Bàn về sáng tạo
Điều khó khăn nhất trong cuộc sống này là duy trì được sự đơn giản, hoàn toàn đơn giản và rõ ràng. Không chỉ là đơn giản trong thói...
Điều khó khăn nhất trong cuộc sống này là duy trì được sự đơn giản, hoàn toàn đơn giản và rõ ràng. Không chỉ là đơn giản trong thói quen sống, trang trí phòng hay nghệ thuật, mà còn là đơn giản trong tâm hồn.
Thế giới của chúng ta tôn thờ sự thành công, đòi hỏi những thứ ngày càng to tát hơn và tốt đẹp hơn. Một nghệ sĩ có càng đông khán giả thì người ấy sẽ càng vĩ đại, những chiếc xe ô tô kiểu mới, máy bay cá nhân và nhiều người giỏi giang hơn bất kỳ thời đại nào trong lịch sử. Sự đơn giản không còn nữa.
Một người thành công không nhất định là một người sáng tạo, người ấy có thể chế tạo rất tài những đồ vật độc đáo để bán cho xã hội. Nhưng một người sáng tạo phải là một con người cách mạng, một người sống một đời sống tự do.
Tự do không phải chỉ hô hào khẩu hiệu bề ngoài, mà phải thực sự tự do cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, thoát khỏi mọi trói buộc của lề thói, không ràng buộc trong tôn giáo, đứng ngoài mọi lý tưởng dân chủ hay không dân chủ, không bị thôi thúc bởi lòng tham trong chính con người họ. Từ đó họ sẽ có không gian để nhìn và cảm nhận khách quan, đó sẽ là một con người cách mạng sáng tạo.
Chúng ta đang hô hào thay đổi, sáng tạo, khởi nghiệp mỗi ngày, ngay cả trong chính diễn đàn này, kêu gọi thay đổi để chấm dứt toàn bộ sự tầm thường của con người, nhưng chỉ là thay đổi của bề mặt, tỉa tót những cành lá còn gốc rễ thì y nguyên. Để vượt khỏi sự tầm thường chúng ta cần nhiều hơn những khẩu hiệu, những phương pháp, những tham vọng của một số cá nhân. Dường như chẳng có bao nhiêu người như vậy, hầu như nhiều người đang hăng hái làm việc trong ảo tưởng, còn đại đa số người tỉnh táo lại quá thận trọng.
Chúng ta không thể sáng tạo nếu trong tâm hồn chúng ta không đơn giản, một đầu óc máy móc trong giáo điều sách vở, hoặc mụ mẫm đi vì rượu và vui thú thì không thể sáng tạo. Để là người đơn giản chúng ta cần có một tinh thần luôn tỉnh thức, tỉnh thức mọi suy nghĩ của chính mình, những tham lam, ghen ghét và đố kỵ trong chính mình, hoặc là tính hay so sánh.
Chúng ta luôn luôn tự so sánh mình với người khác, với người thành công hơn, giàu có hơn, may mắn hơn, để rồi hy vọng mình nên là gì? Nhưng so sánh gây thoái hoá tâm trí, biến dạng tầm nhìn của chúng ta, đáng ra phải có khả năng nhìn rộng hơn và tổng thể thì chúng ta lại thành thiển cận. Tất cả chúng ta đều tự so sánh hoặc bị so sánh như thế, tỉnh thức tất cả những việc này chính là cánh cửa khai mở sự sáng tạo.
So sánh mình với ai khác chỉ gây hận thù và chia rẽ, đó là việc làm gây lãng phí năng lượng khủng khiếp, thế mà chúng ta lại cho rằng so sánh mang lại tiến bộ.
Vậy, thế thì cần phải dừng tất cả những chuyện này lại, tỉnh thức mỗi phút mỗi giây, không chỉ để ý người khác mà còn phải tự canh chừng chính trong tâm trí mình, tìm hiểu sự phức tạp bên trong đó để có thể hiểu chúng ta là ai? Năng lượng là gì? Và chúng ta đang lãng phí năng lượng của chính mình nhiều như thế nào.
Để từ sự hiểu rõ về chính mình, những mong muốn, động lực thúc đẩy ngấm ngầm, tính thiên vị trong mỗi con người chúng ta, với trí tuệ như thế chúng ta sẽ có một tâm hồn đơn giản, biết cách gom góp những năng lượng đang bị tiêu sài phung phí hàng ngày vào game, facebook, youtube, tiktok, web, hay là lê la buôn chuyện hết từ chỗ này đến chỗ khác. Từ bỏ những rối rắm và lãng phí chính là đưa đến sự đơn giản.
Chỉ có một tâm hồn đơn giản mới có thời gian và năng lực để cách mạng và sáng tạo vượt thoát khỏi sự tầm thường mà thôi.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất