền, và có sự tương đồng với dự báo của các cơ quan dự quốc tế.”[27] Rõ ràng theo như những phân tích ở trên, Trung tâm đã dự báo khá chênh lệch, chứ không phải tương đồng, với các cơ quan quốc tế.
Trong Bản tin dự báo khí hậu thời hạn tháng trên phạm vi toàn quốc (từ ngày 11/9-10/10/2024) phát ngày 11/9/2024 (4 ngày sau bão Yagi) đánh giá về bão số 3 Yagi, TTDBKTTVQG vẫn cho rằng bão Yagi đã đổ bộ cấp 12-13, và trạm Bãi Cháy vẫn không được nhắc lại trong bản tin này.[28]
Phải đến Bản tin dự báo khí hậu thời hạn tháng trên phạm vi toàn quốc (Từ ngày 21/9-20/10/2024) phát ngày 21/9/2024 (nửa tháng sau bão Yagi), TTDBKTTVQG mới chính thức xác nhận bão Yagi đã đổ bộ cấp 13-14 và lần này trạm Bãi Cháy mới được công bố số liệu cụ thể: 45m/s (cấp 14) lúc 13h00 ngày 7/9, gió giật 62m/s (cấp 17) – Mặc dù số 62m/s không phải cấp 17 mà vượt cấp 17. Trong lần đưa bản tin này cũng lần đầu tiên cung cấp số liệu một trạm nữa quan trắc được sức gió cấp 13, là Chí Linh (Hải Dương) vào lúc 16h25. (Mà Bản tin bão trên đất liền phát vào 17h ngày 7/9/2024 cho rằng lúc 16h bão ở trên đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng với sức gió mạnh nhất gần tâm bão cấp 11-12)[29]
![Gió mạnh nhất quan trắc được do ảnh hưởng của bão số 03 theo bản tin ngày 21/9/2024[29]](https://images.spiderum.com/sp-images/f6390430d94411efb2c67768c7daa072.png)
Gió mạnh nhất quan trắc được do ảnh hưởng của bão số 03 theo bản tin ngày 21/9/2024[29]
Cũng vào ngày 21/9/2024, trong Hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi của chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài viết: "Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát". Theo đó Thủ tướng cho biết:[30]
Bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua và mạnh nhất trên đất liền ở nước ta trong khoảng 70 năm qua, có cường độ rất cao, tốc độ rất lớn, phạm vi rộng, vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17
Trong "Bản tin dự báo khí hậu thời hạn năm trên phạm vi toàn quốc" ban hành ngày 15/1/2025 của TTDBKTTVQG, cường độ bão Yagi một lần nữa được nêu lên, nhưng lần này Yagi lại được cho là đổ bộ với cường độ còn thấp hơn cả các báo cáo trước đó, chỉ còn cấp 10-12, giật cấp 13-15, và trạm Bãi Cháy được cho là cá biệt khi trong báo cáo ghi rằng "riêng trạm Bãi Cháy ở độ cao 34m quan trắc được gió cấp 14, giật cấp 17". Một số trạm khác cấp 13 cũng bị loại bỏ trong bản báo cáo mới nhất.[53] Cường độ này rõ ràng thấp hơn nhiều các báo cáo trước đó, và điều này đặt ra thêm nhiều nghi vấn nữa. Với cấp 10-12, bão Yagi có còn là cơn bão mạnh nhất 30-70 năm qua như đã nói hay không, khi đã có rất nhiều cơn bão cấp 12 từng đổ bộ? Cường độ đổ bộ cấp 10-12 có tương xứng với những thiệt hại kỷ lục mà nó gây ra hay không, khi những cơn bão cấp 12 trở lên từng đổ bộ vào Việt Nam hay riêng miền Bắc cũng không thể nào so sánh được? Phải chăng đã có sự đùn đẩy trách nhiệm ở đâu đó từ vấn đề của dự báo thành vấn đề trong công tác phòng chống bão của người dân và các cấp chính quyền, vì nếu bão Yagi lần này thật sự đổ bộ cấp 10-12 như trong báo cáo của họ mà gây ra thiệt hại kỷ lục như đã thấy (hơn vài lần so với các cơn bão đổ bộ với cường độ tương đương trước đây), chắc hẳn công tác phòng chống, ứng phó bão của các cấp lãnh đạo và người dân phải có vấn đề mới như vậy? Và nếu đúng là có trường hợp đó, ai chịu trách nhiệm?
Những nghi vấn trong việc công bố số liệu gió ghi nhận tại trạm Bãi Cháy trong cuộc họp Ủy ban Liên Chính phủ về Bão trên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Sự khác nhau giữa bản báo cáo gốc và bản báo cáo sửa đổi của TTDBKTTVQG gửi lên Ủy ban Liên Chính phủ về Bão trên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
ESCAP/WMO Typhoon Committee (Ủy ban Liên Chính phủ về Bão trên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương) (viết tắt Ủy ban Bão) là một tổ chức liên chính phủ được thành lập năm 1968 dưới sự bảo trợ của ESCAP (Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc) và WMO (Tổ chức Khí tượng Thế giới), có sứ mệnh là tích hợp và tăng cường các hoạt động khu vực (khí tượng, thủy văn và giảm thiểu rủi ro thiên tai) của các Thành viên trong khuôn khổ quốc tế để giảm thiểu thương vong và giảm thiểu tác động xã hội, kinh tế và môi trường do các thảm họa liên quan đến bão. Ủy ban Bão hiện bao gồm 14 Thành viên từ Châu Á và Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam.
Ủy ban Bão thường có những cuộc họp thường niên vào cuối năm với sự tham gia của các nước thành viên. Hội thảo tích hợp lần thứ 19 diễn ra tại Thượng Hải từ 19–22/11/2024 nhằm tổng kết đánh giá tình hình bão và công tác chống bão trong năm và kế hoạch cho năm tiếp theo, tăng cường sự hợp tác trao đổi giữa các thành viên. Trong cuộc họp này các thành viên thường gửi trước các báo cáo để trình bày trong hội thảo.[31]
Phía thành viên Việt Nam đã gửi báo cáo tới Ủy ban Bão vài ngày trước cuộc họp. Tuy nhiên tài liệu này được đăng công khai trên trang web của Ủy ban Bão.[32] Vào ngày 14/11 (2 tháng sau bão Yagi), trang Wikipedia tiếng Việt về bão Yagi đã dẫn nguồn từ tài liệu này và sửa lại nội dung về cường độ của bão Yagi khi đổ bộ Việt Nam theo báo cáo đó.[33]
Thậm chí, đến ngày 31/12/2024, báo Công lý cũng đăng một bài tổng kết về thời tiết Việt Nam năm 2024, trong đó có một đoạn như sau:[34]
Yagi đổ bộ vào Việt Nam với sức gió vùng gần tâm bão đạt cấp 13-14 giật cấp 16-17, tại Bãi Cháy (Quảng Ninh) ghi nhận sức gió 45m/s cấp 14 giật 62m/s trên cấp 17 (tuy nhiên một báo cáo ban đầu của ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam gửi Hội thảo lần thứ 19 của Ủy ban Bão Châu Á-Thái Bình Dương ESCAP WMO Typhoon Committee cho biết bão đổ bộ với cường độ cấp 14-15 và sức gió tại Bãi Cháy là 50m/s – cấp 15 giật 63m/s – trên cấp 17)
Đây là tờ báo chính thống duy nhất ở Việt Nam có nhắc đến thông tin này, tính đến thời điểm viết bài.
Theo báo cáo được đăng lúc đó, bão Yagi được đánh giá đã đổ bộ Việt Nam với sức gió mạnh nhất cấp 14-15, gió giật trên cấp 17. Và trạm đo được sức gió cấp 15 là Bãi Cháy, cụ thể là 50 m/s vào lúc 13h21 phút ngày 7/9 và gió giật 63 m/s (trên cấp 17). Đây cũng là lần đầu tiên công bố khí áp đo tại Bãi Cháy là 955,2 hPa.[32]
Con số về tốc độ gió cực đại ghi nhận trong báo cáo này cao hơn con số trước đó công bố trong nước: 45 m/s lúc 13h và gió giật 62 m/s. Có nghĩa là vào thời điểm 13:00 đã quan trắc được gió 45m/s và 21 phút sau, quan trắc được gió 50 m/s.
Ngay khi thông tin về việc báo cáo bị lộ ra và sử dụng trên Wikipedia, một số người đã nhắn hỏi Phó Giám đốc TTDBKTTVQG Hoàng Phúc Lâm về bản báo cáo này, và ngay sáng hôm sau - 15/11, một báo cáo khác đã được đăng lên thay thế báo cáo cũ.[35]
Tuy nhiên báo cáo update này chỉ sửa lại nội dung về cường độ bão Yagi và sửa lại thông tin trạm Bãi Cháy về giống báo cáo trước đó trong nước. Những nội dung còn lại hoàn toàn không thay đổi, ngay cả các lỗi sai chính tả, ngữ pháp, cách dùng từ tiếng Anh, và những lỗi sai về địa lý như “Hòn Dáu” ở Hải Phòng và “Mũi Ngọc” ở Quảng Ninh đều bị ghi là thuộc “Tỉnh Đà Nẵng” (?!) cũng không được sửa dù đã được một số thành viên nêu lên. (So sánh [32] và [35]) Báo cáo update này được giữ nguyên sau khi Hội thảo của Ủy ban Bão kết thúc vào ngày 22/11/2024.
Điều đó cho thấy tính chất khẩn cấp của việc chỉnh sửa báo cáo, và đồng thời cũng xác nhận báo cáo này (cả bản cũ và update) đều do Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia biên soạn và gửi đi.

Câu trả lời của Phó giám đốc Hoàng Phúc Lâm về báo cáo sức gió tại trạm Bãi Cháy
“Cộng Đồng Khí Tượng Thủy Văn Việt Nam” là một nhóm Facebook được trực tiếp quản lý bởi Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, theo thông tin của group, admin của group bao gồm: trang Facebook chính thống của TTDBKTTVQG, PGĐ Hoàng Phúc Lâm, ngoài ra còn LP và QN đều là những cá nhân làm việc trong ngành khí tượng thủy văn. Group này có một nhóm chat mà LP và QN quản lý, liên tục cập nhật những tin tức về tình hình thời tiết khí hậu.[36]
Ngay khi thông tin về báo cáo của Trung tâm gửi cho Ủy ban Bão đã được sử dụng trên Wikipedia vào ngày 14/11 được đưa lên nhóm chat, hai admin LP và QN đều nhắn tin trực tiếp hỏi Phó Giám Đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm. Ông Hoàng Phúc Lâm đã trả lời LP cho rằng đó là báo cáo sai.[37] Ông Hoàng Phúc Lâm cũng trả lời QN với nội dung chi tiết hơn, số liệu trạm đó sai vì đo ở độ cao không chuẩn nên mạnh hơn, theo trạm Synop 45 m/s mới chuẩn. Admin QN ngay sau đó đã giải thích thêm với các thành viên trong nhóm chat số liệu 50 m/s là số liệu ở trạm tự động.[38]
Từ đây, chúng ta biết cụ thể hơn. Số liệu 50 m/s là có thật, đo được vào lúc 13h21 bởi máy tự động tại trạm Bãi Cháy. Số liệu 45 m/s được đo lúc 13h00 được đo tại Bãi Cháy là quan trắc Synop (thủ công). Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao tự cho số đó là sai nhưng vẫn viết báo cáo và gửi cho Ủy ban Bão, và chỉ sửa lại khi báo cáo đó đã lộ ra ngoài và có người biết đến? Và nếu là sai thật, tại sao lại lắp đặt trạm không đủ tiêu chuẩn?

Biểu đồ số liệu về sức gió tại trạm Bãi Cháy và trạm Phù Liễn
Trước đó, ngày 5/10/2024, admin LP của group “Cộng Đồng Khí Tượng Thủy Văn Việt Nam” có gửi các hình ảnh về Biểu đồ tốc độ gió tại trạm Bãi Cháy và trạm Phù Liễn vào ngày trước, trong và sau khi bão Yagi đổ bộ cho các thành viên trong group chat.[39] Hình ảnh trên tác giả viết bài đã thêm các đường gióng theo từng giờ và từng m/s để người theo dõi tiện hình dung về thời điểm và tốc độ gió đạt được tại các trạm đó trên biểu đồ.
Dựa vào 2 biểu đồ này chúng ta thấy rằng:
- Với trạm Bãi Cháy: tốc độ gió tối đa thể hiện trên biểu đồ đạt được vào lúc 13h ngày 7/9 là 45m/s, gió giật 62m/s – tương ứng với bản tin báo cáo trong nước ngày 21/9/2024. Tuy nhiên thời điểm sau 13h (lúc 16h và 19h) lại quan trắc được gió giật 63m/s – tương ứng với báo cáo cũ gửi lên Ủy ban Bão.
- Với trạm Phù Liễn: tốc độ gió tối đa thể hiện trên biểu đồ đạt được vào lúc 16h ngày 7/9 là 26m/s, gió giật 50m/s – không tương ứng với bản tin báo cáo trong nước ngày 21/9/2024. Theo bản tin này, tốc độ gió tối đa ghi nhận được tại trạm Phù Liễn vào lúc 15h30 ngày 7/9 là 29m/s, gió giật 50m/s.
Vậy điều gì đã tạo nên sự khác biệt này ở trạm Phù Liễn?
Căn cứ vào Thông tư 70/2015/TT-BTNMT về hoạt động của trạm khí tượng thủy văn tự động[40], Thông tư 18/2022/TT-BTNMT quy định nội dung quan trắc khí tượng thủy văn đối với trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia[41], và Thông tư 14/2022/TT-BTNMT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc khí tượng[42] cung cấp một số thông tin và quy định như:
- Chế độ quan trắc bằng phương tiện đo thủ công đối với các yếu tố khí tượng bề mặt quy định được quan trắc và báo điện SYNOP 08 lần một ngày vào các giờ tròn 01 giờ, 04 giờ, 07 giờ, 10 giờ, 13 giờ, 16 giờ, 19 giờ và 22 giờ. Trường hợp có thời tiết nguy hiểm trạm thực hiện quan trắc 30 phút/lần hoặc 1 giờ/lần theo yêu cầu của Tổng cục Khí tượng Thủy văn.
- Đối với trạm quan trắc bằng phương tiện đo tự động hoặc khi các phương tiện đo thủ công được thay thế bằng thiết bị tự động: chế độ quan trắc liên tục 24/24 giờ, phát tin 10 phút một lần.
Như vậy chúng ta biết rằng trạm Bãi Cháy và trạm Phù Liễn đều là các trạm có sự kết hợp của cả 2 chế độ quan trắc, quan trắc thủ công (báo điện synop) và quan trắc tự động. Các thiết bị đo lắp đặt tại các trạm đều phải đạt tiêu chuẩn sử dụng.
Biểu đồ từ cả 2 trạm Bãi Cháy và Phù Liễn phía trên đều phù hợp với chế độ quan trắc thủ công: 3 lần một ngày vào các giờ tròn 01 giờ, 04 giờ, 07 giờ, 10 giờ, 13 giờ, 16 giờ, 19 giờ và 22 giờ. Riêng tại trạm Phù Liễn từ sau kỳ quan trắc lúc 19h ngày 7/9 không có số liệu quan trắc thủ công cho đến chiều ngày hôm sau, có thể do ảnh hưởng và tác động của cơn bão mà các kỳ quan trắc hoăc báo điện tiếp theo đã không được diễn ra.
Số liệu về tốc độ gió tối đa ghi nhận tại trạm Phù Liễn theo báo cáo ngày 21/9/2024 là 29 m/s lúc 15h30 (ngoài kỳ quan trắc thủ công) hẳn là số liệu được cung cấp từ trạm đo tự động. Ngoài ra cũng từ các thông tư kể trên, chúng ta biết được rằng rất nhiều trạm khác được báo cáo trong bản tin ngày 21/9/2024 cũng là số liệu dựa trên trạm quan trắc tự động (dựa vào giờ mà tốc độ gió đạt được nằm ngoài các kỳ quan trắc).
Trong đó có nhiều trạm được đặt ở độ cao khá cao so với mực nước biển. Như trạm Phù Liễn trên đỉnh núi Đẩu Sơn, cao 116m; Trạm Chí Linh nằm trên đỉnh đồi phường Sao Đỏ; Trạm Mẫu Sơn nằm trên núi Mẫu Sơn ở độ cao 1.180m,… Trạm Bãi Cháy được nằm trên một ngọn đồi thấp gần cầu Bãi Cháy với độ cao không quá 50m. (Cần chú ý rằng tốc độ gió bão được ghi nhận là gió nằm ở độ cao 10-12m trên mặt đất ở khu vực được quan sát – không phải so với mực nước biển, theo Thông tư 25/2012/TT-BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc khí tượng[43]).
Theo những lập luận nêu trên chúng ta thấy rằng, các trạm tự động với nhiều độ cao khác nhau vẫn được sử dụng trong báo cáo chính thức trong nước ngày 21/9/2024, bao gồm cả trạm Phù Liễn.
Duy chỉ có tại Bãi Cháy, số liệu của trạm tự động đã bị loại bỏ vì “đo ở độ cao không chuẩn” và “trạm synop tin cậy hơn”. Có điều với trạm synop, quan trắc 3h một lần, liệu có đánh giá được chính xác về cường độ của bão hay không? Liệu một cơn bão có chọn đúng kỳ quan trắc để thể hiện sức mạnh tối đa của nó hay không?
Số liệu quan trắc thủ công tại Bãi Cháy cũng ghi nhận gió giật 63 m/s lúc 19h khi mà tâm bão đã đi qua khá xa cũng là một dấu hỏi, một nghi vấn về hạn chế trong quan trắc thủ công, phụ thuộc nhiều vào quan trắc viên và điều kiện thời tiết khi quan trắc. Có lẽ đó là lý do nhiều trạm tự động được sử dụng kết hợp, với các ghi nhận sức mạnh tối đa của gió đạt được nằm ngoài kỳ quan trắc.
Ngoài ra theo biểu đồ của trạm Bãi Cháy kể trên ta thấy gió giật 63 m/s trong kỳ quan trắc lúc 16h dù không được nhắc đến trong báo cáo ngày 21/9/2024 nhưng lại khớp với báo cáo cũ gửi lên Ủy ban Bão, vậy liệu con số đo được của trạm tự động có thật sự là không chính xác hay không?
![Một số lần báo cáo từ trạm tự động ở Bãi Cháy được ghi nhận trong các cơn bão trước đó[44][45]](https://images.spiderum.com/sp-images/d1d49300d98211efab85d7f824d8b30f.png)
Một số lần báo cáo từ trạm tự động ở Bãi Cháy được ghi nhận trong các cơn bão trước đó[44][45]
Được biết rằng, từ sau Thông tư 25/2012/TT-BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc khí tượng do Bộ Tài Nguyên và Môi trường ban hành ngày 28/12/2012 đến trước khi bão Yagi đổ bộ vào Quảng Ninh, số liệu của trạm tự động tại Bãi Cháy vẫn luôn được ghi nhận trong các báo cáo chính thức của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia để đánh giá về những cơn bão có ảnh hưởng đến khu vực này.
Điển hình như cơn bão rất mạnh là bão số 1 năm 2016 (Mirinae) hay một cơn bão khác cùng năm là bão số 3 (Dianmu), được đánh giá trong tạp chí “Đặc điểm khí tượng thủy văn năm 2016” do Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn phát hành báo cáo và đánh giá về tình hình khí hậu, thời tiết Việt Nam trong năm 2016. Gió mạnh nhất quan trắc được trong thời gian hoạt động của bão số 1 (2016) tại trạm Bãi Cháy là 14 m/s (cấp 7) vào lúc 15h36 ngày 27/7/2016. Gió mạnh nhất quan trắc được trong thời gian hoạt động của bão số 3 (2016) tại trạm Bãi Cháy là 18 m/s (cấp 8) vào lúc 09h27 ngày 19/8/2016.[44]
Những con số này đều được đo ngoài kỳ quan trắc thủ công nên chúng là những số liệu được lấy từ trạm tự động. Mới đây nhất là những cơn bão vào năm 2022, bão số 1 (Chaba), bão số 3 (Maon) cũng được đánh giá, báo cáo trong tạp chí “Đặc điểm khí tượng thủy văn Việt Nam năm 2022” do Tổng cục Khí tượng thủy văn (được thành lập ngày 4/4/2017 trên cơ sở Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia và mảng khí tượng thủy văn tách ra từ Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) phát hành.[46] (Năm 2023 không có bão đổ bộ vào Việt Nam)
Theo đó, gió mạnh nhất quan trắc được do ảnh hưởng của bão số 1 (2022) tại trạm Bãi Cháy là 15 m/s (cấp 7) vào lúc 15h32 ngày 02/7/2022. Gió mạnh nhất quan trắc được trong thời gian hoạt động của bão số 3 (2022) tại trạm Bãi Cháy là 10 m/s (cấp 5) vào lúc 00h25 ngay 26/8/2022. Cũng như trên, những con số này đều được đo ngoài kỳ quan trắc thủ công và được lấy từ trạm tự động.[46]
Còn với những báo cáo lên Ủy ban Bão, lần gần đây nhất trước phiên hội thảo cuối năm 2024, số liệu của trạm tự động tại Bãi Cháy cũng được trình bày trong phiên hội thảo cuối năm 2019, là 8 m/s (BFS 5) vào lúc 03h16 ngày 03/08/2019 do ảnh hưởng của bão số 3 (Wipha).[45]
Như vậy ta có thể thấy rằng số liệu được lấy từ trạm tự động tại Bãi Cháy vẫn luôn đạt tiêu chuẩn quan trắc và được sử dụng trong các báo cáo, đánh giá về tác động của những cơn bão.
Có phải chăng chỉ đến trước khi bão số 3/2024 (Yagi) đổ bộ, trạm này mới được đưa lên độ cao khác để không còn đạt tiêu chuẩn sử dụng (?), hay là vì những lý do nào khác mà nó không được đưa vào các báo cáo trong nước? (Nên chú ý rằng PGD cho rằng trạm báo sai do nằm ở độ cao không đạt tiêu chuẩn chứ không nói máy bị lỗi hay hỏng.)
Tiền lệ trong việc dự báo, báo cáo không chính xác trong nước

Tiền lệ trong việc dự báo không chính xác, báo cáo thấp đi trong nước và chỉ báo cáo chính xác lên Ủy ban Bão vào cuối năm và đánh giá lại khi đã hết năm
Đó là trường hợp cũa bão số 1 năm 2016 (tên quốc tế Mirinae), đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc vào đêm 27/7 và rạng sáng 28/7/2016. Khi còn ở Vịnh Bắc Bộ, cơn bão được Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo sẽ đổ bộ vào các tỉnh ven biển miền bắc với sức gió cấp 8 - cấp 9.[47]
Nhưng đêm hôm đấy là một đêm dài và kinh hoàng đối với người dân ở khu vực ven biển miền Bắc. “Oanh tạc” trong đêm 27 và rạng sáng ngày 28, cơn bão đã gây ra những thiệt hại lớn cho nhiều tỉnh thành khu vực Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa, trong đó có thủ đô Hà Nội.
Ngay sau đấy, cơn bão đã dấy nên nhiều tranh cãi xung quanh việc dự báo cường độ của bão. EVN cho rằng thiệt hại từ bão số 1 do cơ quan khí tượng dự báo không chính xác[48], Nhiều người dân và chính quyền các cấp lãnh đạo tại khu vực bão đổ bộ cho rằng dự báo báo không chính xác, thực tế bão đã đạt cường độ cấp 10-11 đến cấp 12-13.[49]
Tuy nhiên, trả lời những nghi vấn về dự báo bão Mirinae, tại cuộc họp Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai chiều 28/7/2016, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, khẳng định: "Cơ bản chúng tôi dự báo sát với thực tế, khu vực đổ bộ có sự dịch chuyển nhưng đã được dự báo tương đối sớm". Lý giải về cơn bão Mirinae có cường độ không lớn nhưng gây nhiều thiệt hại, theo ông Cường khi vào gần bờ biển Thái Bình - Ninh Bình bão đi chậm, có thời điểm vài ba giờ hầu như không di chuyển nên gây gió mạnh kéo dài gần như suốt đêm.[49][50]
Trong bản tin cuối cùng về bão số 1 Mirinae, TTDBKTTVQG báo cáo rằng “Do ảnh hưởng của bão số 1, ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình đã có gió mạnh cấp 8-9, vùng ven biển cấp 10, gió giật mạnh cấp 10-13; các nơi khác ở ven biển và đồng bằng Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-10; ở Hà Nội có gió giật mạnh cấp 6-7.”[47]
Trong Tạp chí khí tượng thủy văn số 668 tháng 08/2016, bài “Tóm tắt tình hình khí tượng, khí tượng nông nghiệp, thủy văn tháng 7 năm 2016”, cho rằng sức gió ở vùng ven biển đạt được cấp 10, giật cấp 10-13)[51]
TTDBKTTVQG cho rằng bão đạt cấp 10 khi đổ bộ (cao hơn 1 cấp so với dự báo). Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải con số cuối cùng. Phải đến báo cáo được gửi lên Ủy ban Bão vào cuối năm đó, TTDBKTTVQG mới cho biết:[52]
A peak gust observed at a value of 47 m/s at Ba Lat station (Thai Binh province), 41 m/s at Thai Binh station, 40 m/s at Van Ly station (Nam Dinh province) and Ninh Binh and a value of 38 m/s at Bach Long Vi stations. Minimum sea water level pressure at Van Ly (Nam Dinh) station was 985.8mb at 00.00 locations on July 28th.
Tức là cho biết, gió giật tại một số khu vực bão đổ bộ được ghi nhận từ cấp 13 – cấp 15.
Những con số được báo cáo ở trên phải đến đầu năm sau đó mới xuất hiện trong báo cáo chính thức trong nước qua tạp chí “Đặc điểm khí tượng thủy văn năm 2016” do Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương phát hành. Theo đó thừa nhận “gió mạnh cấp 10-12, giật cấp 13-15 trên vùng ven biển Hải Phòng-Ninh Bình”.[44]
Qua đây, chúng ta thấy có một tiền lệ về phản ứng chung của TTDBKTTVQG khi dự báo không chính xác (thấp hơn) về cường độ đổ bộ và tác động về gió của bão. Đó là đầu tiên sẽ báo cáo đánh giá lại trong nước cao hơn 1 cấp (sát nhất) so với dự báo trong thời gian gần với thời điểm bão đã qua. Sau đó mới dần báo cáo đầy đủ lên Ủy ban Bão rồi mới công bố trong nước vào những thời điểm xa hơn, khi mà sự kinh hoàng của cơn bão đã dần nguôi ngoai.
Kết luận
Từ các diễn biến nêu trên chúng ta thấy rằng:
- Công tác dự báo, đánh giá và báo cáo tác động, ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) ở Việt Nam đang có nhiều vấn đề và nghi vấn.
- Số liệu tại trạm Bãi Cháy còn nhiều khuất tất, chưa minh bạch, rõ ràng, để lộ nhiều nghi vấn trong công tác quan trắc và sử dụng số liệu.
- Dù chưa thể khẳng định những thiệt hại lớn do bão số 3 Yagi gây ra tại Việt Nam có liên quan đến công tác dự báo và đánh giá bão hay không, những nghi vấn này cần được làm sáng tỏ.
Dù gì thì cơn bão số 3 cũng đã đi qua được một thời gian, những thiệt hại do nó gây ra cũng đang dần được khắc phục với sự đồng lòng của người dân cả nước cũng như các cấp chính quyền. Nhưng những số liệu và sức mạnh thật sự của bão Yagi cần được làm sáng tỏ hơn, để chúng ta, những người dân Việt Nam hiểu rõ hơn về tác động của những cơn bão mạnh, những cấp độ đạt đến gần siêu bão hoặc siêu bão (cấp 16 trở lên) mà gần như tất cả chúng ta chưa từng trải qua.
Để nó trở thành những bài học, những kinh nghiệm trong công tác dự báo, đánh giá và đưa ra ứng phó phù hợp với những thiên tai ở nước ta trong tương lai dưới ảnh hưởng và tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên rõ nét, những cơn siêu bão xuất hiện trên biển Đông ngày càng nhiều với tần suất cao và cường độ mạnh. (Năm 2024 là năm đầu tiên ghi nhận 2 cơn siêu bão cấp 16 trở lên xuất hiện và đạt cường độ siêu bão ngay trên biển Đông – bão số 3 Yagi và bão số 5 Krathon).

Bão số 3 (Yagi) (trên) và Bão số 5 (Krathon) (dưới), hai siêu bão trên biển Đông năm 2024
Tài liệu tham khảo
[1] Chính phủ báo cáo Quốc hội: Bão số 3 tàn phá rất lớn, gây thiệt hại hơn 81.700 tỉ đồng, Tuổi Trẻ, 23/10/2024. (link dự phòng)
[2] Bão số 3 Yagi tàn phá mạnh nhất 70 năm qua, gây thiệt hại 88.700 tỷ, VietNamNet, 23/12/2024. (link dự phòng)
[3] Bão Yagi đổ bộ, lần đầu tiên Việt Nam đo được gió giật cấp 17, Dân Trí, 22/10/2024. (link dự phòng)
[4] Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai, Thủ tướng Chính phủ, 22/4/2021. (link dự phòng)
[5] TROPICAL CYCLONE CLASSIFICATION, Ủy ban Liên Chính phủ về Bão trên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. (link dự phòng)
[7] Dữ liệu tốt nhất về đường đi bão Yagi (12W) theo JTWC, Cơ quan quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Hoa Kỳ. (link dự phòng)
[8] 台风“摩羯”气象卫星监测报告, Cục Khí tượng Trung Quốc, 6/9/2024 (bằng tiếng Trung). (link dự phòng)
[9] Tin bão khẩn cấp, cơn bão số 3, cập nhật 14h ngày 6/9/2024, Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng, 6/9/2024. (link dự phòng)
[10] 摩羯”破坏力远超2014年“威马逊” 昨天登陆越南强度迅速减弱 未来5天海南省多云天气为主 部分地区有阵雨, Đài Khí tượng Hải Nam, 8/9/2024 (bằng tiếng Trung). (link dự phòng)
[11] 台风“摩羯”已于9月6日22时20分在广东省徐闻县角尾乡再次登陆, Cục Khí tượng Trung Quốc, 6/9/2024 (bằng tiếng Trung). (link dự phòng)
[12] 超强台风“摩羯”已登陆海南广东 华南云南有强风雨 北方地区多降水 南方地区高温持续, Cục Khí tượng Trung Quốc, 7/9/2024 (bằng tiếng Trung). (link dự phòng)
[13] 超强台风“摩羯”即将登陆越南沿海 7日夜间起海南省风雨天气明显减弱, Cục Khí tượng Trung Quốc, 7/9/2024 (bằng tiếng Trung). (link dự phòng)
[14] 台风“摩羯”已9月7日15时30分前后于越南广宁省南部沿海登陆, Cục Khí tượng Trung Quốc, 7/9/2024 (bằng tiếng Trung). (link dự phòng)
[15] Member Report: Hong Kong, China, Đài Quan sát Hồng Kông (tại Ủy ban Liên Chính phủ về Bão trên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương), 2024. (link dự phòng)
[16] PROGNOSTIC REASONING FOR TYPHOON 12W (YAGI) WARNING NR 022, Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp Hoa Kỳ, 6/9/2024.
[17] PROGNOSTIC REASONING FOR TYPHOON 12W (YAGI) WARNING NR 023, Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp Hoa Kỳ, 7/9/2024.
[18] Tin bão khẩn cấp, cơn bão số 3, cập nhật 8h ngày 7/9/2024, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (thông qua Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng), 7/9/2024. (link dự phòng)
[19] Tin bão khẩn cấp, cơn bão số 3, cập nhật 11h ngày 7/9/2024, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (thông qua Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng), 7/9/2024. (link dự phòng)
[20] Tin bão khẩn cấp, cơn bão số 3, cập nhật 14h ngày 7/9/2024, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (thông qua Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng), 7/9/2024. (link dự phòng)
[21] Tin bão mới nhất: Bão số 3 nằm trọn trên đất liền, Hà Nội tiếp tục có mưa to đến rất to, gió giật mạnh, Lao động thủ đô, 7/9/2024. (link dự phòng)
[22] GĐ Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia: Bão Yagi mạnh nhất 30 năm qua trên Biển Đông, Đại Đoàn kết, 6/9/2024. (link dự phòng)
[23] 🆘❎CẤP ĐỘ GIÓ ĐÃ GHI NHẬN CẤP 14 - GIẬT CẤP 17, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (thông qua Facebook), 7/9/2024. (link dự phòng)
[25] Tin bão trên đất liền (cơn bão số 3) - Bản tin phát hồi 17h00 ngày 07/9/2024, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (thông qua EVN), 7/9/2024. (link dự phòng)
[26] Tin bão trên đất liền (cơn bão số 3) - Bản tin phát hồi 20h00 ngày 07/9/2024, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (thông qua EVN), 7/9/2024. (link dự phòng)
[27] Dự báo phục vụ công tác phòng, chống, khắc phụ hậu quả của cơn bão số 3 (YAGI), Tổng cục Khí tượng thủy văn, 8/9/2024. (link dự phòng)
[28] Bản tin dự báo khí hậu thời hạn tháng trên phạm vi toàn quốc, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, 11/9/2024. (link dự phòng)
[29] Bản tin dự báo khí hậu thời hạn tháng trên phạm vi toàn quốc, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, 21/9/2024. (link dự phòng)
[30] Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 22/9/2024. (link dự phòng)
[31] 19th Integrated Workshop/AP-TCRC Forum, ESCAP/WMO Typhoon Committee. (link dự phòng)
[32] Member Report: Socialist Republic of Viet Nam, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (tại Ủy ban Liên Chính phủ về Bão trên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương), 2024 (báo cáo gốc) (link lưu trữ dự phòng, báo cáo gốc đã bị xóa khỏi trang web gốc của Ủy ban Bão).
[33] Khác biệt giữa bản sửa đổi của “Bão Yagi (2024)”, Wikipedia. (link dự phòng)
[34] Tổng kết 2024: Thời tiết - thủy văn Việt Nam khốc liệt và dị thường, Báo Công lý, 31/12/2024. (link dự phòng)
[35] Member Report: Socialist Republic of Viet Nam, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (tại Ủy ban Liên Chính phủ về Bão trên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương), 2024 (báo cáo sửa đổi). (link dự phòng)
[36] Cộng Đồng Khí Tượng Thủy Văn Việt Nam, Facebook.
[37] Ảnh chụp màn hình (lưu trên Internet Archive, link gốc).
[38] Ảnh chụp màn hình (lưu trên Internet Archive, link gốc).
[39] Biểu đồ gió trạm Bãi Cháy (lưu trên Internet Archive, link gốc), Biểu đồ gió trạm Phù Liễn (lưu trên Internet Archive, link gốc).
[40] Thông tư 70/2015/TT-BTNMT về hoạt động của trạm khí tượng thủy văn tự động, Bộ Tài nguyên và Môi trường, 23/12/2015. (link dự phòng)
[41] Thông tư 18/2022/TT-BTNMT quan trắc khí tượng thủy văn đối với trạm thuộc mạng lưới trạm quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường, 21/11/2022. (link dự phòng)
[42] Thông tư 14/2022/TT-BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc khí tượng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, 27/10/2022. (link dự phòng)
[43] Thông tư 25/2012/TT-BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc khí tượng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, 28/12/2012. (link dự phòng)
[44] Đặc điểm khí tượng thủy văn năm 2016, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương.
[45] Member Report: Socialist Republic of Viet Nam, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (tại Ủy ban Liên Chính phủ về Bão trên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương), 2019. (link dự phòng)
[46] Đặc điểm khí tượng thủy văn Việt Nam năm 2022, Tổng cục Khí tượng thủy văn, 3/2023. (link dự phòng)
[47] Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, Báo Điện tử Chính phủ, 28/7/2016. (link dự phòng)
[48] EVN cho rằng thiệt hại từ bão số 1 do cơ quan khí tượng dự báo không chính xác, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 28/7/2016. (link dự phòng)
[49] Tranh cãi về việc dự báo cấp độ gió của bão Mirinae, VnExpress, 29/7/2016. (link dự phòng)
[50] Bão Mirinae cường độ không mạnh lại gây thiệt hại lớn, VnExpress, 29/7/2016. (link dự phòng)
[51] Tóm tắt tình hình khí tượng, khí tượng nông nghiệp, thủy văn tháng 7 năm 2016 (Tạp chí khí tượng thủy văn số 668 tháng 08/2016), Tổng cục Khí tượng thủy văn, 8/2016. (link dự phòng)
[52] Member Report: Socialist Republic of Viet Nam, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương (tại Ủy ban Liên Chính phủ về Bão trên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương), 2016. (link dự phòng)
[53] Bản tin dự báo khí hậu thời hạn năm trên phạm vi toàn quốc, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, 15/1/2025. (link dự phòng)

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất